Phần giải nghĩa Lê Thái Tông |
chi tuổi 支歲 |
|
dt. HVVT <từ cổ> tuổi âm, năm tuổi, tính theo can chi, hán văn là chữ niên canh 年庚 . “chi tuổi: năm tuổi của Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi sinh năm canh thân 1380, thì năm 1440 cũng canh thân, đúng một chu kỳ 60 năm. Đến năm 1441, ông mới được Lê Thái Tông cho phục chức và ông làm bài Biểu tạ ơn” [BVN 1994: 57]. “chi là mười hai địa chi (tý, sửu, dần…). Chi tuổi là năm tuổi, Nguyễn Trãi sinh năm canh thân 1380, gặp năm thân là năm tuổi, không nhất thiết phải đến năm canh thân 1440 mới là năm tuổi như một vài sách giải thích” [MQL 2001: 724]. “Chi tuổi là năm tuổi, xưa thường cho rằng đó là năm gặp nhiều khó khăn.” [PL 2012: 92]. Cậy trời còn có bây nhiêu nữa, chi tuổi chăng hiềm kẻ khó khăn. (Trần tình 38.8). |
gác Đông 閣東 |
|
dt. <Nho> dịch chữ đông các 東閣, là một tên gọi của hoa mai. TVG cho rằng “đông các là cái lầu chiêu hiền ở đời Hán. Nhà thơ Đỗ Phủ đời Đường khi làm quan ở đông các có làm câu thơ: “Ở Đông Các ngắm hoa mai động thi hứng.” (東閣觀梅動詩興 đông các quan mai động thi hứng) [theo TVG, Schneider cho rằng: “Đây là cơ quan thuộc Hàn Lâm viện, nơi Nguyễn Trãi làm việc”. Tuy nhiên, theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí Quan chức chí, dưới triều Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông không có cơ quan đông các cũng như chức vụ đông các ở trong Hàn Lâm viện, mà phải đến năm 1471 mới có. Như vậy thuyết của TVG là không ổn. Theo Chỉ Nam ngọc âm môn hoa loại có ghi: “Trạng nguyên: hoa quế; đông các: hoa mai”. Có thể hiểu là: “hoa mai thực đã từng làm khách của nhà thơ, chứ đâu chỉ có kết bạn với mỗi mình với tiên Lâm Bô ” [theo PL 2012: 349]. Gác Đông ắt đã từng làm khách, há những bô tiên kết bạn chơi. (Mai thi 224.3). ở đây, rõ ràng nhà thơ đang chơi chữ, bài tả về hoa mai, nên câu nào cũng có điển về mai. Dùng chữ “gác Đông” ấy chính là trỏ đích danh hoa mai, nhưng lại muốn ẩn cái tên đó đi, mà uyển chuyển nói rằng, loài hoa này từng làm khách ở gác Đông, với hàm ý một loài hoa quý được trồng ở những nơi lầu sảnh quan trọng, tức là vừa trỏ cái cốt cách của hoa, cũng là trỏ cái sở dụng của hoa. |
Thừa chỉ 承旨 |
|
dt. tên một chức quan, chức này bắt đầu có từ đời Đường, tên đầy đủ là Hàn Lâm học sĩ Thừa chỉ thuộc Hàn Lâm viện, là quan đứng đầu các học sĩ, phàm các việc chính sự trọng yếu như cáo lệnh, phế truất, cắt đặt đều được một mình ứng đối. “qua bức thư Nguyễn Trãi thay mặt lê lợi soạn thảo sớm nhất còn lại là Thỉnh hàng thư (Thư xin hàng) viết vào tháng 5 năm quý mão (1423), có thể đoán Nguyễn Trãi được phong chức đó từ những năm đầu tham gia khởi nghĩa lam sơn. Dưới triều Lê Thái Tổ, với chức vụ Thừa chỉ, Nguyễn Trãi chuyên thay mặt vua soạn thảo chiếu, chế, biểu… ghi chép hoạt động của Nguyễn Trãi khoảng 1433 - 1437, Đại Việt sử ký toàn thư vẫn gọi ông với chức danh Thừa chỉ. Tháng 6 năm đinh tị (1437), nhân bất đồng với quy chế nhã nhạc do Lương Đăng soạn thảo, nhưng vua Lê Thái Tông lại tán thành, ông xin về Côn Sơn dựng nhà, thỉnh thoảng mới về thăng long chầu vua. Bài thơ có lẽ được làm ở Côn Sơn vào thời kỳ này, khi Nguyễn Trãi vẫn đương chức Thừa chỉ” [PL 2012: 131]. Thừa chỉ ai rằng thì khó ngặt, Túi thơ chứa hết mọi giang san. (Tự thán 72.7). |