Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ or Hán-Nôm:

Entry
Biện Hoà 卞和
dt. <Pháp> người nước sở thời Xuân Thu. Sách Hàn Phi Tử ghi chuyện: ”Biện Hoà người nước sở nhặt được một viên ngọc thô ở kinh sơn, đem đến dâng cho lệ vương, lệ vương cho thợ ngọc xem, thợ ngọc bảo đó là đá. Vua cho hoà là nói dối, bèn chặt chân trái hoà đi. Khi lệ vương chết, Vũ Vương tức vị, hoà lại đem viên ngọc thô ấy hiến lên Vũ Vương, Vũ Vương lại sai thợ ngọc xem, vẫn bảo là đá. Vua cho hoà là lừa, bèn sai người chặt nốt chân phải. Vũ Vương băng, Văn Vương tức vị, hoà ngồi ôm ngọc khóc dưới chân núi kinh sơn, liền ba ngày ba đêm, khóc hết nước mắt thì ra máu. Văn Vương nghe biết chuyện ấy, bèn sai người đến hỏi: ‘người trong thiên hạ bị chặt chân thì thiếu gì, sao ngươi cứ khóc mãi thế? hoà bảo: ‘ta chẳng phải buồn vì bị chặt chân. Ngọc quý mà bảo là đá, người ngay mà bảo là dối, cho nên ta mới khóc’. Văn Vương sai thợ mài, quả là ngọc thực, bèn gọi ngọc ấy là hoà thị chi bích. Hàn Phi Tử bình luận: “châu ngọc là vật vua chúa mê lắm, họ hoà dâng ngọc thô tuy chẳng hại đến vua, thế mà hai chân bị chặt, rồi sau mới luận được ngọc quý. Bàn về ngọc khó như thế đấy” (夫珠玉人主之所急也,和雖獻璞而未美,未為主之害也,然猶兩足斬而寶乃論,論寶若此其難也). Chuyện trên được xếp trong chương cô phẫn (chuyện về những người cô đơn bi phẫn). Nguyễn Trãi hẳn có liên hệ điển này với bản thân với nỗi niềm của kẻ cô trung, thất sủng. Thương nhẫn Biện Hoà ngồi ấp ngọc, đúc nên Nhan Tử tiếc chi vàng. (Tự thuật 117.3).
chim bay cá dảy 𪀄𠖤个𧿆
đc. <Pháp> các loài vật thung dung tự tại sống hoà theo tự nhiên. Sách Pháp Gia thiên Thận tử viết: “chim bay trên không, cá bơi dưới vực, chẳng theo thuật nào cả. Cho nên chim và cá cũng chẳng tự biết là nó có thể bay hay bơi. Nếu mà có biết, rắp tâm bay rắp tâm bơi thì lập tức rơi chìm… cho nên biết thuận theo tự nhiên thì sẽ bền lâu”. (鳥飛於空,魚游於淵,非術也。故為鳥為魚者,亦不自知其能飛能遊。苟知之,立心以為之,則必墮必溺…是以任自然者久,得其常者). Lẽ có chim bay cùng cá dảy, mới hay kìa nước nọ hư không. (Thuỷ thiên nhất sắc 213.7). Câu này tác giả ngầm có ý sâu xa hơn.