Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ or Hán-Nôm:

Entry chừng
chừng 程
◎ Nôm: 澄 dt. âm HHV của trình 程, trỏ quãng đường hoặc quãng thời gian xác định đại khái. trình 程 là chữ hình thanh, gồm bộ hoà 禾 (nghĩa phù) và chữ trình 呈 (thanh phù). Nghĩa gốc là trỏ việc cân đo cũng như dụng cụ đo lường lúa gạo. Sách Tuân Tử thiên Chí sĩ : “chừng là cái chuẩn của vật, lễ là cái chuẩn của tiết độ; chừng để định số lượng; lễ để định nhân luân” (程者、物之準也,禮者、節之準也;程以立數,禮以定倫 trình giả vật chi chuẩn dã, lễ giả tiết chi chuẩn dã; trình dĩ lập số, lễ dĩ định luân). Nghĩa phái sinh của trình/ chừng là trỏ hạn độ (đo lường), giới hạn (thời gian), ví dụ: bài Nguỵ đô phú có câu: “đêm trăng có hạn” (明宵有程 minh tiêu hữu trình). Phái sinh tiếp, trình còn để trỏ giới hạn của không gian, quãng đường, như lộ trình. Rồi được dùng để trỏ cả quãng đường lẫn con đường.
dt. <từ cổ> quãng đường hoặc khoảng thời gian xác định đại khái. [Vương Lộc 2001: 36]. Non tây bóng ác đã măng tằng, dìn đỉnh tùng thu vãng chừng. (Tự thán 98.2)‖ Chiều người ngựa cũng vui chân qua chừng (lưu nữ tướng, c. 268)‖ ai ngờ gặp đứa gió trăng, cho nên khuất nẻo lạc chừng khốn thay! (trinh thử, c. 65-66)