dt. đàn của vua Ngu Thuấn. Sách Cổ Kim Nhạc Lục ghi: “Vua Thuấn đàn cầm năm dây, ca bài Nam phong.” (舜彈五弦之琴,歌《南風》之詩). Sách Sử Ký phần Nhạc thư ghi: “Thuấn ca bài Nam phong mà thiên hạ trị, nam phong là thanh âm của sự sinh sôi. Vua Thuấn rất thích nhạc ấy, bởi nhạc đó vui cùng trời đất, ý hợp với lòng muôn nước, cho nên thiên hạ trị.” (舜歌《南風》而天下治,《南風》者,生長之音也。舜樂好之,樂與天地同,意得萬國之欢心,故天下治也). Bài Nam phong ca như sau: “leo lên tam sơn chừ, thương nhạc cao ngất, trời giáng ngũ lão chừ, hát ca đón ta. Có rồng vàng chừ tự vọt Hoàng Hà, chở đồ thư chừ uốn lượn nguy nga. Dựa đồ xem sấm chừ ý trời bao la, gõ khánh nhạc thiều chừ động thẳm sóng sa. Chim thú rầm rập chừ phượng hoàng chầu ra. Gió xuân từ nam chừ như thêm tụng thán. Gió nam ấm áp chừ, khả dĩ cởi ấm ức dân ta; gió nam đúng mùa chừ, khả dĩ làm sung túc dân ta.” (陟彼三山兮商岳嵯峨,天降五老兮迎我來歌。有黄龍兮自出于河,負書圖兮委蛇羅沙。案圖觀讖兮閔天嗟嗟,擊石拊韶兮淪幽洞微,鳥獸蹌蹌兮鳳皇來儀,凱風自南兮喟其增嘆。南風之薰兮,可以解吾民之愠兮。南風之時兮,可以阜吾民之財兮). Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng, dân chàu đủ khắp đòi phương. (Bảo kính 170.7). |
dt. địa danh, tên núi, nay ở phía Đông Nam huyện Thương tỉnh Thiểm Tây. Cuối thời Tần mấy người Dông Viên Công 東園公, Giác Lý Tiên Sinh 甪里先生, Ỷ Lý Quý 綺里季, Hạ Hoàng Công 夏黄公 tránh loạn, ẩn cư ở núi Thương Sơn gần 80 năm, râu tóc đều bạc trắng, đương thời gọi là Thương Sơn Tứ Hạo 商山四皓. Tứ Hạo ca như sau: “Tứ Hạo ẩn cư, cao tổ mời ra làm quan nhưng không ra. Viết bài hát rằng: “núi cao lặng lẽ, hang sâu mà vẫn ung dung tự đắc. Linh chi rực rỡ, có thể chống đói, đời Đường Ngu xa xôi, ta sao có thể quay ngược về? xe tứ mã lọng cao, mối lo thật lớn. Phú quý mà làm người lo lắng chừ, chẳng bằng nghèo hèn mà đắc chí.” (莫莫高山。深谷逶迤。燁燁紫芝。可以疗饑。唐虞世遠。吾將何歸。駟馬高盖。其憂甚大、富貴之畏人兮。不若貧賤之肆志 Mạc mạc cao sơn, thâm cốc uy di. Diệp diệp tử chi, khả dĩ liệu cơ. Đường Ngu thế viễn, ngô tương an quy? Tứ mã cao cái, Kỳ u thậm đại. Phú quý nhi uý nhân hề, bất nhược bần tiện nhi tư chí). (dẫn theo Cổ Kim Nhạc Lục). Nọ kẻ tranh hùng nên hán tướng, Kìa ai từ tước ẩn Thương San. (Bảo kính 185.4). |