Giới thiệu Chinh Phụ Ngâm Khúc |
Đặng Trần Côn (鄧陳琨) là tác giả của Chinh phụ ngâm, kiệt tác văn học viết bằng chữ Hán của Việt Nam. Tiểu sử của Đặng Trần Côn cho đến nay biết được còn rất ít. Kể cả năm sinh năm mất cũng không biết chính xác. Các nhà nghiên cứu ước đoán ông sinh vào khoảng năm 1710 đến 1720, mất khoảng 1745, sống vào thời vua Lê Chúa Trịnh. Đặng Trần Côn quê ở làng Nhân Mục (còn gọi làng Mọc), huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông đỗ Hương cống, nhưng thi Hội thì hỏng. Sau đó làm huấn đạo trường phủ, rồi tri huyện Thanh Oai, sau thăng chức Ngự sử đài đại phu. Có một vài giai thoại về Đặng Trần Côn. Tương truyền lúc ấy chúa Trịnh Giang cấm nhân dân Thăng Long ban đêm không được đốt lửa, để đèn sáng, ông phải đào hầm dưới đất, thắp đèn mà học. Khi mới làm thơ, Đặng Trần Côn có đem đến cho bà Đoàn Thị Điểm xem, Đoàn Thị Điểm cười nói: "nên học thêm sẽ làm thơ." Chinh Phụ Ngâm ra đời đã gây một tiếng vang lớn trong giới nho sĩ đương thời. Chinh Phụ Ngâm Khúc nói lên tâm sự của một người vợ có chồng đang dong ruổi nơi biên thùy trong thời loạn lạc. Cái hoài bão chờ chồng, cái cô đơn lạnh lẽo, cái lòng nhớ thương và mong chờ ngày trở về trong chiến thắng vinh quang được tác giả đưa vào một áng thơ làm rung động lòng người. Tác phẩm viết bằng chữ Hán giữa thời đại văn học chữ Nôm đang nở rộ cho nên nhiều người đã tìm cách dịch nó ra chữ Nôm. Có nhiều bản dịch và phỏng dịch của Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Khản, Bạch Liên Am Nguyễn, Phan Huy Ích. Trong số có những bản dịch đó, có một bản dịch thành công nhất được gọi là Bài hiện hành. Vấn đề ai là tác giả bản dịch đó còn gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng đó là Đoàn Thị Điểm, nhưng theo một khuynh hướng khác thì tác giả bản dịch đó là Phan Huy Ích. Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm số hoá và xin đưa ra một phiên bản từ kết quả “Dự án số hoá thư tịch cổ văn hiến Hán Nôm” giữa Thư viện Quốc gia Việt Nam và Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm (mã số số hoá : nlvnpf-0064 ; mã số thư viện : R.1560). |