Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa quyên
quyên 鵑
dt. tức chim đỗ quyên, có người cho là con tu hú, người cho là con cuốc cuốc, mình dài quãng 15 cm, lông lưng và đuôi màu đen, ức và bụng màu trắng pha các vện xám, chân màu vàng. đc. truyền thuyết rằng vua nước Thục đời Chiến Quốc là Đỗ Vũ, hiệu Vọng Đế. Thục Đế thông dâm với vợ của một bề tôi là Miết Linh. Tức giận, Miết Linh dấy loạn, đem quân đánh phá kinh thành. Thục Đế thất bại, mất ngôi, chạy trốn vào rừng, khổ sở quá rồi chết. Sách Thành đô ký chép hơi khác: vua thục thông dâm với vợ Miết Linh. Biết chuyện, Miết Linh bắt buộc vợ nói khích vua thục nhường ngôi cho Miết Linh, rồi cùng vợ Miết Linh bỏ nước ra đi để sống cho trọn tình chung thuỷ. Thục Đế say mê vợ Miết Linh quá, thà mất ngôi vàng hơn mất người đẹp nên nghe theo. Nhưng Thục Đế mất cả ngai vàng lẫn người đẹp, vì vợ của Miết Linh quay trở lại sống với chồng. Nhớ ngai vàng, nhớ nước, Thục Đế chết hoá thành chim quyên ngày đêm kêu sầu. Đời sau vì thế gọi chim quyên là đỗ quyên hay Đỗ Vũ, hay Vọng Đế đề quyên 望帝啼鵑. Lại có thơ rằng: “Đỗ Vũ từng là vua nước Thục, hoá chim bay đi thành cũ hoang, năm năm lại gào trăng hoa đào, cứ như là đang kể việc mất nước cho gió xuân.” (杜宇曾為蜀帝王,化禽飛去舊城荒,年年來叫桃花月,似向春風訴國亡 Đỗ Vũ tằng vi Thục Đế vương, hoá cầm phi khứ cựu thành hoang, niên niên lai khiếu đào hoa nguyệt, tự hướng xuân phong tố quốc vong). Thư nhạn rạc rời khi gió, tiếng quyên khắc khoải khuở trăng. (Tự thán 98.4).
quyên 涓
dt. dòng nước nhỏ. Khói trầm thuỷ quốc quyên phẳng, Nhạn triện hư không gió thâu. (Ngôn chí 14.5).