Giới thiệu truyện Kiều - bản điện tử |
Truyện Kiều - tác phẩm được viết bởi đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) là một tác phẩm văn chương kinh điển nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Gồm 3254 câu thơ được viết theo thể lục bát mang đậm âm hưởng của ca dao truyền thống. Nội dung dựa theo tác phẩm văn xuôi lãng mạn Trung Quốc song vẫn phản ánh sâu sắc tinh thần dân tộc với những giá trị truyền thống của người Việt Nam như trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, với xã hội đối lập với những giá trị tinh thần. Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm tượng hình, không phải bằng hệ thống chữ viết hiện đại vốn được gọi là chữ Quốc Ngữ, chữ viết đã được sử dụng để thay thế chữ Nôm từ đầu thế kỉ thứ 20. Văn bản cuối cùng của truyện kiều có lẻ cũng đã được tìm thấy và về mặt lịch sử mà nói tác phẩm này chưa bao giờ được in ra ngoại trừ những phiên bản khắc gỗ. Những học giả gần đây đã hé lộ những phiên bản khác nhau của truyện kiều. Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm và văn phòng Nôm Na đã làm công tác số hóa 6 phiên bản khác nhau của truyện kiều, có niên đại từ năm 1866 (được tìm thấy gần đây nhất) tới những phiên bản năm 1904 hay còn được gọi là phiên bản đắt giá. Với việc sử dụng những phiên bản chính thức mang tính học thuật của các học giả Nguyễn Tài Cẩn (Moskva), Nguyễn Quảng Tuân (Thành phố Hồ chí Minh), Nguyễn Thế, Phan Anh Dũng and Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ðinh Thảng (Huế), tiến sĩ Nguyễn Huy Hùng, MD (Texas), chúng tôi đã thiết kế một công cụ tìm kiếm cho phép hiển thị mỗi phiên bản cũng như so sánh giữa phiên bản này với phiên bản khác theo từng câu thơ để nhận thấy phép lặp từ vựng riêng lẻ hay các cổ ngữ. Với công cụ này, chúng tôi hi vọng sẽ mở chiếc chìa khóa kho tàng văn học Nôm cổ Việt Nam trong một kho tàng thư viện số thức mở mà truyện Kiều là tác phẩm đầu tiên
Ông Nguyễn Quảng Tuân là người đã sưu tầm được tại Paris, thủ đô nước Pháp, bản Kiều Liễu Văn Đường 1871, hồi đó được xem là bản Kiều Nôm có niên đại cổ nhất. Ông đã phiên âm, khảo dị và cho in cuốn Kiều đó năm 2002. Ông cũng may mắn, trong chuyến đi Mỹ, được ông Đàm Quang Hưng, chủ nhân của bản Kiều do Nguyễn Hưng Lập (Tiểu Tô Lâm – Noạ Phu) chép tay năm 1870 ở kinh đô Huế, tặng cho một bản photocopy. Về nước, ông cũng phiên âm và khảo dị cẩn thận để cống hiến cho bạn đọc một quyển Truyện Kiều - Bản Kinh, năm 2003. Ngoài ra ông vẫn kiên trì theo đuổi việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều và đã xuất bản được nhiều công trình khảo cứu. Nay nhân bản Liễu Văn Đường 1866 mới phát hiện ở Nghệ An, ông lại may mắn được Bảo tàng Khu lưu niệm Nguyễn Du tặng cho một bản photocopy. Ông cần cù đêm ngày phiên âm, khảo dị, so sánh hai bản 1866 và 1871 để tiếp tục công việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều mà ông đã say mê theo đuổi từ mấy chục năm nay. Việc sưu tầm được bản Kiều nôm cổ nhất ở Nghệ An là công lao của các nhà hoạt động văn hoá ở Nghệ Tĩnh, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du. Ông Nguyễn Quảng Tuân là người nối tiếp và nối dài ra công việc sưu tầm ấy: tất cả đều cùng chung một tấm lòng yêu quý vô hạn đối với di sản của văn dân tộc. Cách đây không lâu, báo chí đưa tin Bảo tàng Thượng Hải ở Trung Quốc đã phải bỏ ra đến 4 triệu rưỡi USD để mua từ Hồng Kông một văn bản chữ thảo đời Tống. Ở Luân Đôn, quyển Truyện Kiều, một bản nôm chép tay năm 1894, đã được thư viện Anh quốc (The British Library) mua với một giá cực kỳ đắt tại một cửa hàng sách quí hiếm (Sam Fogg Rare Books and Manuscript ở số 35 St. George Street) vì quyển ấy cực kỳ đẹp và cũng rất có giá trị. Xưa nay, những bản thảo, bản gốc, thậm chí những sổ tay ghi chép... của các đại văn hào đều được coi là những bảo vật quốc gia đối với văn hoá và khoa học. Việc sưu tầm và nghiên cứu các văn bản cổ là sự tìm về cội nguồn của tác phẩm, cốt tìm ra cái bộ mặt thật (bản lai diện mục) của tác phẩm. Việc này là một việc vô cùng khó khăn, công phu, cần sự phối hợp với nhiều chuyên ngành nghiên cứu khác nhau mới mong tìm ra được một câu, một chữ. Những chữ của Nguyễn Du hay của Đỗ Phủ, Pushkin, Shakespeare... là nhất tự thiên kim, nên ta vô cùng trân trọng. Ông Nguyễn Quảng Tuân là người có công và có duyên với công việc khó khăn và hệ trọng đó. Năm 2002 chúng tôi đã phiên âm và cho xuất bản quyển Kim Vân Kiều tân truyện của Liễu Văn Đường khắc in năm 1871. Bản nôm cổ ấy lúc trước được coi là cổ nhất còn lưu giữ được một bản tại Thư viện Trường Sinh ngữ Đông Phương ở Paris (Pháp). Thế rồi đến tháng 5 năm 2004 một bản Kim Vân Kiều tân truyện cũng của nhà Liễu Văn đường đã được phát hiện ở gia đình ông Nguyễn Thế Quang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Bản này được khắc in năm 1866, niên hiệu Tự Đức thứ 19, cổ hơn bản của Thư viện Trường Sinh ngữ Đông Phương tới 6 năm. Bản Kiều cổ nhất này thật vô cùng quý giá chỉ tiếc nó đã bị xé mất 18 tờ tức 36 trang làm thiếu đi 864 câu. Khu lưu niệm Nguyễn Du do ông Đinh Sỹ Hồng làm Trưởng ban đã mua được về để trưng bày ở nhà Bảo tàng tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Chúng tôi hân hạnh đã được ông Hồng gửi tặng cho một bản photocopy và đã cố gắng nghiên cứu, phiên âm, khảo dị và chú giải để kịp thời cho in hầu có thể cung cấp cho các độc giả một bản Kiều nôm cổ, cổ nhất cho tới nay. Trong công việc biên khảo quyển sách này chúng tôi đã nhận được sự động viên nhiệt tình của Gs Ts Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. Sách gồm có ba phần: PHẦN I: Nhận định về bản Kim Vân Kiều tân truyện khắc in năm 1866. PHẦN II: Văn bản Truyện Kiều. Chúng tôi đã cho in đối chiếu bản Nôm với bản quốc ngữ phiên âm. Vì bản in năm 1866 bị mất 36 trang nên để bổ khuyết cho các trang thiếu ấy, chúng tôi đã cho in 36 trang trích từ bản nôm in năm 1871 để các độc giả tiện tham khảo. PHẦN III: Chú giải. Các chú giải có thể dùng chung cho cả ba bản: bản 1866, bản 1871, và bản quốc ngữ ghi trong phần Khảo dị. Nghĩ rằng việc phiên âm, khảo dị và chú giải khó tránh khỏi những sai sót, chúng tôi thành thực yêu cầu các độc giả vui lòng đón góp cho những ý kiến quí báu để khi tái bản chúng tôi có thể sửa chữa lại cho được chính xác hơn. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn trước.
Kiều 1870 Cuốn TRUYỆN KIỀU – Bản Nôm cổ nhất – Liễu Văn Đường tàng bản (1871) do ông Nguyễn Quảng Tuân sao chụp ở Thư viện Liên trường Sinh ngữ Đông phương – Paris, sau khi phổ biến đã nhận được sự chú ý của giới nghiên cứu và các bạn đọc gần xa. Vào đầu tháng 3 năm 2003 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học đã tổ chức tại Hà Nội một cuộc Hội thảo lấy tên là Đi tìm nguyên tác Truyện Kiều. Đông đảo các học giả, các nhà nghiên cứu Hán – Nôm, nghiên cứu ngữ học, nghiên cứu văn học ở Hà Nội và một vài tỉnh lân cận đã tới dự và đã phát biểu nhiều ý kiến có giá trị về mặt phương pháp luận nghiên cứu cũng như đã đề xuất nhiều ý kiến giải quyết một số trường hợp cụ thể. Cuộc Hội thảo dĩ nhiên là hướng về văn bản Truyện Kiều nói chung chứ không nhằm vào một công trình riêng biệt nào. Nhưng vì bản Kiều Liễu Văn Đường của nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân và bản Kiều Duy Minh Thị của Gs Nguyễn Tài Cẩn đều vừa mới công bố, nên Hội thảo cũng đã chú ý nhiều đến hai công trình này. Việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều do đó đã tạo được một đà mới. Tiếp tục công trình nghiên cứu văn bản Truyện Kiều, ông Nguyễn Quảng Tuân lại cho công bố một bản Kiều nôm cổ nữa, BẢN KINH, do Lâm Noạ Phu sao chép khi đang làm quan ở bộ Công dưới triều Tự Đức, vào năm 1870 (sớm hơn bản Liễu Văn Đường 1 năm). Bản này vốn được lưu giữ ở Sài Gòn trong một tủ sách tư gia, sau 1975, đâu ngờ lại được bày bán ở chợ sách cũ mà may mắn con trai ông Đàm Quang Hưng đã mua được và gửi sang cho ông ở Hoa Kỳ. Đến khi có dịp sang thăm Hoa Kỳ – ở Houston (Texas) – ngày 8 tháng 9 năm 2000 – ông Tuân đã được ông Hưng kính tặng cho một bản sao quyển Đoạn trường tân thanh. Nhận thấy bản Kiều nôm ấy là một bản Kinh có giá trị, ông Tuân đã có bài viết trên tạp chí Kiến thức Ngày nay (số 368 ra ngày 1-11-2000) để giới thiệu văn bản cổ ấy với các nhà nghiên cứu và các độc giả trong nước. Ông kiên trì làm việc: phiên âm, luận giải và khảo dị giữa bản Kinh của Lâm Noạ Phu với các bản nôm của Liễu Văn Đường (1871), Duy Minh Thị (1879), Tăng Hữu Ứng (1874), Abel des Michels (1884, do Trần Ngươn Hanh sao chép), Kiều Oánh Mậu (1902), Quan Văn Đường thời Hiền Thi Tự (1906), Phúc Văn Đường (1918), Quảng tập Liễu Văn Đường (1924), Quan Văn Đường (1925), và Chiêm Vân Thị (viết sau năm 1905 và được in năm 1965). Ông có phiên đủ các câu khảo dị của Lâm Noạ Phu (Nhất tác... ) và dịch các lời bình của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng. Ông đã làm khảo dị cẩn thận giữa hai bản: Lâm Noạ Phu và Liễu Văn Đường để các độc giả thấy rõ sự khác biệt giữa bản Kinh và bản Phường. Ông cũng khảo dị với bản Tăng Hữu Ứng, một bản Kiều có nhiều câu chép theo bản Kinh. Ngày nay chúng ta được thấy tận mắt bản Kinh của Lâm Noạ Phu sao chép ngoài các bản Kinh chỉ được nghe nói mà Kiều Oánh Mậu và Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim đã dùng để đỗi chiếu, san định khi phiên âm Truyện Kiều. Như thế rõ ràng là đã có các bản Truyện Kiều Bản Kinh. Các bản Kinh này không được in ra, mà được chép tay, như Đào Nguyên Phổ đã kể lại cảnh người ta “tranh nhau sao chép đến nỗi giá giấy đắt như giấy quí Lạc Đô”. Thời xưa, việc chép tay những kiệt tác như thế là chuyện thường, trong khi việc in khắc ván có những khó khăn, phức tạp, tuy có tác dụng phổ biến rộng rãi, thì việc chép tay, với những nhà thư pháp là một việc thú vị, một việc mang tính nghệ thuật với cá tính của từng người. Tất nhiên các bản chép tay ở Kinh đô này có những khác biệt với các bản Phường cùng thời. Nó đã được vua quan triều Tự Đức, một ông vua mê Kiều và theo lời truyền đã có nhuận sắc bản Kiều cùng với các cận thần (là những nhà văn, nhà nho lỗi lạc) do đó đã để lại dấu ấn trong những bản Kiều này. Việc công bố bản Kinh do Lâm Noạ Phu sao chép cũng đem lại những thông tin mới. Trong Lời Tựa, câu: Thị... xuất tự Hồng Sơn liệp hộ Nguyễn Du Tố Như ông thủ thảo, lưu truyền ngũ (thập niên) vu tư... (Bản Kiều này xuất xứ từ chính thủ bút của Hồng Sơn liệp hộ Nguyễn Du được lưu truyền từ 50 năm nay..." đã cho ta thấy rằng đây có thể là bản được chép từ bản gốc, bản tác giả và bản này lưu truyền đã 50 năm nay (tính từ năm 1870 ngược lại đến năm 1820, năm Nguyễn Du mất). Nếu đi sâu vào từng chữ, từng câu thì có lắm chữ lắm câu có thể làm căn cứ để đối chiếu, luận giải với các bản Kiều nôm cổ khác, từ đó cố gắng có được cái bộ mặt thực - bản lai diện mục của Truyện Kiều, một việc vô cùng thú vị và khó khăn, cần phải huy động nhiều ngành học, nhiều học giả... Bản phiên âm và khảo dị này của ông Nguyễn Quảng Tuân tuy đã rất công phu, nhưng phiên âm nôm là việc không đơn giản, có thể còn có một số chữ người đọc cách này kẻ đọc cách khác, cũng cần cùng nhau thảo luận thêm để tiếp cận chân lý, tạo nên một diễn đàn học thuật vừa hào hứng, vừa tao nhã. Xưa đã chẳng có người cho rằng Truyện Kiều có tác dụng kích dương tao nhã đó sao?
Kiều 1871 NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN QUẢNG TUÂN VÀ VĂN BẢN TRUYỆN KIỀU. Ông Nguyễn Quảng Tuân thuộc lớp trí thức Tây học, được đào tạo chu đáo về tiếng Pháp và văn hoá Pháp. Cơ duyên nào đã khiến ông từ biển Tây đi vào biển Tàu - biển Hán rồi từ đó đi vào biển Nôm biển Ta, và rồi một đời gắn bó với việc khảo cứu Truyện Kiều? Chắc chắn rằng đó là bởi lòng yêu sâu nặng đối với tiếng Ta, đối với văn hoá nước nhà, bởi lòng yêu quê hương, đất nước. Nó nằm sâu như một hạt giống dưới lớp đất nặng phù sa quê nhà Kinh Bắc của ông và chợt một hôm nó nẩy mầm và vươn ra ánh sáng. Do nhiều nguyên do, hơn hai nghìn năm văn hoá Hán Việt, Hán Nôm cơ hồ đã bị đứt lìa đối với nên văn hoá ngày nay. Đó là một mất mát quá lớn và quá đau đớn, bởi vì không có gì có thể đo lường được và bù đắp được. Không sống trong nền văn hoá phương Đông với chủ nghĩa nhân văn tuyệt diệu ấy mà Truyện Kiều chỉ là một trong muôn ngàn lệ chứng thôi người ta khó mà đối thoại và hiểu nhau. Người ta mất mà không biết mình mất, đôi khi còn tự hào ầm ĩ là nhờ thế người ta bước đến được đến các nền văn minh khác, rời bỏ được cái cổ hủ, cũ kỹ của dân tộc và phương Đông, trong khi ở các nền văn minh ấy thì họ chỉ được xem như một ông Tây An Nam, một người chỉ mới vừa dính một chút bụi hoa lệ của các kinh thành Âu Mỹ. Tôi hoàn toàn không có ý bãi ngoại hay đóng cửa để nhốt mình vào cái cũ xưa, nhưng ở đây có vấn đề! Trong cái tình thế đó, những người tiếp nhận nhiều nền văn hoá Tây-Đông vừa lại quay về và đam mê với văn hoá Việt, như ông Nguyễn Quảng Tuân (và rất nhiều nhà nghiên cứu khác mà ta đã biết) là một xúc động. Nó chứng minh rằng, tuy còn lẻ loi, những người như thế đang đi đúng đường đúng hướng và họ sẽ có những đóng góp có ý nghĩa cho văn hoá dân tộc. Mấy chục năm nay, đặc biệt là từ sau 1975, ông Nguyễn Quảng Tuân đã liên tục cho ra những tác phẩm biên khảo với một sức làm việc và lòng đam mê không mỏi (tuy ông đã ở vào tuổi gần bát tuần). Trong nhiều công trình, người ta đặc biệt chú ý đến các bản khảo cứu về văn bản Truyện Kiều của ông. Gần đây, việc tìm tòi về văn bản Truyện Kiều vụt trở nên náo nhiệt. Nhiều nhà nghiên cứu với những kiến giải khác nhau đã đem đến cho giới nghiên cứu văn bản Truyện Kiều và bạn đọc nhiều điều lý thú. Tựu chung, người ta nhận thấy về cơ bản nay đã có một văn bản Truyện Kiều tạm ổn định, đã trung thành với nguyên tác Nguyễn Du, với thiên tài Nguyễn Du, thi pháp Nguyễn Du... Mà đó là công lao của nhiều thế hệ, của toàn dân tộc, từ các nhà nho khoa bảng cho đến đến những người bình dân đọc Kiều, ngâm Kiều, sống với Kiều... Họ đã trả về cho Nguyễn Du những chữ đích thực thiên tài. Nhưng việc tiếp tục tìm thêm các bản Kiều Nôm cổ, thảo luận thêm về các trường hợp phiên âm, chọn âm, chọn chữ... trong tính hệ thống của văn bản, trong mối liên hệ lớp tấng sâu xa với ngữ âm, ngữ pháp, ý nghĩa, với câu trúc thi pháp văn bản... là một việc vẫn phải tiếp tục lâu dài. Đây là một ngành học uyên bác, dày công, liên ngành, xuyên ngành, một ngành học mà chỉ soi tìm một chữ thôi đã phải tốn cả một đời học vấn và tâm trí. Ông Nguyễn Quảng Tuân đã qua tận Paris, vào Thư viện Liên trường Đại học Ngôn ngữ Đông phương (Bibliothèque Interuniversitaire des Langues Orientales), tìm cho kỳ được bản Nôm được xem là cổ nhất hiện giờ còn lưu giữ ở đó - bản Liễu 1871, đời Tự Đức thứ 24. Ông cũng đã có lần sang tận "xứ sương mù" để tìm cho được một bản Kiều Nôm cổ chép tay năm 1894, có chú thích và minh hoạ rất đẹp mà Thư viện Anh quốc (The British Library) đã mua được ở một tiệm bán đồ cổ ở Luân Đôn với giá rất đắt. Ông còn qua Hoa Kỳ tìm bản Kinh, bản Đoạn trường tân thanh chép tay năm 1870 của Lâm Noạ Phu và lại qua Trung Quốc theo bước đường lưu lạc của nàng Kiều từ Bắc Kinh về tới Hàng châu - sông Tiền Đường... để mà yêu thêm, hiểu thêm cái hồn của chữ nghĩa Truyện Kiều. Thật là:
Biết bao công mướn của thuê Người ta nói: Thư trung hữu nữ nhan như ngọc, cô Kiều tài sắc mặn mà đến thế nào mà còn làm "luỵ" được người đến thế. Nhà ông còn tàng trữ nhiều tư liệu nghiên cứu quí hiếm, đặc biệt là có gần đủ hết tất cả các bản Kiều nôm và quốc ngữ. Ông Tập Kiều, Vịnh Kiều làm thơ Đường luật, viết Hát nói về những lịch lãm trong cuộc đời. Công việc sưu tầm, nghiên cứu là việc của cả học giới; thành tựu của riêng ông có cống hiến đáng kể và có thể còn giới hạn là điều hiển nhiên, nhưng tấm lòng ấy, sự nỗ lực ấy cho văn hoá dân tộc thật đáng trân trọng.
Người thủ thư, một phụ nữ Pháp, ở Thư viện Paris thấy có một người Việt Nam cả tháng đều đặn đến đọc những cuốn sách cổ có chữ tượng hình rất ít người mượn đọc, một hôm đã hỏi ông Tuân: Vì vậy, khi giở những trang Kiều phiên âm và khảo dị, đọc những nhận xét về bản Kiều Nôm cổ ấy sau đây, mong các bạn hãy hiểu cho tấc lòng của người đã gửi lòng yêu say đắm của mình vào từng chữ, từng câu của áng văn thiên thu tuyệt diệu.
Kiều 1872 1. Trong số các bản Kiều Nôm cổ, bản Duy Minh Thị có một vị trí riêng biệt. Kể về năm in thì đó là một trong hai bản cổ nhất hiện biết: nó khắc in năm 1872, tức một năm sau bản Liễu Văn Đường. Nhưng bản Duy Minh Thị khi khắc ván mới (tân thuyên) đã nói rõ khắc để trùng san một văn bản cổ. Căn cứ vào các hiện tượng kị huý có thể phỏng đoán đây là một văn bản được biên tập trong khoảng 30 năm đầu thế kỷ 19, từ đầu đời Gia long đến đầu đời Minh mạng, nghĩa là trong khoảng cụ Nguyễn Du còn sống. Cụ Hoàng Xuân Hãn là người đầu tiên đã đi sâu vào bản này và cụ đã đánh giá nó rất cao. Theo cụ, đây là một bản Nôm rất quí, có thể giúp ích nhiểu trong việc dò tìm nguyên tác và trong việc theo dõi lịch sử diễn biến của văn bản truyện Kiều (tạp chí Văn học số 3/1997). 2. Nhưng theo chỗ chúng tôi được biết, bản Duy Minh Thị 1872 hiện không có ở các thư viện quốc gia trung ương và địa phương. Nó chỉ còn được lưu giữ ở thư viện Leiden, Hà Lan (Kí hiệu số Nr.5803-6) và thư viện riêng của Cụ Hoàng Xuân Hãn ở Paris. Đó là một điều rất thiệt thòi cho giới nghiên cứu Văn học, Ngữ ngôn và Hán Nôm ở trong nước. 3. Đứng trước tình hình đó, chúng tôi nghĩ rằng cần phải tìm cách để công bố bản Kiều Nôm này. Anh Lê Sơn Thanh, một học trò cũ của cụ Hoàng Xuân Hãn, và hiện là một nhà nghiên cứu làm việc ở trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (tại Paris) đã chí tình giúp đỡ chúng tôi để có được bản ấn ảnh: in từ bản lưu giữ ở thư viện riêng của gia đình thầy. Là người đang đi sâu nghiên cứu về nhóm Duy Minh Thị, anh cũng đã có nhã ý cung cấp và cho sử dụng một số tư liệu rút từ hồ sơ riêng của anh. Chúng tôi xin bày tỏ ở đây lời chân thành cảm tạ của chúng tôi. 4. Cái quý giá nhất là văn bản Nôm. Nhưng để giúp cho đông đảo bạn đọc, cũng như để dọn đường trước cho giới nghiên cứu, chúng tôi đã tiến hành phiên Nôm và trình bày văn bản dưới dạng đối chiếu: mỗi trang Nôm có một trang Quốc ngữ bên cạnh. Trong quá trình phiên Nôm, chúng tôi đã so sánh với một bản Kiêu hiện đại - bản cụ Đào Duy Anh công bố cuối cuốn Từ điển Truyện Kiều của cụ, in năm 1974. Nhưng chỗ từ ngữ bản Duy Minh Thị khác bản Đào Duy Anh chúng tôi đều cho in chữ hoa. Nhưng chỗ chúng tôi thấy cần nêu nhận xét hay cần trao đổi, tranh thủ ý kiến của giới nghiên cứu chúng tôi đều cho in chữ đậm. Có được một bản in như vậy, bạn đọc chỉ cần lướt qua là đã có thể thấy nổi lên ngay những điểm riêng biệt của bản Duy Minh Thị, cũng như những điểm quan trọng cần chú ý tìm hiểu tiếp. 5. Trước phân chính - phần II - trình bày đối chiếu văn bản Quốc ngữ - văn bản Nôm chúng tôi có một phần, giới thiệu “vài nét sơ lược về bản DMT/1872; còn sau phần chính là phần III, trình bày khoảng 1.000 nhận xét về các vấn đề chữ nghĩa trong bản Kiều Nôm cổ này. 6. Trước khi đưa in, cuốn sách này đã được Ban biên tập Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội đọc, góp ý, và đặc cử chị Hà Thị Tuệ Thành thường xuyên liên hệ với tác giả, tham gia rà xét mọi mặt để năng cao chất lượng bản thảo. Nhân đây chúng tôi cũng xin được biểu lộ lòng tri ân của chúng tôi.
Kiều 1874 Bản "Nôm-Hán / Nôm-Latinh" này do Nguyễn Huy Hùng "chắp nhặt dông dài" bằng computer năm 2002, từ một bản Nôm-Hán do Tăng Hữu Ứng chép tay năm Tự Đức Giáp Tuất 1874, bản thủ bút này do Đàm Quang Hưng sưu tầm được ở Huế). Xin kính tặng quý bằng hữu năm châu bốn bể để "mua vui trong một vài trống canh" và nếu như vị nào có nhu cầu, muốn làm copy thêm xin cứ tự nhiên ("kẻ chắp nhặt dông dài" không có ý giữ bản quyền). Houston, 27 Octobre 2002
Kiều 1902 Nguyên bản truyện Kiều chữ Nôm này là bản in khắc Đoạn trường tân thanh, Giá Sơn Kiều Oánh Mậu chú giải, Thành Thái Nhâm Dần trung thu vọng (1902), được chụp ảnh in lại trong Tổng tập Văn học Việt Nam tập 12 (TTVH 12), bản này thường được gọi ngắn gọn là bản Kiều Oánh Mậu (KOM). Đây là bản in khắc đẹp nhất, chữ Nôm viết khá quy phạm và có ý thức chuẩn hoá, phần giới thiệu và chú giải công phu, những người chấp bút tham dự đề từ, bình giải đều là các bậc khoa bảng danh tiếng đương thời. Được TTVH 12 đánh giá là một trong hai bản có giá trị khoa học cao nhất (bản kia là bản Kim Vân Kiều tân tập do nhóm Thời Hiền Thi Tự của Chu Mạnh Trinh khắc in năm 1906, thường gọi là bản Quan Văn Đường (viết tắt là QVĐ). Bản KOM đã được TTVH 12 chọn lựa để chụp in lại, và làm cơ sở để khảo chú. Bản này do Giá Sơn Kiều Oánh mậu (1853-1912), đậu Phó bảng đời Tự Đức (Canh Thìn - 1880), dựa trên bản Kinh của Đình nguyên Đào Nguyên Phổ đem từ Huế ra tặng cùng tham chiếu các bản Phường (các bản khắc in dân gian ở phường Hàng Gai, Hà Nội) và các bản sao tư gia mà soạn lại. Nhiều người cho đây là bản Kinh thực ra không đúng hẳn. Bản Truyện Kiều gốc in lần đầu là do Nguyễn Du giao cho Phạm Quý Thích khắc in ở Hà Nội, nên các bản Phường vẫn được tiếng là gần nguyên bản, nhưng thực ra tam sao thất bản khá nhiều. Nhận xét đại thể thì thấy các bản Phường theo rất sát ngữ âm miền Bắc, hầu như không thấy có tiếng Nghệ, do đó nên đặt nghi vấn phải chăng Phạm Quý Thích có sửa chữa ít nhiều chứ không phải in đúng y như chính bản của Nguyễn Du giao. Như thế tiêu chí cho cổ bản (các bản Phường cổ) là gần nguyên tác hơn cận bản (bản Kinh, bản KOM... ) e không chắc, lại thêm một lẽ là bản gia truyền của dòng họ Nguyễn Du do Phạm Kim Chi phiên Quốc ngữ (1917) nhiều chỗ thấy gần Kinh bản hơn là Phường bản. Khi chú dị bản chúng tôi chủ yếu so sánh với bản Quốc ngữ Truyện Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo (do NXB Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh in lại 1999, sau sẽ viết tắt là B-T) vì đây là bản được in nhiều, phổ biến sớm và rộng từ khoảng những năm 20 của thế kỷ này, phần chú giải ngắn gọn và dễ hiểu, có điều là chế bản Quốc ngữ sai nhiều chỗ. Do chúng tôi mong muốn giới thiệu nội dung bản Kiều Nôm này với đông đảo bạn đọc chứ không muốn bó hẹp trong giới nghiên cứu chuyên sâu về Hán Nôm, nên đã chủ ý chọn bản B-T để so sánh dị bản (vì các bản Quốc ngữ khác đều theo gần sát bản B-T). Sự sai khác dị bản chủ yếu là giữa hệ Kinh bản và hệ Phường bản. Bản KOM bị quy là Kinh bản thực ra chỉ theo bản Kinh khoảng 21 câu trong số khoảng 150 câu bản Kinh khác bản Phường (thống kê của TTVH 12). TTVH 12 đánh giá là bản B-T bị ảnh hưởng nhiều từ bản KOM, thực ra B-T chỉ theo những câu chữ ĐÚNG hơn rõ ràng, còn nếu không gì hơn gì nhau thì lại thấy là B-T trung thành với câu chữ bản Phường, những chỗ dị bản so với KOM hầu hết là của các bản Phường, mà bản QVĐ là tiêu biểu. Tuy các bản khác nhau không ít nhưng phần nhiều khác nhau ở hư từ, từ đồng nghĩa, hay là đảo thứ tự chữ, các trường hợp khác hẳn nghĩa thực ra không nhiều. Chúng tôi chủ ý giới thiệu phần khảo chú dị bản và chú giải từ ngữ sao cho ngắn gọn, tránh biến cuốn sách này thành một tác phẩm chuyên khảo. Phần chú giải và chú dị bản được đánh số liên tục, các chữ có dị bản được in nghiêng. Chữ Quốc ngữ được chế bản dạng bình thường nhằm cho nhiều người đọc như đã định hướng ở trên, chứ không xếp ngang dưới chữ Nôm và cũng không ép câu Quốc ngữ và Nôm phải ở trên cùng một trang. Nhờ các học giả, các nhà nghiên cứu đã dày công khảo định, chú giải, phiên âm rất công phu, nên công việc của chúng tôi gặp nhiều thuận lợi. Đồng thời chúng tôi đã cố gắng khảo thật kỹ bản Nôm KOM nên cũng tìm được đôi chỗ người trước phiên âm chưa sát. Ví dụ câu 2364, các sách đều phiên "Càng cay (ଚE;) nghiệt lắm càng oan trái nhiều"; câu 1431 "Một sân lầm cát đã đầy ( 㐌 𣹓 )" thực tế bản KOM là "Một sân lầm cát dã dày ( 也 苔 )"... Ngoài ra chúng tôi có chủ ý tìm thêm các sách đọc khác với người trước, mục đích cũng để bạn đọc rộng đường đánh giá thưởng thức, nên cách đọc khác dù không được hay nhưng nếu không quá vô nghĩa thì cũng ghi chú. Với sự hiểu biết có hạn, nên chúng tôi chỉ xin được đóng góp thêm một đầu sách nghiên cứu về Truyện Kiều thiên về mặt văn bản học hơn là việc khảo chú văn nghĩa, chắc chắn sẽ gặp nhiều thiếu sót mong được các bậc thức giả và bạn đọc bổ khuyết. |