Lời tựa

Quốc âm thi tập 國音詩集là tập thơ Nôm được viết vào đầu thế kỷ thứ XV bởi đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi (1380-1442), nhà tư tưởng, nhà chính trị lỗi lạc, danh nhân văn hóa thế giới. Đây là tập thơ Nôm cổ nhất, có giá trị nhất và có bản sắc dân tộc nhất may mắn còn lại cho đến nay qua biết bao biến cố của lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian. Với trên 250 bài thơ thuần Việt, trong sáng mà khúc chiết, thâm trầm mà thiết tha, Nguyễn Trãi được coi là “người đặt nền móng ngôn ngữ văn học dân tộc” (chữ dùng của GS Đào Duy Anh). Sự ra đời của Quốc âm thi tập không chỉ là "đại biến cố" của văn học mà còn là một cuộc cách mạng, là sự trưởng thành vượt bậc của tiếng Việt nói riêng cũng như văn hiến Việt Nam nói chung.

Nguyễn Trãi là người mở đường cho sự điêu luyện trác tuyệt của nghệ thuật ngôn từ thơ ca Việt Nam. Ông đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa tư tưởng uyên áo của triết học phương Đông với lời ăn tiếng nói, tục ngữ phong dao của tiếng mẹ đẻ. Đó có thể coi là đỉnh cao của mọi thời đại. Chính vì thế, quyển Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển này được viết ra là sự cố gắng phản ánh sự kiện văn hóa quan trọng bậc nhất ấy trong lịch sử của đất nước ngàn năm văn hiến.

Cuốn sách sưu tập toàn bộ các từ ngữ, thành ngữ, điển cố… được Nguyễn Trãi sử dụng. Đọc sách, chúng ta sẽ hiểu được phần nào tiếng mẹ đẻ của chúng ta cách nay quãng 600 năm. Nói một cách hình ảnh, nếu Quốc âm thi tập là “những hiện vật hóa thạch” của tiếng Việt cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, thì cuốn Nguyễn Trãi quốc âm từ điển này chính là công trình giải mã những hiện vật đó, để dâng tặng cho người đọc hôm nay. Công việc ấy cũng không khác so với việc biên soạn “Từ điển Shakespeare”1 của các học giả người Anh về tiếng Anh cổ thế kỷ XVI, không khác so với “Từ điển Puskin” của các nhà từ điển Xô Viết về tiếng Nga cổ thế kỷ XIX, hay Thi kinh từ điển của Hướng Hy về tiếng Hán Thượng cổ cách nay 2500 năm… Những “hố khảo cổ ngôn từ” đã đào lên, hiển lộ trước mắt người đọc, và thì thầm với chúng ta biết bao điều.

Người yêu tiếng Việt có thể tìm thấy ở đây những ngôn từ cổ kính như những hồi quang của quá khứ xa xăm nhưng tráng lệ. Người ham chuộng văn chương có thể nhặt được ở đây những phiến lời lấp lánh nhạc điệu và ý tưởng nhân văn. Người thích nghiền ngẫm sẽ được chiêm nghiệm những tuyệt cú danh ngôn. Kẻ phong nhã tài tình sẽ được phiêu lưu trong trường thơ bể ái. Thế cũng thú vị lắm chứ!

Bạn có thể mở bất kỳ một trang nào ra và đắm mình trong những biến ảo ngôn từ mà Nguyễn Trãi đã dày công vun đắp, để hiểu thêm về một nhân cách:

Bui một tấc lòng ưu ái cũ,

Đêm ngày cuộn cuộn nước chầu đông!


Thăng Long, cuối đông năm Canh Thìn 2010

Trần Trọng Dương


1. Alexander Schmidt. Shakespeare Lexicon and Quotation Dictionary. (a Dover re-print, 1985). A Complete Dictionary of All the English Words, Phrases, and Constructions in the Works of the Poet
2. Puskin Dictionrary: Đây là cuốn từ điển của nhà nghiên cứu Vinogradov, được xuất bản năm 1956, gồm 4 tập. [Chuyển dẫn theo Ewam Thomson. 1971. Russian Formalism and Anglo-American New Criticism. Mouton and Co.N.V. Publishers, The Hague; W. Andries van Helden. Case and Gender – Concept Formation between Morphology and Syntax. Amsterdam- Atlanta. GA 1993. p.102].