Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa thần đạo
hiếu sinh 好生
đgt. quý trọng sinh mạng của các sinh linh. Bạch Hổ Thông thiên Tính tình ghi: “Lòng nhân là hiếu sinh” (仁者,好生). Sách Tuân Tử ghi: “Khổng Tử nói: ‘…chính sự của vua Thuấn thì hiếu sinh mà ghét giết chóc. Cho nên, phượng đậu trên cây, lân chơi ngoài nội, còn tổ ô thước thì có thể cúi xuống mà nhòm vào’” (孔子曰:…其政好生而惡殺焉。是以鳳在列樹,麟在郊野,烏鵲之巢可俯而窺也…). Hiếu sinh, như thế, là một biểu hiện của đức trị theo quan niệm của nhà Nho xưa. Người tri âm ít, cầm nên lặng, lòng hiếu sinh nhiều, cá ngại câu. (Tự thuật 121.6). Với ẩn sĩ, đức hiếu sinh là một phẩm chất mang tính lưỡng trị: vừa là sự hoà hợp nhất thể hoá với thiên nhiên theo tinh thần đạo gia lại vừa là sự thực hành đức nhân theo chủ trương của nho gia. Điều này càng chứng tỏ thêm rằng, ở ẩn không phải là một hành vi yếm thế tránh đời, mà là một hành vi chính trị qua những hành vi sống động và quan niệm của người ở ẩn. x. tạc tỉnh canh điền.
đàng 唐
◎ Nôm: 塘 Lối thần đạo dùng để đi vào miếu đường hoặc tông miếu thời xưa. Sách Nhĩ Nhã ghi: “Lối trong miếu thì gọi là đường” (廟中路謂之唐). Kinh Thi phần Trần phong bài Phòng hữu thước sào có câu: “đường giữa lát gạch” (中唐有甓). Ss đối ứng taŋ¹ (nguồn), taŋ¹ (Mường bi), tjaŋ¹ (Chứt), kama (Vân Kiều) [NV Tài 1993: 234].
dt. HVVD đường. Túi thơ bầu rượu quản xình xoàng, Quảy dụng đầm hâm mấy dặm đàng. (Ngôn chí 9.2). QATT gieo cả ai vần -ang và -ương. Rhodes [1994: 68] cũng ghi nhận cả hai biến thể đàng - đường, nhưng coi đàng là âm phổ biến hơn. x. đường.