Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Katu
bén 𣷷 / 变
◎ Ss đối ứng rạh (Katu) [NH Hoành 1998: 248]. x. lửa.
đgt. dính, nhiễm. Con lều mọn mọn đẹp sao, trần thế chẳng cho bén mỗ hào. (Thuật hứng 52.2)‖ Hái cúc ương lan, hương bén áo. (Thuật hứng 60.5)‖ Sen nào có bén trong lầm. (Thuật hứng 70.8)‖ (Tự thuật 119.2)‖ (Quy Côn Sơn 189.5)‖ (Cúc 217.3)‖ (Ba tiêu 236.1)‖ (Mộc cận 237.2)‖ (Cúc 240.1)‖ (Liên hoa 243.1)‖ (Cam đường 245.3)‖ (Mạt lị hoa 242.1).
bó 把
◎ Nôm: 布 Đọc âm PHV. AHV: bả, bá. Ss đối ứng pɔ, bɔ (26 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 179], tro? (Katu) [NH Hoành 1998: 249]. bả / bó , nắm gốc Hán, chét, ôm gốc Việt.
dt. (lượng từ) ôm, nguyên nghĩa gốc là lượng từ, trỏ một khối lượng sự vật trong lòng bàn tay, giống như chét trong chét lúa. Thuyết Văn ghi: “Bả: nắm tay” (把,握也). Sách Mạnh Tử ghi: (拱把之桐梓), chú rằng: “dùng một tay mà bốc” (以一手把之也). Dương Vạn Lý có câu: “tháng hai sơn thành chẳng có đến một bó rau” (二月山城無菜把). nhật dụng thường đàm ghi: “Hoả bả 火把: là bó đuốc” [Phạm Đình Hổ 1827: 39b]. Đạp áng mây ôm củi, ngồi bên suối gác cần câu. (Trần tình 41.3). x. nắm.
bầu 瓢
◎ Nôm: 䕯 AHV: biều. Ss đối ứng bu¹ (Mường), lapu² (Rục) [VĐ Nghiệu 2011: 60], kadhợk (Katu) [NH Hoành 1998: 248].
dt. loại cây ăn quả thuộc họ bí, thân leo, quả khô lấy vỏ làm đồ đựng nước, rượu. Túi thơ bầu rượu quản xình xoàng, quảy dụng đầm hâm mấy dặm đàng. (Ngôn chí 9.1, 12.5, 14.2)‖ Ngoài năm mươi tuổi, ngoài chưng thế, ắt đã tròn bằng nước ở bầu. (Trần tình 40.8, 41.1), Ss ở bầu thì tròn ở ống thì dài. Tng.‖ (Thuật hứng 51.3)‖ (Tự thuật 121.4)‖ (Bảo kính 148.1)‖ Một bầu hoà biết lòng Nhan Tử. (Bảo kính 156.5). Sách Luận Ngữ: “Nhan Hồi hiền vậy thay! một giỏ cơm, một bầu nước, ở trong ngõ hẻm tồi tàn, kẻ khác không kham nổi cảnh khổ đó, mà hồi thì chẳng đổi niềm vui. Hồi hiền vậy thay!” (賢哉回也!一簞食,一瓢飲,在陋巷,人不堪其憂,回也不改其樂。賢哉回也!).
dt. <Đạo> bầu thế giới, bầu trời. đc. sách Vân Cáp Thất Tiêm ghi chuyện thi tồn người nước Lỗ theo học phép tiên, thường đeo bên mình một trái bầu to bằng nửa cái đấu. Bầu ấy là một bảo bối có thể thâu chứa cả trời đất, mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú. Đến tối, ông thường chui vào trong bầu ngủ. (Ngôn chí 19.6)‖ Một bầu phong nguyệt nhàn tự tại, hai chữ “công danh” biếng vả vê. (Bảo kính 155.3).
dt. khối đất để trồng cây. Nào hoa chẳng bén khí đầm hâm, có mấy bầu sương nhuỵ mới đâm. (Cúc 240.2).
bẻ 杷 / 𢯏
◎ âm PVM: lpiəh [VĐ Nghiệu 2011: 46], Ss đối ứng bε, pε (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 176], dẹh (Katu) [NH Hoành 1998: 248].
đgt. hái gẫy cành. Bẻ cái trúc hòng phân suối, quét con am để chứa mây. (Mạn thuật 28.3)‖ Mai chăng bẻ thương cành ngọc, trúc nhặt vun tiếc cháu rồng. (Thuật hứng 50.5).
bếp 𤇮
◎ Ss đối ứng bep³ (Mường), tăpεh (Rục) [VĐ Nghiệu 2011: 60], pep, bep (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 178], tơpệh (Katu) [NH Hoành 1998: 248].
dt. vật dụng để đốt lửa, nấu nướng. Lều không, con cái hằng tình phụ, bếp lạnh, anh tam biếng hỏi han. (Bảo kính 139.6, 154.6)‖ (Miêu 251.3)‖ (Trần tình 38.3).
bện 緶 / 編
◎ Nôm: 𥾽 / 卞 âm HTC *pên [Schuessler 1988: 165]. AHV: biền. Sách Ngọc Thiên ghi: “Biền: may” (緶,縫衣也). Sách Thuyết Văn thông huấn định thanh ghi: “Biền: may khíu hai mép lại” (緶, 縫緝其邊曰缏). Hán Việt tự điển ghi: “緶 biền: đánh dây, bện” [Thiều Chửu 1999: 440]. x. buộc bện. Ss đối ứng: phẳn (Tày) [HTA 2003: 405], ben, pen (4 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 178], palạnh, kom (Katu) [NH Hoành 1998: 248]. Nôm: 𥾽. Phiên khác: bợn: vướng (MQL).
đgt. HVVD “vướng víu” [PL 2012: 61], “quấn quýt, luẩn quẩn” [TVG, 1956: 34]. Nợ quân thân chưa báo được, hài hoa còn bện dặm thanh vân. (Ngôn chí 12.8)‖ (Tích cảnh 206.2).
ruồi 𧋆
◎ So sánh với các đối ứng hruồi, huồi, ruồi (Mường) [NT Cẩn 1997: 126]. So sánh với các đối ứng mơrôoj² và pơrôoj² trong tiếng Rục [NV Lợi 1993: 155], raroi trong tiếng Katu [NH Hoành 1998: 297]. Kiểu tái lập: *hroi¹> ruồi. [TT Dương 2013b].
dt. côn trùng có cánh. Thương cá thác vì câu uốn lưỡi, ngẫm ruồi chết phải bát mồ hòn. (Bảo kính 182.4).
rỡ 焒
◎ Trùng hình với “lửa”. Xét, “lửa” và “rỡ” đều là đồng nguyên tự. Trong đó, “lửa” (danh từ) là nguyên từ. Trong lịch sử hai chữ này cũng chỉ dùng thanh phù . Một phái sinh khác còn thấy trong tiếng Katu là rạ? (bén lửa) với tư cách là động từ [NH Hoành 1998: 248]. Kiểu tái lập là *hra³ sẽ cho lửarỡ (tính từ, động từ bất cập vật) [TT Dương 2013b].
tt. đgt. rực lên, làm cho rực rỡ lên. Ngày chầy điểm đã phong quần đỏ. Rỡ tư mùa một thức xuân (Trường an hoa 246.4).
sông 江
◎ Nôm: 滝 Ss hung: khlôông, khong khen: khloong, uý lô: kroong. [Vương Lộc 1997: 61], k’oŋ (17 thổ ngữ Mường), ʂoŋ (4), p’aw (4), k’aw (1), t’aw (1) [NV Tài 2005: 269], karụng (Katu) [NH Hoành 1998: 299], tả, khuổi [HV Ma 1984: 415]. “giang” là từ vựng cố hữu của tiếng Hán, đã được thấy trong kim văn thời nhà Chu [đằng đường minh bảo 1964: 306]. Sách Thích Danh phần Thích thuỷ của lưu hy ghi: (江,共也。小江流入其中,所公共也) [tb 1936: 28]. Sách Phong Tục Thông Nghĩa phần Sơn trạch ghi: (江者,貢也。出珍物,可貢獻也) [tb 1980: 373]. Bổ sung thêm một số âm phiên thiết như các sách Đường vận, Tập Vận, vận hội đều ghi: “𠀤古雙切,音杠。水名”. Những cứ liệu này chứng tỏ, âm “công” là một âm cổ của “giang”, ít nhất nó đã có thuỷ âm kép từ thế kỷ VI tcn [TH Minh 2005: 72- 81]. Kiểu tái lập: *krông. Như vậy, giang - sông là từ gốc Hán, nậm gốc thái (như nậm thi, nậm rốm, nậm u, nậm na, nậm hạt, nậm giải, nậm mức, nậm việc, nậm mu, nậm lúa), pao - phao - thao - khau gốc Việt-Mường, - đà gốc tày nùng, lưu tích trong sông đà. Ngoài ra, phương ngữ Nghệ An, quảng bình,… còn có từ “rào” nhưng đang bị đẩy lùi để trở thành danh từ riêng (như sông rào cái, sông rào trổ, sông rào quán, sông rào gang, sông rào thanh, sông rào lạc, sông rào nậy). Kiểu tái lập: tʼraw, kʼraw, pʼraw.
dt. trong sông nước. Thuyền chèo đêm nguyệt, sông biếc, cây đến ngày xuân, lá tươi (Ngôn chí 22.5).
sống 生
◎ Nôm: 𤯨 / 𤯩 / 𫪹 {cổ 古 + lộng 弄}, âm HTC: *srjeng [Baxter 1992: 786], *sriŋ [Schuessler 1987: 536] hoặc *srêŋ [2007: 459- 460]. Thế kỷ XII, Phật Thuyết ghi ngữ tố này bằng tự dạng nôm 古弄 tại vị trí bằng áng nạ còn *krống cho được sống lâu (tr.44a5). So sánh với các đối ứng không (mĩ sơn, ngọc lặc, như xuân, Hạ Sữu, thải thịnh), klông ( Úy Lô), ksông (Thạch Bi) trong tiếng Mường, các đối ứng tlung trong tiếng Sách, xeng trong tiếng thái, sraungthraung trong tiếng Chăm, Gaston tái lập là *krong [1967: 42, 147, 150-151]. Kiểu tái lập: *kroŋ⁵ [TT Dương 2012c]. Ss mamộng (Katu) [NH Hoành 1998: 299], slổng, nhằng (Tày) [NV Ma: 415]. Như vậy, sống là từ gốc Hán du nhập vào vốn từ vựng của Việt, Mường, thái, chăm, sách, tày, nùng. Hiện chỉ thấy mamộng của Katu có khả năng là của Nam Á, và nhằng là gốc tày. Riêng nhằng còn bảo lưu trong từ sống nhăn (Việt), sau chơi chữ đồng âm thành sống nhăn răng. sống là âm HHV [NN San 2003b: 180].
đgt. trong sinh sống. Chàu mấy kiếp, tham lam bấy, sống bao lâu, đáo để màng. (Thuật hứng 55.4)‖ (Tự thán 98.8)‖ (Bảo kính 175.4).
cái 介
◎ Nôm: 丐, 𡛔 (thanh phù cái 丐). Âm phiên thiết: cổ bái thiết 古拜切 (Quảng vận) [Hán ngữ đại tự điển 1995: 103], cư bái thiết, tịnh âm cái 居拜切,𠀤音戒 (Tập vận, Vận hội, Chính vận); AHV: giới.
tt. <từ cổ> lớn, to. Sách Nhĩ nhã ghi: “Cái: lớn vậy” (介大也). Kinh dịch ghi: “Nhận phúc lớn này, từ tiên Vương Mẫu” (受茲介福,于其王母), Vương Bật chua: (受茲大福) [Hán ngữ đại tự điển 1995: 104]. Tiếng Việt còn bảo lưu một số từ như sông cái (>< sông nhánh), rễ cái (>< rễ phụ), cột cái (>< cột quân), đường cái (>< đường nhỏ), nhà cái,... Sau, mới chuyển thành danh từ với nghĩa (cái chủ, cái chính, kẻ đứng đầu, cầm trịch), như cầm cái, làm cái, bắt cái.
dt. HVVD. <từ cổ> mẹ [An Chi 2005 T2: 203], nghĩa này dẫn thân từ nghĩa “to, lớn”, như sông cái = sông mẹ [Paulus Của 1895: 90], do mẹ cũng có nghĩa tương tự: cái lớn cái nặng là mẹ, cái nhỏ cái nhẹ là con” [Từ hải, chuyển dẫn An Chi 2005 T2: 204]. Vì thế, cái đã chuyển dụng sang nghĩa “mẹ”, “giống cái”. (Ngôn chí 21.8). Nhắn bảo phô bay đạo cái con, Nghe lượm lấy, lọ chi đòn. (Huấn nam tử 192.1)‖ con dại cái mang tng. Đạo cái con: là đạo của con đối với mẹ, còn có biến thể đảo âm là “con cái”. Âm PVM: *ke? [VĐ Nghiệu 2011: 46]. Ss đối ứng kaj (18 thổ ngữ Mường), maj (2 thổ ngữ), me (4 thổ ngữ) [NV Tài 2005: 219], kạn (Katu) [NH Hoành 1998: 252]. Cái / gái - mái - mẹ là các từ đồng nghĩa/ gần nghĩa vào thời cổ, có khả năng nghĩa gốc đều trỏ “giống cái” hoặc “mẹ”. Mẹ / mạ / / me (媽), mụ (媒), u (媼) là từ gốc Hán, cái / gái gốc Việt-Mường, mái chưa rõ gốc, nạ - bầm gốc Việt.
dt. <từ cổ> âm cổ của gái, phái sinh từ nghĩa ②, “mẹ” > giống cái, con gái nói chung. “Con cái: con trai và con gái, chỉ dùng cho người” [Rhodes 1651: 51]. Thế sự trai yêu thiếp mọn, Nhân tình cái nhớ chồng xưa. (Bảo kính 179.6). “Lại cái: nguyên là đàn ông mà giả dạng đờn bà; không phải đực không phải cái” [Paulus Của 1895: 90].