Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Nhữ Nam
trùng cửu 重九
dt. tức ngày mùng chín tháng chín, nên gọi là tết trùng cửu, người xưa đem tự số chia làm âm dương, số chín thuộc về dương, nên ngày mùng chín tháng chín gọi là tết Trùng Dương 重陽節. Tục xưa, ngày này người ta hay hái cây thù du (cây tiêu hột) cài lên tóc để tránh bệnh dịch, nên gọi là Thù Du Tiết 茱萸節, tết này đi chơi thưởng hoa cúc nên gọi là Cúc Hoa Tiết 菊花節. Cát Hồng trong Tây kinh tạp ký ghi chuyện: thích phu nhân, ái phi của hán cao tổ có một thị nữ tên là Giả Bội Lan 賈佩蘭, sau khi thích phu nhân chết, Giả Bội Lan bị đuổi ra khỏi cung, thường hay nhớ đến chuyện trong cung sung sướng ngày xưa, nên than rằng: “Mùng chín tháng chín, đeo nhành thù du, ăn cỏ bồng, uống rượu hoa cúc, khiến người trường thọ.” (九月九日,佩茱萸,食蓬餌,飲菊花酒,令人長壽 cửu nguyệt cửu nhật, bội thù du, thực bồng nhĩ, ẩm cúc hoa tửu, lệnh nhân trường thọ). Ngô Quân đời Nhà Lương trong sách Tục Tề Hài Ký ghi: “Ở huyện Nhữ Nam có một người tên là Hoàn Cảnh 桓景, cha mẹ vợ con đều cày ruộng nuôi thân. Một năm, vùng ấy có bệnh dịch, chết rất nhiều người. Hoàn Cảnh nghe nói có ma ôn dịch nên tìm đường học phép trừ ma. Sau chàng gặp được Phí Trường Phòng, được vị tiên này ban cho thanh long kiếm, và dạy cách hàng ma. Trước khi cảnh về, trường phòng nói: ‘hôm nay là ngày mùng chín tháng chín, ma ôn dịch lại ra hại người, con hãy mau về trừ hại cho dân, ta cho con một bao lá thù du, và một bình hoa cúc, để cho mọi người lên cao mà tránh hoạ’. Nói xong, bèn vẫy hạc chở cảnh về nhữ nam”. Người hiềm rằng cúc qua trùng cửu, kẻ hãy bằng quỳ hướng thái dương. (Tự thán 71.3)‖ (Cúc 240.3).