TRUYỆN KIỀU BẢN 1872
Tư liệu Truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị
Nguyễn Tài Cẩn (Moskva)
Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội (2002)


1 2 3 4 5    

Tổng 163 trang
𤾓𢆥𥪝𡎝𠊛些
1    Trăm năm trong cõi người ta,
𡦂才𡦂色窖𱺵󰡒僥
Chữ tài chữ SẮC khéo là CỢT nhau.
𱱇戈蔑局波橷
Trải qua một cuộc bể dâu,
仍調𬂙𧡊㐌𤴬疸𢚸
Những điều trông thấy ĐÃ đau đớn lòng.
𨔍之彼嗇斯豊
5    Lạ gì bỉ sắc tư phong,
𡗶撑涓貝𦟐紅打悭
Trời xanh quen VỚI má hồng đánh ghen.
稿𦹳吝捕畧畑
Cảo thơm lần GIỞ trước đèn,
風情固錄群傳史撑
Phong tình có lục còn truyền sử xanh.
浪𢆥嘉靖朝明
Rằng: năm Gia Tĩnh triều Minh,
𦊚方滂𣼽𠄩京凭鐄
10    Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng
固茹員外户王
Có nhà viên ngoại họ Vương,
家資𢪀拱常常堛中
Gia tư NGHĨ cũng thường thường bực trung.
𠬠𱰺𡥵次卒𢚸
Một trai con thứ rốt lòng,
王󰞹𱺵𡦂綏𣳔儒家
Vương Quan là chữ nối dòng nho gia.
頭𢚸𠄩妸素娥
15    Đầu lòng hai ả tố nga,
翠翹𱺵姉㛪𱺵翠雲
Thuý Kiều là chị em là Thuý Vân.
梅骨格雪精神
Mai cốt cách tuyết tinh thần,
󰓳𠊚󰓳𨤔𨒒分院𨒒
MỘT người MỘT vẻ mười phân vẹn mười.
雲𫀅莊重恪潙
Vân xem trang trọng khác vời,
姿丰苔𬊤湿𧍋𦬑囔
20    TƯ PHONG đầy đặn nét ngài nở nang.

Chú Thích:

Câu 2:SẮC: Bản này thay MỆNH bằng SẮC, thay GHÉT bằng CỢT (đọc theo chữ Nôm miền Nam, xem V.V.Kính, 1994). Hai chữ TÀI, SẮC trông hơi khác 6 chữ còn lại trong dòng, vậy chắc có hiện tượng chêm vào, thay hai chữ trước kia vốn khác. Chữ CỢT lại vốn do chữ KẾT mới thêm dấu phụ, chữ lại. Có thể phỏng đoán 3 giai đoạn:
  a) Xưa sơ thảo là: “chữ TÌNH chữ KHỔ khéo là KẾT nhau” (theo sát lời bình của Thánh Thán: “chữ TÌNH... là ĐẠI KINH; chữ KHỔ... là ĐẠI VĨ”);
  b) Rồi bản này chuyển thành TÀI SẮC CỢT NHAU;
  c) Và cuối cùng là đổi thành TÀI MỆNH GHÉT NHAU như ở các bản hiện thấy (A, B, C, D)... Đổi vì tuy truyện Tàu đi theo hướng HỒNG NHAN BẠC MỆNH nhưng Nguyễn Du đã lái sang một hướng khác, kết luận theo thuyết TÀI MỆNH TƯƠNG ĐỐ. Đoạn kết đã đổi thì câu mở đầu cũng phải đổi.
Câu 4:ĐÃ: ĐÃ có ở bản B, C, D. MÀ thì ở A và bản VNB-60 bản Chiêm Vân Thị (K, 1966).
Câu 6:VỚI: VỚI có ở B, D, E. Bản A thay VỚI bằng THÓI. Ở C: MẤY (= VỚI).
Câu 7:GIỞ: GIỞ ở bản này và các bản B, C, D đều ghi theo dạng cổ là DỞ: thanh phù là DỮ. Dùng chữ CẢO bộ MỘC.
Câu 8:có lục: giống các bản A, B, C, D. CỔ LỤC cũng có bản dùng, như ở bản Ed. Nordemann (1897), bản P. Schneider (L.1981).
Câu 12:NGHĨ: Chúng tôi đọc NGHĨ như ở A. Cũng có bản đọc NGHỈ như bản P.Schneider. Bản B thêm bộ NHÂN: NGHỈ.
Câu 18:MỘT: Khắc MỘT... MỘT như ở B, C, D. Ở A thì MỖI... MỖI. Hai chữ MỘT này khá cổ. Chữ MỘT ở B, C, D muộn hơn. Chữ MỘT ở câu 13 bản này cũng muộn, lại viết tắt, bỏ bộ THUỶ.
Câu 20:TƯ PHONG: TƯ PHONG như ở bản H, 1884 (A. des Michels). Ở A, B, C, D đều KHUÔN TRĂNG, nhưng T.V.KI đọc là KHUÔN LƯNG. Chư NGÀI khắc sai. Ở B, D đều bộ TRÙNG. Bản C khắc nhầm thành bộ NHẬT; tức thành chữ NGÀY. Nếu cho là bộ NHÂN thì đọc thành NGƯỜI (ở A. des Michels và T.V.KI). Chữ NÉT khắc không chuẩn.

1 2 3 4 5    

Tổng 163 trang