Phần giải nghĩa Chu Hy |
bồ bặc 匍匐 |
|
◎ Nôm: 暴匐 Viết nhầm do gần âm. [Schneider 1987: 384]. bồ bặc: bò lê trên mặt đất, sau trỏ nghĩa quy phục, nên hậu kỳ còn được viết là 匍伏 và 俯伏 (phủ phục). bồ 匍 là nguyên từ của bò (bò lê). Kinh Thi phần Đại nhã bài Sinh dân có câu: “ấy thực bò lê, lên gò lên núi” (誕實匍匐,克岐克嶷). Chu Hy chua: “bồ bặc: tay chân cùng bò” (匍匐,手足并行也). Kinh Thi phần Bắc phong bài Cốc phong ghi: “Phàm dân có tang, bồ bặc đến cứu” (凡民有喪,匍匐救之). Trịnh Huyền viết lời tiên rằng: “bồ bặc: ý nói hết sức vậy” (匍匐,言盡力也) [Hướng Hy 1988: 339]. bồ bặc đối với ân cần, đều là các từ gốc Hán. Nghĩa “hết sức” gần nghĩa với ân cần, nghĩa “quỵ luỵ” trái với ân cần, đều lọn nghĩa. Phiên khác: bạo bặc: bội bạc [ĐDA 1976: 790], bạo bặc: nhiệt tình, vồ vập [NQH 2006: 29], bao bọc [MQL 2001: 962-963]. Nay theo Schneider.
|
đgt. <từ cổ> hết sức giúp đỡ. Những kẻ ân cần khi phú quý, hoạ ai bồ bặc khuở gian nan. (Bảo kính 139.4). |
chẳng nhàn 拯閑 |
|
tt. <Nho> dịch chữ vô dật 無逸, vốn là tên của thiên thứ mười bảy trong Chu Thư thuộc sách Thượng Thư. Khi Vũ Vương chết, thành vương còn nhỏ, Chu Công hết lòng giúp giập, phò tá thành vương trong việc trị quốc. Chu Công đã soạn ra thiên này để biện minh việc tốt xấu để dạy dỗ , răn dè thành vương. “vô dật” được các nhà Nho xưa coi là bài học về phép tu thân, thận độc. Ví dụ, câu đầu sách này ghi rằng: quân tử sở kỳ vô dật (người quân tử [ở ngôi trị nước chăn dân] chớ ham mê chơi bời hưởng lạc). Chu Hy coi “vô dật” là “gương sáng nêu cao cho vua chúa muôn đời soi chung”. [TL Sáng 2002: 449]. “chẳng nhàn” xưa chép lời truyền bảo, khiến chử cho qua một đạo thường. (Bảo kính 128.5). |
cửu cao 九臯 |
|
dt. chín cái đầm. Bài Hạc Minh phần Tiểu nhã trong Kinh Thi có câu: “Chim hạc kêu ở ngoài xa nơi chín đầm, mà tiếng còn nghe được trên cánh đồng.” (鶴鳴于九臯,聲聞于野 Hạc Minh vu cửu cao, thanh văn vu dã). Chu Hy chua rằng: “Tiếng hạc kêu cao chót vót mà trong trẻo, tiếng vang xa đến tám chín dặm.” Cách song mai tỉnh hồn Cô Dịch, kề nước cầm đưa tiếng cửu cao. (Mạn thuật 35.4). Đây tả tiếng đàn trong trẻo, tao nhã như tiếng hạc. Truyện Kiều có câu: trong như tiếng hạc bay qua. Nguyễn Trãi trong Đề Bá Nha cổ cầm đồ có câu: “Một tiếng hạc kêu nơi chín chằm lạnh.” (一聲鶴唳九皋寒 nhất thanh hạc lệ cửu cao hàn). |
dật dân 逸民 |
|
dt. người ẩn dật trốn đời. Luận Ngữ thiên Vi tử ghi: “Xưa nay những người hiền đi ẩn dật có Bá Di, Thúc Tề, Ngu Trọng, Di Dật, Chu Trương, Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên. Khổng Tử nói: chẳng hạ chí mình, chẳng nhục thân mình, là Bá Di, Thúc Tề chăng? Liễu Hạ Huệ và Thiếu Liên phải hạ chí mình, phải nhục thân mình. Song lời nói hai ông hợp với luân lí, việc làm của hai ông trúng với điều suy nghĩ [của dân], chỉ có thế mà thôi. Ngu trọng, Di Dật thì ở ẩn và nói năng phóng túng; nhưng giữ mình trúng lẽ thanh khiết, và phế bỏ đúng lẽ quyền biến. Ta thì khác với mấy ông ấy, chẳng có gì được, cũng chẳng có gì là không được.” (逸民:伯夷、叔齊、虞仲、夷逸、朱張、柳下惠、少連。子曰:’不降其志,不辱其身,伯夷、叔齊與!”謂:“柳下惠、少連,降志辱身矣。言中倫,行中慮,其斯而已矣。”謂:“虞仲、夷逸,隱居放言。身中清,廢中權。”“我則異於是,無可無不可). Thiên Nghiêu viết có nói “cử dật dân” (cất nhắc người ở ẩn). Chu Hy chú: “cử dật dân là nói việc thả cơ tử ra khỏi tù, khôi phục vị trí thương dung”. Trúc mai chẳng phụ lòng quân tử, vượn hạc đà quen bạn dật dân. (Thuật hứng 60.4). |
tìm phương 尋芳 |
|
đgt. dịch chữ “尋芳”, tìm hoa thơm cỏ lạ, trỏ việc du lãm, du ngoạn cảnh đẹp. Diêu Hợp đời Đường trong du dương hà ngạn có câu: “tìm thơm, đường thu hết, gặp cảnh sợ lắm người” (尋芳愁路盡,逢景畏人多 tầm phương sầu lộ tận, phùng cảnh úy nhân đa). Chu Hy đời Tống trong bài Xuân nhật có câu: “bao ngày du lãm bờ sông tứ, vô cùng quang cảnh một thời xuân” (勝日尋芳泗水濱,無邊光景一時新 thăng nhật tầm phương tứ thuỷ tân, vô biên quang cảnh nhất thời tân). Lọ chi tiên Bụt nhọc tìm phương, được thú an nhàn ngày tháng trường. (Tự thán 82.1). ở đây, chữ “tìm phương” có ý nghĩa song quan, câu 3-4 trỏ những thú thanh tao của ẩn sĩ như ngắm hoa mai với ánh trăng, đọc sách trong hương trầm, câu 6-8 trỏ việc giữ đạo, giống như câu thơ của Chu Hy. |