Arrangement of Entries
Thể lệ biên soạn


1. Đây là một bộ tự điển chữ Nôm được trình bày theo hai cột: cột CHỮ NÔM và cột DẪN GIẢI. Ở cột “Chữ Nôm” ghi rõ hình chữ Nôm, âm đọc và ký mã quốc tế Unicode (theo quy định của ISO) hoặc Vcode (là nội mã của Việt Nam). Ở cột “Dẫn giải” cung cấp các thông tin về cấu tạo chữ, nghĩa chữ và những câu trích dẫn từ nhiều tác phẩm và văn bản khác nhau. Tự điển này thu nạp 9.200 chữ Nôm được ghi nhận trực tiếp từ 122 văn bản tác phẩm Nôm đã được lựa chọn và khảo sát. Tự điển Chữ Nôm dẫn giải chủ yếu tra theo âm đọc (ghi theo chữ Quốc ngữ), là cách tra chữ quen thuộc của độc giả ngày nay. Song cuối sách cũng có đính kèm một Bảng tra theo bộ thủ, nhằm thỏa mãn nhu cầu tra chữ theo bộ, cũng như một số nhu cầu khác liên quan với sự đối chiếu qua lại giữa hình chữ và âm chữ, vốn rất quan hệ đến việc giải đọc văn bản Nôm.

2. Trong tự điển, lấy chữ Nôm (cả chữ mượn Hán và chữ tự tạo) làm đơn vị mô tả. Những từ ngữ tiếng Việt liên quan với chữ Nôm đang xét cũng được ghi nhận và giải thích ở phần “Dẫn giải”. Những chữ Nôm có cùng âm đọc (phân biệt theo chữ Quốc ngữ), được sắp xếp vào cùng một “khuôn viên”, ngăn cách với nhóm các chữ có âm đọc khác bằng một đường kẻ ngang. Các nhóm chữ được sắp xếp lần lượt theo trật tự chữ cái ABC của chữ Quốc ngữ. Trong nội bộ một nhóm chữ cùng âm, những chữ có phần biểu âm giống nhau thì được xếp gần nhau theo thứ tự từ ít nét đến nhiều nét. Khi ghi nhận các hình chữ Nôm vào cột “Chữ” cũng như khi trích các câu dẫn từ văn bản cụ thể vào phần “Dẫn giải”, soạn giả cố gắng phản ảnh sát đúng hình thể vốn có của chúng trong điều kiện kỹ thuật cho phép.

3. Thông tin về cấu tạo chữ là nội dung đầu tiên ở phần “Dẫn giải”. Thông tin này được đánh dấu bằng các ký hiệu #{}, trong đó trình bày về cấu trúc chức năng (biểu âm, biểu ý) và cả cấu trúc hình thể của chữ, như:

(phải trái) (trên dưới), (ôm bên),

(che trái), (che phải)

(bọc trên), (bọc kín), v.v.

Có khi, với một chữ Nôm nào đó ta có thể ghi nhận tình trạng “lưỡng khả”: #{}|{}, nghĩa là cả hai cách phân tích đều có phần hợp lý, tạm thời chưa nên quyết đoán một bề. Khi gặp một thành tố biểu âm hay biểu ý là một chữ Nôm, thì âm đọc chữ Nôm này được in nghiêng.

Cũng có khi cấu trúc chức năng của một chữ Nôm không thể hiện ở bề nổi trực giác, mà ẩn ngầm trong chiều sâu của nó, như cấu trúc thực sự của chữ 𨑮 mười không phải là {F2: xước ⻍⿺什thập}, mà phải là {F1: mại 邁>迈>⻍⿺什thập}.   

Những ký hiệu chữ cái như A1,A2, B, C1,C2, D1,D2, E1,E2, F1,F2, G1,G2 là đại diện cho các loại cấu trúc chữ Nôm, theo mô hình tổng quát được áp dụng trong tự điển này.

4. Thông tin tiếp theo ở phần “Dẫn giải” là giải nghĩa một cách ngắn gọn cho chữ Nôm đang xét, thể hiện qua các câu dẫn. Với những chữ có nhiều câu dẫn khác nhau, cần phải phân biệt các câu dẫn mà trong đó chữ đang xét có phân biệt ít hoặc nhiều về nghĩa chữ:

- Dấu dùng để mở đầu và ngăn cách giữa các nhóm câu dẫn mà nghĩa chữ đó hoàn toàn khác nhau.

- Dấu dùng để ngăn cách giữa các nhóm câu dẫn mà nghĩa chữ đó ít nhiều có nét giống nhau.

- Dấu là để ngăn cách các câu dẫn trong cùng một nhóm mà chữ đang xét có nghĩa hoàn toàn như nhau. Nếu có nhiều câu dẫn như thế, thì thứ tự của chúng trên đại thể căn cứ vào niên đại sớm muộn của tác phẩm được trích dẫn. Để tránh rườm rà, với cùng một nghĩa thì mỗi văn bản Nôm nói chung (trừ vài trượng hợp cần thiết) chỉ được trích dẫn một câu mà thôi.

5. Các câu dẫn được đưa vào tự điển dưới dạng nguyên văn chữ Nôm (qua chế bản vi tính) và được phiên chuyển sang chữ Quốc ngữ hiện hành. Khi phiên âm, đôi khi gặp những trường hợp “lưỡng khả”, hoặc biến âm để hiệp vần, thì soạn giả xin ghi nhận một cách và cách còn lại thì ghi trong ngoặc đơn () để độc giả tiện bề lựa chọn sử dụng. Với một số trường hợp mà về mặt âm đọc hay nghĩa chữ có phần khúc mắc, soạn giả cố gắng ghi chú thêm tại chỗ trong ngoặc vuông [] (cỡ nhỏ) cho dễ hiểu hơn. Dấu * chỉ báo hình thức tái lập âm đọc cổ (khi cần), và dấu > chỉ báo sự diễn biến từ hình thức này sang hình thức kia (áp dụng cho cả hình chữ, âm chữ và nghĩa chữ). Một số chữ viết tắt được dùng ở phần Dẫn giải là: Cđ – cũng đọc; Cv – cũng viết; Ss – so sánh.

6. Với một ngữ tố (từ đơn tiết hoặc hình tiết) tiếng Việt có thể được thể hiện trên văn tự bằng nhiều dị thể (xét theo “cấu trúc chức năng” gồm những ký tự biểu âm biểu ý khác nhau, ss. Lạy 𥛉 - 󰀌 Tre 椥 - 𥯌, Bèo苞 - 䕯 v.v.) hoặc nhiều biến thể (xét theo “cấu trúc hình thể” khác nhau của chữ, ss. Ngày 𣈗 - 𣈜, Ngồi 𡎢 - 𫮋 - 𡎥 - 𡎦, Cửa 󰘂 - 𬮌 - 𫔸 v.v.). Trong tự điển này tất cả các dị thể và biến thể văn tự như thế đều được ghi nhận. Nếu cần ghi nhớ một vài hình chữ đại diện cho một ngữ tố nào đó, độc giả có thể tự lựa chọn lấy theo các tiêu chí ưu tiên như sau: (a) Ưu tiên lựa chọn hình chữ là chữ Nôm tự tạo. (b) Ưu tiên lựa chọn hình chữ có cấu trúc chức năng hợp lý và cấu trúc hình thể gọn gàng, cân đối. (c) Ưu tiên lựa chọn hình chữ được sử dụng phổ biến hơn (có nhiều câu dẫn trong các văn bản khác nhau).