Phần giải nghĩa Đạo Đức Kinh |
Nguyễn Tịch 阮籍 |
|
dt. (210-263) tên chữ là Tự Tông 嗣宗, người đất Trần Lưu 陳留, con của Nguyễn Vũ 阮瑀, từng giữ chức bộ binh hiệu úy 步兵校尉, một trong Kiến An Thất tử, thi nhân nổi tiếng đời Tam Quốc. Nguyễn Tịch có dung mạo khác thường, chí khí khoáng hoạt, phóng túng tự do, mừng giận không hiện ra nét mặt, thường đóng cửa ở trong nhà đọc sách, có khi hàng tháng không bước chân ra ngoài, có khi trèo lên núi ngao du sơn thuỷ mấy ngày quên trở về. Nguyễn Tịch đọc rất nhiều sách mà nhất là sách Đạo Đức Kinh của Lão Tử và Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Ông thích uống rượu, thổi sáo, giỏi đàn cầm, đương khi đắc ý chợt quên hình hài mà siêu thần nhập hoá. Người đời cho ông có si tính hay máu điên. Vì có cái cuồng danh đó mà Tư Mã Chiêu (con của Tư Mã Ý) đem lòng ngưỡng mộ, muốn kết thân với Nguyễn Tịch, nhưng ông không chịu nên cố ý say sưa luôn 60 ngày đêm để khỏi gặp Tư Mã Chiêu. Bề ngoài của Nguyễn Tịch trông rất phóng đãng, nhưng bên trong rất thuần chính. Hành động phóng đãng là giả vờ để tránh tai hoạ, bảo trọng lấy thân mà thôi. Ông nhìn thấy triều đình càng lúc càng suy yếu, quan lại chuyên quyền, dua nịnh, ông rất đau lòng, nên đã kết tinh vào tác phẩm vịnh hoài thi 詠懷詩, gồm 82 bài, một kiệt tác của thời bấy giờ. Tấm lòng của ông bao la, tầm mắt rộng lớn mà không gặp được người đồng khí tương cầu nên đã phát tiết bi thương trong thơ văn. Nguyễn Tịch có viết sách Đạt Trang Luận 達莊論, thông lão luận 通老論 trong đó, ông xác định triết lý tự nhiên, luôn luôn ý thức cái lý đồng nhất. Năm thứ tư đời Cảnh Nguyên (năm 263), Nguyễn Tịch mất, hưởng dương 54 tuổi. Kê Khang thường ca tụng Nguyễn Tịch rằng: Nguyễn Tự Tông, miệng không bàn lỗi của người. Ta mỗi khi bắt chước điều ấy mà không kịp được, cùng cực bẩm tính hơn người, với sự vật không thương tổn, chỉ có cái uống rượu quá mức thôi. Lều tiện Nhan Uyên tìm tới đỗ, đường cùng Nguyễn Tịch khóc làm chi. (Thuật hứng 57.6). x. đen bạc, thanh bạch nhãn, đường cùng. |
bao nhiêu nơi nhục bởi nơi vinh 包饒尼辱𤳷尼荣 |
|
đc. dịch cụm thủ nhục tri vinh. Đạo Đức Kinh của Lão Tử ghi: “Biết vinh, giữ nhục, làm cái hay cho thiên hạ; làm cái hay cho thiên hạ thì cái đức vĩnh cửu sẽ đầy đủ, mà trở về mộc mạc như gỗ chưa đẽo. Gỗ chưa đẽo, xẻ ra thành đồ dùng; thánh nhân giữ thuần phác mà điều khiển trăm quan, cho nên người giỏi trị nước không chia cắt chi li.” (知其榮,守其辱,為天下谷。為天下谷,常德乃足,復歸於樸。樸散則為器,聖人用之,則為官長,故大制不割). Nguyễn Hiến Lê bình: “Câu cuối khuyên người trị dân phải hồn nhiên, chất phác, cứ tự nhiên để cho mọi vật phát triển theo tính của chúng, không đa sự, phân tích chi li.”. Xét sự đã qua hay sự đến, bao nhiêu nơi nhục bởi nơi vinh. (Tự thán 96.8) |
dừng 停 |
|
◎ Đọc âm HHV, đ > d (xát hoá) [NN San 2003b: 177]. AHV: đình.
|
① đgt. thôi, ngừng (hành động). (Tự thán 74.3)‖ (Bảo kính 133.2)‖ Trong tạo hoá có cơ mầu, hay đủ hay dừng, mới kẻo âu. (Bảo kính 153.2, 159.1, 181.8): dịch từ thành ngữ tri chỉ tri túc tự lạc 知足知止自樂 (biết dừng, biết đủ, tự vui). Sách Đạo Đức Kinh có câu: 知足不辱,知止不殆 tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi (biết đủ không nhục, biết dừng không nguy)‖ (Vãn xuân 195.4). x. đừng. |
② đgt. hết. Có con mới biết ơn cha nặng, dừng lộc thì hay nghĩa chúa nhiều. (Bảo kính 164.6). |
hay đủ hay dừng 咍杜咍停 |
|
Thng <Đạo> dịch câu tri chỉ tri túc tự lạc 知止知足自樂 (biết đâu là điểm dừng, biết đâu là đủ, thì sẽ tự vui). Trong tạo hoá có cơ mầu, hay đủ hay dừng, mới kẻo âu. (Bảo kính 153.2). Đạo Đức Kinh: “danh với thân, cái nào thiết thực hơn? thân với tài vật, cái nào nhiều hơn? được với mất, cái nào kém hơn? cho nên, thích lắm thì tốn lắm; chứa nhiều thì mất nhiều. Biết đủ thì chẳng nhục, biết dừng thì chẳng lỗi, có thể dài lâu.” (名與身孰親?身與貨孰多?得與亡孰病?是故甚愛必大費;多藏必厚亡。知足不辱,知止不殆,可以長久). |
mềm 𱙩 / 𣼺 / 𩞝 |
|
① tt. trái với cứng. Non cao non thấp mây thuộc, cây cứng cây mềm gió hay. (Mạn thuật 26.4)‖ (Bảo kính 158.1)‖ (Tích cảnh thi 200.2, 206.1). |
② đgt. trong từ mềm lòng. giống như động lòng, xao lòng. Cực thấy ngoài hiên tơ liễu rủ, một phen liễu rủ một phen mềm. (Tích cảnh thi 205.4). |
③ tt. <đạo, nho> dịch chữ nhu nhược 柔弱 (yếu mềm). Sách Đạo Đức Kinh ghi: “Trong trời đất không gì mềm yếu bằng nước, thế mà mọi thứ cứng mạnh chẳng thể thắng nổi nước. Yếu mà thắng mạnh, mềm mà thắng cứng; trong thiên hạ ai mà không biết cái lẽ ấy thì chẳng thể hành sự được.” (天下莫柔弱於水,而攻堅強者莫之能勝,其無以易之。弱之勝強,柔之勝剛,天下莫不知,莫能行 thiên hạ mạc nhu nhược ư thuỷ, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng, kỳ vô dĩ dịch chi. Nhược chi thắng cường, nhu chi thắng cương, thiên hạ bất tri, mạc năng hành). Sách Lễ Ký thiên Tuy y có câu: “Tiểu nhân chết đuối vì nước, đại nhân chết đuối bởi dân.” (小人溺於水,大人溺於民). Sách Khổng Tử gia ngữ ghi: “Vua là thuyền, dân là nước. Nước để chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền.” (夫君者、舟也;庶人者、水也。水所以載舟,亦所以覆舟 phù quân giả chu dã; thứ nhân giả thuỷ dã. Thuỷ sở dĩ tải chu, diệc sở dĩ phúc chu). Nguyễn Trãi trong bài Quan hải có câu: “Lật thuyền mới tin dân còn như nước.” (覆舟始信民猶水 phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ). “nước là chất mềm, người ta hay đùa bỡn với nước mà không biết nước là một thứ nguy hiểm, nên thường bị chết đuối. Dân là cỗi rễ của nước, tuy chất phác thật thà nhưng không ai có thể khinh rẻ được, nếu vua chúa mà bỏ dân không bảo vệ dân thì lòng dân phân li mà sự phản bội sẽ theo đến ngay” [TVG,1956: 107]. Bể hiểm nhân gian ai kẻ biết, ghê thay thế nước vị qua mềm. (Tự thuật 115.8). |