Introduction

TRUNG TÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN QUỐC GIA

VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM


***


HOÀNG TRIỀU ÂN (chủ biên)

DƯƠNG NHẬT THANH - HOÀNG TUẤN NAM


TỪ ĐIỂN

CHỮ NÔM TÀY


NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI


HÀ NỘI - 2003



LỜI GIỚI THIỆU


Người Tày có loại chữ truyền thống, được xây dựng trên cơ sở phái sinh của chữ Hán để ghi âm tiếng Tày và theo những nguyên tắc cấu tạo như chữ Nôm Việt của người Kinh, chúng ta thường gọi là chữ Nôm Tày. Việc xác định thời điểm xuất hiện của chữ Nôm Tày cần được nghiên cứu thêm, nhưng trên thực tế là người Tày đã dùng chữ Nôm của mình để sáng tác văn học cách đây nhiều thế kỷ.


Chữ Nôm Tày từng có một vai trò nhất định trong đời sống xã hội cư dân người Tày ở vùng núi phía Bắc nước ta. Chữ Nôm Tày ra đời, đã trở thành công cụ đắc lực cho sự phát triển nền văn hóa dân tộc Tày nói chung và ngôn ngữ Tày nói riêng. Hiện tại ở nhiều địa phương, như Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, v.v… còn lưu giữ khá nhiều văn bản Nôm Tày. Văn bản Nôm Tày có giá trị về nhiều mặt, như: văn học, nghệ thuật, phong tục, tín ngưỡng, lịch sử, địa lý, y học cổ truyền, v.v...; nhiều hơn cả là các tác phẩm văn học, nó chứa đựng những nét độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc Tày. Các tác phẩm văn học có nhiều loại, có thể kể như : Tuyện sli cáu (truyện thơ), Sli lẩu (hát lễ cưới), Lượn cọi (hát giao duyên), Then (hát trong lễ cầu phúc), v.v. Số lượng văn bản đã sưu tầm được, có thể tính tới hàng vài trăm. Nhưng hiện nay, những người có vốn tri thức để phiên âm, chú thích và hiểu am tường các văn bản Nôm Tày, chỉ còn lác đác vài người mà thôi.


Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tổ chức lớp học chữ. Nôm Tày với hơn 10 học viên tham gia. Được sự quan tâm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và nỗ lực của bản thân, hy vọng trong tương lai họ sẽ phấn đấu để trở thành những chuyên gia về chữ Nôm Tày.


Gần đây một Nhóm tác giả ở Cao Bằng, sau nhiều năm nghiên cứu đã biên soạn xong cuốn Từ điển chữ Nôm Tày. Nhóm tác giả mang đến Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhờ đọc duyệt và đưa xuất bản. Nhận thấy đây là một công trình khoa học công phu, có giá trị và xứng đáng được tiếp tục đầu tư, nên Viện đã nhận trách nhiệm cùng gánh vác với Nhóm tác giả.


Từ điển chữ Nôm Tày là loại sách công cụ, nhằm góp phần tạo nên những phương tiện tra cứu cần thiết cho các nhà nghiên cứu Hán Nôm, nghiên cứu văn học, nghiên cứu ngôn ngữ, các nhà văn, nhà thơ, v.v... khi tiếp cận di sản văn hóa Nôm Tày. Việc biên soạn Từ điển chữ Nôm Tày phản ánh kết quả nghiên cứu và trình độ khoa học cũng như lòng ái mộ di sản văn hóa Nôm Tày của Nhóm tác giả.


Từ điển chữ Nôm Tày là cuốn từ điển văn học gồm những từ, ngữ được rút ra từ các tác phẩm văn học Nôm Tày. Những dẫn liệu của Nhóm tác giả đưa ra là có chọn lọc và có tác dụng thiết thực. Phần cuối sách được coi là Phụ lục, nhưng rất có giá trị khi tìm hiểu nghiên cứu chữ Nôm Tày.


Viện Nghiên cứu Hán Nôm trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn Từ điển chữ Nôm Tày, hy vọng rằng, cuốn sách sẽ có tác dụng đối với các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.


Trong quá trình biên soạn Từ điển chữ Nôm Tày, Nhóm biên soạn công trình đã nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan, như : Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Quỹ Đan Mạch Phát triển, Hợp tác và Trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Đan Mạch và Nhà xuất bản Khoa học xã hội.


Trong quá trình tổ chức bản thảo và tiến hành biên soạn, Nhóm tác giả đã cố gắng ở mức độ cao nhất, nhưng chắc chắn không thể tránh khỏi những thiếu sót. Mong được độc giả lượng thứ.


Xin chân thành cảm ơn.


VIỆN TRƯỞNG

VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM

PGS.TS. TRỊNH KHẮC MẠNH


LỜI NÓI ĐẦU


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá” (Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T3, Tr. 431).


Vì vậy chữ Nôm Tày còn lưu giữ lại được trên các tác phẩm văn hoá dân gian dân tộc Tày đến hôm nay là di sản văn hoá vô cùng quý giá.


Lao động tập thể đã sáng tạo ra ngôn ngữ, sáng tạo ra của cải vật chất, đồng thời sản sinh ra các tác phẩm văn học dân gian truyền miệng. Đến khi có được chữ viết, một sáng tạo vô cùng lớn lao, tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian truyền miệng được nâng lên một bước cao hơn: Văn học thành văn. Thành tựu vĩ đại ấy đánh dấu một bước phát triển mới của nền văn hoá dân tộc Tày, một dân tộc thiểu số đông nhất trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, nền văn hoá ấy vốn dĩ chứa đựng bản sắc dân tộc đậm đà.


Bản sắc dân tộc của nền văn hoá là những tinh hoa được vun đắp nên qua hàng mấy ngàn năm đấu tranh thiên nhiên, đấu tranh xã hội... tạo thành những nét đặc sắc của dân tộc; đồng thời còn là những hình thức biểu hiện mang tính độc đáo của dân tộc.


Đảng ta luôn luôn quan tâm đến tính chất dân tộc của nền văn hoá Việt Nam. Với Đề cương văn hoá năm 1943, Đảng ta đề ra công thức một nền văn hoá với ba tính chất Dân tộc - Khoa học - Đại chúng. Trải qua thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, những tính chất ấy được kế thừa và nâng cao. Cho đến Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, khoá VIII (tháng 7 năm 1998), Đảng ta có Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


Cho nên việc sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến, truyền dạy văn hoá dân gian nằm trong nhiệm vụ bấy lâu nay của các nhà Folklore học Việt Nam nhằm góp phần bảo tồn, phát huy và phát triển di sản văn hoá là những công việc thiết yếu, thật nhiều ý nghĩa.


Hiện nay tại các thư tịch của các cơ quan ở trung ương, ở tỉnh đã sưu tầm và lưu giữ được nhiều tác phẩm Hán Nôm, trong đó có các tác phẩm chữ Nôm Tày.


Chỉ với một nhà nghiên cứu ở Viện nghiên cứu Hán Nôm tiến hành điều tra văn bản, trực tiếp đến các huyện, xã thuộc tỉnh Cao Bằng để tìm hiểu và sưu tầm các văn bản Hán Nôm Tày Nùng trong khoảng thời gian mười năm (1966-1976) đã có được một danh mục sách ngót 90 văn bản Hán Nôm Tày Nùng. (TS Cung Văn Lược. Văn hoá dân gian Cao bằng, Hội Văn nghệ Cao Bằng - 1993. Tr.70).


Nếu ta tiến hành điều tra văn bản Hán Nôm ở phạm vi rộng rãi các vùng đồng bào Tày, chắc chắn khối lượng sách Hán Nôm còn đồ sộ hơn. Trong các thư tịch gia đình có không ít những tác phẩm văn học dân gian viết bằng chữ Nôm có giá trị, chứa đựng bản sắc dân tộc.


Người Tày là dân tộc thiểu số đông nhất trong đại gia đình các dân tộc Việt nam, cư trú hầu khắp các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, từ tả ngạn sông Hồng đến vịnh Bắc Bộ: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai... Ngày nay còn có bộ phận người Tày sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai, Lâm Đồng...


Họ sống tập trung nhất ở các lưu vực sông Bằng, sông Kỳ Cùng, sông Gâm, sông Lô, sông Chảy, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam... Đồng bào ở thành từng bản; bản trung bình có từ mười đến mười lăm nóc nhà; bản to có trên dưới tám mươi nóc nhà. Họ có tiếng nói, chữ viết, có nền văn hoá, văn nghệ mang bản sắc dân tộc. Họ sống quần cư thành chòm, bản, làng, bảo tồn được nền văn hoá với bản sắc riêng.


Trên cơ sở lý luận và thực tiễn ấy, chúng tôi biên soạn cuốn "Từ điển chữ Nôm Tày" nhằm đáp ứng việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc Tày.


Một trong Những nhiệm vụ cụ thể ghi trong Nghị quyết 5 của Trung ương (khoá VIII) là: Bảo tồn, phát huy và phát triển văn hoá các Dân tộc thiểu số, trong đó có câu: "Đầu tư và tổ chức điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hoá, văn học, nghệ thuật các Dân tộc thiểu số".


"Từ điển chữ Nôm Tày" mong muốn góp phần thực hiện nhiệm vụ đó.


Khi tiến hành biên soạn, chúng tôi cố gắng giới thiệu tính chất phong phú đa dạng của chữ Nôm Tày đã được sử dụng viết trên các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian khác nhau. Đó là những thành ngữ, tục ngữ, ca dao, si, lượn, hát dân gian, câu đố... được ghi chép bằng chữ Nôm; là những sách ghi chép y học cổ truyền, lễ hội; là những tác phẩm cổ dạy Hán văn (sách giáo khoa của các thầy đồ) đã được phiên dịch Tày hoá bằng chữ Nôm Tày; Nhiều hơn cả là những mục từ rút từ những khúc hát cúng bái, những khúc hát then, những tác phẩm truyện thơ Nôm Tày; ngoài ra có lấy vài mục từ trong bài phú nổi tiếng: Cao Bằng phong thổ phú (bài dịch)...


Câu thơ (văn) minh hoạ được rút từ tác phẩm nào, chúng tôi có viết tắt trong ngoặc đơn; Tra Bảng kê chữ viết tắt, ta biết rõ tên tác phẩm.


Qua các tác phẩm khác nhau ấy ta thấy chữ Nôm Tày tuỳ thuộc vào vùng miền khác nhau, những phương ngữ khác nhau, và trình độ người ghi chép văn bản bằng chữ Nôm... Chúng tôi đều tôn trọng tất cả và đưa vào sách để chúng ta có căn cứ tiện tra Từ điển về chữ Nôm ở các vùng miền.


Với một số từ ngữ không thông dụng lắm hoặc liên quan đến điển tích, hoặc có từ ngữ nay không thấy dùng, chúng tôi có giải thích kỹ càng nhằm hiểu rộng hơn về từ ngữ đó.


"Từ điển chữ Nôm Tày" là từ điển văn học chứ không phải là từ điển phổ thông về ngôn ngữ Tày. Cho nên khi giở những trang sách này có điều nào chưa làm thoả mãn sự đòi hỏi của mình, chúng tôi xin bạn đọc thông cảm.


Trong quá trình tiến hành biên soạn, chúng tôi nhận được sự động viên cổ vũ cùng sự giúp đỡ của các cơ quan và các nhà trí thức như Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Sở Khoa học công nghệ môi trường tỉnh Cao Bằng, nhà văn Nông Viết Toại, TS. Đỗ Thị Hảo, TS.Vũ Anh Tuấn, thầy đồ Dương Văn Lương, KS. Nông Đình Hai, nhà văn Lâm Tiến, Cử nhân Ma Văn Hàn, Thầy đồ Hoàng Hưng, Cử nhân Hoàng Văn Khoa, Cử nhân Bùi Thị Hòa, Cử nhân Triệu Đình Vượng, nhà folklore học Dương Sách, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Yên... Nhân đây chúng tôi xin được tỏ lời cảm ơn tới các cơ quan và các vị.


Cuối cùng chúng tôi xin chân thành cảm ơn Quỹ Đan Mạch Phát trển, Hợp tác và Trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Đan Mạch đã hỗ trợ kinh phí để xuất bản cuốn sách này (This book is published under the sponsorship of the Danish Fund for the Promotion, Co-operarion and Exchange of culture between Vietnam and Denmark).


Với quá trình sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn bằng rất nhiều thời gian, rất công phu, tập thể nhóm tác giả chúng tôi vẫn nghĩ rằng không sao tránh khỏi những sai sót, rất mong quý vị độc giả góp ý kiến bổ khuyết cụ thể, để nếu có điều kiện tái bản sẽ có một "Từ điển chữ Nôm Tày" hoàn hảo hơn.


Tháng 10 năm 2002


NHÓM TÁC GIẢ