Giới thiệu Lục Vân Tiên |
Nguyễn Đình Chiểu ((阮廷沼; 1822-1888) Tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, sau khi bị mù lấy hiệu là Hối Trai. Quê thôn Tân Thái, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Sinh năm 1822, mất năm 1888 tại làng An Đức, tỉnh Bến Tre. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) ông đậu Tú tài trường Hương thí Gia Định và ra Huế thi cử nhân cùng thi Hội, nhưng được tin mẹ mất phải bỏ thi về chịu tang. Dọc đường, do thương khóc quá nên mù cả hai mắt. Sau đó ông dạy học và làm thuốc, vì thế nhân gian gọi là cụ Đồ Chiểu. Nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu là một minh chứng sống động về tính năng động của con người. Cuộc đời dù nghiệt ngã, nhưng sự nghiệp của con người ấy không vì thế mà buông xuôi theo số phận. Vượt qua số phận để đứng vững trước sóng gió của cuộc đời, chính là thái độ sống có văn hóa, là nhân cách cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu. Trên cương vị của một nhà thơ, cái sâu sắc, thâm thúy trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu chính là chỗ chê khen, biểu dương và phê phán, thương ghét rõ ràng, chánh tà minh bạch, hợp đạo lý, thuận tình người, theo đúng chuẩn mực văn hóa Việt Nam. Trong truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên cả một xã hội trong đó những nhân vật chính diện tiêu biểu là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga đã tượng trưng cho tài năng, trí tuệ, nhân phẩm của con người. Đó là những con người học rộng, tài cao. Tuy mỗi người mỗi vẻ, mỗi nét mặt khác nhau, nhưng họ đều là những người "cương trực", "khẳng khái", "vị tha" và “trọng nghĩa hiệp". Họ sẵn sàng cứu giúp người khác không sợ khó khăn nguy hiểm và nêu cao cái nghĩa khí “giữa đường gặp sự bất bình chẳng tha". Họ kiên trì đứng về lẽ phải mà suy nghĩ và hành động. Những đặc tính cao đẹp đó cững chính là những đức tính cơ bản của con người Việt Nam nói chung và của nhân dân Nam Bộ nói riêng. Những đặc tính đó đã hình thành và củng cố trên trường kỳ lịch sử nhất là trong quá trình dân tộc ta khai phá và mở mang mảnh đất miền Nam của Tổ quốc, cho nên nó đặc biệt thể hiện rõ nét ở nhân dân Nam Bộ. Những đặc tính đó không những đã được phản ánh trong văn học dân gian mà còn được khẳng định trong sử sách. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Phải hiểu đúng Lục Vân Tiên thì mới thấy hết giá trị của bản trường ca này. Đúng, đây là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa!”. Với mục tiêu số hoá các tác phẩm nổi tiếng viết bằng chữ Hán -Nôm, chúng tôi thực hiện số tác phẩm Lục Vân tiên từ kết quả “Dự án số hoá thư tịch cổ văn hiến Hán Nôm” giữa Thư viện Quốc gia Việt Nam và Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm (mã số số hoá : nlvnpf-0059 ; mã số thư viện : R.403). |