Chữ Nôm Structure |
Thuyết minh sơ đồ: 1. Đây là sơ đồ tổng quát về các loại cấu trúc chữ Nôm, được xác lập trong sách Khái luận văn tự học Chữ Nôm (Nguyễn Quang Hồng, Nxb Giáo dục, 2008). Khi áp dụng cho tự điển Chữ Nôm dẫn giải, chúng tôi có điều chỉnh đôi chút đối với loại G (Chữ Nôm đơn tự tạo): G1 và G2 đều là do mượn chữ Hán (cá biệt là chữ Nôm có trước) cải biến mà thành, nhưng G1 là cải biến bớt nét, còn G2 là cải biến thêm nét. Ở đây sẽ không phân biệt theo tiêu chí “lấy âm” hay “lấy nghĩa”, mặc dù nếu tiếp tục phân tích, thì mỗi loại G1 và G2 đều có thể lưỡng phân theo tiêu chí âm - nghĩa này. 2. Trong tự đi ển này, những chữ Nôm mang “dấu cá” (个) hoặc “dấu nháy” (‹) cũng được xếp vào loại G2. Như vậy dung lượng và phạm vi các chữ Nôm đơn tự tạo (còn gọi là chữ Nôm “đặc chế”) có phần nhiều hơn và rộng hơn so với sự hình dung trước đây. Chữ Nôm mang “dấu nháy” có khi bắt gặp trong các văn bản khắc in, song chủ yếu được dùng trong các văn bản viết tay và có phần tùy tiện. Trong tự điển này chỉ thu nạp một số chữ mang “dấu nháy” làm đại diện mà thôi. 3. Loại chữ A2, là những chữ vay mượn chữ Hán lấy cả âm và nghĩa mà không đọc theo âm Hán Việt, nếu phân tích kĩ về mặt âm đọc, có thể phân biệt hai nhóm: Nhóm (a) gồm những chữ đọc theo âm “Tiền Hán Việt”, tức là âm đọc của chữ Hán ấy còn bảo lưu âm cổ Hán ngữ từ lâu trước thời Đường Tống (như: 務 mùa, 燭 đuốc …), và nhóm (b) là gồm những chữ (như: 嘆 than, 禍 vạ, …) mà âm đọc có được từ sau khi hình thành âm Hán Việt và tiếp tục Việt hóa từ âm Hán Việt (và đôi khi cả từ âm “Tiền Hán Việt”) mà ra, tức là âm “Hậu Hán Việt”. 4. Khi phân tích các chữ Nôm ghép tự tạo, gồm các loại “hội âm” “hội ý” “hình thanh” thì mô hình phân loại cấu trúc này không chỉ áp dụng cho các chữ Nôm có thành tố biểu âm và biểu ý đều là chữ Hán, mà cũng áp dụng cho cả những chữ Nôm trong đó có thành tố biểu âm hay biểu ý là chữ Nôm có trước. Đối với chữ Nôm là chữ mượn dùng một chữ Nôm đồng âm hoặc gần âm (mà khác nghĩa), thì dùng thuật ngữ “chuyển dụng” trước khi giải nghĩa chữ này trong các câu dẫn, còn cấu trúc của nó thì “trả về” cho chữ Nôm mà nó mượn dùng. |