Lời bạt

Cảm tưởng về Nguyễn Trãi quốc âm từ điển


Thật là vui mừng và thích thú khi được cầm trên tay bản thảo quyển Nguyễn Trãi quốc âm từ điển của chuyên gia Hán Nôm trẻ Trần Trọng Dương. Cái cảm xúc tương tự, tôi đã có cách đây 37 năm, lúc đang làm thủ thư ở Trường Học sinh Miền Nam số 8 (Tam Đảo, Vĩnh Phú), khi mua được cho cá nhân quyển Từ điển Truyện Kiều (TĐTK - bản in lần đầu tiên) của Đào Duy Anh tại Hiệu sách Nhân dân thị xã Vĩnh Yên. Bây giờ cái cảm xúc đó lại trỗi dậy, mạnh mẽ hơn, nồng nhiệt hơn, sau gần bốn thập kỷ trăn trở và lăn lộn với việc tìm hiểu tiếng Việt, đặc biệt là về mặt từ nguyên học và ngữ tộc học.

Khác với TĐTK, mà mục đích được học giả Đào Duy Anh quy định chỉ là giải nghĩa từ, ngữ, thống kê tần số xuất hiện và liệt kê những câu thơ trong đó từ ngữ hữu quan xuất hiện, NTQÂTĐ có tính chất tổng hợp nhiều mặt hơn. Nhờ đó mà  bạn đọc sẽ có thêm những điều kiện cần thiết để tìm hiểu và thưởng thức Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, một tác phẩm thời trung đại, đẹp và sang, của văn học cổ điển nước nhà mà ngôn ngữ đã cách xa chúng ta đến trên dưới sáu trăm năm.

Sự ra đời của NTQÂTĐ đem đến cho chúng ta một thông điệp đáng vui mừng là trong khi các nhà nghiên cứu Hán - Nôm lão thành lần lượt ra đi, gần đây nhất là GS Nguyễn Tài Cẩn, thì ta đang có một đội ngũ chuyên gia Hán - Nôm trẻ được đào tạo chính quy, đầy năng lực, vững quyết tâm ghé vai gánh vác công cuộc khai thác vốn cổ của dân tộc mà các bậc tiền bối đã bàn giao.

Với quan niệm như trên, tôi xin chân thành chúc tác giả Trần Trọng Dương gặt hái thêm nhiều thành tựu mới trên đường sự nghiệp.

Tháng 7-2011

An Chi