Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Việt-Chứt
nhẹ 珥
◎ âm proto Việt-Chứt: sɲɛl [NT Cẩn 1997: 311].
tt. trái với nặng. Đài Tử Lăng cao, thu mát, bè Trương Khiên nhẹ, khách sang. (Ngôn chí 9.4)‖ (Mạn thuật 30.5)‖ (Tự thán 78.1)‖ (Lão hạc 248.1)‖ (Điệp trận 250.2).
quê 圭
◎ Nôm: 圭 AHV: khuê, âm phiên thiết “quê” (涓畦切) [Tập Vận, vận hội], nghĩa “vùng đất”. Đây là chữ hội ý {thổ + thổ}, xuất phát từ tục phân phong thời xưa, chữ 封 nguyên nghĩa là “mảnh đất của vua chư hầu, gồm hai chữ thổ (圭) và bộ thốn” (封,爵諸侯之土也。从之从土从寸) [Thuyết Văn giải tự; weiger 1915: 210], mà thốn chỉ là dạng khải hoá của bộ thủ (cái tay, trỏ sự sở hữu), sau 封 mới cho nghĩa là ranh giới lãnh thổ. Mặt khác, bản thân chữ “phong” còn có nghĩa là “vua chư hầu cầm ngọc khuê (biểu tượng của vùng đất mình cai quản) vào chầu thiên tử”. Chữ 圭 (hoặc 珪) từ đó mới chuyên dùng để trỏ loại ngọc này, còn nghĩa gốc “đất đai” được chuyển sang dùng tự dạng mới là “畦” [An Chi 2006: 311-312]. Âm HTC của 圭 là: kʷe (Baxter), kʷee (Phan Ngộ Vân). Chữ 貫 (quán) vốn nghĩa là “chuỗi tiền xâu” sau được dùng giả tá để ghi “vùng đất cha ông đã sống” (nguyên quán), mà hình thái ngữ âm quãng thời Tần về sau là *kwel hoặc *kwen, tiếng Việt còn bảo lưu âm “quèn”, như thành quèn (cổ hiền) là thực ấp của Đỗ Cảnh Thạc. Ss đối ứng: *kuel [NT Cẩn 1997: 311]. Chung âm -l cho phép truy nguyên đến thời Proto Việt-Chứt [NT Cẩn 1997: 208- 210; An Chi 2006 t4: 314]. Ss đối ứng kwel, kwe (11 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 259]. Như vậy, “quê” là âm THV cổ xưa nhất (có khả năng trước đời Tần), “quèn” là âm THV thời Tần - Hán - Nam Bắc Triều. Còn “quán” là AHV từ đời Đường.
dt. quê quán. Phần du lịu điệu thương quê cũ, tùng cúc bù trì nhớ việc hằng. (Ngôn chí 16.5)‖ (Mạn thuật 33.1, 35.1)‖ (Thuật hứng 48.1, 50.2, 51.1, 59.1)‖ (Tự thán 71.7, 73.2, 77.5, 107.2, 109.2)‖ (Tự thuật 117.2)‖ (Bảo kính 135.4, 155.1, 158.2).
rửa 瀉 / 𣳮
AHV: tả. Kiểu tái lập từ ngữ liệu của Chu Lễ: *sah [Schuessler 2007: 537]. Nguyễn tài cẩn gợi ý đến khả năng song tiết hoá ở Việt-Chứt [1997: 118]. Cứ liệu ngữ âm hiện còn cho phép xác định đó có khả năng là tổ hợp phụ âm đầu: rửa ráy được ghi bằng 𪡉󱞮 (cá 个+ lã 呂,cá 个+ tái 塞), kiểu tái lập có thể là *ksả *ksái, nguyên văn: rửa ráy rén hót nhơ <洗濯頻除穢 (Phật Thuyết 15a5). Cứ liệu ngữ nghĩa: rửa được ghi bằng chữ Nôm 𤀗 ở thế kỷ XVI-XVII được dùng để đối dịch chữ tẩy 洗: lời nhơ nói xấu, phiền ngươi rửa đấy ← 蕪辭穢語煩公洗之 (TKML i 13b12). Như thế, chữ rửa ráy 瀉洗 là một từ Hán Việt Việt tạo. Quá trình biến đổi ngữ âm từ Hán sang Việt như sau: *sah *sai>*ksả *ksái> rửa ráy. *ksả *ksái là âm HHVH ở tiếng Việt tiền cổ, rửa ráy là âm HHVH ở giai đoạn tiếng Việt cổ (xiii- xvi), đến nay vẫn dùng. Tương ứng: đi tả/ đi rửa. Từ Hán Việt như tả lị, trong đó thổ tả 吐瀉 (trên nôn dưới rửa) còn cho lối nói đi rửa ruột, sau được dùng để rủa: đồ thổ tả. rửa xuất hiện trong một số từ kép và một số kết hợp như: rửa ráy, giặt rửa, gột rửa, rửa thù, rửa hận, rửa nhục, rửa tội, rửa chân tay, rửa ảnh, rửa tiền. sớm rửa cưa trưa mài đục. Thng Phiên khác: tả: chảy rốc xuống (TVG, ĐDA, BVN), dã: giải, làm cho bớt sức theo ghi nhận của Paulus của 1895 và Génibrel 1898 (Schneider, MQL, PL).
đgt. (mưa, thác) tưới xuống, đổ xuống. Lục Du trong bài Vũ dạ có câu: “Mưa rào như suối rửa ngòi sâu, nhà không nằm trước ngọn đèn sầu.” (急雨如河瀉瓦溝,空堂卧對一燈幽 cấp vũ như hà tả ngoã câu, không đường ngoại đối nhất đăng u). Tào khê rửa nghìn tầm suối, sạch chẳng còn một chút phàm. (Thuật hứng 64.7), chữ rửa ở câu này dùng với hai nghĩa, ở câu trên là tả cảnh thác đổ, nhưng khi ý thơ vắt dòng xuống câu dưới thì rửa đã mang nghĩa gột rửa. Đây là một ví dụ nữa cho việc chơi chữ nước đôi có hệ thống và có chủ ý trong thơ Nguyễn Trãi.
đgt. gột cho hết (bẩn, buồn,…), rửa cho sạch. thuỷ hử toàn truyện có câu: “Ngâm thơ như muốn rửa sầu ngàn cân.” (吟詩欲瀉百重愁 ngâm thi dục tả bách trọng sầu). Rửa lòng thanh, vị núc nác, vun đất ải, rãnh mùng tơi. (Ngôn chí 10.3)‖ Say mùi đạo chè ba chén, rửa lòng phiền thơ bốn câu. (Thuật hứng 58.6)‖ (Tự thuật 114.6). Hiện còn nói: mưa rửa chùa, mưa rửa núi.
sao 𤚧
◎ (trá 吒 + lao 牢). Thổ ngữ Mường (Mường Danh, Giai Xuân): thao [NT Cẩn 1997: 124]. Một số phương ngữ còn nói thao tháng (sao sáng). Nguyễn Tài Cẩn cho rằng đây là lưu tích của tổ hợp phụ âm đầu trong tiếng Mường, mà tiếng Mường đã rụng mất âm rung -*r- và khẳng định “lai nguyên của s thuần Việt ở giai đoạn proto Việt-Chứt đúng là những tổ hợp phụ âm” [1997: 113]. Hoa Di Dịch Ngữ: 星, kiểu tái lập : ts’ao. [Vương Lộc 1997: 115]. Đối ứng trong thổ ngữ Mường như krao (Úy Lô) [Gaston 1967: 147], và các đối ứng k’aw¹ (Mường Thải, Tân Phong, Huy Thượng,…), t’aw¹ (Mường Danh, Giai Xuân), şaw¹ (Lâm La, Cổ Liêm) [NV Tài 2006: 266]. [TT Dương 2012a].
dt. tinh tú. Đàn trầm đạn ngọc sao bắc, phất dõi cờ lau gió tây. (Nhạn trận 249.3).
son 𣗾
◎ {chu 朱+ lôn 侖}. Dùng l- ghi s-. Âm proto Việt-Chứt có thể là: *klon.
dt. chất màu đỏ làm từ chu sa, thường dùng tô môi. Môi son bén phấn day day, đêm nguyệt đưa xuân một nguyệt hay. (Mạt lị hoa 242.1).
sạch 瀝
◎ (âm đầu của thanh phù lịch 歷 ghi -*r-). Kiểu tái lập cho tiếng tiền Việt-Chứt: *br-/ *pr-, hoặc *kr-/ *gr-. [NT Cẩn 1997: 108- 114]. So sánh với các đối ứng như khat (Quy Mỹ: Mường), thak (cao trai), thsák (Lâm La), sek (Đà Nang), saat (chàm, laotien) [Gaston 1967: 152], k’εk (4 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 265]. Trong ba dẫn liệu trong QATT, thì có đến hai dẫn liệu có khả năng vẫn còn lưu tích của cách đọc từ giai đoạn trước để lại. Có như vậy mới giải thích được vì sao, hai câu thơ đó chỉ có sáu âm tiết. Kiểu tái lập: *krɛk⁶ [TT Dương 2012c].
tt. trái với bẩn, thường dịch chữ tịnh hoặc khiết. Chỉn đòi áo mặc sạch ← 秪求衣潔 (Phật Thuyết 15a9). Tào khê rửa nghìn tầm suối, sạch chẳng còn một chút phàm. (Thuật hứng 64.8).
tt. (bóng), thanh sạch. Am quạnh thiêu hương đọc “ngũ canh”, linh đài sạch một dường thanh. (Mạn thuật 31.2)‖ Xuân đến nào hoa chẳng tốt tươi, ưa mày vì tiết sạch hơn người. (Mai thi 224.2).