Phần giải nghĩa Đỗ Mục |
cầm xuân 扲春 |
|
◎ Nôm: 扲春
|
đgt. HVVT dịch chữ lãm xuân 攬春 (bắt xuân), hoặc toả xuân 鎖春 (khoá xuân). Lầu hồng có khách cầm xuân ở, cầm ngọc tay ai dắng dỏi thêm. (Tích cảnh thi 200.3). đc. Tào Tháo cho dựng đài Đồng Tước bên sông chương hà, dùng để nhốt mỹ nữ, lại sai Tào Thực làm bài Đồng Tước đài phú trong đó có câu: “bắc hai cầu tây đông nối lại chừ, như cầu vồng trong trời rộng” (連二橋於東西兮,若長空之蝃蝀 liên nhị kiều vu đông tây hề, nhược trường không chi đế đống). Nguyên hai chị em họ kiều ở giang nam nổi tiếng xinh đẹp, nhưng khi ấy hai nàng đều đã lấy tôn sách và chu du. Để khích chu du đánh tháo, Khổng Minh đã sửa hai câu của Tào Thực thành: “bắt hai kiều ở đông nam chừ, về cùng vui hôm sớm” (攬二喬於東南兮,樂朝夕之與共 lãm nhị kiều ư đông nam hề, lạc triêu tịch chi dữ cộng). Và phao tin rằng trong cuộc rượu tháo từng nói nếu hạ được giang nam sẽ đem hai nàng họ kiều về nhốt ở Đồng Tước để cùng vui thú tuổi già. Đỗ Mục đời Đường trong bài Xích bích hoài cổ viết: “Gió đông chẳng giúp chu lang, đồng tước xuân sâu nhốt hai nàng kiều” (東風不與周郎便,銅雀春深鎖二喬). Sau dùng điển ngữ toả xuân (khoá xuân) để trỏ người con gái sắc nước hương trời vẫn còn e ấp trong khuê các. Một nền đồng tước khoá xuân hai kiều (Nguyễn Du - Truyện Kiều). |
Kim Cốc 金谷 |
|
dt. đc. tên vườn trong biệt thự của Thạch Sùng 石崇 - một phú gia đời Tây Tấn, phụ cận thành Lạc Dương. Trong vườn Kim Cốc, Thạch Sùng trồng cây san hô, đốt nến thay củi, giăng lụa là dài năm mươi dặm, hạt tiêu trát vách, đó là ngôi vườn xa hoa và danh tiếng thời bấy giờ. Trong vườn, Sùng cho xây Thanh Lương đài 清凉台 để làm chốn thưởng gió. Vương Gia trong cuốn thập di ký chép: “Thạch Quý Luân (Sùng) nghiền hương trầm thuỷ cho vụn như bụi, rắc lên giường ngà, sai đám thê thiếp bước qua, ai bước khéo không để lại vết thì Sùng lấy chân châu thưởng cho.” (石季倫(崇)屑沉水之香如塵末,布象床上,使所愛者踐之,無迹者賜以真珠). Thạch Sùng từng viết bài thơ vương minh quân từ rất lấy làm đắc ý, bài ấy có đoạn như sau: “sát thân thật chẳng dễ, mặc kệ sống buông mình. Buông mình thì làm sao? nghĩ suy chi cho mệt.” (殺身良不易, 默默以苟生。苟生亦何聊, 積思常憤盈 sát thân lương bất dị, mặc mặc dĩ cẩu sinh. Cẩu sinh diệc hà liêu, tích tư thường phẫn doanh). Triết lý sát thân và cẩu sinh trong câu thơ đã vận vào đời Thạch Sùng. Vốn Thạch Sùng có một người thiếp yêu tên là Lục Châu. Khi ấy, triệu Vương Luân rất thích Lục Châu. Tôn Tú - tướng của Vương Luân đến nhà Sùng đòi bắt. Sùng không cho. Sùng ngầm mưu xui bọn Hoài Vương Doãn làm phản, đang ngồi họp rượu ở Thanh Lương đài thì quân của tú đã đến vây bắt, cả bọn đều bị tóm cả. Sùng lúc ấy nói với Lục Châu rằng: ‘ta vì nàng mà đắc tội’. Lục Châu rằng: ‘vậy thì thiếp sẽ chết trước mắt chàng’. Nói rồi, nhảy lầu xuống mà chết. Bọn Thạch Sùng bị Tôn Tú bêu ngoài chợ. Người đời gọi tấn kịch này là “Lục Châu chi nạn” và “Thạch Sùng chi hoạ” (xem Tấn Thư phần Thạch Sùng truyện). Đỗ Mục trong bài Kim Cốc viên viết: “phồn hoa tan tác bụi hương, vô tình nước chảy cỏ dường tự tươi. Chim chiều lạc gió xuân xuôi, hoa rơi như dáng người rơi xuống lầu.” (繁華事散逐香塵, 流水無情草自春。日暮東風怨啼鳥, 落花猶似墮樓人. Phồn hoa sự tán tRục hương trần, lưu thuỷ vô tình thảo tự xuân. Nhật mộ đông phong oán đề điểu, lạc hoa do tự đọa lâu nhân). (Trần tình 45.4)‖ Kim Cốc phong lưu nỡ để hoang, hôm mai uổng chịu nhọc toan đang. (Thuật hứng 55.1). |
nắm 捻 |
|
◎ Nôm: 稔 AHV: niếp
|
đgt. giữ, nắm. Thuyết Văn ghi: (指捻也) [Hán Ngữ Đại Tự Điển 1995: 1901]. Đỗ Mục trong bài Đỗ thu nương có câu: “nhàn nâng cây tiêu thổi” (閑捻紫簫吹). Danh từ cũng là nắm, như nắm đấm. Liêm cần tiết cả tua hằng nắm, trung hiếu niềm xưa mựa nỡ dời (Ngôn chí 10.5). |
đông phong 東風 |
|
dt. gió phía đông thổi lại, trỏ gió mùa xuân. Đông phong từ hẹn tin xuân đến, đầm ấm nào hoa chẳng tốt tươi. (Xuân hoa tuyệt cú 196.3)‖ (Tích cảnh thi 209.3)‖ (Đào hoa thi 227.3)‖ (Dương 247.3). “đông phong là gió mùa xuân thổi từ phía đông đến, mang hơi ấm của sinh khí. Đông phong còn là gió tình trong thi liệu cổ truyền. Đỗ Mục đời Đường có câu thơ: đông phong bất dữ chu lang tiện / đồng tước xuân thâm toả nhị kiều nghĩa là nếu ngọn gió đông không giúp sức cho chu du thì hai cô họ kiều đã bị Tào Tháo nhốt kín vào đài Đồng Tước. Sau này các nhà thơ còn hiểu đông phong như là phương tiện tạo cơ hội ân ái nam nữ. Nguyễn Du để cho thuý kiều suy ngẫm về kim trọng khi mình gặp tai biến: bước chân đến chốn lạc loài, nhị đào thà bẻ cho người tình chung, vì ai ngăn đón gió đông, thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi. Các bản dịch pháp văn với cụm từ ngăn đón gió đông thì đều dịch thành “barré chemin du bonhneur” (ngăn cản con đường đến hạnh phúc) là vì thế. Chắc chắn Nguyễn Trãi cũng hiểu đông phong theo nghĩa trên nên cụ mới rỉ bảo, nhắn khe khẽ thôi rằng hãy mạnh mẽ lên chứ kẻo rồi lại tiếc thay cho thế tình dửng dưng.” [NH Vĩ 2009]. |