Tổng quan dự án |
Sau khi Việt Nam thoát khỏi sự đô hộ của Trung Quốc khoảng năm 939 (Dương lịch sau Công nguyên), các học giả Việt Nam sáng tạo ra chữ nôm để viết tiếng Việt. Từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 20, đa số các tác phẩm về văn chương, triết học, lịch sử, luật pháp, y tế, tôn giáo, và các văn kiện hành chính đều được viết bằng chữ nôm. Dự án số hoá kho tàng thư tịch Hán Nôm tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQGVN) là một sự hợp tác giữa Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm (HBTDSCN) và Thư viện Quốc gia Việt Nam. Từ tháng tư năm 2006 HBTDSCN ký một bản ghi nhớ với TVQGVN để xây dựng một thư viện số cho kho thư tịch Hán Nôm đặc biệt gồm hơn 4000 thư tịch. Dự án đã và đang sử dụng tư liệu "Thư Mục Sách Hán Nôm" do GS. Ngô Đức Thọ chủ biên năm 2002. Kho thư tịch được lưu trữ trong phòng đọc sách sưu tầm đặc biệt tại TVQGVN, bao gồm những tác phẩm in bằng mộc bản, viết tay, hoặc in ấn bằng phương pháp hiện tại . Những tác phẩm này được viết bằng chữ Hán, chữ nôm, cả Hán lẫn Nôm, cũng như Hán hoặc Nôm đã được chuyển qua quốc ngữ. Kho của thư viện số hóa này có thể phân làm 4 bộ: Kinh, Sử, Tử, Tập, và gồm những tuyển tập, tiểu sử, các bài thi quan trường, kịch bản, tài liệu giáo khoa, đặc san, gia phả, lịch sử, bản khắc, ngữ học, văn chương, thuốc nam, chuyện viết bằng chữ Nôm, thi phú, tôn giáo, Trung Quốc học, triều chính, lệ làng, luật gia đình… |