Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa tiếng khu bốn
lòng đan 𢚸丹
dt. <từ cổ> lòng son, lòng thành, tấm lòng trung, dịch chữ đan tâm 丹心. Nguyễn Tịch đời Tam Quốc trong vịnh hoài có câu: “Lòng son mất ơn trạch, đức nặng trật chốn ngơi.” (丹心失恩澤,重德喪所宜 đan tâm thất ân trạch, trọng đức táng sở nghi). Văn Thiên Tường đời Tống trong bài Quá linh đinh dương có câu: “Sống xưa nay ai mà chẳng chết, giữ lòng son mà viết sử xanh.” (人生自古誰無死,留取丹心照汗青 nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh). Đốt lòng đan chăng bén tục, bền tiết ngọc kể chi sương. (Cúc 217.3).
dt. lòng đơn (chơi chữ nước đôi). “dại lòng đan là cái dại đan róng mốt sơ sài để che chắn nên ánh mặt trời, ánh trăng có thể xuyên thấu (nhật nguyệt thâu). Trong nghề đan lát, có những từ nghề nghiệp chỉ cách đan hoặc tả mặt đan. Róng (hoặc lóng, dóng, nong) mốt, róng hai, róng ba, róng bốn, róng năm… là chỉ cách gài nan. Còn để tả mặt đan khi sản phẩm đã hoàn thành người ta nói: lòng đan, lòng kép, lòng thia, lòng gấm. lòng đan để chỉ hoa văn mặt sản phẩm đan róng mốt tạo nên. lòng kép để chỉ hoa văn mặt sản phẩm đan róng hai róng ba tạo nên. lòng thia để chỉ hoa văn mẹt sảy, nia sảy mà trên đó, nan dọc lao đi cách quãng như ném thia lia trên mặt nước. Dụng cụ này khi sảy, người ta sảy dọc để dễ thoát những phần tử nhẹ, khi gằn để gạn, người ta người ta gằn ngang để dễ giữ lại cát sạn hoặc phần tử được chọn dễ mắc vào nan dọc. lòng gấm để chỉ hoa văn do cách đan phức tạp tạo ra những hình như dệt gấm… có thể diễn ý rõ ra cái nghĩa này như sau: cửa ngọc là ngọc môn, chỉ nơi ở của vua, mà nơi đó đã chìm khuất sau sương khói xa xôi; còn ở nơi này chỉ là ngôi nhà phên vách đơn sơ, suốt ngày, ánh mặt trời, ánh trăng có thể xuyên thấu qua. Nhưng đó là nghĩa thực, lớp nghĩa thứ nhất của câu thơ. Bởi vì lòng đan còn có nghĩa là lòng son, là đan tâm (tấm lòng trung thành bền chặt), nhật nguyệt còn chỉ minh quân, chỉ vũ trụ, đất trời cho nên câu thơ còn hàm ý biểu hiện: tấm lòng trung thành bền chặt của ta đã có mặt trời mặt trăng soi thấu. ở đây rõ ràng câu thơ Nguyễn Trãi sử dụng yếu tố chơi chữ sâu kín và thầm lắng. Chúng tôi cũng đã nói về yếu tố chơi chữ đã xuất hiện trong quốc âm thi tập khi phân tích những chữ cấn cấnthia thia trong bài trước (ngòi khan ước ở làm cấn cấn, cửa quyền biếng mặc áo thê thê). Yếu tố chơi chữ này về sau, trong thơ nôm đã thực sự bùng nổ với phong phú những cách thức, những quan niệm. Cũng chính yếu tố này làm cho việc hiểu và phiên thơ nôm nhiều khi lưỡng lự, băn khoăn dẫn đến những giải pháp rất khác nhau, đôi tranh với nhau. ở trường hợp này đọc dại lòng đan vẫn có thể hiểu lớp nghĩa giãi lòng son như thường khi mà giại, giãi, dãi trong tiếng khu bốn đến nay vẫn phát âm không phân biệt và cũng còn nhiều chứng cứ ngữ âm về sự không phân biệt này cách đây ba bốn thế kỉ, dù ở bắc hay ở trung. Khu bốn chỉ là hình thức bảo lưu khi kinh kì phát triển nhanh và không ngừng mà thôi.” [NH Vĩ 2010: 662]. “rổ lồng hai: rổ đan bắt hai tre bỏ hai tre. rổ lồng mốt: rổ đan bắt một bỏ một tre” [VX Trang: 264]. Song cửa ngọc, vân yên cách, dại lòng đan nhật nguyệt thâu. (Trần tình 40.4). long, lồng, nong.