Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa đc.
anh vũ 鸚鵡 / 𲍣鵡
dt. đc. chim vẹt. Nghìn dặm trời dầu đủng đỉnh, kham cười anh vũ mắc chưng lồng. (Lão hạc 248.8), đc. lung trung anh vũ 籠中鸚鵡 (anh vũ trong lồng). đc.: Phú thương họ Đoàn nuôi một con vẹt thông minh biết đọc thơ tiếp khách. Họ Đoàn bèn cắt lông cánh nhốt vẹt vào lồng sơn son rất đẹp. năm hy ninh thứ sáu, họ Đoàn bị bỏ ngục. Đến khi được thả về, mới nói với vẹt rằng: ‘Ta nửa năm nằm ngục, thân chẳng được theo mình, sống rất cực khổ, mày ở nhà có người chăm chút, vui quá nhỉ!’ con vẹt liền trả lời: ‘Ngài mới nửa năm trong ngục, mà đã không chịu được rồi; tôi bao năm trong lồng, vui gì mà nói?’ Họ Đoàn nghe vậy tỉnh ngộ, bèn thả vẹt ra.
ba bảy mươi 𠀧𬙞𱑕
đc. <Nho> ba phần, bảy phần, mười phần. Kinh Thi bài Phiếu hữu mai có đoạn “mai rụng kìa, quả còn bảy phần. Chàng nào tìm em, hãy chọn ngày lành. Mai rụng kìa, quả còn ba phần. Chàng nào cần em, chọn ngày nay đi” (摽有梅、其實七兮。求我庶士、迨其吉兮。摽有梅、其實三兮。求我庶士、迨其今兮). Ý nói cây mai có mười phần quả, cứ rụng dần mất đi. quả mai ba bảy đương vừa, đào non sớm liệu xe tơ kịp thời (Nguyễn Du – Truyện Kiều). Vì thu cho nhẫn nên đầu bạc, chưa dễ ai đà ba bảy mươi. (Tích cảnh thi 203.4, 204.1). Với điển này, đây rõ ràng là loạt bài nói về chuyện tình yêu đôi lứa. [xem thêm NH Vĩ. 2009. Nguyễn Trãi và sex].
ba đường cúc 𠀧塘菊
dt. đc. dịch chữ tam kính cúc 三徑菊. Kính: đường nhỏ. tam kính: đc. Tam kính của Tưởng Hủ. Triệu Kỳ đời Hán trong Tam Phụ Quyết Lục phần Đào danh ghi: “Đời Hán, thứ sử duyện châu là Tưởng Hủ, nhân vì Vương Mãng chuyên quyền, từ quan ẩn cư, mở ba đường nhỏ trong rừng trúc, chỉ giao du với hai người Cầu Trọng và Dương Trọng. Đào Uyên Minh đời Tấn trong bài Quy Khứ Lai Từ có câu: “ba lối hoang vu, tùng cúc vẫn còn” (三徑就荒,松菊猶存 tam kính tựu hoang, tùng cúc do tồn). Mưa thu rưới ba đường cúc, gió xuân đưa một rãnh lan. (Ngôn chí 17.5)‖ (Tự thán 73.5, 107.5).
bao nhiêu nơi nhục bởi nơi vinh 包饒尼辱𤳷尼荣
đc. dịch cụm thủ nhục tri vinh. Đạo Đức Kinh của Lão Tử ghi: “Biết vinh, giữ nhục, làm cái hay cho thiên hạ; làm cái hay cho thiên hạ thì cái đức vĩnh cửu sẽ đầy đủ, mà trở về mộc mạc như gỗ chưa đẽo. Gỗ chưa đẽo, xẻ ra thành đồ dùng; thánh nhân giữ thuần phác mà điều khiển trăm quan, cho nên người giỏi trị nước không chia cắt chi li.” (知其榮,守其辱,為天下谷。為天下谷,常德乃足,復歸於樸。樸散則為器,聖人用之,則為官長,故大制不割). Nguyễn Hiến Lê bình: “Câu cuối khuyên người trị dân phải hồn nhiên, chất phác, cứ tự nhiên để cho mọi vật phát triển theo tính của chúng, không đa sự, phân tích chi li.”. Xét sự đã qua hay sự đến, bao nhiêu nơi nhục bởi nơi vinh. (Tự thán 96.8)
bia Nguỵ Trưng 碑魏徵
đc. Nguỵ Trưng là tể tướng nhà Đường, thày dạy cho thái tử, có rất nhiều công tích hiển hách. Khi ông mất, vua đích thân soạn văn và viết chữ lên bia mộ. Về sau, thái tử lý thừa càn mưu phản, nên bia của ông bị huỷ bỏ. Mãi đến khi Đường Thái Tông mất mới hạ lệnh cho Nguỵ Trưng được bồi táng ở chiêu lăng. Nghiệp Lưu Quý thịnh, đâu truyền báu, Bia Nguỵ Trưng cao, há nối tông. (Bảo kính 130.4) x. Nguỵ Trưng.
bầu 瓢
◎ Nôm: 䕯 AHV: biều. Ss đối ứng bu¹ (Mường), lapu² (Rục) [VĐ Nghiệu 2011: 60], kadhợk (Katu) [NH Hoành 1998: 248].
dt. loại cây ăn quả thuộc họ bí, thân leo, quả khô lấy vỏ làm đồ đựng nước, rượu. Túi thơ bầu rượu quản xình xoàng, quảy dụng đầm hâm mấy dặm đàng. (Ngôn chí 9.1, 12.5, 14.2)‖ Ngoài năm mươi tuổi, ngoài chưng thế, ắt đã tròn bằng nước ở bầu. (Trần tình 40.8, 41.1), Ss ở bầu thì tròn ở ống thì dài. Tng.‖ (Thuật hứng 51.3)‖ (Tự thuật 121.4)‖ (Bảo kính 148.1)‖ Một bầu hoà biết lòng Nhan Tử. (Bảo kính 156.5). Sách Luận Ngữ: “Nhan Hồi hiền vậy thay! một giỏ cơm, một bầu nước, ở trong ngõ hẻm tồi tàn, kẻ khác không kham nổi cảnh khổ đó, mà hồi thì chẳng đổi niềm vui. Hồi hiền vậy thay!” (賢哉回也!一簞食,一瓢飲,在陋巷,人不堪其憂,回也不改其樂。賢哉回也!).
dt. <Đạo> bầu thế giới, bầu trời. đc. sách Vân Cáp Thất Tiêm ghi chuyện thi tồn người nước Lỗ theo học phép tiên, thường đeo bên mình một trái bầu to bằng nửa cái đấu. Bầu ấy là một bảo bối có thể thâu chứa cả trời đất, mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú. Đến tối, ông thường chui vào trong bầu ngủ. (Ngôn chí 19.6)‖ Một bầu phong nguyệt nhàn tự tại, hai chữ “công danh” biếng vả vê. (Bảo kính 155.3).
dt. khối đất để trồng cây. Nào hoa chẳng bén khí đầm hâm, có mấy bầu sương nhuỵ mới đâm. (Cúc 240.2).
cam đường 甘棠
dt. cây bàng. Đại Nam quốc ngữ ghi: “Cam đường: cây bàng” [Nguyễn Văn San 1899: 70b], “cam đường: cây bàng tán vờn” [CNNA]. Cây cam đường, còn gọi cây đường lê / đường đệ 棠棣, ví dụ Ngọn đường lê lác đác mưa sa (Nguyễn Du - Văn tế thập loại). đc. ông Thiệu Công Thích đời Chu Vũ Vương đi kinh lý nước nam, trị lý rất công minh chính trực, ông thường ngồi nghỉ dưới gốc cây cam đường. Khi ông đi rồi, nhân dân nhớ công đức mà làm bài Cam đường để ca ngợi. Sau, bài này được sưu tập vào sách Kinh Thi trong thiên Thiệu nam: “xum xuê cam đường, chớ đốn chớ phạt, thiệu bá thửa che” (蔽芾甘棠、勿翦勿伐、召伯所茇). Thấy bóng cam đường nhớ Thiệu Công, đất dư dời được bạn cùng thông. (Cam đường 245.1). x. Thiệu Công.
chim bay cá dảy 𪀄𠖤个𧿆
đc. <Pháp> các loài vật thung dung tự tại sống hoà theo tự nhiên. Sách Pháp Gia thiên Thận tử viết: “chim bay trên không, cá bơi dưới vực, chẳng theo thuật nào cả. Cho nên chim và cá cũng chẳng tự biết là nó có thể bay hay bơi. Nếu mà có biết, rắp tâm bay rắp tâm bơi thì lập tức rơi chìm… cho nên biết thuận theo tự nhiên thì sẽ bền lâu”. (鳥飛於空,魚游於淵,非術也。故為鳥為魚者,亦不自知其能飛能遊。苟知之,立心以為之,則必墮必溺…是以任自然者久,得其常者). Lẽ có chim bay cùng cá dảy, mới hay kìa nước nọ hư không. (Thuỷ thiên nhất sắc 213.7). Câu này tác giả ngầm có ý sâu xa hơn.
chân chạy cánh bay 眞𧼋𦑃𱝧
đc. <Đạo> thú và chim. Huyền Thông Chân Kinh thiên Đạo nguyên viết: “Đạo cao không thể đo, sâu không thể lường, bao trùm trời đất, bẩm thụ vô hình, nguồn chảy ào ào, rỗng mà không đầy,…, ước giản mà có thể mở rộng, u ẩn mà có thể sáng rõ, nhu nhược mà có thể cương kiện, nuốt âm nhả dương, làm tỏ tam quang; núi vì thế cao, vực vì thế sâu, thú vì thế chạy, chim vì thế bay, lân vì thế chơi, phượng vì thế lượn, tinh tú vì thế đắp đổi.” (夫道者,高不可極,深不可測,苞裹天地,稟受無形,原流泏泏,沖而不盈,…,約而能張,幽而能明,柔而能剛,含陰吐陽,而章三光;山以之高,淵以之深,獸以之走,鳥以之飛,麟以之遊,鳳以之翔,星曆以之行). Chân chạy cánh bay, ai mỗ phận, thiên công nào có thửa tây che. (Tự thán 73.7).
chĩnh vàng 埕鐄
◎ Xét chĩnh là từ gốc Hán 埕, AHVtrình , “chĩnh: giống như cái chình mà to hơn.” [LN Trụ 1960: 78]. “lực trình: chĩnh lớn lạ đồ”. (CNNA 42b).
dt. đc. cái hũ vàng. Phạm Trọng Yêm đời Tống, khi trẻ trọ học trong chùa, tình cờ đào được cái chĩnh vàng trong vườn. Ông không lấy vàng sợ mang tiếng tham, bèn cứ để đó mà lấp lại, không cho ai biết. Sau ông đỗ tiến sĩ, làm quan lớn trong triều. Sau người ta cho rằng lộc ông được hưởng cả đời cũng bằng số vàng nọ. (Âm chất văn) [ĐDA: 759]. Chĩnh vàng chẳng tiếc danh thì tiếc, la đá hay mòn nghĩa chẳng mòn. (Tự thán 87.5).
Chớ người đục đục chớ ta thanh 渚㝵濁濁渚些清
đc. diễn ý câu nói của Khuất Nguyên: “người đời đều đục chỉ mỗi ta trong”. x. Thương Lang, x. Khuất Nguyên. Trào.Chớ người đục đục, chớ ta thanh, lấy phải thì trung, đạo ở kinh. (Bảo kính 156.1)
cành khô nên củi 梗枯𢧚檜
đc. ba anh em Điền Chân người đời Hán khi cha mất, đòi chia chác gia tài, chia chi li so kè đến mức cùng bàn nhau phá cây kinh trước nhà; đòi chặt cây làm ba phần để chia cho đều. Khi ấy, cây kinh bỗng héo đi rồi chết, anh em Điền Chân thấy thế mới tỉnh ngộ không so đo nhau nữa, cây kinh lại xanh tốt trở lại. [theo ý kiến của Đỗ Văn Hỉ, chuyển dẫn ĐD Anh 1976: 796]. Cành khô gấp bấy nay nên củi, hột chín phơi chừ rắp để bình. (Bảo kính 151.3).
cây cả nhàn ngồi 核哿閑𫮋
đc. <Nho> Phùng Dị 馮異 (? - 34), tự Công Tôn 公孫 là tướng của Lưu Tú (Hán Quang Vũ) có công lớn giúp Lưu Tú an định Hà Bắc, tính khiêm nhường. Trong khi các tướng khác tranh nhau khoe công thì dị ngồi tựa dưới một gốc cây lớn mà hóng gió. Quân lính từ đó gọi ông là đại thụ tướng quân. Sau khi Lưu Tú lên ngôi, ông được phong làm Dương Hạ Hầu 陽夏侯, nhậm chinh tây đại tướng quân. Đến đời Minh đế được liệt vào vân đài nhị thập bát tướng (Hậu Hán - Phùng Dị truyện). Kìa ai cây cả nhàn ngồi tựa, nẻo có công nhiều lọ phải tranh. (Bảo kính 131.7).
có lòng bằng trúc 固𢚸平竹
đc. Bạch Cư Dị trong Dưỡng trúc ký có đoạn: “trúc cũng như người hiền cớ là làm sao? gốc trúc vững, vững để trồng đức, quân tử thấy gốc trúc thì lo vun bón mà chẳng dám nhổ. Tính trúc thẳng, thẳng để lập thân, quân tử thấy tính trúc thì lo đứng thẳng, không thiên lệch dựa dẫm. Tâm trúc rỗng, rỗng để thể nhập đạo, quân tử thấy tâm trúc thì lo ứng dụng, ấy gọi là hư thụ. Đốt trúc rắn, rắn để lập chí, quân tử thấy đốt trúc thì lo dùi mài, như thế gọi là bằng phẳng gập ghềnh đều như nhau (di hiểm nhất trí). Cho nên, người quân tử trồng trúc đầy sân vậy” (竹似賢何哉竹本固固以樹徳君子見其本則思善建不拔者竹性直直以立身君子見其性則思中立不倚者竹心空空以體道君子見其心則思應用虛受者竹節貞貞以立志君子見其節則思砥礪名行夷險一致者夫如是故君子人多樹之為庭實焉) [theo Cổ kim sự văn loại tụ].(34.4)
cầm xuân 扲春
◎ Nôm: 扲春
đgt. HVVT dịch chữ lãm xuân 攬春 (bắt xuân), hoặc toả xuân 鎖春 (khoá xuân). Lầu hồng có khách cầm xuân ở, cầm ngọc tay ai dắng dỏi thêm. (Tích cảnh thi 200.3). đc. Tào Tháo cho dựng đài Đồng Tước bên sông chương hà, dùng để nhốt mỹ nữ, lại sai Tào Thực làm bài Đồng Tước đài phú trong đó có câu: “bắc hai cầu tây đông nối lại chừ, như cầu vồng trong trời rộng” (連二橋於東西兮,若長空之蝃蝀 liên nhị kiều vu đông tây hề, nhược trường không chi đế đống). Nguyên hai chị em họ kiều ở giang nam nổi tiếng xinh đẹp, nhưng khi ấy hai nàng đều đã lấy tôn sách và chu du. Để khích chu du đánh tháo, Khổng Minh đã sửa hai câu của Tào Thực thành: “bắt hai kiều ở đông nam chừ, về cùng vui hôm sớm” (攬二喬於東南兮,樂朝夕之與共 lãm nhị kiều ư đông nam hề, lạc triêu tịch chi dữ cộng). Và phao tin rằng trong cuộc rượu tháo từng nói nếu hạ được giang nam sẽ đem hai nàng họ kiều về nhốt ở Đồng Tước để cùng vui thú tuổi già. Đỗ Mục đời Đường trong bài Xích bích hoài cổ viết: “Gió đông chẳng giúp chu lang, đồng tước xuân sâu nhốt hai nàng kiều” (東風不與周郎便,銅雀春深鎖二喬). Sau dùng điển ngữ toả xuân (khoá xuân) để trỏ người con gái sắc nước hương trời vẫn còn e ấp trong khuê các. Một nền đồng tước khoá xuân hai kiều (Nguyễn Du - Truyện Kiều).
cỏ xanh cửa dưỡng để lòng nhân 𦹵撑𨴦養底𢚸仁
đc. <Đạo> Chu Mậu Thúc người đời Tống, thường để cỏ mọc tràn ngoài sân, không bao giờ phát quang, tự nói dữ tự gia ý tứ nhất ban, ý nói để cho cỏ xanh sinh trưởng tự nhiên cũng như ý tứ của mình vậy. [TVG, 1956: 33]. ở đây trỏ cảnh giới của ẩn sĩ, đạo tâm hoà nhập làm một với thiên tâm. Con người tuỳ thuận hoàn toàn theo quy luật của thiên nhiên cây cỏ.cỏ xanh cửa dưỡng để lòng nhân, trúc rợp hiên mai quét tục trần.(Ngôn chí 12.1)
của chăng phải đạo 𧵑拯沛道
đc. của cải chiếm được nhưng không đúng theo đạo. Của chăng phải đạo, làm chi nữa, muôn kiếp nào hề luỵ đến thân. (Bảo kính 184.8). Luận Ngữ thiên Lí nhân có câu: “phú và quý là cái mà ai chẳng muốn, nhưng chiếm được một cách phi đạo thì ta chẳng làm” (富與貴是人之所欲也,不以其道得之,不處也 phú dữ quý thị nhân chi sở dục dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất xử dã).
cửa mận tường đào 𨴦槾墻桃
đc.<Nho> Địch Nhân Kiệt (607- 700) là tể tướng đời Đường, nổi tiếng chính trực dưới triều võ tắc thiên, ông có công tiến cử nhiều nhân sĩ tài danh đương thời cho triều đình. Môn khách lúc nào cũng chật cửa. Cho nên mới có câu: “Đào lý trong thiên hạ đều ở trong cửa nhà ông.” (天下桃李悉在公門 thiên hạ đào lý tất tại công môn). Lý Bạch trong bài Xuân dạ yến đào lý viên tự có câu: “Anh tài tuấn tú như Tạ Huệ Liên.” (桃李俊秀皆如惠蓮). cửa mận tường đào trỏ nơi tụ họp, chiêu đãi, trọng dụng kẻ sĩ, hay trỏ chốn quan trường nói chung. Trúc mai bạn cũ họp nhau quen, cửa mận tường đào chân ngại chen. (Thuật hứng 46.2).
cửa sày 𬮌柴
dt. đc. <Nho> dịch chữ trình môn 程門 trong trình môn lập tuyết 程門立雪. Sách Tống Sử phần Dương Thì truyện có đoạn rằng: “cho nên, Dương Thì đến học Trình Di ở đất Lạc, khi ấy quãng tầm bốn mươi tuổi rồi. Một hôm vào gặp thày, Trình Di đang nhắm mắt tĩnh toạ. Dương Thì với Du Tạc cứ đứng chờ thày. Đến khi Trình Di tỉnh thì tuyết ngoài cửa đã sâu một thước.” (至是,楊時見程頤于洛,時盖年四十矣。一日見頤,頤偶瞑坐,時與游酢侍立不去。頤既覺,則門外雪深一尺矣). Sau thường lấy điển này để nói đến việc học trò cung kính thụ giáo thày, hơn nữa là lẽ tôn sư trọng đạo và tinh thần cầu học. Cửa sày, giá nhơn nhơn lạnh, lòng bạn, trăng vặc vặc cao. (Bảo kính 167.5).
cửa tam công 𲈫三公
đc. <Nho> sách Văn Kiến Lục đời Tống ghi chuyện Vương Hựu lập được nhiều công lớn cho triều đình nhưng cũng không được làm tể tướng. Ông bèn bảo rằng: ta không làm thì con cháu ta làm. Rồi trồng ba cây hoè trong sân nhà. Quả thực, sau con ông là vương đan giữ chức ấy thực. Tô Đông Pha có bài Tam hoè đường ký ghi lại việc này. Có khuở ngày hè giương tán lục, đùn đùn bóng rợp cửa tam công. (Hoè 244.4).
diều 鷂
◎ Nôm: 鷂 AHV: diêu.
dt. <Nho> diều hâu, diều gốc Hán, hâu gốc Việt, loài chim ăn thịt, hình giống chim ưng nhưng nhỏ hơn (nên gọi là diều ưng 鷂鷹), thường bắt gà con và các loài chim non để ăn, dùng để ví với cái ác hay bọn tiểu nhân. văn điếu Khuất Nguyên của Giả Nghị đời Hán có câu: “Loan phượng náu mình chừ, diều cú cao bay: rều rác vinh hiển chừ, gièm dua đắc chí; hiền thánh long đong chừ, thẳng ngay sấp ngửa.” (鸞鳳伏竄兮,鴟梟翺翔:闒茸尊顯兮,讒諛得志;賢聖逆曳兮,方正倒植 loan phượng phục thoán hề, si hiêu cao tường: tháp nhung tôn hiển hề, sàm du đắc chí; hiền thánh nghịch duệ hề, phương chính đảo thực). Cả câu ý nói: người quân tử như chim loan chim phượng phải náu mình vì bị cuộc đời ô trọc ngăn trở, còn nhiều lũ diều cú (tiểu nhân) thừa cơ lại được bay lượn hoành hành. Phượng những tiếc cao diều hãy liệng, hoa thì hay héo cỏ thường tươi. (Tự thuật 120.5).
đc. <Nho> dịch cụm 鳶飛魚躍 diên phi ngư dược (con diều bay, con cá nhảy). Sách Trung Dung có đoạn: “đạo của người quân tử thật rộng lớn nhưng cũng rất vi diệu. Dù có thế thì đến cả người ngu dốt trong đám đàn ông đàn bà cũng có thể biết được phần nào. Còn như đến đỉnh điểm của nó, thì dẫu thánh nhân cũng còn có điều không thể biết được. Dẫu là những người kém cỏi trong đám đàn ông đàn bà bình thường, cũng có thể thi hành được phần nào. Còn như đến đỉnh điểm của nó, thì dẫu thánh nhân cũng còn có điều không làm được. Rộng lớn như trời đất, mà người ta còn cảm thấy có chỗ không vừa ý. Cho nên đạo của người quân tử, nếu nói chỗ lớn, thì trong thiên hạ chẳng có gì có thể bao chứa được nó; nếu nói chỗ nhỏ, thì trong thiên hạ chẳng có gì có thể tách chia được nó. Kinh Thi nói: “chim diều bay lên trời cao, con cá lặn xuống vực sâu”. Tức là nói xét cả trên trời dưới đất vậy.” (君子之道費而隱。夫婦之愚,可以與知焉,及其至也,雖聖人亦有所不知焉;夫婦之不肖,可以能行焉,及其至也,雖聖人亦有所不能焉。天地之大也,人猶有所憾,故君子語大,天下莫能載焉;語小,天下莫能破焉。《詩》云:‘鳶飛戾天,魚躍于淵’言其上下察也). Bành được thương thua: con tạo hoá, diều bay cá dảy đạo tự nhiên. (Tự thán 103.4). Câu này ý nói cái đạo bao trùm mọi sự vật trong thế giới.
dài hàm nhọn mũi 𨱽含銳𪖫
đc. con lợn, dịch chữ Trường chuỷ tướng quân 長嘴將軍 (tướng quân mõm dài) trong sách Cổ Kim Chú [TVG,1956: 178]. Câu này tác giả chơi chữ. x. cứng lông. (Trư 252.1)
hiền nhân 賢人
dt. <Nho> người hiền. Quân tử nước giao, âu những lạt, hiền nhân rượu thết, lọ là nồng! (Bảo kính 178.6), đc. Sở Nguyên Vương kính trọng mục sinh là hiền sĩ nước sở, vì mục sinh không thích uống rượu, vua sở chế riêng một thứ ngọt để thết mục sinh [theo Trần Văn Giáp].
huyện hoa 縣花
dt. đc. dịch chữ hoa huyện 花縣. Phan Nhạc đời Tấn làm Huyện lệnh huyện Hà Dương, cho người trồng hoa đào khắp nơi. Mọi người khen: “Hà Dương một huyện hoa.” (河陽一縣花) (xem bạch Khổng lục thiếp q.17), sau dùng chữ huyện hoa, hay hoa huyện là để trỏ cảnh thịnh trị thái bình. Lý Hạ trong bài Xuân trú có câu: “Bình dương cụm hoa, Hà Dương huyện hoa.” (平陽花塢,河陽花縣 bình dương hoa ổ, Hà Dương hoa huyện). Diếp huyện hoa còn quyến khách, rày biên tuyết đã nên ông. (Thuật hứng 62.3).
Hán Tần 漢秦
đc. theo Đào hoa nguyên ký của Đào Tiềm ghi chuyện người dân ở nguồn Đào hoa nói : “Đời trước tránh loạn nhà tần, đem vợ con và người trong ấp đến tuyệt cảnh này, chẳng ra nữa, cách ly hẳn với người ngoài, hỏi nay thuộc đời nào, thì chẳng biết đến nhà Hán, huống chi bàn đến nhà Nguỵ nhà Tấn.” (自云先世避秦時亂,率妻子邑人來此絕境,不復出焉,遂與外人間隔。問今是何世,乃不知有漢,無論魏晉). Cày ăn đào uống yên đòi phận, sự thế chăng hay đã Hán Tần. (Tự thán 102.8).
hùm nằm chực 𤞻𦣰直
đc. hổ nằm phủ phục bên cạnh. Chường thiền định, hùm nằm chực, trái thì trai, vượn nhọc đam. (Thuật hứng 64.3), trong rừng thiền, người tu hành đắc đạo nắm được lẽ màu, có thể cảm hoá được muông thú. Nguyễn Trãi trong bài Du nam hoa tự có câu: “hàng long phục hổ cơ màu huyền diệu sao?” (降龍伏虎機何妙 hàng long phục hổ cơ hà diệu) [ĐDA 1976: 745]. Nguyên từ điển ngữ hàng long phục hổ (khiến rồng hổ đều phải hàng phục). Phật giáo và Đạo giáo đều có điển này. Sách Bão Phác Tử ghi: “Đạo sĩ triệu bính dùng hơi mà ngăn người, người chẳng thể đứng dậy, ngăn hổ, hổ gục xuống đất, gằm đầu nhắm mắt, liền trói được hổ.” (道士趙炳 ,以氣禁人,人不能起。禁虎,虎伏地,低頭閉目,便可執縛). Đạo Tuyên trong Tục Cao Tăng Truyện phần Tập thiền truyện tăng trù có đoạn: “sư nghe thấy hai hổ đánh nhau, thét gầm chuyển núi, bèn dùng tích trượng đánh giải, hai hổ chạy mất” (聞两虎交鬭,咆响振巖, 乃以錫杖中解,各散而去). Đạt ma đa la (dharmatrāta) một a la hán thần thông tự tại, thường du hoá trong nhân gian, giảng kinh thuyết pháp, gặp tai nạn liền ra tay cứu giúp. Tôn giả đã ba lần thu phục một con hổ dữ đem nó về núi cho tu, đi đâu thì dẫn theo, nên được xưng danh là la hán phục hổ, cùng với la hán hàng long là hai vị được đưa thêm vào danh sách thập lục la hán để trở thành biểu tượng của sự cảm hoá bằng trí tuệ và đạo pháp.
hội phong vân 會風雲
dt. HVVT Hội gió mây. đc. vân long phong hổ. Chu Dịch quẻ Kiền: “mây theo rồng, gió theo hổ. Thánh nhân dựng còn muôn vật nhìn mà làm theo.” (雲從龍,風從虎. 聖人作而萬物覩 vân tòng long, phong tòng hổ. Thánh nhân tác nhi vạt vật đổ). Sau này người ta thường lấy câu “vân long phong hổ” để ngầm ẩn dụ với quan hệ giữa nhà vua và bề tôi. Từ ngày gặp hội phong vân, bổ báo chưa hề đặng mỗ phân. (Trần tình 37.1).
hột cải mũi kim 紇改每金
đc. sự tương hợp mang tính tự nhiên. Sách Chu Dịch Khẩu Nghĩa có câu: “Đồng khí: kiểu như trời sắp mưa thì cột đá đổ mồ hôi, hay nam châm hút kim châm, và hổ phách hút hạt cải vậy.” (同氣若天欲雨而柱礎潤磁石引針琥珀拾芥之類是也 đồng khí nhược thiên dục vũ nhi trụ sở nhuận, từ thạch dẫn kim, hổ phách thập giới chi loại thị dã). Vỹ Chiêu nước Ngô thời Tam Quốc trong sách Ngô Thư có câu rằng: “hổ phách không nhận cải nát, từ thạch không nhận kim cong. Từ thạch hút kim, hổ phách dính hạt cải. Nhân đó dùng “Châm giới tương đầu” để chỉ sự hợp nhau.” (虎魄不取腐芥,磁石不受曲鍼磁石引針,琥珀拾芥,因以“針芥相投” 謂相投契. Hổ phách bất thủ hủ giới, từ thạch bất thụ khúc châm. Từ thạch dẫn châm, hổ phách thập giới, nhân dĩ “châm giới tương đầu” vị tương đầu khế). Rừng Nho quãng, nấn ngàn im, hột cải tình cờ được mũi kim. (Bảo kính 150.2)‖ Chớ chi hột cải duyên kim dễ, nỡ để cho ai sự bất bằng. (Bạch Vân Am 17b2).
kim 金
dt. cái kim khâu. Rừng Nho quãng, nấn ngàn im, hột cải tình cờ được mũi kim. (Bảo kính 150.2). đc. hột cải mũi kim.
Kim Cốc 金谷
dt. đc. tên vườn trong biệt thự của Thạch Sùng 石崇 - một phú gia đời Tây Tấn, phụ cận thành Lạc Dương. Trong vườn Kim Cốc, Thạch Sùng trồng cây san hô, đốt nến thay củi, giăng lụa là dài năm mươi dặm, hạt tiêu trát vách, đó là ngôi vườn xa hoa và danh tiếng thời bấy giờ. Trong vườn, Sùng cho xây Thanh Lương đài 清凉台 để làm chốn thưởng gió. Vương Gia trong cuốn thập di ký chép: “Thạch Quý Luân (Sùng) nghiền hương trầm thuỷ cho vụn như bụi, rắc lên giường ngà, sai đám thê thiếp bước qua, ai bước khéo không để lại vết thì Sùng lấy chân châu thưởng cho.” (石季倫(崇)屑沉水之香如塵末,布象床上,使所愛者踐之,無迹者賜以真珠). Thạch Sùng từng viết bài thơ vương minh quân từ rất lấy làm đắc ý, bài ấy có đoạn như sau: “sát thân thật chẳng dễ, mặc kệ sống buông mình. Buông mình thì làm sao? nghĩ suy chi cho mệt.” (殺身良不易, 默默以苟生。苟生亦何聊, 積思常憤盈 sát thân lương bất dị, mặc mặc dĩ cẩu sinh. Cẩu sinh diệc hà liêu, tích tư thường phẫn doanh). Triết lý sát thân và cẩu sinh trong câu thơ đã vận vào đời Thạch Sùng. Vốn Thạch Sùng có một người thiếp yêu tên là Lục Châu. Khi ấy, triệu Vương Luân rất thích Lục Châu. Tôn Tú - tướng của Vương Luân đến nhà Sùng đòi bắt. Sùng không cho. Sùng ngầm mưu xui bọn Hoài Vương Doãn làm phản, đang ngồi họp rượu ở Thanh Lương đài thì quân của tú đã đến vây bắt, cả bọn đều bị tóm cả. Sùng lúc ấy nói với Lục Châu rằng: ‘ta vì nàng mà đắc tội’. Lục Châu rằng: ‘vậy thì thiếp sẽ chết trước mắt chàng’. Nói rồi, nhảy lầu xuống mà chết. Bọn Thạch Sùng bị Tôn Tú bêu ngoài chợ. Người đời gọi tấn kịch này là “Lục Châu chi nạn” và “Thạch Sùng chi hoạ” (xem Tấn Thư phần Thạch Sùng truyện). Đỗ Mục trong bài Kim Cốc viên viết: “phồn hoa tan tác bụi hương, vô tình nước chảy cỏ dường tự tươi. Chim chiều lạc gió xuân xuôi, hoa rơi như dáng người rơi xuống lầu.” (繁華事散逐香塵, 流水無情草自春。日暮東風怨啼鳥, 落花猶似墮樓人. Phồn hoa sự tán tRục hương trần, lưu thuỷ vô tình thảo tự xuân. Nhật mộ đông phong oán đề điểu, lạc hoa do tự đọa lâu nhân). (Trần tình 45.4)‖ Kim Cốc phong lưu nỡ để hoang, hôm mai uổng chịu nhọc toan đang. (Thuật hứng 55.1).
kiến cành hoè 蜆梗槐
dt. đc. tổ kiến trên cành hoè, khi mơ vu phần thấy đó là cả một đất nước giàu có còn mình thì được làm tướng của nước ấy, còn gọi là nước kiến. Phú quý treo sương ngọn cỏ, Công danh gưởi kiến cành hoè (Tự thán 73.4, 84.8). x. Nam Kha, chước, Hoè An, nước kiến.
la ỷ lấy đâu chăng lưới thưới 羅綺𥙩兜庄䋥洒
đc. Thuyết Uyển phần Thần thuật (thuật của bề tôi) của Lưu Hướng đời Hán có đoạn: “Tề Uy Vương đi chơi ở dao đài, Thành Hầu Khanh đến tâu việc, ngựa xe theo hầu trang sức lụa là thậm đẹp, vương thấy thế nói với tả hữu rằng: ‘người đang đến kia là ai?’. Tả hữu trả lời rằng: “là Thành Hầu Khanh vậy”. Nhà vua nói: “nước đang rất nghèo khó tại sao phải trang sức hoa lệ thế kia?”. Tả hữu thưa: “Người ban bổng lộc cho người khác thì có quyền yêu cầu người đó. Người nhận bổng lộc của người khác thì phải tận nghĩa vụ với người đó”. Vương muốn hỏi rõ về việc này. Thành Hầu Khanh đến, tâu lên rằng: ‘thần là kị’. Vương không đáp. Lại tâu: ‘thần là kị’. Vương cũng vẫn không đáp. Lại tâu: ‘thần là kị’. Vương rằng: ‘nước nghèo xác, làm sao mà xa hoa thế?’. Thành Hầu Khanh rằng: ‘xin tha thần tội chết để cho thần được nói’. Vua rằng: ‘được’. Thưa rằng: ‘kị tiến cử Điền Cư Tử trị lí tây hà mà (khiến) tần và lương đều suy yếu, kị tiến cử Điền Giải Tử trị lí nam thành, mà người nước sở mang lụa là đến triều bái, kị tiến tiến cử Kiềm Trác Tử trị lí minh châu, mà người nước yên dâng gia súc, người nước triệu dâng lúa thóc; kị tiến cử Điền Chủng Thủ Tử trị lí tức mặc, mà nước Tề an bình; kị tiến cử Bắc Quách Điêu Bột Tử làm chức đại sĩ, mà cửu tộc thêm thân, nhân dân thêm giàu. Thần đã cất cử mấy người giỏi như thế, bệ hạ chỉ việc kê cao gối mà nằm, việc gì phải lo nước nghèo vậy thay!’”. La ỷ lấy đâu chăng lưới thưới, hùng ngư khôn kiếm phải thèm thuồng. (Thuật hứng 68.3). Trong câu này, Nguyễn Trãi đang bàn đến chuyện “tài năng”, đến cái thuật làm tôi. la ỷ lấy đâu chăng lưới thưới, theo nghĩa đen của từng con chữ có thể giải nghĩa như sau: “lụa là lấy đâu ra mà chăng mắc la liệt?” chữ “lấy đâu” là một nghi vấn từ để phủ định, nó đối với chữ “khôn kiếm” ở câu dưới. Ngầm sâu hơn dưới các con chữ là một hàm ý về sự thất sủng. Làm sao có được cái “thần thuật” như của Thành Hầu Khanh? mà dẫu có tài năng như Thành Hầu Khanh đi chăng nữa thì cũng là vô dụng rồi, đã bị vô hiệu hoá rồi. [TT Dương 2011c]. x. hùng ngư.
Liêu Đông 遼東
dt. địa danh, tên quận được lập từ thời chiến quốc, tần, hán đến Nam Bắc Triều. Lỗi hoà đàn, tinh Bắc Đẩu, lang một điểm, thuỵ Liêu Đông. (Trư 252.4). x. Bắc Đẩu. đc. Liêu Đông thỉ, Lợn Liêu Đông.
luỹ khúc 壘麴
dt. đc. tức khúc luỹ 麴壘 (luỹ là bờ tường đắp cao, khúc là bã rượu) trỏ bờ luỹ đắp bằng bã rượu. Hàn thi ngoại truyện ghi: “Vua Kiệt làm ao rượu đê bã, thả sức vui chơi, một hồi trống mà có đến ba ngàn người vục uống như trâu. Quần thần đều vịn vào nhau mà hát.” (桀為酒池糟堤,縱靡靡之樂 ,一鼓而牛飲者三千.群臣皆相持而歌). Lý Xứ Quyền đời Tống có câu: “té bọt trong ao vốn đã ưa, luỹ men gò bã vẫn chưa bưa. Một chén một chén lại một chén, thân - thế đều quên, vui đã chưa!” (拍浮池中固不惡,麴壘糟丘仍不薄. 一杯一杯复一杯,身世兼忘乃真樂 phách phù trì trung cố bất ác, cúc luỹ tao khwu nhưng bất bạc. Nhất bôi nhất bôi phục nhất bôi, thân thế kiêm vong nãi chân lạc). Miệng khiến tửu binh pha luỹ khúc, mình làm thi tướng đánh đàn tao. (Tự thán 89.3).
lòng người tựa mặt 𢚸𠊚似𩈘
đc. Thng nhân tâm như diện 人心如面. Tả Truyện có câu: “Lòng người khác nhau, như mặt mỗi người vậy.” (人心不同如其面焉 nhân tâm chi bất đồng như kỳ diện yên). Lòng người tựa mặt ai ai khác, sự thế bằng cờ, bước bước nghèo. (Mạn thuật 32.5).
lần từng đốt mới hay mùi 吝曾炪買咍味
đc. thời Tấn An đế có Cố Khải Chi 顧榿之 làm chức hổ đầu tướng quân, mỗi khi ăn mía, ông hay ăn dần từ ngọn xuống. Có người hỏi, ông đáp : ‘như thế càng ăn càng đi đến chỗ thú vị’ (theo Thượng hữu lục 尚友錄). Chẳng bèn dời chân tới vườn mía, bắt chước hổ đầu tướng quân vậy. (TKML q.iii, 40b). ở đây Nguyễn Trãi cũng chơi chữ khá vi tế. Chữ “thú” ở câu trên “ăn nước kìa ai được thú” hô ứng với chữ “mùi” (vị) ở dưới để nhắc đến hai chữ “thú vị” trong câu nói của Cố Khải Chi. Ăn nước kìa ai được thú, lần từng đốt mới hay mùi. (Giá 238.4).
lục nữa tràm 綠女藍
Thng đc. xanh hơn chàm, dịch câu thanh lục ư lam nhi thắng ư lam 青出於藍而勝於藍 (xanh vốn từ tràm, nhưng sậm hơn tràm). Sách Nhĩ Nhã Dực của la nguyện đời Tống ghi: “Tràm là loại cỏ nhuộm xanh. Tuân Tử nói: “Xanh vốn từ tràm mà lại xanh hơn tràm”, câu này ý nói nhuộm thôi mà lại thẫm hơn cả chất.” (藍者染青之草荀子曰青出於藍而青於藍言染反勝於其質). Sử Ký phần Thế gia ghi: “Truyện rằng: ‘màu xanh vốn từ tràm mà chất xanh hơn tràm’, ý nói chỉ có giáo dục mới khiến được vậy.” (三王世家:傳曰“青采出於藍,而質青於藍”者,教使然也). Câu này ý nói Chu Đôn Di học Thọ Nham thiền sư mà lý học lại cao hơn thày [NT Giang: 27]. x. Thiếu Thất, x. Liêm Khê. Đầu non Thiếu Thất đen bằng mực, dòng nước Liêm Khê lục nữa tràm. (Tự thán 97.6).
Man Xúc 蠻觸
◎ Phiên khác: men móc (TVG). Nay theo ĐDA.
dt. đc. <Đạo> nước man và nước xúc. Trang Tử thiên Tắc dương có đoạn: “Có một nước nằm bên sừng trái của con sên tên là xúc thị, lại có một nước khác nằm ở bên phải sừng con sên tên là man thị, tranh đất đánh nhau suốt, chết mất mấy vạn.” (有國於蝸之左角者曰觸氏,有國於蝸之右角者曰蠻氏,時相與爭地而戰,伏尸數萬), đời sau gọi đó là Man Xúc tương trì. ‖ Nguyễn Trực trong bài Ngẫu hứng có câu: Man Xúc tâm hôi tục lữ hưu (tro lòng Man Xúc đã tắt trong kẻ lữ khách). . Lòng người Man Xúc nhọc đua hơi, chẳng cốc nhân sinh gưởi chơi. (Tự thán 85.1).
mài chăng khuyết 𥕄庄鈌
đc. dịch từ câu ma nhi bất lân 磨而不磷. Thời Xuân Thu, Khổng Tử bị giới chính trị của nước Lỗ bài xích. Ông bèn dẫn học trò chu du liệt quốc, qua các nước Vệ, tống,… nhưng đều không được coi trọng, nhưng dù ở Hoàn Cảnh nào ông vẫn kiên trì theo cái đọa của mình. Trong thiên Dương hoá sách Luận Ngữ có chép một đoạn như sau: “Phật Bật triệu, Khổng Tử toan đi. Tử Lộ nói: trước kia, do này có nghe thầy dạy rằng: “người quân tử không đến nơi kẻ đích thân làm điều bất thiện”. Phật Bật chiếm đất trung mâu để làm phản. Nay thầy lại định đến đó, là nghĩa làm sao? Khổng Tử nói: phải, ta có nói thế. Nhưng ta há chẳng nói: “vật gì thật bền, mài cũng chẳng mòn?”, ta há chẳng nói: “vật gì thật trắng, nhuộm cũng chẳng đen” đó sao? ta há phải quả bầu? sao có thể treo chứ không ăn?” (佛肸召。子欲往。子路曰:昔者,由也聞諸夫子曰:親於其身為不善者,君子不入也。佛肸以中牟畔,子之往也,如之何?子曰:然,有是言也,不曰:堅乎?磨而不磷?不曰:白乎,涅而不緇?吾豈匏瓜也哉,焉能繫而不食?). Bui có một lòng trung miễn hiếu, mài chăng khuyết nhuộm chăng đen. (Thuật hứng 69.8).
mây nổi 𩄲浽
đc. ám mây trôi nổi vô định trên bầu trời, dịch chữ phù vân 浮雲. Sách Chu Thư phần Tiêu đại hoàn truyện có câu: “Than ôi! đời người như mây nổi sương sớm.” (嗟乎!人生若浮云朝露). Luận Ngữ thiên Thuật nhi: “ăn cơm đạm bạc uống nước trắng, khoanh tay làm gối, vui là ở trong đó. Bất nghĩa mà giàu với sang, với ta như mây nổi.” (飯疏食飲水,曲肱而枕之,樂亦在其中矣。不義而富且貴,於我如浮雲). Điển nghĩa trỏ sự coi nhẹ giàu sang, phú quý mà đặt nặng vấn đề đạo nghĩa. Danh thơm một áng mây nổi, bạn cũ ba thu lá tàn. (Thuật hứng 63.3).
Ngu công 愚公
dt. đc. sách Liệt Tử thiên Thang vấn ghi: “Thái Hình 太形 và Vương Ốc 王屋 là hai ngọn núi dài đến bảy trăm dặm, cao đến vạn nhận, nằm về phía nam ký châu và phía bắc Hà Dương. Ngu công đã gần chín mươi tuổi, nhà ở cạnh núi. Thấy phía bắc núi thì tắc mà lạnh, ra vào khó khăn, bèn họp cả nhà lại bàn: ‘ta với các con dốc sức bạt núi hiểm, thông : qua dự nam, thắng đến hán âm, có được không?’ cả nhà đều hào hứng nghe theo. Nhưng vợ Ngu công còn ngần ngại nói: ‘với sức của ông còn chẳng dời được cái gò khôi phụ kia, nói gì đến hai núi thái hình, ốc hà? vả lại lấy đâu ra chỗ mà đổ đất đá?’ ông trả lời: ‘thì đổ xuống góc bể bột hải hay phía bắc ẩn thổ.’ rồi dắt con cháu là hà và đảm cả thảy ba người, đập đá xúc đất, đổ xuống bột hải. Hàng xóm có một bà quả phụ, bà này có một người con trai cũng đến giúp sức. Đông hè nóng lạnh, làm việc không nghỉ. Có ông cụ tên là hà khúc trí thấy vậy mới cười: ‘cây cối trên núi thì có thể chứ đất đá sao mà dời được?’. Ngu công mới trả lời: ‘ông còn suy nghĩ cố chấp lắm, cố chấp đến mức u muội, chẳng bằng mẹ con nhà goá phụ kia. Tuy ta rồi sẽ chết, thì còn con ta; con ta lại sinh cháu ta, cháu ta lại sinh con; cháu lại sinh chắt, chắt lại sinh chút, con cháu chút chít cứ sinh sinh sôi sôi mãi; còn núi kia chẳng cao thêm, thế thì chả mấy mà phẳng’. Hà trí khúc chịu không nói lại được. Thần táo xà nghe được chuyện ấy, lo chuyện không thành, bèn cáo với thiên đế. Thiên đế cảm lòng thành, bèn sai hai con của vạn nga thị gánh núi đi, một ngọn thì ném về phía đông bắc, một ngọn thì vứt về phía nam châu ung. Từ đó, từ nam ký châu đến bắc hán không bị gián cách nữa.” Nhẫn thấy Ngu công tua sá hỏi, non từ nay mựa tốn công dời. (Thuật hứng 59.7).
ngàn Bá 岸灞
dt. đc. dịch chữ bá ngạn 灞岸 (bờ sông bá), trên sông Bá có cầu Bá 灞橋. Tôn Quang Hiến đời Tống trong Bắc mộng toả ngôn ghi: tướng quốc nhà Đường là Trịnh Khể 鄭綮 nổi tiếng về thơ, vốn không có tham vọng ở chốn lang miếu…khi ấy, quân thái nguyên đã đến vị bắc, thiên tử lo lắm, muốn tìm cách khu trừ, tướng quốc trả lời, xin gia thêm một chữ “triết 哲” cho thuỵ của Văn Tuyên Vương… các quan đồng liêu coi đó làm xấu hổ, thường tỏ ý gièm pha coi thường ông. Tướng quốc bèn đề thơ lên vách sảnh trung thư, lời thơ rằng: “con bọ bên sườn Côn Lôn, con kiến tha đi mất. Một mai mưa trắng xoá, không nọc không lâu la” (側坡蛆昆侖,蟻子竞來拖。一朝白雨下,無鈍無嘍羅 trắc pha thư Côn Lôn, nghị tử cánh lai đà. Nhất triêu bạch vũ há, vô độn vô lâu la), ý nói vì thời vận sắp suy, giả như có tài trí thì cũng chẳng thế cứu được, nên mới lo lắng ngọc tốt đều bị thiêu, đại khái là như vậy. Tướng quốc có bài thơ đề lão tăng rằng: “nắng chiếu tuyết núi tây, lão tăng chưa mở cửa, bình nước dính chân tảng, lò sưởi lụi tro bay. Đồng tử ốm về mất, hươu tránh rét vào đây.” (日照西山雪,老僧門未开。凍瓶粘柱础,宿火焰爐灰。童子病歸去,鹿麋寒入來 nhật chiếu tây sơn tuyết, lão tăng môn vị khai. Đống bình niêm trụ sở, túc hoả diệm lô hôi. Đồng tử bệnh quy khứ, lộc mi hàn nhập lai). Thường nói: “bài này thuộc thể đối, đầu đuôi cân xứng, viết rất đều tay” có người hỏi: “tướng quốc gần đây có thơ mới không?” trả lời rằng: “thi tứ ở trên lưng lừa trong gió tuyết ở cầu bá kia, chốn ấy làm gì mà có được?” (詩思在灞橋風雪中驢子上,此處何以得之 thi tứ tại bá kiều tuyết trung lư tử thượng, thử xứ hà dĩ đắc chi?). Đại khái ý nói cả đời khổ tâm vậy”. Lừa tìm ngàn Bá nhờ mai bảo, thuyền nổi dòng thu có nguyệt đưa. (Tự thán 90.3)‖ điển này thường được gọi là kỵ lư sách cú 騎驢索句 (cưỡi lừa tìm câu thơ). ở đây, theo điển nghĩa, câu thơ đang nói về tâm trạng của người cô trung trước cuộc thế, chứ không phải chỉ nói về chuyện làm thơ.
nhà bằng khánh 茹朋磬
đc. HVVT Thng sách Quốc Ngữ phần Lỗ ngữ thượng ghi: “Nhà như treo khánh, đồng chẳng cỏ xanh” (室如懸磬,野無青草 thất như huyền khánh, dã vô thanh thảo), sau cụm thất như huyền khánh trở thành thành ngữ, ý nói trong nhà rỗng không, nghèo xơ xác không có gì. Quan thanh bằng nước nhà bằng khánh, cảnh ở tựa chiền, lòng tựa sàng. (Tự thuật 117.5).
năm hồ 𠄼湖
dt. dịch từ Ngũ Hồ 五湖. Đồ thư bốn vách nhà làm của, phong nguyệt năm hồ khách nổi thuyền. (Bảo kính 163.6), đc. câu này nhắc tích Phạm Lãi sau khi giúp Việt vương Câu Tiễn diệt nước Ngô, không làm quan mà cùng Tây Thi đi chơi khắp giang hồ sông nước.
phú quý treo sương ngọn cỏ 富貴𱜜霜𦰟𦹵
đc. Tô Đông Pha trong bài Mạch thượng hoa có câu: “Phú quý khi còn sương ngọn cỏ, phong lưu lúc chết hoa mé đường.” (生前富貴草頭露,身後風流陌上花 sinh tiền phú quý thảo đầu lộ, thân hậu phong lưu mạch thượng hoa).
Phương Sóc 方朔
dt. đc. tức Đông Phương Sóc (154 tcn-93 tcn), họ trương, tự là mạn thiến, là một tác gia lớn đời Hán, tính vốn hài hước, ăn nói lưu loát, thường pha trò trước mặt vua, nhưng lại trực ngôn can gián. Sau ông trở thành một nhân vật trong truyền thuyết Trung Hoa với tích Đông Phương Sóc thâu đào. Sách Hán Vũ Cố Sự ghi: ngày lễ thọ hán vũ đế, trước cung điện có ba con chim xanh từ trên trời bay xuống, vũ đế không biết là chim gì. Đông Phương Sóc mới bảo: ‘đó là ba con thanh loan của Tây Vương Mẫu, Vương Mẫu chắc sắp đến giờ.’ quả nhiên Vương Mẫu đến tặng đào tiên mừng thọ vua. Vua định lấy hạt trồng, thì Vương Mẫu bảo: ‘loại đào này ba ngàn năm mới ra quả, chỗ này đất xấu, trồng không được’. Đoạn quay sang trỏ Phương Sóc nói: ‘hắn đã ba lần ăn trộm đào tiên của ta rồi đấy’’. Truyền thuyết sau còn cho rằng Đông Phương Sóc vì ăn đào mà sống một vạn tám ngàn tuổi, nên được coi là Thọ Tinh (ông Thọ). Yến thửa Dao Trì đà có hẹn, chớ cho Phương Sóc đến lân la. (Đào hoa thi 231.4, 232.1).
quyên 鵑
dt. tức chim đỗ quyên, có người cho là con tu hú, người cho là con cuốc cuốc, mình dài quãng 15 cm, lông lưng và đuôi màu đen, ức và bụng màu trắng pha các vện xám, chân màu vàng. đc. truyền thuyết rằng vua nước Thục đời Chiến Quốc là Đỗ Vũ, hiệu Vọng Đế. Thục Đế thông dâm với vợ của một bề tôi là Miết Linh. Tức giận, Miết Linh dấy loạn, đem quân đánh phá kinh thành. Thục Đế thất bại, mất ngôi, chạy trốn vào rừng, khổ sở quá rồi chết. Sách Thành đô ký chép hơi khác: vua thục thông dâm với vợ Miết Linh. Biết chuyện, Miết Linh bắt buộc vợ nói khích vua thục nhường ngôi cho Miết Linh, rồi cùng vợ Miết Linh bỏ nước ra đi để sống cho trọn tình chung thuỷ. Thục Đế say mê vợ Miết Linh quá, thà mất ngôi vàng hơn mất người đẹp nên nghe theo. Nhưng Thục Đế mất cả ngai vàng lẫn người đẹp, vì vợ của Miết Linh quay trở lại sống với chồng. Nhớ ngai vàng, nhớ nước, Thục Đế chết hoá thành chim quyên ngày đêm kêu sầu. Đời sau vì thế gọi chim quyên là đỗ quyên hay Đỗ Vũ, hay Vọng Đế đề quyên 望帝啼鵑. Lại có thơ rằng: “Đỗ Vũ từng là vua nước Thục, hoá chim bay đi thành cũ hoang, năm năm lại gào trăng hoa đào, cứ như là đang kể việc mất nước cho gió xuân.” (杜宇曾為蜀帝王,化禽飛去舊城荒,年年來叫桃花月,似向春風訴國亡 Đỗ Vũ tằng vi Thục Đế vương, hoá cầm phi khứ cựu thành hoang, niên niên lai khiếu đào hoa nguyệt, tự hướng xuân phong tố quốc vong). Thư nhạn rạc rời khi gió, tiếng quyên khắc khoải khuở trăng. (Tự thán 98.4).
Sào Hứa 巢許
dt. <Nho> Sào Phủ 巢父 và Hứa Do 許由. Hai nhân vật này sống đời vua Nghiêu. đc. Hứa Do được tiếng là người hiền, vua Nghiêu vời vào để truyền ngôi. Hứa Do từ chối, cười mà về rồi ra suối rửa tai. Khi đó, sào phủ mới dắt trâu tới suối uống nước, thấy Hứa Do rửa tai, bèn hỏi tại sao. Hứa Do trả lời: “ông Nghiêu đòi tôi, biểu tôi thì làm vua.” sào phủ bèn dắt trâu bỏ lên trên giòng nước cho uống. Hứa Do hỏi tại sao, sào phủ đáp: “anh rửa tai anh xuống đó tôi sợ trâu tôi uống nhầm.” sào phủ lại nói: “anh đi đâu cho người ta biết vua mà muốn nhường ngôi vua cho anh, ấy là tại bụng anh vẫn còn danh lợi.” huỳnh tịnh của phê rằng, “nghe mà rửa, chi bằng giữ vẹn đừng nghe.” (huỳnh tịnh của - chuyện giải buồn). Tích sào phủ Hứa Do trở thành một điển cố về lòng trong sạch và tính ẩn dật. Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào Hứa, Lễ nhạc nhàn chơi đạo Khổng Chu. (Ngôn chí 15.3).
tam công 三公
đc. sách Văn Kiến Lục 聞見錄 đời Tống có chuyện Vương Hựu 王佑 có công lớn đối với triều đình mà không được làm tể tướng, bèn bảo rằng ta chẳng được làm thì con ta sẽ làm, có gì mà không vui. Rồi ông tự tay trồng ba cây hoè trong sân nhà, và nói: con cháu ta ắt sẽ làm đến chức tam công. Quả về sau, con của Vương Hựu làm đến chức tể tướng thật. Tô Đông Pha có bài Tam hoè đường ký để ghi lại việc này. Có khuở ngày hè giương tán lục, đùn đùn bóng rợp cửa tam công. (Hoè 244.4).
tao khang 糟糠
dt. đc. <từ cổ> tao: bã rượu, khang: cám gạo, là các đồ người nghèo dùng ăn cho đỡ đói. Hậu Hán Thư phần Tống Hoằng truyện ghi rằng: “[Quang Vũ Đế] nói với hoằng rằng: ‘ngạn ngữ nói người sang thì dễ kết bạn, người giàu thì dễ lấy vợ, nhân tình vậy sao ?’ hoằng thưa: ‘thần nghe, người bạn thân khi nghèo khó thì không thể quên, người vợ lúc cám bã thì không thể phụ bạc.’” (謂弘曰:‘諺言貴易交,富易妻,人情乎?’弘曰:‘臣聞貧賤之知不可忘,糟糠之妻不下堂’). Mượn để chỉ người vợ cùng trải qua khó khăn. Kết bạn mựa quên người cố cựu, yên nhà nỡ phụ vợ tao khang. (Bảo kính 129.6).
thi tướng 詩將
dt. tướng thơ. đc. Lưu Trường Khanh 劉長卿 đời Đường trong bài Tống Khổng sào phủ phó hà nam quân có câu: “Nghe nói toàn quân đánh giặc bắc, lại rằng thi tướng tới hà nam.” (聞道全軍征北虏,又言詩將會河南 văn đạo toàn quân chinh bắc lỗ, hựu ngôn thi tướng hội hà nam), đời sau mượn chữ này để trỏ thi nhân đứng đầu tao đàn. Miệng khiến tửu binh pha luỹ khúc, mình làm thi tướng đánh đàn tao. (Tự thán 89.4). x. đàn tao, x. luỹ khúc.
thương hải 滄海
dt. đc. biển xanh, nói tắt từ câu thương hải tang điền 桑田滄海. Cát Hồng đời Tấn trong Thần tiên truyện phần Ma cô ghi : “Ma cô tự nói rằng: từ lúc thiếp đợi đến nay, đã thấy bể Đông ba lần biến thành ruộng dâu rồi.” (麻姑自説云: 接侍以來,已見東海三為桑田), sau dùng chữ thương hải tang điền để trỏ những việc biến thiên lớn trong cuộc đời. Văn này gẫm thấy mới thon von, thương hải hay khao, thiết thạch mòn. (Thuật hứng 49.2, 62.5).
Thọ Dương 壽陽
dt. đc. công chúa, con gái vua tống vũ đế thời Nam Bắc Triều. Tương truyền nàng nằm ngủ dưới thềm điện Hàm Chương, hoa mai rụng xuống trán nở thành hoa năm cánh, dùng tay gạt đi không được. Con gái thời đó bắt chước vẽ hoa mai lên trán để trang điểm, nên gọi là mai hoa trang, hoặc Thọ Dương trang (theo tống thư). Cách song khác ngỡ hồn Cô Dịch, quáng bóng in nên mặt Thọ Dương. (Lão mai 215.4).
tiên thổi địch 仙𠺙笛
đc. Liệt tiên toàn truyện viết: Phí Văn Vĩ đắc đạo thành tiên, thường đến uống rượu ở một quán vùng giang hạ, nợ tiền đến mấy năm mà chủ quán vẫn không kêu ca. Phí Văn Vĩ bèn vẽ lên vách một con hạc, khách đến uống rượu cứ vỗ tay là hạc lại nhảy múa trên vách làm vui. Nhờ thế quán rượu đông lên gấp bội. Qua mười năm sau, vĩ lại đến, thấy quán đã giàu có, liền cầm địch thổi mấy bài, thoắt cái con hạc đã bay đến trước mặt, liền cưỡi hạc bay đi. Chủ quán bèn dựng lầu ở đó gọi là lầu Hoàng Hạc. Lầu nguyệt đã quen tiên thổi địch, non xuân từng bạn khách ăn thông. (Lão hạc 248.3).
tiểu nhân 小人
dt. <Nho> nhân dân nói chung. Nẻo khỏi tiểu nhân quân tử nhọc, dầu chăng quân tử tiểu nhân loàn. (Bảo kính 133.3), dịch câu 無野人莫養君子無君子莫治野人 vô dã nhân mạc dưỡng quân tử, vô quân tử mạc trị dã nhân (Mạnh Tử- đằng văn công thượng).
dt. <Nho> trái với quân tử. Vườn hoa khóc tiếc mặt phi tử, đìa cỏ tươi nhưng lòng tiểu nhân (Vãn xuân 195.6). đc. sách Luận Ngữ ghi: “Quý Khang Tử hỏi Khổng Tử về việc chính trị rằng: ‘nếu như giết bọn vô đạo để đạt đến việc hữu đạo, liệu việc này thế nào?’ Khổng Tử trả lời rằng: ‘bậc quân tử làm việc chính trị sao có thể dùng đến giết chóc? ngài muốn thiện, thì dân cũng sẽ thiện thôi. Cái đức của quân tử như gió, cái đức của quân tử như gió, cái đức của tiểu nhân như cỏ. Gió ở trên cỏ, thì cỏ sẽ rạp xuống thôi’ ” (季康子問政於孔子曰:「如殺無道,以就有道,何如?」孔子對曰:「子為政,焉用殺?子欲善,而民善矣。君子之德風,小人之德草。草上之風,必偃).
tường đào ngõ mận 墙桃午槾
đc. tể tướng nhà Đường là Địch Nhân Kiệt giỏi tiến cử hiền tài. Có người ca ngợi rằng: “Đào lý trong thiên hạ đều trong cửa nhà ông.” (天下桃李悉在公門矣 thiên hạ đào lý tất tại công môn). Địch Nhân Kiệt mới trả lời: “Tiến cử hiền tài cho nước, chứ có phải cho riêng ta đâu.” (薦賢為國非為私人也 tiến hiền vị quốc bất vị tư nhân) (theo tân đường thư). Ngày tháng kê khoai những sản hằng, tường đào ngõ mận ngại thung thăng. (Mạn thuật 23.2)‖ (Thuật hứng 46.2). x. đào lý, x. đào mận.
tạc tỉnh canh điền 鑿井耕田
đgt. đc. đào giếng cày ruộng, công việc lao động, tự cung tự cấp của người ẩn sĩ. Sách Thiên Trung Ký ghi chuyện vua Nghiêu sau năm mươi năm trị nước, thịnh trị thái hoà, bèn mặc thường phục đi vi hành, gặp một ông lão ngoài chín mươi ngồi kích nhưỡng hát rằng “sáng ra thì làm, tối về thì nghỉ. Đào giếng mà uống, cày ruộng mà ăn. Đế lực có ảnh hưởng gì đến ta?”. (而日出而作日入而息鑿井而飲耕田而食帝力於我何有哉 nhật xuất nhi tác, nhật nhập nhi tức. Tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực. Đế lực ư ngã hà hữu tai?). Sách Liệt Tử trích đoạn vua Nghiêu lại thấy trẻ con hát lời đồng dao rằng: “rập dựng dân đen, chẳng ai trái luật. Không trí không xảo, thuận theo lẽ trời.” (立我蒸民莫匪爾極不識不知順帝之則 lập ngã chưng dân, mạc phi nhĩ cực, bất thức bất tri, thuận đế chi tắc). Nghiêu nghe thấy bài hát ấy xong, trở về cung, an tâm truyền ngôi lại cho thuấn. Mạnh Tử tập chú dẫn lời trình tử rằng: “Tạc tỉnh canh điền: đế lực có ảnh hưởng gì đến ta?” câu này ý nói noi theo cái lẽ tự nhiên của trời đất ấy là việc thực hiện chính sự của nhà vua.” (耕田鑿井,帝力何有於我?如天之自然,乃王者之政). Cao Thích trong bài Tống Dương Sơn Nhân quy Tung Dương viết: “Tạc tỉnh canh điển chớ vời ta, biết anh quyên thảy lệnh vua ra.” (鑿井耕田不我招,知君以此忘帝力。山人好去嵩陽路,惟餘眷眷長相憶 tạc tỉnh canh điền bất ngã chiêu, tri quân dĩ thử vong đế lực). Ruộng nhiều quê tổ năm ba thửa, tạc tỉnh canh điền tự tại nhèn. (Bảo kính 140.8). Tạc tỉnh canh điền vốn là biểu tượng cao nhất của xã hội thái hoà đời viễn cổ. Đó là một xã hội lý tưởng luôn nằm trong mộng tưởng của các nhà Nho. Lý tưởng ở chỗ các phép tắc chế trị đã nhất thể hoá với những quy luật của tự nhiên, và hoà làm một với cuộc sống của bách tính. Các nhà Nho ở ẩn đời sau đã lấy biểu tượng thái hoà thời viễn cổ (tạc tỉnh canh điền) này làm biểu tượng cho cuộc sống ẩn dật. ẩn dật không phải là một cuộc chạy trốn nhân thế mà là một hành vi chính trị, đứng ra ngoài môi trường hoạn hải bất trắc và phi tự nhiên kia để tự tạo cho mình một đời sống thái hoà lý tưởng, một ốc đảo hoà bình lý tưởng ít nhất đối với chính bản thân mình, đối lập với toàn bộ cuộc thế. Cuộc sống thái hoà lý tưởng ấy của các ẩn sĩ là một sự trải nghiệm từ trong tâm tưởng cho đến các hành vi nhật dụng sống động [TT Dương 2011c]. x. cày ăn đào uống.
vượn hạc 猿鶴
dt. đc. vượn và hạc. Tống Sử phần Thạch Dương Hưu truyện ghi: “Dương Hưu nhìn nhàn nhã phóng túng, bình thường nuôi vượn hạc, đọc sách vở, ngâm vịnh tự vui.” (揚休喜閑放,平居养猿鶴,玩圖書,吟咏自適). Sau vượn hạc dùng để trỏ ẩn sĩ hay cảnh giới ẩn dật. Thề cùng vượn hạc trong hai ấy, thấy có ai han chớ đãi đằng. (Mạn thuật 23.7).‖ (Tự thán 71.8)‖ (Thuật hứng 60.4)‖ (Tự thán 109.5)‖ (Tự thuật 119.3).
vượn đam trái 猿冘𣡚
đc. <Phật> hình tượng thường gặp trong kinh điển Phật giáo. Tống Nhân Tông có bài phú rằng: “làm đệ tử Như Lai; làm tông thân tiên thánh. Vào ra ở dưới cửa vàng; hành tàng ngay trong điện báu. Hươu trắng ngậm hoa, vượn xanh hiến quả. Xuân nghe oanh hót líu lo, vui với cơ trời; hè nghe ve kêu khản tiếng, nào biết nắng nôi!” (作如來之弟子,為先聖之宗親,出入於金門之下,行藏寶殿之中,白鹿啣花,青猿獻菓,春聽鶯啼鳥語,妙樂天機;夏聞蟬噪高林,豈知炎熱 tác Như Lai chi đệ tử; vi tiên thánh chi tông thân. Xuất nhập ư kim môn chi hạ, hành tàng bảo điện chi trung. Bạch lộc hàm hoa, thanh viên hiến quả. Xuân tính oanh đề điểu ngữ, diệu lạc thiên cơ; hạ văn thiền táo cao lâm, khỉ tri viêm nhiệt). Diêu Miễn 姚勉 đời Tống trong tuyết pha văn tập có câu: “Gà vàng gắp thóc ở bếp hương tích; vượn ngọc dâng trái trong toà pháp vương.” (金雞銜粟於香積之厨玉猿獻果於法王之座 kim kê hàm túc ư hương tích chi trù; ngọc viên hiến quả ư pháp vương chi toạ). Chường thiền định, hùm nằm chực, trái thì trai, vượn nhọc đam. (Thuật hứng 64.4), ý nói hoa trái là thức ăn chay theo mùa (thì trai), vượn cứ thế mà hái dâng. Bài thơ có thể được viết khi Nguyễn Trãi giữ chức quan coi chùa Côn Sơn. Thời lành cả mở hội lành, reo đưa gió Phật, quét thanh bụi tà. Vầy đoàn yến múa, oanh ca, vượn xanh dâng trái, hạc già nghe kinh (Tư Dung ). Mỗi khi đến thời tiết tam nguyên và Phật đản thì có con hạc đen đến chầu, con vượn xanh dâng cúng quả, lưu luyến bồi hồi như có ý muốn tham thiền thính pháp; đáng gọi là nơi tịnh độ tiêu dao vậy (gia định thành thông chí).
vằn sinh mé tây 蚊生買西
đc. ngọc diện miêu (mèo mặt ngọc). Xưa ở núi nọ có ba con yêu chuột, làm phép đi cưới vợ của một thầy đồ, thầy đồ kiện đến triều đình, nhưng chuột lại hoá làm vua quan để xử cho thầy đồ thua. Sau bao công phải sang nước Phật mượn được con mèo mặt ngọc về, khi xử kiện đem mèo ấy ra thì nó vồ chết những chuột yêu kia [TVG,1956: 177]. Lọ vằn sinh bởi mãi phương Tây, phụng sự Như Lai trộm phép sày. (Miêu 251.1).
xem mây nhớ quê 𫀅𩄲汝圭
đc. Địch Nhân Kiệt đời Đường làm quan ở tinh châu, khi nhớ nhà, bèn lên núi thái hàng, ngoảnh lại nhìn thấy đám mây trắng cuối chân trời, nói với tả hữu rằng: nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng ấy [ĐDA 1976: 799]. Nghìn dặm xem mây nhớ quê, chẳng chờ cổi ấn gượng xin về. (Bảo kính 155.1)‖
âu lộ 鷗鷺
dt. âu và cò, hai loài chim nước, bạn của ẩn sĩ. đc. sách Liệt Tử thiên Hoàng đế có đoạn: “có người miền biển chơi thân với chim âu, cứ sáng ra lại theo chim âu đi chơi, chim âu kéo đến bên người hàng trăm con mà không thôi. Bố người ấy rằng: chim âu theo con, con bắt về cho ta xem chơi. Sáng hôm sau người đó ra biển thì chim âu bay múa mà không chịu đậu xuống nữa. Cho nên mới có câu: cách nói hay nhất là bỏ lời nói; cách làm hay nhất là vô vi.” (海上之人有好漚鳥者,每旦之海上,從漚鳥游,漚鳥之至者百住而不止。其父曰:吾聞漚鳥皆從汝游,汝取來,吾玩之。明日之海上,漚鳥舞而不下也. 故曰:至言去言,至為無為). Sau dùng điển âu lộ vong cơ 鷗鷺亡機 (không có cơ mưu gì với loài âu lộ) để trỏ lòng không chất chứa mưu mô xảo trá, không có cơ tâm, đến mức các loài vật cảm nhận được mà thân gần như đồng loại. Điển này còn được dùng để ví với cảnh giới hoà nhập bản thể với thiên nhiên của các ẩn sĩ. Âu lộ cùng ta dường có ý; đến đâu thì thấy nó đi theo. (Tự thán 101.7).
én ngọc 燕玉
AHV: yến ngọc.
dt. tức ngọc yến 玉燕. đc. sách Mộng Đình Ký chép câu chuyện nhà vua được một nữ thần ban cho chiếc thoa ngọc. Sau vua tặng lại cho một tiệp dư họ triệu. Đến thời hán chiêu đế, chiếc thoa vẫn còn, có người tò mò mở hộp xem thì thấy một con én ngọc bay ra. ở đây mượn hình ảnh én ngọc để trỏ tin mùa xuân. (theo TVG, PTĐ). Đường tuyết thông còn giá in, đã sai én ngọc lại, cho dìn. (Tảo xuân 193.2).
đúc 鑄
◎ Nôm: 篤 Đọc âm PHV. AHV: chúc. Đúc: đọc theo âm THV: *tjugh (Lý Phương Quế).
đgt. hun đúc, đào tạo. Thương nhẫn Biện Hoà ngồi ấp ngọc, đúc nên Nhan Tử tiếc chi vàng. (Tự thuật 117.4). đc.: Dương Hùng trong sách Dương Tử Pháp Ngôn có câu: “có người hỏi: ‘đời hay nói đúc vàng, vàng có thể đúc ư?’ trả lời: ‘ta chỉ nghe nói rằng, khi gặp bậc quân tử, chỉ có hỏi về việc đúc người thôi, chứ không hỏi về việc đúc vàng’. Người kia lại hỏi: ‘người mà cũng có thể đúc ư?’ trả lời: ‘thì đức Khổng Tử đúc được Nhan Uyên đó thôi’. Người ấy mới cung kính mà rằng: ‘thực là ý vị! hỏi về việc đúc vàng, mà lại hiểu thêm về việc đúc người’” (或問:“世言鑄金,金可鑄與?”曰:“吾聞覿君子者,問鑄人,不問鑄金。”或曰:“人可鑄與?”曰:“孔子鑄顏淵矣。”或人踧爾曰: “旨哉!問鑄金,得鑄人”). ở câu thơ này, Nguyễn Trãi chơi chữ. Chữ dùng của Dương Hùng trỏ nghĩa bóng. Chữ dùng của Nguyễn Trãi vừa mang nghĩa bóng như vậy là vừa dụng nghĩa Từ Nguyên cụ thể của từ đúc. Ý muốn nói: dẫu đúc được một người hiền như Nhan Uyên thì có đúc bằng vàng đi chăng nữa thì cũng không tiếc. (theo ĐDA).
đường cùng 唐窮
dt. HVVT dịch chữ cùng đồ 窮途. Lều tiện Nhan Uyên tìm tới đỗ, đường cùng Nguyễn Tịch khóc làm chi. (Thuật hứng 57.6)‖ đc. Nguyễn Tịch, một trong trúc lâm thất hiền đời Tam Quốc hay rượu hay thơ, nghe nói nhà bếp bộ binh khéo nấu rượu, chứa được ba trăm hộc rượu ngon, bèn xin làm bộ binh hiệu úy. Suốt ngày uống, có khi say cao hứng, đánh xe đi chơi, đến đường cùng thì bật khóc rồi quay về. x. Nguyễn Tịch.
đạo thánh bằng tơ 道聖朋𮈔
đc. <Nho> Trần Lượng 陳亮 đời Tống trong bài Dữ ưng trọng thực thư có câu: “Nếu chẳng có các nho sĩ đi du thuyết để ngăn ngừa, thì cái thế sụp trong vỡ ngoài đã thành sự thực rồi, nên đạo ta mới được bất tận như tơ vậy.” (苟無儒先生駕說以辟之,則中崩外潰之勢遂成,吾道之不絕如縷耳). Miệng người tựa mật, mùi qua ngọt, đạo thánh bằng tơ, mối hãy dài. (Tự thán 91.6).
đất 坦
◎ Ss đối ứng tắt³ (nguồn), tắt³ (Mường bi), atăk², bơn¹ (Chứt), kule? (Vân Kiều) [NV Tài 1993: 234].
dt. thổ nhưỡng. Nước dưỡng cho thanh đìa thưởng nguyệt, đất cày ngõ ải rãnh ương hoa. (Ngôn chí 4.6, 10.4)‖ (Hoàng tinh 234.1)‖ x. đất dư.
dt. trỏ không gian nào đó, như chỗ, chốn. Ẩn cả lọ chi thành thị nữa, nào đâu là chẳng đất nhà quan. (Ngôn chí 17.8)‖ (Trần tình 37.4). Ss “sửa mình mới biết làm thiện vui” 修己但知為善樂 (Nguyễn Trãi - ngẫu thành).
dt. lãnh thổ. (Mạn thuật 24.2)‖ (Trần tình 43.8)‖ (Thuật hứng 65.3)‖ Mấy kẻ tư văn sinh đất Việt, đạo này nối nắm để cho dài. (Tự thán 92.7, 105.8)‖ (Tức sự 125.3)‖ (Bảo kính 157.8).
dt. (chất) đất. (Mạn thuật 32.3)‖ (Tức sự 123.2)‖ (Tức sự 124.5). Nước càng tuôn đến bể càng cả, đất một chồng thêm núi một cao. (Tự thuật 122.4). đc. Luận Ngữ thiên Tử hãn: “Khổng Tử nói: ví như đắp đất làm núi, chỉ cần một sọt đất nữa là thành, nếu ta dừng, ấy là bởi ta dừng. Lại ví như giữa đất bằng, dẫu chỉ mới để được một sọt đất, nhưng quyết tâm tiếp tục, thì đó là ta đang đi tới thành công vậy.” (子曰、譬如為山, 未成一簣、止、吾止也、譬如平地、雖覆一簣、進、吾往也)‖ (Tức sự 125.4)‖ (Bảo kính 150.6).
dt. chốn, nơi. (Thuật hứng 54.4).
dt. trong Trời đất. (Bảo kính 182.5).
dt. vị trí, địa vị. x. đổi đất.
đổi đất 対坦
đgt. đc. <Nho> dịch chữ dịch địa 易地 (đổi địa vị cho nhau). Sách Mạnh Tử thiên Ly lâu có câu: “vũ, tắc sống vào đời thịnh, ba lần qua nhà mình mà không vào thăm nhà được, Khổng Tử coi đó là hai người hiền. Nhan Tử sống buổi thời loạn, náu thân trong ngõ hẻm, một giỏ cơm, một bầu nước, người đời không ai chịu nổi, thế mà Nhan Tử chẳng đổi cái niềm vui ấy, Khổng Tử coi hồi là người hiền. Mạnh Tử bảo: ‘vũ, tắc và Nhan Hồi cùng đạo. Vũ lo thiên hạ gặp lũ lụt cứ như là mình đang bị lụt; tắc lo thiên hạ đói rét, cứ như là chính mình đói rét, cho nên mới vội vàng như thế. Vũ, tắc, Nhan Hồi dẫu có đổi vị trí cho nhau thì cũng đều hành xử như nhau cả thôi’” (禹、稷當平世,三過其門而不入,孔子賢之。顏子當亂世,居於陋巷。一簞食,一瓢飲。人不堪其憂,顏子不改其樂,孔子賢之。孟子曰:“禹、稷、顏回同道。禹思天下有溺者,由己溺之也;稷思天下有饑者,由己饑之也,是以如是其急也。禹、稷、顏子易地則皆然). Vũ truyền thiên hạ Nhan Uyên ngặt, đổi đất xong thì có khác nao. (Tự thuật 122.8).
Độc Lạc 獨樂
dt. đc. vườn Độc Lạc của Tư Mã Quang (còn gọi Tư Mã Ôn công) nhà sử học lỗi lạc đời Tống. Theo Lạc Dương danh viên ký thì trong khu vườn này của ông có một phòng đọc sách chứa đến hơn vạn cuốn. Từ Nguyên của chữ độc lạc vốn từ chương lương huệ vương hạ sách Mạnh Tử ghi: “Mạnh Tử hỏi rằng: một mình vui với nhạc, và vui nhạc cùng với người khác, cái nào vui hơn? rằng: chẳng bằng vui với người.” (獨樂樂,與人樂樂,孰樂?”曰:“不若與人). Léo chân nằm vườn Độc Lạc, chặm lều ở đất Nam Dương. (Tức sự 125.3).
đứt vàng 󱢎黄
◎ 󱢎 {tất 悉+ cá 个} bảo lưu từ giai đoạn trước, có kiểu tái lập cho tiếng Việt tiền cổ là *kđứt [TT Dương 2012a]. Tương quan d- đ, có cặp dứt - đứt. x. dứt. Phiên khác: chặt (TVG, ĐDA, MQL), dứt (Schneider, PL). Nay đề xuất.
đgt. đc. <Nho> chặt đứt vàng, dịch chữ đoạn kim 斷金. Kinh Dịch có câu: “Hai kẻ đã một lòng, thì sắc bén có thể chặt đứt được vàng.” (二人同心其利斷金). Chữ đoạn theo truyền thống giải âm thường được đối dịch bằng từ đứt. Ví dụ: Bằng vượn kêu dấu con, gan lòng đứt làm tám tấc ← 如猿啼愛子寸寸斷肝腸 (Phật Thuyết 15b9). Tiếng dế ngâm xui đứt ngọn bạch dương 蛩聲吟斷白楊稍蛩聲吟斷白楊稍蛩聲吟斷白楊稍 (Tuệ Tĩnh- Thiền Tông Khoá Hư Ngữ Lục: 16a10). Mà chưng mạch Kinh Thi, Kinh Thư hầu đứt mà lại nối 而詩書之脈幾斷而復續而詩書之脈幾斷而復續而詩書之脈幾而復續 (TKML i 11a1). Đoạn đứt tài may, liệt bày thao giấu (Tam Thiên Tự: 102). Đứt vàng chăng trớ câu Hy Dịch, Khinh bạc màng ngâm thơ Cốc phong. (Bảo kính 178.3).