Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Chỉ nam ngọc âm
canh 羹
◎ Chữ hội ý, gồm chữ cao 羔 (dê non) và chữ mỹ 美 (dê to). Người phía Bắc Hoa Hạ xưa chủ yếu là dân du mục, thức ăn chính là thịt cừu thịt dê, nên mới gộp hai chữ có cùng bộ dương. Nghĩa ban đầu, canh trỏ mùi thịt tươi ngon. Nấu thịt với rau và gia vị thì thành món thịt có nước sệt. Sách Thuyết văn ghi : “ngũ vị hòa canh” (五味和羹). Như vậy, chữ canh thời thượng cổ là trỏ món thịt hầm rau, phân biệt với thang (món nấu có nhiều nước). Canh mang nghĩa như thang là bắt đầu từ từ thời trung cổ trở lại đây. Chữ canh trong tiếng Việt hiện nay là trỏ (1) món rau, củ, quả nấu cùng với mắm; (2) nước rau luộc có nêm muối sau khi vớt rau ra (tùy từng vùng mà gọi); (3) món rau nấu với thịt, cá. Nhưng nghĩa thứ ba hiện đang dần được thay bằng từ súp. Thế kỷ XVII, Chỉ nam ngọc âm có tả một vài loại canh như sau: Đông qua là bí nấu canh ngọt dừ (69b), Huân hoắc riêu nấu hơi chua, Thái canh bất hoà cảm nhớ canh suông (20a), Thuần canh canh dút thơm nồng (20a), Khổ tửu dấm son chua thay, hà tương hiệu rày là mắm tôm canh (19b). Canh bính trắng một bánh canh, tôm he cà cuống thịt hành hồ tiêu (21a). Như vậy, đặc điểm của canh Việt là canh rau - mắm. Riêng món bánh canh thì miền Bắc hiện đã mất, còn bảo lưu trong tiếng Huế. và văn hoá Huế Tuy nhiên, tiếng Việt vẫn có một số từ bảo lưu nghĩa từ tiếng Hán, ví dụ: “Huyết canh (血羹) là tiết canh; Hà tí (蝦漬) là tôm canh.” (Phạm Đình Hổ 1827: 26b). Ss đối ứng: kɛŋ (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 185].
dt. món rau nấu nhiều nước. Chẳng ngừa nhỏ, âu nên lớn, Nẻo có sâu, thì bỏ canh. (Bảo kính 136.6) tng. Con sâu bỏ rầu nồi canh‖ 134.6. Cứ liệu trong thơ Nguyễn Trãi cho thấy, nghĩa của canh đã được Việt hoá từ thế kỷ XV.