Introduction

Để phục vụ các bạn đọc tài liệu chữ nôm và để góp phần vào việc nghiên cứư chữ nôm, chúng tôi đã tổ chức biên soạn «Bảng tra chữ nôm» này.


Bảng gồm có 8187 chữ dùng để ghi hơn một vạn hai nghìn tiếng là từ hoặc là bộ phận của từ thường dùng trong tiếng Việt.


Bảng tra này không những thu thập những «chữ nôm chân chính », mà còn thu thập cả những chữ Hán được dùng để ghi tiếng ta nữa. Bởi vì muốn đọc văn bản nôm thì không thể không biết đọc những «chữ Hán» như vậy.


Các chữ trong bảng tra được thu thập chủ yếu từ các tác phẩm sau đây: 1) Ức trai thi tập (A. 131) (*); 2) Lê triều Nguyễn tướng công gia huấn ca (AB. 33) ; 3) Bạch vân am thi tập (AB. 157); 4) Truyền kỳ mạn lục (A. 25) ; 5) Hồng đức quốc âm thi tập (VNV, 489); 6) Nhị độ mai (AB. 350) ; 7) Kim Vân Kiều (VNB. 27); 8) Vương Kim diễn tự truyện (AB. 234); 9) Đoạn trường tân thanh (AB. 12); 10); Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca (AB. 5); 11) Đại nam quốc sử diễn ca (AB. 1); 12) Hiếu kinh quốc ngữ ca (VNV. 60); 13) Gia lễ (AB. 572); 14) Quốc văn tùng ký (AB. 383); 15) Đông dương quốc âm ca (A. 2378).


Chữ nôm là thứ chữ cổ chưa hề được tiêu chuẩn hóa, vì vậy tuy có nguyên tắc cấu tạo chung nhưng vẫn thường có những cách viết không hoàn toàn thống nhất. Những chữ nôm khác nhau tìm thấy trong các tác phẩm trên nói chung đều được thu thập cả, chỉ trừ một số trường hợp cá biệt khẳng định là viết nhầm hoặc viết sai mà thôi.


Bảng tra này gồm có hai phần: phần thứ nhất dùng để tra cách đọc chữ nôm, phần thứ hai dùng để tra cách viết các chữ nôm ghi ở phần thứ nhất.


Trong phần thứ nhất trên chiều dọc của bảng tra, các chữ được sắp xếp theo số nét từ ít đến nhiều. Những chữ cùng số nét thì sắp xếp theo thứ tự các bộ chữ Hán. Những chữ chỉ khác nhau về vị trí của các bộ phận cũng xem là những chữ khác nhau, ví dụ: 𡎥, 𡎢, 𡎦, là ba chữ «ngồi» khác nhau: Những chữ khác nhau cùng số nét, cùng bộ nhưng dùng để ghi cùng một tiếng thì được xếp cạnh nhau để độc giả tiện so sánh, ví dụ: 𣷷, (số 3488, 3489) đều đọc là biển (biển cả).


Trên hàng ngang, cột bên trái của chữ ghi số thứ tự, cột bên phải ghi âm nôm hoặc âm Hán - Việt viết theo chữ quốc ngữ, tiếp theo là ví dụ. Chữ quốc ngữ ghi âm nôm nhất loạt không in ngả, chữ quốc ngữ ghi âm Hán-Việt thì in ngả. Song chỉ âm Hán-Việt nào được dùng trong tiếng ta, hoặc đồng nhất với âm nôm thì mới có ví dụ đi kèm (vd : số 1943, Ainhững ai, số 1937, nấn ná,…); còn những âm Hán-Việt khác thì không có ví dụ đi kèm (vd : số 1123, Chuyết, số 2122, – Trát). Chính ở trường hợp sau, thường có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa chữ Hán và «chữ nôm chân chính». Ví dụ chữ âm Hán-Việt là yết, âm nôm là nhăn do thanh phù nhân và nghĩa khẩu tạo thành.


Ví dụ nêu ra trong bảng tra cốt sao gọn, đủ rõ nghĩa là được, cho nên nói chung không trích dẫn theo nguyên bản tác phẩm. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp dẫn nguyên văn, nếu xét thấy đoạn trích từ nguyên tác gọn hơn và rõ nghĩa hơn ví dụ tự đặt, như «ngọn cỏ dàu dàu» (ví dụ về chữ dàu, số 1200), «lời nói tri tri» (ví dụ về chữ tri, số 1262) …Trong một số trường hợp rất hạn chế, ví dụ được thay bằng chú thích, vì xét thấy ở đây chú thích tiết kiệm hơn. Chú thích bao giờ cũng đặt trong dấu ngoặc đơn, ví dụ «Min» (là ta, tôi) - số 5810 : «Trẫm» (nhà vua tự xưng) – số 2106 ;… Ở đây, nói chung mỗi chữ nôm chỉ có một ví dụ kèm theo. Đáng lẽ khi gặp các trường hợp đồng âm, cũng cần nêu ví dụ, nhưng làm như thế e rằng sẽ quá dài.


Phần thứ hai trong bảng tra ghi lại bằng chữ quốc ngữ tất cả các tiếng tương ứng với chữ nôm trong phần thứ nhất, và sắp xếp theo thứ tự A, B, C… Con số ghi sau mỗi tiếng viết bằng chữ quốc ngữ là số thứ tự của chữ nôm trong phần thứ nhất.



Trong quá trình biên soạn «Bảng tra chữ nôm» này, công tác thu thập tư liệu chữ nôm do các đồng chí Phùng Uông, Đảo Thản và Hồ Lê tiến hành bởi sự tham gia ý kiến của các cụ Cao Xuân Huy, Nguyễn Kỳ Nam và Nguyễn Đức Vân. Việc sắp xếp, chỉnh lý, bổ sung những tư liệu đã thu thập và lập thành bản thảo chủ yếu do đồng chí Hồ Lê tiến hành với sự tham gia ý kiến của các cụ Lê Thước, Cao Xuân Huy.


Đồng chí Đặng Thai Mai đã quan tâm đến công trình này ngay từ đầu và đã trực tiếp giúp đỡ những người biên soạn.


Các đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Kim Thản, Hoàng Phê cũng đã xem bản thảo và góp nhiều ý kiến bổ ích.


Lẽ ra, một quyển tự điền chữ nôm thật tốt phải được tiến hành trên cơ sở thu thập tư liệu đầy đủ trong tất cả các tác phẩm chữ nôm hiện có ở ta. Đây là công việc rất lớn và khó khăn, đòi hỏi nhiều người am hiểu tham gia với nhiều phương tiện và điều kiện cần thiết. Song, hoàn cảnh vừa qua chưa cho phép đặt ra một việc làm với qui mô như thế. Vì vậy, mặc dầu Viện ngôn ngữ học thấy còn phải hoàn thiện «Bảng tra» này nhưng cho rằng vẫn nên xuất bản để phục vụ bạn đọc, và coi đây là bước đầu đề tiến đến biên soạn một quyển tự điển chữ nôm lớn sau này.


VIỆN NGÔN NGỮ HỌC

Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam

* Ký hiệu sách của Thư viện Khoa học xã hội.