Lời dẫn |
Cho đến hiện nay, công cuộc nghiên cứu và biên soạn về chữ Nôm đã đạt được nhiều thành tựu khả quan. Để giản tiện, chỉ xin điểm qua hai bộ tự điển chữ Nôm xuất hiện trong những năm gần đây và có liên quan nhiều hơn cả với bộ Tự điển Chữ Nôm dẫn giải này của chúng tôi: (A). Tự điển chữ Nôm. Công trình biên soạn tập thể của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, do Nguyễn Quang Hồng chủ biên. NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006. Sách dày 1.546 tr., khổ 16x24. Đây là tự điển chữ Nôm đầu tiên trong đó mỗi đơn vị chữ được nêu những câu dẫn cụ thể từ tác phẩm Nôm (gần 50 văn bản). Nó đã được bạn đọc đánh giá cao trong mấy năm qua. Số lượng chữ cũng nhiều hơn các tự điển có trước, song chưa thật phong phú (tất cả có 7.888 hình chữ với hơn 12.000 đơn vị miêu tả). Với mỗi chữ đều cho giải nghĩa và phân tích cấu trúc của chữ, song cũng có chỗ chưa được chính xác, chưa thật hợp lý. Trong điều kiện lúc đó, nhóm biên soạn đã không dẫn được nguyên văn chữ Nôm, mà chỉ phiên âm theo chữ quốc ngữ. (B). Tự điển chữ Nôm trích dẫn. Công trình biên soạn tập thể của Viện Việt học tại Hoa Kỳ (gồm 7 đồng tác giả). Viện Việt học ấn hành. In tại Đài Loan, 2009, dày 1.708 trang, khổ 19x26. Các tác giả đã thu nhập dữ liệu trực tiếp bằng máy tính, lần đầu tiên trích dẫn các câu theo nguyên văn chữ Nôm (với phông chữ Nôm tự tạo khá chuẩn xác) và kèm theo phiên âm chữ quốc ngữ. Số lượng văn bản Nôm được dùng nhiều hơn (gồm 69 văn bản) với nhiều tác phẩm Nôm ở trong Nam. Gọi là tự điển, nhưng công trình này không hề giải nghĩa cho các chữ Nôm và hầu như không phân tích cấu trúc của từng chữ. Kế thừa có chọn lọc những điểm khả thủ và khắc phục những hạn chế và sai sót trong các công trình biên soạn có trước, áp dụng những cách tiếp cận và xử lý mới mà chúng tôi nhận thức được, chính là đòi hỏi bức thiết dẫn dắt chúng tôi đi vào biên soạn công trình Tự điển Chữ Nôm dẫn giải này, với mong muốn cống hiến cho xã hội một bộ tự điển chữ Nôm kiểu mới, với dung lượng lớn hơn và chất lượng cao hơn trước. Về phần nhận thức đối tượng, chúng tôi có chuyên luận Khái luận văn tự học Chữ Nôm (Nguyễn Quang Hồng, NXB Giáo dục, Tp.Hồ Chí Minh, 2008) làm chỗ dựa. Trong chuyên luận này, chúng tôi đã xác định được những đặc điểm của chữ Nôm theo cách nhìn lịch đại và đặc biệt là đưa ra cách phân loại mới và quan niệm mới về cấu trúc của chữ Nôm (phân biệt cấu trúc hình thể và cấu trúc chức năng, cấu trúc chiều sâu và cấu trúc bề mặt), và cả về môi trường hành chức của chữ Nôm. Đó là những gì rất cần thiết cho việc xử lý các vấn đề về lựa chọn văn bản, về giải nghĩa và phiên âm, về phân tích và xếp loại cấu trúc chữ Nôm trong tự điển này. Hệ thống lý thuyết văn tự này chưa hình thành đầy đủ khi chúng tôi chủ biên tự điển (A) nói trên, và đây là lần đầu tiên được áp dụng vào công việc biên soạn bộ Chữ Nôm dẫn giải này. Về phần tư liệu, chúng tôi trực tiếp bắt tay làm từ đầu công việc sưu tầm các văn bản chữ Nôm. Từ đó lựa chọn ra 124 đơn vị văn bản, (gấp bội so với các tự điển có trước) thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, thuộc nhiều lĩnh vực văn hóa xã hội khác nhau, và thuộc nhiều loại hình văn bản khác nhau. Với những tác phẩm Nôm nổi tiếng, chúng tôi sử dụng không chỉ 1, có khi là 2 thậm chí 3 văn bản khác nhau. Ngoài ra, trong phần Phụ lục, chúng tôi ghi nhận thêm một số hình chữ và âm đọc khác được phản ánh qua hai bộ tự điển nổi tiếng của P. de Béhaine (1772) và của J.L. Taberd (1838). Bộ tự điển này của chúng tôi thu nạp được 9.200 hình chữ Nôm khác nhau (chưa kể gần 250 chữ ở phần Phụ lục), tương ứng với 14.519 âm đọc ghi theo chữ quốc ngữ, trong đó có tới gần 3.000 chữ Nôm tự tạo chưa hề có mặt trong các tự điển và các phông chữ Nôm hiện dùng. Trong nội dung chính của tự điển này, người đọc trước hết tìm kiếm chữ Nôm theo âm đọc (đã biết trước hoặc theo dự đoán). Tương ứng với từng âm tiết tiếng Việt hiện đại, sẽ có từ một đến hàng chục chữ Nôm khác nhau. Mỗi chữ là một đơn vị miêu tả, theo 2 cột: (a) Cột Chữ Nôm xác nhận hình chữ, âm đọc và ký mã của chữ (theo Unicode hoặc Vcode). (b) Cột Dẫn giải bao gồm: Phân tích cấu trúc của chữ. Tiếp đến là giải nghĩa chữ kèm theo những câu dẫn cụ thể. Các âm tiết khác nhau (tương ứng với một hoặc một số chữ Nôm) sẽ được sắp xếp theo thứ tự ABC của chữ quốc ngữ. Khi gặp những chữ lạ, mà người đọc không biết chắc và không dự đoán được âm đọc của nó, thì có thể tra tìm chữ đó ở Bảng tra chữ Nôm theo bộ thủ, rồi lần giở đến trang có âm đọc được ghi nhận cho chữ đó. Trong quá trình biên soạn, tác giả đã sử dụng các bộ phông chữ Nôm và cả chữ Hán hiện có, chuyên dùng cho máy tính, mà chủ yếu là bộ phông Nôm Na Tống. Tác giả đã tự mình thực hiện công trình này trên máy tính trong tất cả các khâu (trừ một số khâu ở phần hậu kỳ). Công việc vẽ bổ sung những chữ Nôm chưa có sẵn trong các bộ phông hiện dùng, lập bảng tra cứu chữ Nôm theo bộ thủ, cũng như thực hiện một loạt các thao tác kỹ thuật khác ở giai đoạn hậu kỳ để hoàn thiện chế bản in ấn cho công trình này, đã nhận được sự hỗ trợ về nhân lực và cả vật lực của Hội Bảo tồn Di sản Chữ Nôm (Hoa Kỳ). Nhóm Nôm Na của Hội ở Hà Nội cùng với tác giả đã bỏ nhiều tâm sức trong suốt hơn một năm để thực hiện công việc phức tạp này. Không chỉ trong khâu chế bản, mà cả trong việc in ấn bộ Tự điển chữ Nôm dẫn giải này, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ quý báu của Hội Bảo tồn Di sản Chữ Nôm (Hoa Kỳ). Chính vì lẽ đó, trước khi đón mừng bộ tự điển ra mắt, tại đây, soạn giả xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới quý Hội (http:// www. nomfoundation.org) và với cả các đồng nghiệp trong nhóm Nôm Na thuộc Văn phòng của Hội tại Hà Nội. Tác giả cũng chân thành cảm ơn các đồng nghiệp của mình tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, đã nhiệt tình cung cấp cho tác giả một số tư liệu chữ Nôm quý hiếm, góp phần bổ sung và làm phong phú thêm nguồn tư liệu cho công trình tự điển này. Cuối cùng, tác giả xin gửi lời cám ơn sâu sắc tới Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã quan tâm giúp đỡ cho việc in ấn, và rất lấy làm hân hạnh được Nhà xuất bản Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) hợp tác với Hội Bảo tồn Di sản Chữ Nôm (Hoa Kỳ) đứng ra đảm nhận việc xuất bản bộ tự điển Chữ Nôm dẫn giải này, và giới thiệu cùng đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước. Hy vọng rằng độc giả sách này không chỉ là các nhà nghiên cứu thuộc nhiều thế hệ trong lĩnh vực Hán Nôm, mà có lẽ (thậm chí trước hết) là tất cả những ai muốn tìm về hình bóng của ngôn ngữ và chữ viết, văn chương và văn hóa người Việt trong quá khứ rất đỗi xa xôi, mà cũng vô cùng gần gũi với cuộc sống hôm nay. Mặc dù soạn giả đã hết sức cố gắng trong nhiều năm để thực hiện công trình với yêu cầu cao, song sức không chiều lòng, sự sai sót lầm lẫn chỗ này chỗ khác hẳn là không tránh khỏi. Kính mong quý vị độc giả sẵn lòng lượng thứ và chỉ giáo cho. Hà Nội, Mùa Thu năm Nhâm Thìn 22-9-2012 Soạn giả: GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng |