Phần giải nghĩa Chu Tử |
dồi 錐 |
|
◎ Nôm: 搥 cv. 槌,鎚 (đôi). Đường vận ghi: “Chức truy thiết” (職追切), Tập Vận, vận hội, chính vận ghi: “Chu duy thiết, âm chuỳ” (朱惟切,𠀤音隹). Sách Thuyết Văn ghi : “đồ nhọn đầu” (銳器也). Sách Thích Danh ghi: “Chuỳ: sắc lẹm”. Sách Sử Ký ghi: “Thần như dùi để trong túi, vì sắc nhọn nên thò ra” (臣得如錐之處囊中,乃脫穎而出), sau dùng để ví với người có tài, dù có giấu nhưng rồi ai cũng biết. Chữ “chuỳ” dùng để trỏ “cái dùi” , vật dùng để đục, đào, khoét. thà lấy dùi sắc chém băm trong vóc này. (Phật Thuyết thế kỷ 12: 31b), chuỳ thố: có hiệu cái dùi (Chỉ Nam ngọc âm thế kỷ 17: 35a), lấy dùi lửa đóng thửa chân (truyền IV, thế kỷ 17: 24a), cướp hết thửa ruộng chưng chẳng còn chưng chút đất cắm dùi (truyền IV, thế kỷ 17: 19a). Chữ “dùi” thường được dịch chữ “trác” (đẽo), “ma trác: dùi mài” (磨琢鎚埋) [VV Kính: tr.20 ]. Sách Đại Học viết: Kinh Thi rằng: “trông kìa trên khuỷu sông kỳ, bờ tre mới mọc xanh rì thướt tha. Có người quân tử tài ba, như lo cắt dũa để mà lập thân. Dồi mài dốc chí siêng cần. Xem người thận trọng thêm phần nghiêm trang. Hiển vinh danh tiếng rỡ ràng, có vua văn nhã hiên ngang đây rồi. Rốt cùng dân chẳng quên người”. - Tạ Quang Phát dịch (瞻彼淇澳,菉竹猗猗。有斐君子,如切如磋,如琢如磨。瑟兮僩兮,赫兮喧兮。有斐君子,終不可諠兮). Chu Tử chú rằng: “như thiết như tha là đạo học vậy; như trác như ma là tự tu vậy; sắt hề huyến hề là kính sợ vậy; hách hề huyên hề là uy nghi vậy; hữu phỉ quân tử, chung bất khả huyên hề là đạo thịnh đức chí thiện, dân chẳng bao giờ quên”. Người xưa thường dùng chữ “dùi mài” / “dồi mài” trong ngữ cảnh này để nói chuyện “học tập, tu dưỡng đạo đức”, ví dụ: chỉn xá tua một sức dồi mài (Cư Trần Lạc Đạo Phú thế kỷ 13 24), tháng tháng dồi mài đá ắt mòn (Hồng Đức, thế kỷ 15: 23b), một rèm một án, dùi mài mấy thu (hoa tiên thế kỷ 19: 9b). ngẩn ngơ trăm mối, dùi mài một thân kiều. Như vậy, có thể thấy quá trình chuyển nghĩa như sau: dùi (dt. cái đục) > dùi (đgt.: đục) > dùi mài/ dồi mài (tu dưỡng, làm cho đẹp ở bên trong, tu dưỡng, bồi đắp, lưu tích còn trong chữ trau dồi, dồi mài) > dồi mài, dồi (làm cho đẹp ở bên ngoài), như dồi phấn. dồi điểm mặt đào cùng má hồng (Thiền Tông Khoá Hư Ngữ Lục: 48) ‖ tính trang: dồi điểm (Chỉ Nam ngọc âm, 15)‖ đè chừng nghĩ tiếng tiểu đòi, nghiêng bình phấn mốc mà dồi má nheo (cung oán ngâm khúc, c. 280). “giồi: trau tria làm cho trơn láng…giồi phấn: lấy phấn mà thoa chà trong da mặt cho trắng; đánh phấn, làm tốt.” [Paulus của 1895: 380]. pb từ đồng âm khác nghĩa dồi - nhồi. “Dồi: nhồi cho đầy.” [Rhodes 1651 tb1994: 76]. Còn có âm đọc là dùi (AHV: truỳ).
|
đgt. <từ cổ> (đen, bóng) làm cho tươi tốt từ trong ra ngoài. Huống lại vườn còn hoa trúc cũ, dồi thức tốt lạ mười phân. (Tích cảnh thi 211.4). Câu này trỏ cảnh hoa và trúc đến mùa xuân đều đẩy nhựa sống từ rễ lên cành. ấy là đều bởi dung dưỡng theo đạo tự nhiên theo “lệnh đông quân”. Câu này hàm ý trỏ người quân tử tu dưỡng đạo đức thuận theo sự vận hành của vũ trụ. |
kiện 件 |
|
◎ Khảo dị: bản B viết 伴, nên BVN phiên bạn, xét “bạn” không hợp nghĩa. Phiên khác: chuyện (ĐDA), phiên theo nghĩa nhưng không theo mặt chữ. Nay theo cách phiên kiện của TVG, Schneider, nhóm MQL, PL.
|
dt. (lượng từ) <từ cổ> cái việc, sự kiện 事件, sau biến thành lượng từ như nhất kiện sự 一件事 (một việc). Ví dụ: “chớ nên vì một chuyện này mà làm ảnh hưởng đến vài ba việc khác” (不要因一事而惹出兩件三件). [Chu Tử - Ngữ Loại Tập Lược]. Thương Chu kiện cũ các chưa đôi, sá lánh thân nhàn, khuở việc rồi. (Ngôn chí 13.3)‖ (Thuật hứng 58.4)‖ Cam đường cây phẳng tán vần, Thiệu Công hỏi kiện muôn dân đẹp lòng. CNNA 65b4. |
tây tối 私最 |
|
dt. <từ cổ> chỗ riêng tây tối tăm, trỏ cõi lòng sâu kín chỉ có mình và thần linh biết được. Khổng Tử nói: “quân tử cẩn thận với riêng mình” (君子慎其獨 quân tử thận kỳ độc). Sách Lễ Ký ghi: “Không gì hiện rõ hơn chỗ ẩn tàng, không gì hiện rõ hơn chỗ tế vi, cho nên, quân tử phải cẩn thận ở cái chỗ chỉ có riêng mình” (莫見乎隱,莫顯乎微,故君子慎其獨也 mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi, cố quân tử thận kỳ độc dã). Sách Trung Dung có đoạn: “cái trời ban thì gọi là tính, noi theo tính là đạo, tu đạo thì gọi là giáo. Đạo chẳng thể rời bỏ chốc lát, đã rời đi tí thì ấy chẳng phải là đạo vậy. Cho nên, quân tử răn dè ở chỗ không ai nhìn thấy, sợ sệt ở chỗ không ai nghe thấy. Không gì hiện rõ hơn chỗ ẩn tàng; không gì hiển rõ hơn chỗ tế vi. Cho nên quân tử phải cẩn thận ở cái chỗ chỉ có riêng mình…” (天命之謂性,率性之謂道, 修道之謂教。道也者,不可須臾離也,可離非道也。是故君子戒慎乎其所不睹,恐懼乎其所不聞。莫見乎隱,莫顯乎微。故君子慎其獨也…). Chu Tử lại chua: “ẩn” là chỗ mờ tối, “vi” là những việc nhỏ nhặn. “độc” là chỗ người không biết mà chỉ có riêng mình biết mà thôi. Ý nói: những việc tế vi trong chỗ u ám, tuy rằng chưa hiện ra mà cơ hồ đã mảy phát rồi. Tuy rằng người chưa biết, nhưng mình đã biết thì mọi việc trong thiện hạ không có gì hiện lộ rõ ràng mà vượt qua cả điều đó. Cho nên, quân tử vốn luôn răn dè mà ở chỗ đó lại càng thêm cẩn thận. Nên phải át chế nhân dục lúc sắp nảy mống, không để nó ngấm ngầm trầm trệ ở chỗ ẩn vi để đến nỗi phải xa lìa cái đạo vậy!” (隠暗處也㣲細事也獨者人所不知而已所獨知之地也言幽暗之中細㣲之事跡雖未形而㡬則已動人雖不知而已獨知之則是天下之事無有著見明顯而過於此者是以君子既常戒懼而於此尤加謹焉所以遏人欲於将萌而不使其潛滋暗長於隠㣲之中以至離道之逺也) [Tứ thư chương cú tập chú - Trung Dung chương cú]. Đến đây, ta đã tìm được mối dây liên hệ để giải mã cho từ tư tối. Chữ tư (riêng) được dùng để dịch cho chữ độc 獨 (riêng mình) trong các văn bản nho gia như Lễ Ký, Trung Dung, Đại Học. Chữ tối được dùng để dịch chữ ẩn 隠 (chỗ u ám, sâu kín, tức cõi lòng) theo cách chú giải của Chu Tử trong Tứ thư chương cú tập chú. Sách Giác thế kinh của Đạo giáo có câu: “Cho nên người quân tử ba sợ bốn biết để cẩn thận với chính mình, chớ nói rằng tâm ta như góc nhà tối mà coi thường, chỗ dột trong góc nhà ấy thực đáng xấu hổ, nhất động nhất tĩnh đều do thần minh giám sát, phải coi đó là chỗ chỗ mười mắt nhìn vào mười tay trỏ vào, thế thì mới đến được cái lý vậy.” (故君子三畏四知、以慎其獨、勿謂暗室可欺、屋漏可愧、一動一静、神明鑒察、十目十手,理所必至) [TT Dương 2011c]. Há chẳng biến dời cùng thế thái, những âu tây tối có thần minh. (Tự thán 96.4). x. tây. pb tư túi. |