dt. hùng: gấu, ngư: cá. La ỷ lấy đâu chăng lưới thưới, hùng ngư khôn kiếm phải thèm thuồng. (Thuật hứng 68.4). Sách Mạnh Tử thiên Cáo tử có câu: “Mạnh Tử nói: cá là món ta thích, tay gấu cũng là món ta thích. Nếu hai thứ ấy chẳng thế có cùng một lúc, thì thả cá mà lấy tay gấu. Sinh thì ta cũng muốn; nghĩa thì ta cũng muốn. Nếu hai thứ ấy chẳng thể cùng có, thì bỏ sống mà giữ lấy nghĩa vậy.” (孟子曰:魚我所欲也;熊掌亦我所欲也,二者不可得兼,舍魚而取熊掌者也。生亦我所欲也;義亦我所欲也,二者不可得兼,舍生而取義者也). Các cách phiên chú trước nay đều hiểu hùng ngư là món sơn hào hải vị [ĐD Anh 1976: 748; MQ Liên, 2001: 799; NT 2008: 115]. hùng ngư ở đây không phải là chuyện ẩm thực mà nó là cái biểu đạt (signifier) cho một thực thể tinh thần cao sang tối thượng: đạo nghĩa (signified). Như thế, câu thơ hùng ngư khôn kiếm phải thèm thuồng có thể hiểu theo hai cách có tính lưỡng trị. Đó có thể là tuyên ngôn về lối hành xử của một nhà Nho hành đạo: thà chết chứ không bao giờ bỏ đạo nghĩa. Và thứ hai, nếu liên hệ đến cuộc đời của Nguyễn Trãi, thì đó còn là một câu tự nghiệm, một câu than thở, đau đớn và nghiệt ngã. Nếu như câu này ông viết khi bị thất sủng, khi tính mệnh bị đe hoạ, hơn nữa nếu như nó được viết trước khi ra pháp trường thì đó là những câu thơ tuyệt mệnh. Đâu còn là cái chuyện được lựa chọn nữa. Hoặc sống ư? hoặc giữ đạo nghĩa ư? cá không có mà tay gấu cũng không: chết thì chắc rồi mà đạo nghĩa cũng không giữ được. Ô danh thiên cổ: mưu cùng thiếp mọn giết vua, cái tiếng xấu ấy bao giờ gột được? đây có thể coi là những cảm xúc đau đớn tột độ sau những ngôn từ điển nhã, điềm tĩnh và sâu kín. [TT Dương 2011c: 13]. |