đgt. đc. đào giếng cày ruộng, công việc lao động, tự cung tự cấp của người ẩn sĩ. Sách Thiên Trung Ký ghi chuyện vua Nghiêu sau năm mươi năm trị nước, thịnh trị thái hoà, bèn mặc thường phục đi vi hành, gặp một ông lão ngoài chín mươi ngồi kích nhưỡng hát rằng “sáng ra thì làm, tối về thì nghỉ. Đào giếng mà uống, cày ruộng mà ăn. Đế lực có ảnh hưởng gì đến ta?”. (而日出而作日入而息鑿井而飲耕田而食帝力於我何有哉 nhật xuất nhi tác, nhật nhập nhi tức. Tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực. Đế lực ư ngã hà hữu tai?). Sách Liệt Tử trích đoạn vua Nghiêu lại thấy trẻ con hát lời đồng dao rằng: “rập dựng dân đen, chẳng ai trái luật. Không trí không xảo, thuận theo lẽ trời.” (立我蒸民莫匪爾極不識不知順帝之則 lập ngã chưng dân, mạc phi nhĩ cực, bất thức bất tri, thuận đế chi tắc). Nghiêu nghe thấy bài hát ấy xong, trở về cung, an tâm truyền ngôi lại cho thuấn. Mạnh Tử tập chú dẫn lời trình tử rằng: “Tạc tỉnh canh điền: đế lực có ảnh hưởng gì đến ta?” câu này ý nói noi theo cái lẽ tự nhiên của trời đất ấy là việc thực hiện chính sự của nhà vua.” (耕田鑿井,帝力何有於我?如天之自然,乃王者之政). Cao Thích trong bài Tống Dương Sơn Nhân quy Tung Dương viết: “Tạc tỉnh canh điển chớ vời ta, biết anh quyên thảy lệnh vua ra.” (鑿井耕田不我招,知君以此忘帝力。山人好去嵩陽路,惟餘眷眷長相憶 tạc tỉnh canh điền bất ngã chiêu, tri quân dĩ thử vong đế lực). Ruộng nhiều quê tổ năm ba thửa, tạc tỉnh canh điền tự tại nhèn. (Bảo kính 140.8). Tạc tỉnh canh điền vốn là biểu tượng cao nhất của xã hội thái hoà đời viễn cổ. Đó là một xã hội lý tưởng luôn nằm trong mộng tưởng của các nhà Nho. Lý tưởng ở chỗ các phép tắc chế trị đã nhất thể hoá với những quy luật của tự nhiên, và hoà làm một với cuộc sống của bách tính. Các nhà Nho ở ẩn đời sau đã lấy biểu tượng thái hoà thời viễn cổ (tạc tỉnh canh điền) này làm biểu tượng cho cuộc sống ẩn dật. ẩn dật không phải là một cuộc chạy trốn nhân thế mà là một hành vi chính trị, đứng ra ngoài môi trường hoạn hải bất trắc và phi tự nhiên kia để tự tạo cho mình một đời sống thái hoà lý tưởng, một ốc đảo hoà bình lý tưởng ít nhất đối với chính bản thân mình, đối lập với toàn bộ cuộc thế. Cuộc sống thái hoà lý tưởng ấy của các ẩn sĩ là một sự trải nghiệm từ trong tâm tưởng cho đến các hành vi nhật dụng sống động [TT Dương 2011c]. x. cày ăn đào uống. |