dt. <từ cổ> cành cây. “chà ràu que củi” [Rhodes 1651 tb1994: 55, 191]; “Cha: pater. Cha ca: pater magnus” [Morrone 1838: 213; Schneider 1987: 390-391], “Chà: ramus. Chà gai: ramus spinosus. Chà chuôm: fasciculus quem in aquâ asservant ad pisces &c. capiendos” [Taberd 1838: 51]. Cổi tục, chè thường pha nước tuyết, tìm thanh, khăn tịn nhặt chà mai. (Ngôn chí 2.3)‖ Chà mai đêm nguyệt, dậy xem bóng, phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu. (Ngôn chí 3.3)‖ (Tự thán 84.3)‖ ám sâm: Chà bổi bờm xờm, để ngâm dưới nước cá tôm mến chà (CNNA 37). Kiều Oánh Mậu (1854- 1912) ghi: “Nhà chùa dùng vỏ mai làm trà, gọi là hồng mai” (禪家用梅皮作茶,名紅梅). Người dân chùa hương thường đẽo các gốc mai già đun nước uống, gọi là nước lũa mai, nước lũa mơ, nước thanh mai, trà lão mai. Loại trà này thơm, mát, vị thanh, ngọt hậu, màu hồng, dùng để giải khát và thanh nhiệt. Vũ Phạm Hàm (1864- 1906) trong hương sơn phong cảnh có câu: “quả mơ ngon với nước mơ già, trong chân cảnh tìm ra chân vị” [đqt hoàng 2014: 45- 46]. “chè mai chính là hồng mai trà như các cụ TVG, PTĐ đã chú thích, đó là gỗ cây lão mai đẽo ra làm trà pha nước uống, nhà sư thường uống trà này cho thanh tịnh nên cũng gọi là thiền trà hoặc thuyền trà. Khi đẽo cây lão mai trên núi hoặc trong vườn, người ta thường hứng nia, mẹt, mủng, rá để mảnh khỏi rơi xuống cỏ sỏi. Nguyễn Trãi tiện dụng hơn, ông trải luôn tấm khăn đang quàng của người già xuống để tận nhặt (nhặt sạch, nhặt hết, tận thu) những mảnh trà rồi túm lại mang về hãm uống.” [NH Vĩ 2010]. Thuyền trà cạn nước hồng mai (Nguyễn Du - Truyện Kiều c. 1991). |