Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Rục
bầu 瓢
◎ Nôm: 䕯 AHV: biều. Ss đối ứng bu¹ (Mường), lapu² (Rục) [VĐ Nghiệu 2011: 60], kadhợk (Katu) [NH Hoành 1998: 248].
dt. loại cây ăn quả thuộc họ bí, thân leo, quả khô lấy vỏ làm đồ đựng nước, rượu. Túi thơ bầu rượu quản xình xoàng, quảy dụng đầm hâm mấy dặm đàng. (Ngôn chí 9.1, 12.5, 14.2)‖ Ngoài năm mươi tuổi, ngoài chưng thế, ắt đã tròn bằng nước ở bầu. (Trần tình 40.8, 41.1), Ss ở bầu thì tròn ở ống thì dài. Tng.‖ (Thuật hứng 51.3)‖ (Tự thuật 121.4)‖ (Bảo kính 148.1)‖ Một bầu hoà biết lòng Nhan Tử. (Bảo kính 156.5). Sách Luận Ngữ: “Nhan Hồi hiền vậy thay! một giỏ cơm, một bầu nước, ở trong ngõ hẻm tồi tàn, kẻ khác không kham nổi cảnh khổ đó, mà hồi thì chẳng đổi niềm vui. Hồi hiền vậy thay!” (賢哉回也!一簞食,一瓢飲,在陋巷,人不堪其憂,回也不改其樂。賢哉回也!).
dt. <Đạo> bầu thế giới, bầu trời. đc. sách Vân Cáp Thất Tiêm ghi chuyện thi tồn người nước Lỗ theo học phép tiên, thường đeo bên mình một trái bầu to bằng nửa cái đấu. Bầu ấy là một bảo bối có thể thâu chứa cả trời đất, mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú. Đến tối, ông thường chui vào trong bầu ngủ. (Ngôn chí 19.6)‖ Một bầu phong nguyệt nhàn tự tại, hai chữ “công danh” biếng vả vê. (Bảo kính 155.3).
dt. khối đất để trồng cây. Nào hoa chẳng bén khí đầm hâm, có mấy bầu sương nhuỵ mới đâm. (Cúc 240.2).
bếp 𤇮
◎ Ss đối ứng bep³ (Mường), tăpεh (Rục) [VĐ Nghiệu 2011: 60], pep, bep (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 178], tơpệh (Katu) [NH Hoành 1998: 248].
dt. vật dụng để đốt lửa, nấu nướng. Lều không, con cái hằng tình phụ, bếp lạnh, anh tam biếng hỏi han. (Bảo kính 139.6, 154.6)‖ (Miêu 251.3)‖ (Trần tình 38.3).
che 遮
◎ Nôm: 𩂏 AHV: giá, đọc theo âm THV [PJ Duong 2013: 107]. Ss đối ứng cε¹ (Mường), cε² (Rục) [VĐ Nghiệu 2011: 64], cε (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 192]. Như vậy, đây là từ hán Việt-Mường đọc âm THV, có thể xác định đây là từ mượn ở giai đoạn PVM.
đgt. chắn, ngăn (khỏi tầm nhìn, hoặc khỏi chịu sự tác động của mưa nắng). Bạch Cư Dị trong bài Tỳ bà hành có câu: “mời gọi mãi mới ra tiếp khách, tay ôm đàn che nửa mặt hoa” (千呼萬唤始出來,猶抱琵琶半遮面). (Ngôn chí 21.5)‖ Nắng quáng, sưa sưa bóng trúc che, cây im, thư thất lặng bằng the. (Tự thán 79.1)‖ (Tự thán 108.5).
đgt. phủ kín. Tráu cúc thu vàng nảy lác, sân mai tuyết bạc che đều. (Bảo kính 164.4).
đgt. trùm ở trên. Chân chạy, cánh bay, ai mỗ phận, thiên công nào có thửa tây che. (Tự thán 73.8), tây che dịch chữ tư phú 私覆.
chim 𪀄
◎ Ss đối ứng cim² (Mường), icim¹ (Rục), ciim (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 58], cim¹, cim² (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 194].
dt. động vật có cánh. (Ngôn chí 2.5)‖ Cây cụm chồi cành chim kết tổ, ao quang mấu ấu cá nên bầy. (Ngôn chí 11.5, 17.3, 18.6)‖ (Mạn thuật 26.2, 28.6, 29.3)‖ (Trần tình 40.5, 42.5)‖ (Thuật hứng 48.3, 64.5)‖ (Tự thán 88.4, 89.6, 95.6, 105.4, 108.3, 110.5)‖ (Tự thuật 118.5)‖ (Tức sự 123.3, 126.3)‖ (Tự giới 127.6)‖ (Bảo kính 150.6, 164.8, 165.6).
chết 折
AHV: chiết. [Huệ Thiên 2004: 233 - 236], như yểu chiết 夭折, đoản chiết 短折 đều nghĩa là chết non, chết yểu. Sách Tiền Hán phần Ngũ hành chí ghi: “Anh làm tang cho em thì gọi là đoản, cha làm tang cho con thì gọi là chiết” (兄喪弟曰短,父喪子曰折). Kinh Thư thiên Hồng phạm ghi: “Sáu điều hung: một là chết non, hai là bệnh tật, ba là lo buồn, bốn là nghèo khó, năm là ác dữ, sáu là yếu ớt” (六極:一曰凶短折,二曰疾,三曰懮,四曰貧,五曰惡,六曰弱). Như vậy, chiết là từ vựng cơ bản của nhà Nho. Đối ứng cet³ (Mường), kɯcit² (Rục), cəət (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 64], cet (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 193].
đgt. mất mạng. Thương cá thác vì câu uốn lưỡi, ngẫm ruồi chết phải bát mồ hòn. (Bảo kính 182.4).
con 昆
◎ Nôm: 昆 AHV: côn, đối ứng kɔn¹ (Mường), kɔn² (Rục), kɔɔn (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 57], kɔn (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 200]. Kinh Thư thiên Trọng huỷ chi cáo ghi: “Ban phúc ấm cho con cháu sau này” (垂裕後昆 thuỳ dụ hậu côn). Chữ con em dịch từ chữ côn đệ 昆弟. Như vậy, con là từ gốc Hán, gia nhập vào từ rất sớm theo con đường kinh điển.
dt. trong quan hệ với cha mẹ. Bui có một niềm chăng nỡ trại, đạo làm con miễn đạo làm tôi (Ngôn chí 2.8, 21.8)‖ (Mạn thuật 27.6)‖ (Trần tình 39.6)‖ (Thuật hứng 49.8)‖ (Tự thán 111.3)‖ (Bảo kính 135.5, 149.6, 164.5, 175.3, 182.6, 186.1).
dt. <từ cổ> từ trỏ các cá thể sự vật, hiện tượng. (Mạn thuật 24.6)‖ Bẻ cái trúc hòng phân suối, quét con am để chứa mây. (Mạn thuật 28.4)‖ Con mắt. (Mạn thuật 36.5)‖ Con cờ. (Trần tình 41.1)‖ Con lều. (Thuật hứng 52.1)‖ Con tạo hoá. (Tự thán 78.5)‖ Con lều. (Tự thán 81.1)‖ Con cờ. (Tự thán 90.6)‖ Con am. (Tự thán 97.1)‖ Con mắt xanh. (Tự thán 99.6)‖ Con mắt mèo. (Tự thán 101.6)‖ Con tạo hoá. (Tự thán 103.3)‖ Con mắt. (Tự thuật 120.7). Ác thỏ tựa thoi xem lặn mọc, cuốc cày là thú những xung xăng. (Trần tình 38.6)‖ (Trừ tịch 194.5)‖ (Trư 252.7).
dt. từ trỏ các cá thể động vật. Chúa ràn nẻo khỏi tan con nghé, hòn đất hầu lầm, mất cái chim. (Bảo kính 150.5).
dt. loại từ cho một số đồ vật, như con Chu Dịch, con đê, con đò.
dt. loại từ trỏ loại người nào đó với hàm ý coi khinh, như con đĩ, con bợm, con bãi, con tuyết, con đòi, con hầu, con buôn. Sau đều được danh từ hoá.
dt. loại từ trỏ một hiện tượng tự nhiên nào đó, như con nước, con sông.
cày 𦓿
◎ Ss đối ứng kạl¹ (Mường), kɤăl² (Rục) [VĐ Nghiệu 2011: 60], kăn¹ (nguồn), kăl¹ (Mường bi), kăl¹ (Chứt), kăi (Vân Kiều) [NV Tài 1993: 236], thây (Tày) [HV Ma 1984: 72].
dt. nông cụ lưỡi sắt, dùng sức kéo để xới đất. Cày chống tuyết ngâm đòi cảnh, cuốc chơi xuân khắp mọi đồi. (Ngôn chí 13.5)‖ (Mạn thuật 28.1)‖ (Thuật hứng 48.1). Lấy cày sắt mà cày đấy < 鐵犁耕之 (Phật Thuyết 31a). x. chống cày.
đgt. xới đất. Nước dưỡng cho thanh đìa thưởng nguyệt, đất cày ngõ ải rãnh ương hoa. (Ngôn chí 4.6)‖ (Mạn thuật 29.4)‖ (Trần tình 43.7, 45.4)‖ (Thuật hứng 56.2)‖ (Bảo kính 177.4).
đgt. (bóng, dẫn thân từ nghĩa ② ) lao động. Khoẻ cày ruộng thánh đà nhiều khóm, được dưỡng sào văn vô số phần. (Nghiễn trung ngưu 254.5).
cá 𩵜 / 亇
◎ Ss đối ứng ka³ (Mường), aka³ (Rục), kaa (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 58], ka (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 184].
dt. sinh vật sống dưới nước, có vẩy, vây và mang. Ao bởi hẹp hòi, khôn thả , nhà quen thú thứa, ngại nuôi vằn. (Thủ vĩ ngâm 1.5)‖ (Ngôn chí 11.6)‖ (Mạn thuật 28.5, 29.3, 35.2)‖ (Tự thán 76.4, 89.6, 101.5)‖ (Tự thuật 118.5, 121.6)‖ (Bảo kính 165.5, 170.5, 182.3).
cây 核 / 𣘃
◎ Đối ứng kəl¹ (Mường), kəʌi² (Rục), [VĐ Nghiệu 2011: 60], kɤl, kɤn (25 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 189]. Huệ Thiên cho rằng nguyên từ là 根 (荄) hoán dụ từ gốc cây (2006: 377). Tồn nghi. Tạm vẫn coi là từ gốc Nam Á.
dt. thực vật có thân rễ lá. (Ngôn chí 5.3, 11.4, 11.5, 14.3, 21.5, 22.6)‖ (Mạn thuật 25.1, 26.4, 28.6)‖ Chim đến cây cao chim nghĩ đỗ, quạt hay thu lạnh quạt sơ thâu. (Trần tình 40.5)‖ (Thuật hứng 54.1, 67.7)‖ (Tự thán 79.2, 88.4)‖ (Bảo kính 131.7, 136.1, 137.1, 165.6, 176.4)‖ (Mai 214.3)‖ (Lão mai 215.1)‖ (Tùng 218.1)‖ (Thiên tuế thụ 235.1)‖ (Miêu 251.4).
dt. loại từ dùng để trỏ những vật có thân hình trụ. Án sách cây đèn hai bạn cũ, song mai hiên trúc một lòng thanh. (Ngôn chí 7.5).
dt. (bóng) tổ tiên. Có tông có tộc mựa sơ thay, vạn diệp thiên chi bởi một cây. (Bảo kính 145.2, 151.1)‖ Ngỏ cửa Nho chờ khách đến, trồng cây đức để con ăn. (Mạn thuật 27.6).
có 固
◎ Ss đối ứng: kɔ³ (Mường khoi), kɔ‘ (Rục), kɔ:? (Maleng) [Diffloth 1992: 130], kɔ³ (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 199].
đgt. từ biểu thị trạng thái tồn tại nói chung. Bui một niềm chăng nỡ trại, đạo làm con miễn đạo làm tôi. (Ngôn chí 2.7)‖ Dưới công danh đeo khổ nhục, trong dại dột phong lưu. (Ngôn chí 3.6, 4.3, 6.1, 11.2, 15.7, 20.1)‖ (Mạn thuật 23.8, 25.1, 25.5, 28.8, 32.3, 33.4, 34.4, 36.8)‖ (Trần tình 37.7, 38.1, 38.7, 43.2, 44.8, 45.8)‖ (Thuật hứng 47.1, 53.1, 56.3, 56.7, 58.8, 61.1, 61.8, 63.6, 66.1, 66.6, 66.8, 68.7, 69.7, 70.8)‖ (Tự thán 73.8, 74.1, 78.3, 82.3, 82.8, 85.7, 86.8, 89.7, 90.4, 90.8, 92.2, 92.6, 95.2, 96.4, 100.2, 101.7, 103.2, 103.5, 104.8, 106.1, 106.3, 107.1, 108.3, 110.4, 110.6, 111.8, 112.7, 113.8, 114.4, 116.3, 118.4, 120.7, 121.3, 122.8)‖ (Tức sự 123.7, 124.2, 126.7)‖ (Bảo kính 129.4, 130.1, 131.6, 131.8, 132.6, 134.2, 134.5, 136.6, 136.7, 137.6, 137.7, 137.8, 138.5, 140.3, 143.3, 144.8, 145.1, 145.8, 146.7, 147.2, 147.4, 151.7, 152.8, 153.1, 156.8, 158.7, 159.3, 159.6, 160.5, 163.7, 164.5, 168.8, 169.7, 170.7, 171.5, 172.1, 172.5, 173.3, 174.2, 174.7, 175.1, 175.3, 176.3, 180.4, 181.5, 181.8, 184.1)‖ (Quy Côn Sơn 189.4)‖ (Giới sắc 190.2)‖ (Huấn Nam Tử 192.7)‖ (Tảo xuân 193.5)‖ (Hạ cảnh tuyệt cú 197.3)‖ (Thu nguyệt tuyệt cú 198.3)‖ (Tích cảnh thi 200.3, 202.4)‖ (Thuỷ thiên nhất sắc 213.7)‖ (Lão mai 215.5)‖ (Cúc 216.8)‖ (Tùng 219.1, 220.2)‖ (Trúc thi 221.3, 223.2)‖ (Mai thi 225.3)‖ (Đào hoa thi 227.3, 228.4, 229.3, 230.1, 231.3, 232.3)‖ (Hoàng tinh 234.4)‖ (Thiên tuế thụ 235.3)‖ (Lão dung 239.3)‖ (Cúc 240.2)‖ (Mộc hoa 241.3)‖ (Liên hoa 243.4)‖ (Hoè 244.3)‖ (Dương 247.3)‖ (Trư 252.2)‖ (Thái cầu 253.7).
cỏ 𦹵 / 𦹯
◎ Ss đối ứng kɔ⁴ (Mường), kɔh¹ (Rục), kɔh (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 60], kɔ⁴ (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 199].
dt. loài thực vật nhỏ. Rừng nhiều cây rợp hoa chầy động, đường ít người đi cỏ gấp xâm. (Ngôn chí 5.4, 12.1, 15.6)‖ (Mạn thuật 23.5)‖ (Thuật hứng 69.4)‖ (Tự thán 73.3, 93.5)‖ (Tự thuật 120.6, 121.8)‖ Hài cỏ. (Tức sự 126.5)‖ Cỏ cứng. (Bảo kính 131.5, 157.8)‖ Đìa cỏ. (Vãn xuân 195.6).
củi 檜
◎ Ss đối ứng: kuy4, (Mường khoi), kuy45 (Mường khên), kuỷ (Thà Vựng, Maleng), kurh (Rục), ku:c31 (tum) [Diffloth 1992: 127], kuh (Arem) [Ferlus 1991], kuj⁴ (28 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 203].
dt. cành khô dùng để làm chất đốt. (Trần tình 41.3)‖ (Tự thán 95.3)‖ Cành khô gấp bấy nay nên củi, hột chín phơi chừ rắp để bình. (Bảo kính 151.3, 151.6).
dưa 𦼞
◎ Ss đối ứng zɨə² (Mường), ʔjɨa² (Rục) [VĐ Nghiệu 2011: 60], dɯa (2 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 207].
dt. một loại rau. Muối miễn dưa dầu đủ bữa, thao cùng gấm mặc chưng đời. (Tự thán 104.3).
gió 𱢻 / 𫗄
◎ Tự dạng nôm cổ hơn : 𪬪, 𱳟 với cấu trúc { 个 + 愈} để ghi thuỷ âm kép *kj-. Ví dụ như: đi đỗ lệ tai *kgió < 動止怯風灾 (Phật Thuyết 12a7), *kgió thổi mặt trời đốt ← 風吹日曝 (Phật Thuyết 20a3). Đối ứng: kzo trong Mày, Rục, Sách, Arem, Mã Liềng [NN San 2003: 24], sɔ (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 223]. Kiểu tái lập: *kjɔ⁵ [TT Dương 2013b].
dt. phong. (Ngôn chí 14.6)‖ Mưa thu rưới ba đường cúc, gió xuân đưa một rãnh lan. (Ngôn chí 17.6)‖ (Mạn thuật 23.5, 26.4)‖ (Thuật hứng 51.5, 67.3)‖ (Tự thán 78.4, 79.7, 93.5, 95.4, 97.4, 98.3, 101.4)‖ (Bảo kính 172.2)‖ (Tích cảnh 211.2)‖ (Lão mai 215.6)‖ (Ba tiêu 236.4)‖ (Liên hoa 243.3)‖ (Nhạn trận 249.4).
hết 歇
Thuyết Văn 說文: 歇息也 (hiết: dứt vậy). AHV: hiết. Ss các đối ứng hét (Mường, Thổ), hít (Mày, Rục), hot1 (Thà Vưng) [TT dõi 1996: 267], het (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 226].
đgt. không còn. (Mạn thuật 30.5)‖ (Tự thán 74.6, 76.2)‖ (Bảo kính 159.1)‖ Xa hoa lơ lửng nhiều hay hết, hà tiện đâu đang ít hãy còn. (huấn nam 192.3).
② tr. HVVD cả, thảy. Làm người chẳng có đức cùng tài, đi nghỉ đều thì kém hết hai. (Ngôn chí 6.2, 8.6)‖ (Mạn thuật 26.7, 32.7, 36.7)‖ (Tự thán 72.8, 78.1, 81.8, 82.7, 88.2, 89.5, 106.7)‖ (Tự thuật 120.4)‖ (Bảo kính 128.3, 142.8, 179.1)‖ (Lão mai 215.7)‖ (Đào hoa 231.1)‖ (Thái cầu 253.7). (Tức sự 126.8). x. đều hết.
p. HVVD rất, cực, dịch chữ tận. x. hết khoẻ, hết kính, hết tấc. 181.2.
khói 灰
◎ Nôm: 𤌋 {火 hoả + 塊 khối}. Chữ 灰 có AHVhôi, khôi với nghĩa “lửa lụi gọi là khôi” (火之滅者為灰) [Lễ Ký- nguyệt lệnh]. Ss đối ứng kʼɔj (30 thổ ngữ Mường), buɲ (14), βuɲ (7) [NV Tài 2005: 231].
dt. <từ cổ> tro, xét “tro” còn có các đồng nguyên tự là “lọ” và “nhọ” với nghĩa màu tro than. Như vậy, “khói” gốc Hán, “tro” gốc Việt, “mun” gốc Nam Á. Tuy nhiên, “tro” vẫn luôn được dùng phổ biến, nên chuyển nghĩa thành “khí màu xám đục bốc lên từ tàn lửa tro bụi”. Mặt khác, “khói” cũng có đối ứng kʰɔj3 (Mường), kăhɔi3 (Rục), kahɔɔy (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 61], chứng tỏ gia nhập rất sớm. Am rợp chim kêu hoa xảy động, song im hương tịn khói sơ tàn. (Ngôn chí 17.4).
dt. hơi bốc lên từ mặt nước, hoặc khí mù. Khói trầm thuỷ quốc quyên phẳng, nhạn triện hư không gió thâu. (Ngôn chí 14.5, 19.4).
Kim Cốc 金谷
dt. đc. tên vườn trong biệt thự của Thạch Sùng 石崇 - một phú gia đời Tây Tấn, phụ cận thành Lạc Dương. Trong vườn Kim Cốc, Thạch Sùng trồng cây san hô, đốt nến thay củi, giăng lụa là dài năm mươi dặm, hạt tiêu trát vách, đó là ngôi vườn xa hoa và danh tiếng thời bấy giờ. Trong vườn, Sùng cho xây Thanh Lương đài 清凉台 để làm chốn thưởng gió. Vương Gia trong cuốn thập di ký chép: “Thạch Quý Luân (Sùng) nghiền hương trầm thuỷ cho vụn như bụi, rắc lên giường ngà, sai đám thê thiếp bước qua, ai bước khéo không để lại vết thì Sùng lấy chân châu thưởng cho.” (石季倫(崇)屑沉水之香如塵末,布象床上,使所愛者踐之,無迹者賜以真珠). Thạch Sùng từng viết bài thơ vương minh quân từ rất lấy làm đắc ý, bài ấy có đoạn như sau: “sát thân thật chẳng dễ, mặc kệ sống buông mình. Buông mình thì làm sao? nghĩ suy chi cho mệt.” (殺身良不易, 默默以苟生。苟生亦何聊, 積思常憤盈 sát thân lương bất dị, mặc mặc dĩ cẩu sinh. Cẩu sinh diệc hà liêu, tích tư thường phẫn doanh). Triết lý sát thân và cẩu sinh trong câu thơ đã vận vào đời Thạch Sùng. Vốn Thạch Sùng có một người thiếp yêu tên là Lục Châu. Khi ấy, triệu Vương Luân rất thích Lục Châu. Tôn Tú - tướng của Vương Luân đến nhà Sùng đòi bắt. Sùng không cho. Sùng ngầm mưu xui bọn Hoài Vương Doãn làm phản, đang ngồi họp rượu ở Thanh Lương đài thì quân của tú đã đến vây bắt, cả bọn đều bị tóm cả. Sùng lúc ấy nói với Lục Châu rằng: ‘ta vì nàng mà đắc tội’. Lục Châu rằng: ‘vậy thì thiếp sẽ chết trước mắt chàng’. Nói rồi, nhảy lầu xuống mà chết. Bọn Thạch Sùng bị Tôn Tú bêu ngoài chợ. Người đời gọi tấn kịch này là “Lục Châu chi nạn” và “Thạch Sùng chi hoạ” (xem Tấn Thư phần Thạch Sùng truyện). Đỗ Mục trong bài Kim Cốc viên viết: “phồn hoa tan tác bụi hương, vô tình nước chảy cỏ dường tự tươi. Chim chiều lạc gió xuân xuôi, hoa rơi như dáng người rơi xuống lầu.” (繁華事散逐香塵, 流水無情草自春。日暮東風怨啼鳥, 落花猶似墮樓人. Phồn hoa sự tán tRục hương trần, lưu thuỷ vô tình thảo tự xuân. Nhật mộ đông phong oán đề điểu, lạc hoa do tự đọa lâu nhân). (Trần tình 45.4)‖ Kim Cốc phong lưu nỡ để hoang, hôm mai uổng chịu nhọc toan đang. (Thuật hứng 55.1).
la đá 羅𥒥
dt. âm cổ của đá khi tiếng Việt vẫn còn tồn tại từ cận song tiết lata, lưu tích của âm này hiện còn trong một số tiếng dân tộc ở Việt Nam: lata² (Mày- Rục), ate² (Arem), tata² (Mã Liềng), tata² (Sách) [NV Tài 1976: 64]. Trần xuân ngọc lan căn cứ vào những cứ liệu trên và cứ liệu tiếng Mường (la tá, hay lá tá) để phiên âm [1978: 41-42]. la đá, theo An Chi, là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 石 mà âm Hán Việt hiện đại là thạch (= đá). la là một hình thái âm tiết hoá của yếu tố đầu tiên trong một tổ hợp phụ âm đầu cổ xưa, có thể là *r của chữ 石. Âm tiết này đã rụng đi vì sự tồn tại của tiền âm tiết không phù hợp với xu hướng đơn tiết hoá điển hình của tiếng Việt [An Chi 2006 t4: 296]. Tiếng Việt cổ từ thế kỷ XVII trở về trước vẫn còn từ này, như đã nêu. Lưu tích âm lata còn tồn tại trong tên vị thần đá là Lộ Đố Lộ Đá hiện đang được thờ ở một số địa phương như Tòng Củ (Hưng Yên) [ĐTB Tuyển 2001: 539-547], đây là biểu hiện của việc tín ngưỡng thờ đá đã bị hoà trộn với tín ngưỡng thờ các anh hùng và nhân vật lịch sử. Dấu người đi la đá mòn, đường hoa vướng vất trúc lòn. (Ngôn chí 21.1)‖ (Thuật hứng 54.1)‖ Chĩnh vàng chẳng tiếc danh thì tiếc, la đá hay mòn nghĩa chẳng mòn. (Tự thán 87.6). La đá tầng thang, đúc một hòn vẻn vẹn một hòn (Vịnh Hoa Yên tự )‖ Ơn nặng bằng núi đất, núi la đá. (Phật Thuyết 41b)‖ Vũ bạc thực mưa la đá (Tuệ Tĩnh- nam dược) ‖ Hoặc là nâng chưng dưới hòn la đá trong nơi chốn dưới núi ôc-tiêu (Tuệ Tĩnh- thiền tông 22b). x. đá.
lá 蘿 / 𦲿
(Việt) có đối ứng ʰlá (Khmú) [Ferlus 2004: 309], hula (Rục), k’lá (Pọng), sla (Khùa), s’la (Vân Kiều), b’la (Mang), h’la (Puoc, Xa Câu, Tênh) [Gaston 1967: 29, 32], la³ (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 233], slək (Khmer), hla? (Lawa), hlaa? (Chaobon), səlaa (Kuy, Bru), hlaa (Souei, Stieng), hla? (Khmú)…[VĐ Nghiệu 2011: 96]. Kiểu tái lập: *hla⁵. [TT Dương 2013b].
dt. lá cây. Mấy người ngày nọ thi đỗ, ngô đồng khuở mạt thu. (Ngôn chí 3.8, 22.6)‖ (Thuật hứng 51.8, 70.2)‖ (Tức sự 124.3)‖ (Bảo kính 172.3)‖ (Thuật hứng 63.4).
môi 枚
◎ âm PVM: *tɓur [VĐ Nghiệu 2011: 46]. Đối ứng pel⁵ (Mường), cuʔbo³(Rục), apəəl (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 57].
dt. vành miệng. Môi son bén phấn day day, đêm nguyệt đưa xuân một nguyệt hay. (Mạt lị hoa 242.1). Nhóm MQL (2001: 1171) phiên “mui son bến phấn” trỏ “con thuyền chở người kỹ nữ, người con gái giang hồ”, hoặc phiên la “mai son bén phấn” với nghĩa “môi giới cho son, tiếp nối với phấn”, ý nói hoa nhài là vật môi giới cho người con gái giang hồ theo ý của ĐDA.
mưa 雨
◎ Nôm: 湄 AHV: [Maspéro 1912: 39; Vương Lực 1942: 62, 66]. Đối ứng m- (THV) > v- (AHV): mùi 味 > vị, mắng 聞 > văn, mựa 無 > vô, mùa 務 > vụ, múa 舞 > vũ, mù 霧 > vụ, mo 巫 > vu, mong / mòng 望 > vọng, mạng / màng 網 > võng, mắng 聞 > văn, muộn 晚 > vãn, muôn/ man 萬 > vàn/ vạn, … qua các cứ liệu của tiếng Sách, Rục, Mày, Pọng, Nguyễn Tài Cẩn cho rằng mưa có khả năng là có tiền âm tiết hay vết tích tiền âm tiết ở trước: ‖ mưa. [NTC 1997: 39]. Nay với tổ hợp phụ âm *km- đã xác định rõ trong QATT (*kmỉa, *kmuống, kmẽ…), có thể có kiểu tái lập là *kmưa [TT Dương 2012c].
dt. mưa. Mưa thu rưới ba đường cúc, gió xuân đưa một rãnh lan. (Ngôn chí 17.5).
mồ hôi 戊灰
◎ Đối ứng pahu¹ (Rục), mahuu (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 57].
dt. Như bồ hôi. Hạ lệ mồ hôi kết áo đơn (Bảo kính 134.4).
người 人
◎ Nôm: 𠊚 / 㝵 AHV: nhân, âm HTC: njin (Baxter, Lý Phương Quế), ɳjin (Vương Lực). Xét, 人 có thuỷ âm ŋ- thượng cổ, được dùng để làm thanh phù cho 見 (目 mục +儿 nhân) và 艮 (目 mục +儿 nhân), rồi hai chữ này lại tiếp tục làm thanh phù cho các chữ có thuỷ âm ŋ- [An Chi 2006 t4: 265- 272], như nghiễn 硯, nhãn 眼, ngân 銀, ngân 垠, ngân 痕, ngân 齦, ngân 泿, trong đó nhãn có âm HTC là ngươi (con ngươi, bạch nhãn: ngươi trắng, hắc nhãn: ngươi đen), ngân 痕 ~ ngấn, ngân 垠~ ngần / ngăn, nghiễn 硯 ~ nghiên. Mặt khác, đối ứng ɲ- (AHV) ŋ- (THV) đã được chứng minh. Ss quan hệ giữa chung âm -n (AHV) -j (THV) như sau: 蒜 toán tỏi, 懶 lãn lười, 鮮 tiên tươi,眼 nhãn ngươi,… như vậy, người ~ ngươi có khả năng là âm THV có từ trước đời Tần. Ss đối ứng: ŋɯəj¹ (Mường), ŋɯəj² (Rục) [VĐ Nghiệu 2011: 57], ŋaj¹ (nguồn), mol⁵ (Mường bi), ŋa¹ (Chứt), kwai (Vân Kiều) [NV Tài 1993: 235]. Các đối ứng có ŋ- đều là gốc Hán, phân biệt mới mol (người) là gốc Nam Á.
dt. Như ngươi. Mấy người ngày nọ thi đỗ, lá ngô đồng khuở mạt thu. (Ngôn chí 3.7, 5.4, 6.1, 6.6, 8.6, 21.1, 22.3)‖ (Mạn thuật 24.3, 26.8, 32.5)‖ (Trần tình 39.4, 43.5, 44.7, 45.2)‖ (Thuật hứng 47.3, 48.5, 49.4, 56.3, 61.7, 63.1, 70.3)‖ (Tự thán 71.3, 74.6, 76.1, 76.6, 85.1, 86.4, 90.5, 91.1, 91.5, 103.8, 106.6)‖ (Tự thuật 120.3, 121.5)‖ (Tự giới 127.1)‖ (Bảo kính 128.6, 129.5, 130.6, 135.4, 136.4, 137.4, 138.6, 139.1, 141.7, 145.3, 146.6, 147.1, 148.6, 149.1, 149.5, 156.1, 157.2, 160.5, 161.2, 167.1, 171.5, 172.3, 173.5, 174.4, 174.8, 175.4, 175.6, 177.7, 178.2, 179.3, 179.8, 180.3)‖ (Tích cảnh thi 203.1, 207.2, 210.2)‖ (Mai 214.7)‖ (Cúc 216.1)‖ (Trúc thi 222.4, 223.1)‖ (Mai thi 224.2, 225.4, 226.1)‖ Trời sinh vật vuỗn bằng người, nẻo được thơm tho thiếu tốt tươi. (Mộc hoa 241.1).
nhớ 汝
◎ Ở thế kỷ XII, nh- trong nhớ còn thấy được ghi bằng chữ Nôm E1 là {可汝} dùng để dịch chữ 憶 (Phật Thuyết: 15b1). Shimizu Masaaki cho đây là một từ có cấu trúc song âm tiết, vì ông tìm thấy đối ứng dạng song tiết ở tiếng Rục [2002: 768]. ở thế kỷ XV, có khả năng đã đơn tiết hoá.
đgt. trái với quên. Phần du lịu điệu thương quê cũ, tùng cúc bù trì nhớ việc hằng. (Ngôn chí 16.6)‖ (Trần tình 43.3)‖ (Bảo kính 155.1, 165.3, 179.6)‖ (Cam đường 245.1).
nóc 耨
◎ Đối ứng nóc đốc. Ss nôm đôm [TXN Lan 1988], êm đềm êm nềm [NQ Hồng 1988], nọc độc, nệm đệm, nác đác (nước), nẫy đẫy (béo), nỗi đỗi [NN San 2003b: 186], nắm đấm, no đủ, nút đútSs đối ứng tɔk³ (Mường), kadɔk³ (Rục), kadɔk (Sách) [VĐ Nghiệu 2011: 62], nɔk (19 thổ ngữ Mường), dɔk (7 thổ ngữ), tɔk (1), rɔk (2) [NV Tài 2005: 254]. Kiểu tái lập cho proto Việt-Mường: *drɔp
dt. mái. nóc - đốc hiện còn lưu tích trong từ bít đốc (bịt nóc). Ngói bít đốc: ngói dùng để lợp bờ nóc, bờ dải trong kiến trúc cổ. Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc, thuyền chở yên hà nặng vạy then. (Thuật hứng 69.5).
ruồi 𧋆
◎ So sánh với các đối ứng hruồi, huồi, ruồi (Mường) [NT Cẩn 1997: 126]. So sánh với các đối ứng mơrôoj² và pơrôoj² trong tiếng Rục [NV Lợi 1993: 155], raroi trong tiếng Katu [NH Hoành 1998: 297]. Kiểu tái lập: *hroi¹> ruồi. [TT Dương 2013b].
dt. côn trùng có cánh. Thương cá thác vì câu uốn lưỡi, ngẫm ruồi chết phải bát mồ hòn. (Bảo kính 182.4).
sừng 𧤁
◎ {giác 角+ lăng 夌}. Proto Mon Khmer: *crĭŋ [NT Cẩn 1997: 113]. Ss đối ứng khrưng² trong tiếng Rục [NV Lợi 1993: 157]. Kiểu tái lập: *krwng² [TT Dương 2013b]. sừng gốc Mon Khmer, gạc/ ngạc gốc Hán.
dt. gạc của động vật. Sừng mọc qua tai. Thng gần nghĩa như câu hậu sinh khả úy. dân gian có chuyện, có anh học trò đi xin ăn, gặp ông quan, ông quan bảo: nay mười tư mai lại hôm rằm, học trò không làm, học trò đói ngàn năm. Anh học trò bảo: nay mồng một mai lại mồng hai, sừng không mọc, sừng mọc qua tai. Ý chuyện này nói rằng: cái sừng vốn mọc sau nhưng lại dài hơn tai, cũng như kẻ thiếu niên thường hay muốn vượt lên trên những người đi trước. [chuyển ý ĐDA: 762]. Gạch khoảng nào bày với ngọc, sừng hằng những mọc qua tai. (Tự thán 92.4)‖ dầu thấy hậu sinh thì dễ sợ, sừng kia chẳng mọc mọc hơn tai (Nguyễn Bỉnh Khiêm - Bạch Vân Am)‖ hay đâu tai mọc qua sừng, mới biết da kia hơn ruột (Sơn Hậu, 8b6).
tháng 𣎃
◎ Đối ứng kʰaŋ² (Mường), tʰaŋ³ (Rục), tʰaaŋ (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 61], kʼaŋ (26 thổ ngữ Mường), tʼaŋ (3) [NV Tài 2005: 275].
dt. thời gian bằng ba mươi ngày. Thấy nguyệt tròn thì kể tháng, dìn hoa nở mới hay xuân. (Tự thán 102.5)‖ (Trừ tịch 194.1)‖ (Xuân hoa tuyệt cú 196.1)‖ (Tích cảnh thi 207.3)‖ (Đào hoa thi 230.3)‖ (Điệp trận 250.7).
dt. trong ngày tháng (trỏ thời gian nói chung). Am trúc hiên mai, ngày tháng qua, thị phi nào đến cõi yên hà. (Ngôn chí 4.1)‖ Chẳng hay rắp rắp đã bốn mươi, ngày tháng bằng thoi một phút cười. (Ngôn chí 22.2)‖ (Thuật hứng 46.4)‖ (Tự thán 94.1)‖ (Tự thuật 118.2)‖ (Tức sự 126.4)‖ (Bảo kính 133.8)‖ (Nghiễn trung ngưu 254.4).
thèm thuồng 𩝎慵
◎ Ss đối ứng sεm (Mường, Thổ, Mày, Rục, Thà Vựng) [TT dõi 1996: 266]. Thanh phù sàm là gợi ý cho việc tái lập thuỷ âm: sèm suồng.
đgt. thèm lắm. La ỷ lấy đâu chăng lưới thưới, hùng ngư khôn kiếm phải thèm thuồng. (Thuật hứng 68.4).
trăng 𪩮 / 𦝄
◎ Kiểu tái lập: *blăng. Từ điển Việt Bồ La ghi “blang, blang tlòn, blang khuiét, sáng blang” [Rhodes 1651 tb1994: 39], “blang vel trang: luna” [Morrone 1838: 201]. So sánh với một số đối ứng plang (Mỹ Sơn), plong ( Úy Lô), klang (Mẫn Đức) trong tiếng Mường, plan (Sách), plong (hung, pong), pulan (Rục), plang (mày) và rơlêăng (trì, hang koong, khùa, Vân Kiều), balan, bulan (chăm), bulan (Malais), Gaston tái lập *plăng [1967: 51].
dt. nguyệt. (Ngôn chí 16.4)‖ (Mạn thuật 23.6)‖ (Thuật hứng 67.4)‖ (Tự thán 77.4, 78.3, 97.3, 98.4, 101.3)‖ (Bảo kính 155.6)‖ Cửa sày, giá nhơn nhơn lạnh, lòng bạn, trăng vặc vặc cao. (Bảo kính 167.6). đng nguyệt.
trời 𠅜 / 𡗶
◎ Kiểu tái lập: *blời. Rhodes (1651): blời. An Nam dịch ngữ, trời < *plời, *blời. “bloi vel troi: convulsio cum magno fragore” [Morrone 1838: 201]. Sở dĩ tái lập cả dạng *pl và *bl vì tiền tố p- của tổ hợp PL cũng diễn biến như phụ âm đầu p-, nghĩa là p > b và PL > bl. Quá trình p > b đã kết thúc nhưng quá trình PL > bl hình như diễn ra chậm hơn vì đến giữa thế kỷ XVII, Rhodes còn nhắc đến plàn. [Vương Lộc 1997: 59]. So sánh với các đối ứng tlơy (Vân Mộng, Hạ Sữu, Thái Thịnh, Đông Tân, Ban Chanh, Thái Lai) và plơy (Mỹ Sơn, Úy Lô, Ban Ken), klơy (Suối Săng, Quy Mỹ, Thạch Bi), tlơy, klơy (nho quan) trong tiếng Mường và một số đối ứng trong các ngôn ngữ bảo thủ như plơy (Sách), prơy (Pọng), p’lơy (Mày, Rục), t’lơy (Arem), bri (Xa Khao), kre (Brou), bri (Khmú, Tênh), preah (Khmer), Gaston tái lập là *plời và *klời [1967: 52; xem TT Dương 201a].
dt. thiên công. Quân thân chưa báo lòng cánh cánh, tình phụ cơm trời áo cha. (Ngôn chí 8.8, 10.1, 14.8)‖ (Trần tình 38.7, 40.1, 45.8)‖ Trời phú tính, uốn nên hình, Ắt đã trừng trừng nẻo khuở sinh. (Tự thán 96.1)(Tự thán 85.8)‖ (Bảo kính 146.7, 175.1)‖ (Tích cảnh thi 209.2)‖ (Thuỷ thiên nhất sắc 213.1)‖ (Trúc thi 223.2)‖ (Mộc hoa 241.1)‖ (Trường an hoa 246.2)‖ (Lão hạc 248.7).
tổ 祖
◎ Đối ứng o⁴, (Mường), ᵗɕu¹ (Rục), suh (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 60], o⁴ (28 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 280].
dt. tổ chim. (Ngôn chí 11.5)‖ Chim đỗ tổ dìn còn biết mặt, hoa nen rừng thấy hoà hay danh. (Tức sự 123.3).
vui 盃 / 𬐩
◎ {司 tư + 盃 bôi}. Kiểu tái lập : *tbui. so sánh với đối ứng pui (Mẫn Đức, Mỹ Sơn, Làng Um, Suối Sàng, Thạch Bi) trong tiếng Mường, nhẫn Gaston tái lập là *kbui [1967: 131]. Shimizu Masaaki dẫn đối ứng tapuj¹ trong tiếng Rục [2002: 769; x. TT Dương 2012a]. Có thuyết khác cho vui là âm THV của dự 豫. Xét, đối ứng d- (AHV) v- (THV), như 役 dịch / việc. x. việc. Mặt khác, dự còn có nghĩa gốc là con voi, mà voi là một từ THV của vi (theo tự hình giáp cốt văn là vẽ hình con voi). Tồn nghi.
tt. trái với buồn. Vui xưa chẳng quản đeo âu (Ngôn chí 19.8), dịch câu tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc (lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ) của văn chính Phạm Trọng Yêm đời Tống‖ Khó miễn vui. (Thuật hứng 58.7), dịch câu an bần nhi lạc‖ (Tự thán 99.8), Nguyễn Trãi trong bài Ngẫu thành có câu “Tu thân mới biết làm điều thiện là vui.” (修己但知為善樂 tu kỷ đãn tri vi thiện lạc).
đgt. mừng. (Tự thán 103.7)‖ Đổi lần đã mấy áng phồn hoa, dầu ngặt, ta vui đạo ta. (Bảo kính 168.2), dịch câu an bần lạc đạo.
xương 腔
◎ Nôm: 昌 Về Từ Nguyên xin xem [TT Dương 2013 c]. Ss đối ứng: sɨəŋ2 (Mường khoi), s:əŋ (Maleng), siaŋ (tum), c?a:ŋ (Khmú), si?iaŋ (mal), kə(n)aŋ (ta-ang, rumai), si?aŋ (paraok) [Diffloth 1992: 132], sa:ŋ11 (Rục) [Ferlus 1991], âm PVM: j?a:ŋ [VĐ Nghiệu 2011: 46]. Như vậy, ngữ tố này thuộc nhóm từ vựng chung.
dt. xương cốt. Đỗ Phủ trong bài Hựu trình Ngô lang có câu: “Đã tố phu phen kiết trơ xương.” (已訴征求貧到骨 dĩ tố chinh cầu bần đáo cốt). Nguyễn Trãi trong bài Ký hữu có câu “Mười năm đọc sách nghèo đến xương.” (十載讀書貧到骨 thập tải độc thư bần đáo cốt). Càng một ngày càng ngặt đến xương, ắt vì số mệnh, ắt văn chương. (Tự thán 71.1), ngặt đến xương dịch từ cụm 貧到骨.
ăn 咹
◎ Ss đối ứng ạn² (Mường), ʔăn¹ (Rục), ʔan (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 63], ăn (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 172].
đgt. nhai nuốt đồ vào bộ máy tiêu hoá. (Ngôn chí 4.3, 20.1) no ăn. (Trần tình 38.2)‖ Cơm kẻ bất nhân ăn ấy trớ; áo người vô nghĩa mặc chăng thà. (Trần tình 39.3)‖ (Bảo kính 134.6, 140.3, 149.8, 150.7, 149.3, 173.4)‖ Ít ăn thì lại ít người làm. (Bảo kính 174.4)‖ Ăn có dừng thì việc có dừng. (Bảo kính 181.8)‖ (Giá 238.3)‖ (Miêu 251.6) Cơm ăn. (Thủ vĩ ngâm 1.2)‖ Cơm ăn. (Thuật hứng 67.5)‖ (Huấn Nam Tử 192.6)‖ Đói lại ăn. (Tự thán 110.1)‖ Xưa đà có câu truyền bảo; “làm biếng hay ăn lở non”. (Huấn Nam Tử 192.8), dịch câu toạ thực sơn băng 坐食山崩, Ss miệng ăn núi lở. Tng.Ăn trái, dưỡng cây. (Bảo kính 137.1).
đgt. (bóng) hưởng. Miễn là tiêu sái qua ngày tháng; lộc được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. (Mạn thuật 24.8)‖ (Mạn thuật 27.6)‖ (Tự thán 87.2)‖ (Bảo kính 146.4)
đuôi 𡓋
◎ Ss đối ứng duəj² (Mường), tuəi² (Rục), tooy (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 57].
đgt. phần phía sau cùng, nhỏ và dài của vật. Năm thức phơi phơi đuôi phượng mở, tám lòng ỉm ỉm chữ nhàn phong. (Thái cầu 253.3).
đâu 兠
◎ Ss đối ứng nɔ (27 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 211].
đt. (đại từ nghi vấn) nơi nào, chốn nào. Ss đối ứng: no (Mường), tumo (Rục) [Alves 2012: 4]. Thuyền mọn còn chèo chăng khứng đỗ, trời ban tối ước về đâu? (Ngôn chí 14.8).
đt. chỗ chưa được xác định. Một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt, khoan khoan những lệ ác tan vầng. (Tích cảnh 199.3).
đt. (đại từ nghi vấn) cái gì. Thương Lang mấy khóm một thuyền câu, cảnh lạ đêm thanh hứng bởi đâu? (Ngôn chí 19.2)‖ (Tự thán 80.8, 109.1)‖ (Thuật hứng 68.3).
đt. phản vấn tỏ ý phủ định, đâu có. Mực thước thế gian dầu có phải, cân xưng thiên hạ lấy đâu tày. (Bảo kính 172.6)‖ (Quy Côn Sơn 189.7).
đt. (đại từ) mọi nơi, các nơi đã được nhắc đến. Ngẫm ngọt sơn lâm miễn thị triều, nào đâu là chẳng đất Đường Nghiêu. (Mạn thuật 24.2)‖ (Tự thán 101.8, 103.7)‖ (Thái cầu 253.7).
đt. từ phiếm chỉ không gian nào đó. Tình thư một bức phong còn kín, gió nơi đâu gượng mở xem. (Ba tiêu 236.4).
p. không hề, không. (Ngôn chí 7.2)‖ (Trần tình 40.1)‖ Vương Chất tình cờ ta ướm hỏi, rêu bụi bụi thấy tiên đâu. (Trần tình 41.8)‖ (Thuật hứng 67.2)‖ (Tự thán 95.2)‖ (Tự thuật 121.8)‖ (Bảo kính 130.3).
đèn 畑
◎ Đối ứng dεn¹ (Mường), tεn (Rục), teen (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 60], tɛn, dɛn (29 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 212].
dt. đồ thắp sáng. Thì nghèo, sự biến nhiều bằng tóc, nhà ngặt, quan thanh lạnh nữa đèn. (Thuật hứng 46.6, 67.4)‖ (Tự thán 99.6, 105.6)‖ (Tự thuật 120.4)‖ Chong đèn chực tuổi cay con mắt, đốt trúc khua na đắng lỗ tai. (Trừ tịch 194.5).
đục 濁
◎ Nôm: 瀆 / 濁 Thích Danh chú âm 瀆 độc. [Vương Lực: 360]. Zhuó < drổwk [Baxter 1992: 195]. AHV: trọc. Đối ứng duk⁵ (Mường), tùk² (Rục), tuk (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 60].
tt. không trong, có vẩn cặn. Chén châm rượu đục ngày ngày cạn, túi quẩy thơ nhàn chốn chốn thâu. (Bảo kính 153.5).
tt. ô trọc. Gió gấp hay là cỏ cứng, đục nhiều dễ biết đường quang. (Tự thán 93.6).
đủ 𨇜 / 杜 / 堵
◎ Vương Lực nghi là 足, [PJ Duong 2013: 165] cho rằng “đủ” đọc theo âm HHV (late sino - vietnamese). Ss đối ứng tu, du (29 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 217], đo (tày, nùng) [Vương Lộc 2001: 122]. Xét trong văn liệu, “đủ” mới chỉ xuất hiện từ thế kỷ XV trở đi. Nhưng đối ứng cổ hơn của nó là “no” lại xuất hiện từ thế kỷ XII, XIII, XIV (Phật Thuyết, phú nôm đời Trần, Thiền Tông Khoá Hư Ngữ Lục), Ss với các đối ứng của “no” trong tiếng Rục, ma lieng, có khả năng đây là từ gốc Nam Á. x. no.
tt. không ít hơn không nhiều hơn so với nhu cầu. (Ngôn chí 18.4)‖ (Thuật hứng 61.5)‖ (Tự thán 104.3)‖ (Bảo kính 150.7, 170.8, 180.3)‖ (Hoa mẫu đơn 233.3)‖ (Hoàng tinh 234.3). Trong tạo hoá có cơ mầu, hay đủ, hay dừng, mới kẻo âu. (Bảo kính 153.2), dịch chữ tri túc tri chỉ 知足知止. x. dừng.
bay 飛
◎ Nôm: 拜 / 𱝨 / 𱝧 / 𫹊 AHV: phi. Âm HTC *pəi [Schuessler 1988: 233]. Âm PVM: *pər. Ss đối ứng bạl² (Mường), pɤl² (Rục) [VĐ Nghiệu 2011: 63], păl, băl, păn, băn (24 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 175].
đgt. di chuyển trong không trung, bay là âm THV của phi 飛. (Mạn thuật 26.2)‖ (Tự thán 73.7). Lẽ có chim bay cùng cá dảy, Mới hay kìa nước nọ hư không. (Thủy thiên nhất sắc 213.7)‖ (Thái cầu 253.6).
đgt. (mùi, hương) phát tán trong không trung. (Bảo kính 172.1)‖ Đêm có mây, nào quyến nguyệt, Ngày tuy gió, chẳng bay hương. (Lão mai 215.6).
đgt. (bóng) thổi đi mất. Thiếu niên trường ốc, tiếng hư bay, Phải lụy vì danh, đã hổ thay (Tự thán 75.1).