Translation & Orthography

Quy ước phiên âm



Thế kỷ XX là một thế kỷ của sự trăn trở giữa hai cách phiên chuyển các văn bản Nôm cổ sang chữ quốc ngữ hiện đại. Một mặt, các yếu tố ngôn ngữ cổ, đặc biệt ngữ âm cổ đã được gác lại để mong muốn có một văn bản phiên âm mang tính phổ thông, đại chúng phục vụ mọi đối tượng bạn đọc. Mặt khác, một số nhà nghiên cứu cũng luôn trăn trở với việc bảo lưu những yếu tố cổ kính của các tác phẩm Nôm xưa cũ để phục vụ cho việc bảo tồn và nghiên cứu. Cách làm thứ nhất giúp cho người đọc có thể tiếp nhận các áng văn chương cổ một cách dễ dàng và nhanh chóng, nhưng cũng từ đây những hệ lụy đã nảy sinh, và cho đến tận giờ không phải ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của nó. Cách làm thứ hai có xu hướng thuần túy khoa học và đã được không ít các học giả tiền bối thực hiện một cách cẩn trọng. Nhưng về mặt tổng quan, cách làm thứ nhất có vẻ như được dễ thông cảm hơn.

Bản phiên âm QATT lần này là một phép thử về tính nhất quán tính hệ thống cho một phương pháp phiên âm văn bản cổ, đó là khuynh hướng thiên về cách làm thứ hai, phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học chuyên sâu ở các mảng văn bản học, văn tự học, ngôn ngữ học, ngữ văn học và từ nguyên học. Có thể, cách làm này sẽ làm cho QATT xa bạn đọc hơn, kén chọn người đọc hơn và có thể sẽ bị một số người phản đối cũng chưa biết chừng. Nhưng chúng tôi quan niệm, QATT là một hố khảo cổ ngôn từ, ở đó có quãng mười hai ngàn “cổ vật” của tiếng Việt thế kỷ XV, và ngoài ra còn là mười hai ngàn hiện vật của văn tự truyền thống Việt Nam - tức chữ Nôm - thứ văn tự cho đến nay vẫn là văn tự duy nhất do chính người Việt sáng tạo và sử dụng trong quãng ngàn năm năm lịch sử. Mặc dù, ở hố khảo cổ này, không ít chỗ có thể có những hiện vật từ các thế kỷ sau rớt vào giống như sự xáo trộn địa tầng khảo cổ, và còn một số điểm tồn nghi lẫn lộn với thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm1. Song với chúng tôi, mọi hiện vật đều là tư liệu, và mọi tư liệu đều có tính lịch sử của nó. Và công việc của chúng tôi là bóc tách các vấn đề phức tạp và nan giải đó.

  • ❖ Phiên theo âm cổ mà chữ Nôm đó ký âm. Ví dụ: chữ Nôm ghi 責祿(trách lộc) sẽ được phiên là trách lóc thay vì trách móc. Chữ này sẽ được tái lập là trách mlóc trong mục từ của phần từ điển, làm như vậy là để bảo lưu tính chất cổ kính của âm đọc. Ví dụ khác: > miễn, chứ không phiên là lẫn hay liễn như các nhà nghiên cứu trước đây, và ở mục này trong phần từ điển sẽ được tái lập là mliễn.
  • ❖ Phiên theo âm Hán Việt của thế kỷ XV. Ví dụ: chữ , sẽ phiên là thì chứ không phiên là thời. Bởi như ta biết thời là cách đọc kỵ húy của triều Nguyễn vào thế kỷ XIX.
  • ❖ Đối với những từ Hán Việt vay mượn từ kinh điển, thì phiên theo âm Hán Việt được dùng trong kinh điển đó. Ví dụ: 丁丁 sẽ không phiên là đinh đinh hay đanh đanh mà phiên là tranh tranh như cách đọc trong Kinh thi.
  • ❖ Đối với một từ mà có đến hai cách ghi chữ Nôm khác nhau thì chúng tôi mạnh dạn đều phiên quy về từ có ngữ âm cổ hơn được ghi nhận qua Rhodes. Ví dụ: trước vẫn được phiên là tiện, tịn, tiễn… ; nay theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Ngọc San và Nguyễn Hùng Vĩ, chữ là cách ghi âm của chữ Nôm cho cách đọc Hán Việt của chữ tận vào quãng thế kỷ XVII về trước là tịn. Nên tất cả đều quy về đọc là tịn để thống nhất chính tả và bảo lưu âm đọc cổ.
  • ❖ Các từ láy (có thể là các từ thuần Việt hay từ gốc Hán) được phiên đúng theo hình thức cổ là láy toàn phần. Ví dụ: vặc vặc (thay vì vằng vặc), xộc xộc (tv.xồng xộc), nớp nớp (tv. nơm nớp)... Sở dĩ phiên như vậy còn là để thống nhất với mặt chữ Nôm và những từ láy cổ khác như nồm nồm, cạy cạy, pho pho, hây hây, phơi phơi
  • ❖ Những từ gốc Hán được mượn từ trước đời Đường được đọc theo âm THV một cách hệ thống. Ví dụ: thay vì đọc trì sẽ đọc là đìa như đề xuất của Paul Schneider. Tương tự: trú > đỗ (ở), trợ > đỡ, chúc > đúc, 矚望 chúc vọng > chốc mòng, chúc > đuốc, truy > đuổi, 濁濁 trọc trọc > đục đục, tả > rửa, tu > râu, 婿 tế > rể, tốt > rốt, táo > ráo, sái > rưới, > rây... Cũng cần lưu ý rằng một số các từ gốc Hán ở đây (và cả chữ Hán trong phần từ điển) đã được chúng tôi xử lý và khôi phục bằng con đường từ nguyên học. Hiệu đính văn bản Nôm bằng từ nguyên đối với các từ gốc Hán là việc làm chưa từng có tiền lệ. Điều này sẽ gây khó chịu cho không ít người. Song với chúng tôi, cái quan trọng là tiếng Việt chứ không phải là một hình thức lịch sử của nào đó của văn tự. Có đôi chỗ, có lẽ chưa thực sự thuyết phục, chúng tôi coi đó như là giả thuyết để quý vị cùng cân nhắc, nhưng hy vọng cách làm của chúng tôi sẽ được thông cảm.
  • ❖ Một số từ sẽ phiên theo cách ghi nhận qua từ điển của Rhodes và một số từ điển cổ khác, khi có sự trùng khít giữa âm Nôm (mặt chữ Nôm) với các cứ liệu trong những từ điển này, ví dụ: đóng, gióng (chuông) sẽ phiên là dộng, giữ (lòng) > chử (lòng), đãi bôi > đãi buôi, đem > đam (mang), thuở > khuở, khách khứa > khách thứa, rỉ tai > dỉ tai, gảy/ gẩy > khảy, lừ khừ > lừ cừ, lù khù > lù cù, xoải (- chân) > quải … Tuy nhiên, những cách chính tả không có sự khu biệt âm trị sẽ không đưa vào, ví dụ: sẽ không phiên là đềy tớ như ghi nhận của AR mà vẫn phiên là đầy tớ
  • ❖ Một số từ sẽ phiên theo âm cổ trên cơ sở ngữ âm của các phương ngữ và ngôn ngữ bảo thủ. Ví dụ, ngữ tố giường (cái - ), giàu (- nghèo), giận (- dữ) mặc dù từ điển của Rhodes có ghi nhận “giường”, song qua các đối ứng của nó trong phương ngữ, sẽ nhất quán phiên là “chường”, “chàu”, “chận” với kiểu tái lập thủy âm kép *kc-.
  • ❖ Một số từ sẽ được xác định âm đọc dựa trên những thành quả của ngữ âm học lịch sử tiếng Việt và tiếng Hán. Ví dụ: tràm (chứ không phải là chàm) bởi âm tái lập là *tlàm vốn có nguyên từ là lam , ràn chứ không phải ràng, bởi đây là âm Tiền Hán Việt của lan , rặng chứ không phải là dặng, bởi nguyên từ của nó là lĩnh
  • ❖ Một số lỗi chính tả (gây hại cho từ nguyên học) cũng sẽ được khuyến cáo sử dụng, ví dụ: sẽ phiên là sanh (cái chõ) đúng theo âm Hán Việt của nó, chứ không phải là xanh.
  • ❖ Một số cặp âm gần nhau hay bị nhầm lẫn cũng cần được phân biệt, qua cứ liệu chữ Nôm và từ điển cổ. Ví dụ: cái dại (chứ không phải là giại) bởi chữ Nôm ghi là (AHV: đãi), phân biệt với giại trong nắng giại (chứ không phiên là dại) bởi chữ Nôm ghi là (AHV: trãi).
  • ❖ Một số từ cổ lần đầu tiên được công bố trong bản phiên lần này, qua các tư liệu hữu quan (phương ngữ, ngữ liệu dân gian, từ điển cổ, và văn liệu Nôm cổ…). Ví dụ: nừng (chỉ có), mỉa (giống, tựa như), leo heo (hiu hắt), phơi phơi (phô ra), rốt ,… Và khá nhiều từ kép mang nghĩa cổ như: nhẫn dầu (cho dù), nẻo khuở (khi), tốt lạ (đẹp đẽ), …
  • ❖ Bản phiên cũng cung cấp một số lượng không nhỏ các từ dịch căn ke. Bởi như ta biết, QATT được sáng tạo trong môi trường song ngữ và song văn hóa Hán- Việt. Ví dụ: của cởi buồn vốn được dịch từ chữ Hán địch phiền tử (đồ gột buồn) hay vong ưu vật = vong ưu quân (đồ quên lo) đều trỏ rượu, nhà cả < đại trạch (vũ trụ) chứ không phải đại hạ 大廈 (ngôi nhà lớn), bói ở < bốc cư 卜居, quần đỏ < hồng quần 紅裙(người đẹp), mười chước < thập sách十策, bia miệng < khẩu bi口碑, xanh bạc < thanh bạch < thanh nhãn bạch nhãn 青眼白眼(coi thường và trọng thị)…
  • ❖ Một số trường hợp được phiên âm trong sự tương quan đối sánh với bối cảnh giải âm (đối dịch âm tiết cao độ) trong truyền thống dịch thuật thời Trung đại. Ví dụ: không phiên là chặt vàng mà là đứt vàng. Hai chữ Hợp trước nay hay bị phiên âm lẫn lộn do tự dạng khá gần nhau, nay dựa vào truyền thống đối dịch hư từ trong các bản giải Nôm cũng đã phân xuất được nghĩa khác nhau, vì thế nên phân biệt sự khác nhau về âm đọc, tự dạng cũng như nghĩa của chúng. không phiên là tư túi mà là tây tối (chỗ riêng tây tối tăm chỉ mình mình biết), vốn dịch gộp từ chữ độc (trong thận độc) và ẩn vốn xuất nguồn từ cách chú giải của Chu Tử trong sách Trung Dung.
  • ❖ Bản phiên âm lần này còn chú ý đến tính thống nhất giữa tự hình chữ Nôm với âm đọc của từng đơn vị. Ví dụ chữ trước nay được phiên âm thành toan, toántính, nay đều thống nhất về một khả năng phiên là toan.
  • ❖ Bản phiên cũng chú ý đến sự thống nhất về cơ chế tạo từ của một số từ láy trong tương quan với từ gốc của nó. Ví dụ 塔塔 trước nay vẫn được phiên là thấp thấp. Nhưng trong tương quan với chữ đọc là tấp (tấp vào, rấp vào, dấp vào) thì có thể nghĩ đến một khả năng phiên thống nhất âm đọc cho cùng một tự dạng. Hơn thế nữa, cơ chế láy của tiếng Việt cổ là láy toàn phần một động từ gốc hay tính từ gốc để có thể làm tăng/ hoặc giảm tính chất, mức độ, tần số, tần suất … của từ đó. Ví dụ: sát (gần kề)> sát sát (gần gần) rồi sau chuyển thành san sát. phơi (phô ra) > phơi phơi (cứ phơi ra mãi hoặc phơi ra rất nhiều), bụi (bụi bặm)> bụi bụi (nhiều bụi), phơ > phơ phơ, nảy (bật mầm)> nảy nảy (đâm mầm lên nhiều) Đặt trong một cơ chế như vậy, ta có thể đọc 塔塔tấp tấp (dáng cành mai theo từng cơn gió mà đập đập vào song cửa sổ: ánh cửa trăng mai tấp tấp; hoặc vẻ khói trầm bay theo từng cơn gió chốc chốc lại tạt về phía giường nằm: chường tấp tấp một nồi hương).
  • ❖ Bản phiên cũng sẽ chú ý đến tính thống nhất về ngữ nghĩa trên cơ sở nghiên cứu diễn biến cấu trúc chữ Nôm theo mô hình ngữ âm. Ví dụ: chữ trước nay được phiên là lấp, lợp,… nhưng khi so sánh ngữ âm, và diễn biến chữ Nôm trong sự đối sánh với chữ Nôm , tạm thời có thể nhận định rằng, là chữ Nôm cổ còn sót lại để ghi âm rợp. Còn tự dạng chỉ là chữ Nôm được sử dụng sau khi đã có hiện tượng xóa nhãn giữa R và D vào giai đoạn muộn hơn.
  • ❖ Bản phiên chấp nhận các biến thể ngữ âm khác nhau khi các biến thể đó có chức năng điều phối luật bằng trắc và số lượng âm tiết trong câu thơ. Ví dụ: Từ điển Rhodes ghi nhận cả hai biến thể lánh tlánh mà nay đọc là tránh. QATT xuất hiện đủ các ngữ cảnh cho cả hai biến thể ngữ âm này, mặc dù văn tự sau nhiều lần dọn bản chỉ còn được viết bằng tự dạng duy nhất là .
  • ❖ Bản phiên lần này là sự cập nhật tất cả các thành tựu phiên chú từ xưa đến nay, từ các bản sớm của nhóm Trần Văn Giáp- Phạm Trọng Điềm, Đào Duy Anh đến Paul Schneider, Vũ Văn Kính, Mai Quốc Liên, Nguyễn Tá Nhí, Phạm Luận. Những chỗ phiên âm được in đậm là các ngữ tố trước nay có sự lệch nhau. Để theo dõi sự khác nhau này và vì sao chúng tôi lại chọn cách phiên âm như vậy, quý vị có thể tra cứu "phiên khác" ở từng mục từ trong phần từ điển. Ở đó vừa có sự biện luận về văn bản học, văn tự học, ngữ nghĩa học, ngữ âm học,.. lại vừa đưa ra những nhận định và lý giải cho lịch sử của các cách phiên chú.
  • ❖ Cuối cùng, đây là bản phiên cập nhật tất cả những thành tựu phiên chú của những học giả đi trước, như: Trần Văn Giáp, Phạm Trọng Điềm (1956), Đào Duy Anh (1976), Paul Schneider (1987), Vũ Văn Kính, Bùi Văn Nguyên, nhóm Mai Quốc Liên, Kiều Thu Hoạch, Vương Lộc, Nguyễn Khuê (2001), nhóm Nguyễn Tá Nhí, Hoàng Thị Ngọ vcs (2008) và Phạm Luận (2011). Nhân đây xin gửi lời tri ân sâu sắc!

1. Theo thống kê, có quãng 30 bài trong QATT đồng thời được chép trong Bạch Vân Am thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trước đây, Nguyễn Tài Cẩn- Nguyễn Văn Hiệp, Tạ Ngọc Liễn,... đã dùng một số phương pháp như phong cách học để phân định bài nào của tác giả nào. Nhưng cho đến nay, hầu như vẫn chưa ai dám chắc các cách giải quyết này là ổn thỏa. Vì thế, trong cuốn sách này, chúng tôi vẫn tạm để ở mục tồn nghi. Duy có một bài nhưng được chép hai lần, đó là bài số 16 và 77. Song, do các tuyển tập trước nay đánh số thứ tự, nên chúng tôi tạm để nguyên để tiện tra cứu.