Explanatory Notes

Nội dung và cấu tạo của từ điển


A. ĐỐI TƯỢNG VÀ TÍNH CHẤT

Cuốn Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển này được biên soạn nhằm phục vụ mọi đối tượng có nhu cầu tìm hiểu về tiếng Việt cũng như văn học và văn hóa Việt Nam qua tác phẩm Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Dù là già hay trẻ, dù là người bản địa hay người nước ngoài, ai cũng có thể tìm thấy ở đây những tri thức cụ thể, và chi tiết về từng đơn vị từ tố của từ vựng trong tiếng Việt trong giai đoạn cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, biết thêm một từ là hiểu thêm một phần của văn hóa Việt Nam. Cuốn từ điển tác phẩm này sẽ mang dáng dấp của một cuốn từ điển tổng hợp (ngữ văn, từ cổ, điển cố, văn tự, từ nguyên, tần số, giám thưởng, địa danh, nhân vật lịch sử,…). Trong đó, sự áp dụng những thành tựu của từ nguyên học tiếng Việt là điểm nổi bật trong công trình này. Mỗi một ngữ tố không những được phát lộ ở trạng thái (ngữ âm, ngữ nghĩa) tại thời điểm của tiếng Việt cổ thế kỷ XV, mà nguồn gốc, lịch sử của chúng cũng được khai quật. Lịch sử của mỗi một từ sẽ làm nên lịch sử của một ngôn ngữ.

B. CẤU TRÚC VĨ MÔ

1. Đơn vị mục từ

1.1. Cuốn từ điển này thu thập các yếu tố ngôn ngữ được sử dụng trong tác phẩm Quốc âm thi tập. Cụ thể như sau:

- Toàn bộ các yếu tố từ vựng.

- Các từ tố.

- Các thành ngữ, tục ngữ.

- Các điển cố văn học.

- Từ ngữ cũ (gồm từ cổ, từ ngữ lịch sử).

- Tên các nhân vật lịch sử.

- Các địa danh.

- Toán tử lo gic tình thái, như chăng…thì chớ,.v.v…

- Các hình tiết bản địa Nam Á và hình tiết Hán có khả năng tạo tự (nhất là tạo ra những từ Hán Việt Việt tạo).

1.2. Cách thức thể hiện mục từ.

- Các đơn vị đồng âm ngẫu nhiên thì được thể hiện bằng hai mục từ riêng biệt, có đánh dấu thứ tự.

- Các đơn vị đồng âm có mối quan hệ nguồn gốc thì được phân biệt bằng số , .

2. Trật tự các mục từ

2.1. Các mục từ được xắp xếp theo trật tự chữ cái A, Ă, Â, B, C, D, Đ, E, Ê, F, G, H, I, K, L, M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, U, Ư, V, X, Y, Z và theo trật tự dấu thanh điệu: không dấu, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng.

2.2. Đơn vị được ưu tiên xếp trước lần lượt từ ít chữ cái đến nhiều chữ cái (tăng dần), ít âm tiết đến nhiều âm tiết (tăng dần).

3. Chính tả

Chính tả trong cuốn từ điển này căn cứ theo quyết định số 240/QĐ ngày 05/03/1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành kèm theo bản Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt.

Tuy nhiên, một số trường hợp do đặc thù của lịch sử ngữ âm tiếng Việt, nên chúng tôi có tiếp thu cách viết chính tả cổ của Rhodes (1651). Một số trường hợp chính tả Latin cho các kiểu tái lập ngữ âm của tiếng Việt thế kỷ XII đến XV, chúng tôi tạm có quy ước riêng. Ví dụ: phần phiên âm QÂTT vẫn sẽ ghi dạng thức chính tả - ngữ âm của tiếng Việt hiện đại là trời, nhưng trong mục từ của chính văn từ điển sẽ có kiểu tái lập là pləj2 và được chính tả hóa dưới dạng song tiết (hoặc cận song tiết) là pờ- lời [xin xem TT Dương 2012c, 2013a, 2013b].

C. CẤU TRÚC VI MÔ

1. Một mục từ được xếp theo trật tự:

    1. 1.1. Phần khảo cứu, phần này được ký hiệu là ◎ ngay sau mục từ, lần lượt gồm: nguồn âm đọc của mục từ đó (âm Tiền Hán Việt, âm Hán Việt hay âm Hậu Hán Việt), âm phiên thiết qua các vận thư từ điển Trung Hoa, hoặc có thể là các kiểu tái lập của từ gốc Hán cho tiếng Hán Thượng cổ, hoặc tiếng Hán Trung cổ. Nghĩa từ nguyên, chiết tự các hình tiết gốc. Quá trình diễn biến ngữ âm. Các tương ứng ngữ âm. Các đối ứng với các phương ngữ. Kiểu tái lập. Các đồng nguyên tự. Chữ Nôm (tục tự, cấu trúc, thanh phù, nếu chữ Nôm viết sai thì đánh dấu bằng “sic”). Cách phiên âm khác (trong trường hợp trước nay còn chưa được thống nhất). Xin lưu ý là phần này chưa từng có tiền lệ trong lý thuyết từ điển học về cơ cấu vi mô của mục từ. Song do yêu cầu của đối tượng, chúng tôi tạm đưa ra để thử nghiệm.
    2. 1.2. Nghĩa cơ bản, nghĩa xuất hiện trước.
    3. 1.3. Các nghĩa phái sinh theo quan hệ ngữ nghĩa.
    4. 1.4. Nghĩa cụ thể, nghĩa đen đặt trước nghĩa trừu tượng và nghĩa bóng.
    5. 1.5. Trường hợp có hiện tượng hoạt dụng từ loại thì vẫn nêu nghĩa riêng.
    6. 1.6. Các nghĩa của một đơn vị đa nghĩa được đánh số ①②

2. Cấu trúc của một mục từ gồm các thông tin sau đây:

    • - Đầu mục từ, được in đậm, chỉ viết hoa đối với địa danh và nhân danh, nếu là từ quan chức thì chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên.
    • - Chữ Hán (đối với các từ gốc Hán).
    • - Âm Hán Việt, hoặc âm phương ngữ nào đó của Tiếng Hán có khả năng là âm gốc tạo nên yếu tố đang xét đến. Âm phiên thiết. Kiểu tái lập của các từ cổ và từ gốc Hán. Chữ Hán và chữ Nôm dùng để ghi các âm đó (trích ảnh ấn theo nguyên bản khắc in của nhóm Dương Bá Cung 1868). Nghĩa từ nguyên của mục từ đang xét, có thể có cả ngữ cảnh.
    • - Từ loại (xem ký hiệu ở dưới: mục 2).
    • - Chú thích phong cách, phạm vi sử dụng, sắc thái tu từ.v.v…
    • - Lời tường giải (có thể trích dẫn các từ điển cổ để minh họa).
    • - Các từ ngữ tiếng Hán mà mục từ đó đối dịch.
    • - Ví dụ được trích dẫn trong tác phẩm Quốc âm thi tập, và các văn liệu thi liệu hữu quan. Các trích dẫn trong Quốc âm thi tập được trỏ nguồn bằng tên bài, số thứ tự bài trong tập thơ và số thứ tự của câu trong bài đó. Cú pháp như sau: (tên bài số thứ tự bài.vị trí câu). Ví dụ, (Mạn thuật 23.1) có nghĩa là ngữ tố đang xét nằm tại vị trí câu số 1 trong bài Mạn thuật có số thứ tự 23 trong tập thơ (xem phụ lục phần Phiên âm Quốc âm thi tập). Các trích dẫn đều dẫn theo cặp để dễ đối chiếu và cho lọn nghĩa cũng như tiện dụng cho việc thưởng thức và trích dẫn. Ví dụ:

bề ◎ Nôm: 皮.

<từ cổ> dt. quãng tuổi nhất định. Bề sáu mươi dư tám chín thu, Lưng gày da sảy tướng lù cù (Ngôn chí 15.1).

    • - Từ đồng nghĩa, trái nghĩa. Từ có liên quan. Các đồng nguyên tự. Các từ có mối tương ứng ngữ âm và ngữ nghĩa.
    • - Chú thích khác: như liên quan đến thi pháp, hay phong cách học.

Cụ thể như sau.

- Đầu mục từ luôn đứng đầu tiên trong cấu trúc mục từ, in đậm, không viết hoa (trừ nhân danh và địa danh). Ví dụ:

cơ 機 ◎ ahv: ki, kê.

dt. <từ cổ> mưu, mưu tính trong cơ mưu (cơ = mưu), nghĩa này hô ứng với chữ "toan". Thua được toan chi cơ Hán Sở, Nên chăng đành lẽ kiện Thương Chu. (Thuật hứng 58.3).

- Chữ Hán: chữ Hán cho các từ gốc Hán. Từ gốc Hán là bộ phận chiếm số lượng lớn trong hệ thống các từ vựng của tiếng Việt thời Nguyễn Trãi. Có thể nhận định khái quát như sau. Từ gốc Hán là các từ thuộc hệ thống từ vựng tiếng Việt có nguồn gốc (vay mượn) từ tiếng Hán (thượng cổ, và cổ trung đại) ở cả ba mặt hình, âm, nghĩa. Bên cạnh đó là tiêu chí kết hợp. Cụ thể như sau:

    • - Từ tiêu chí tự hình, từ gốc Hán là từ thuộc hệ thống từ vựng tiếng Việt có thể được viết ra dưới dạng chữ khối vuông. Đây là tiêu chí quan trọng nhất, được nhận biết về mặt thị giác.
    • - Từ tiêu chí âm thanh, từ gốc Hán là từ thuộc hệ thống từ vựng tiếng Việt mà có sự vay mượn và biến đổi âm đọc của tiếng Hán trong bất kỳ một giai đoạn lịch sử nào đó, hoặc từ bất kỳ một phương ngữ nào đó của ngôn ngữ này.
    • - Từ tiêu chí ngữ nghĩa, từ gốc Hán là từ thuộc hệ thống từ vựng tiếng Việt mà có sự vay mượn hoàn toàn hay một phần ý nghĩa từ tiếng Hán. Khi vay mượn và biến đổi theo những nghĩa không có trong tiếng Hán thì ngữ tố đó được gọi là Hán Việt Việt dụng.
    • - Từ gốc Hán còn có thể là những từ được người Việt tạo thành từ việc kết hợp các từ tố gốc Hán (với ba mặt hình - âm - nghĩa) theo kiểu của người Việt và chỉ có người Việt sử dụng. Những đơn vị này không xuất hiện trong vốn từ vựng của tiếng Hán, tiếng Hàn, tiếng Nhật cũng như trong khối từ vựng văn ngôn của các nước này thì được gọi là từ Hán Việt Việt tạo, gồm 5 loại:

(1) {âm Hán Việt + âm Hán Việt} như lỗi thác 纇錯;

(2) {âm Phi Hán Việt + âm Phi Hán Việt} như buồng the 房紗 (> phòng the), buông tuồng 放縱(> phóng túng);

(3) {âm Phi Hán Việt + âm Hán Việt} như bùa hổ 符虎;

(4) {âm phiên thiết + âm Hán Việt} như cả hòa嘏和;

(5) {âm phiên thiết + âm Phi Hán Việt} như cả và 嘏和...

Việc ghi chữ Hán cho từng mục từ gốc Hán là việc bắt buộc phải thực hiện trong các công trình từ điển tiếng Việt. Điều này đã được thực hiện một cách khá triệt để trong hệ thống các từ điển cổ do các giáo sĩ Thiên Chúa thực hiện cho đến những cuốn từ điển được biên soạn vào đầu thế kỷ XX. Trong giai đoạn từ năm 1945 đến nay, vấn đề này bị xem nhẹ. Gần đây, cuốn Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex, 2008) có đưa chữ Hán vào từng mục từ. Song, quan niệm về từ Hán Việt của phần lớn các nhà nghiên cứu trước đây đã tuyệt đối hóa hai tiêu chí cách đọc Hán Việt và tiêu chí khả năng hoạt động tự do của hình tiết. Điều này dẫn đến những bất cập là những từ gốc Hán (đọc theo âm Tiền Hán Việt và âm Hậu Hán Việt) đều không ghi nguyên từ chữ Hán, khiến cho nhiều người lầm tưởng đó là từ gốc Việt, mà thường thì chính những từ như vậy mới là những từ gốc Hán quan trọng và có ý nghĩa thú vị. Điều này cũng khiến cho việc xác định số lượng các từ Hán Việt cũng như từ gốc Hán gần như còn bỏ ngỏ.

Các kiểu mục từ gốc Hán này được trình bày như sau:

    • - Các mục từ gốc Hán đọc theo âm Hán Việt sẽ chỉ chua thêm chữ Hán ngay sau mục từ đó. Phần giải thích sẽ chiết nghĩa từng hình tiết một (nếu các hình tiết đó dễ gây khó khăn cho người không biết chữ Hán). Ví dụ:

đam 酖

đgt. <từ cổ> say, mê, đắm, mê đắm. “Đam: mê rượu" (酖:樂酒) [Thuyết văn]. Thấy lợi thì làm cho phải nghĩa, Mựa tây mặt khiến lẫn lòng đam. (Bảo kính 173.8) ‖ (Giới sắc 190.1). x. đắm.

    • - Các mục từ gốc Hán đọc theo âm Phi Hán Việt (âm Tiền Hán Việt và âm Hậu Hán Việt) thì đều có phần chua thêm âm Hán Việt hoặc âm phiên thiết, chua thêm cả nghĩa Hán (nếu có sự khác biệt so với từ trong tiếng Việt), có thể trích dẫn tư liệu cổ để chứng minh mối liên hệ về âm và nghĩa. Ví dụ:

cả 嘏 ◎ Đường vận ghi: "cổ nhã thiết" (古雅切), Tập vận, Vận hội, Chính vận ghi: "cử hạ thiết, tòng âm cả" (舉下切,𠀤音賈). Thuyết văn giải tự ghi: "嘏: lớn, xa." (嘏大遠也). Sách Nhĩ nhã thiên Thích cổ ghi: "cả: lớn vậy" (嘏,大也); sách Phương Ngôn viết: "phàm vật gì to lớn đều gọi là cả" (凡物壯大謂之嘏 phàm vật tráng đại vị chi cả). [Huệ Thiên 2006: 376]. Nôm: .

- Các mục từ có chen cả hình tiết Hán lẫn Việt thì chữ Hán được chua trong phần tường giải.

    • - Các mục từ gốc Hán không hoàn toàn đọc theo âm Hán Việt và cấu trúc theo trật tự của tiếng Việt. Ví dụ:

bùa hổ 符虎

dt. hvvt. dịch chữ hổ phù 虎符. Bùa là âm THV. Bùa hổ là từ gốc Hán theo cấu trúc của tiếng Việt. Nghĩa là binh phù có khắc hình hổ do tướng soái giữ để điều binh, trỏ tướng võ, rộng hơn nữa trỏ quyền lực. Đai lân bùa hổ lòng chăng ước, Bến trúc đường thông cảnh cực thanh. (Tức sự 123.6).

    • - Từ gốc Hán Việt tạo là những từ do người Việt tạo nên trên cơ sở lắp ghép các yếu tố đơn tiết gốc Hán. Ví dụ:

cân xưng 斤稱

dt. hvvvt. <từ cổ> cái cân. Cân斤: đơn vị đo trọng lượng, một cân xưa bằng mười sáu lạng, sau cân từ danh từ chuyển làm động từ; xưng 稱: dụng cụ đo lường trọng lượng; cân xưng còn là nguyên từ của cân xứng. Mực thước thế gian dầu có phải, Cân xưng thiên hạ lấy đâu tày. (Bảo kính 172.6, 188.1) ‖ cân xưng: vật gì nặng nhẹ biết ngay (CNNA 46a2).

    • - Ở khía cạnh văn hóa, chúng ta còn có những từ Nôm đối dịch âm tiết từ các từ vựng tiếng Hán. Những từ này tuy chưa được coi là những từ gốc Hán với tư cách là một thuật ngữ ngôn ngữ học, nhưng có thể coi đó là yếu tố gốc Hán nếu xét ở phương diện tiếp xúc ngôn ngữ, rộng hơn là tiếp xúc văn hóa. Ví dụ:

khó bền ◎ Nôm:庫卞

tt. <Nho> dịch chữ cố cùng 固 窮 (cùng: khó; cố: bền). Luận ngữ thiên Vệ Linh Công có đoạn: "Khi Khổng tử ở nước Trần thì bị hết lương thực, các đệ tử đi theo sinh bệnh, không dậy được. Tử Lộ lo lắng hỏi: ‘quân tử mà cũng có lúc khốn cùng thế này sao?’ Khổng Tử trả lời: ‘quân tử lúc khốn cùng vẫn bền chí giữ tiết, tiểu nhân khốn cùng thì làm bậy’" (在陳絕糧,從者病,莫能興。子路慍見曰:“君子亦有窮乎?”子曰:“君子固窮,小人窮斯濫矣). Khó bền, mới phải người quân tử, Mình gắng, thì nên kẻ trượng phu. (Trần tình 43.5).

    1. 2. Cuốn từ điển này chú từ loại cho cả từ và tổ hợp từ, thông tin này được ghi ngay sau đầu mục từ hoặc ngay sau phần chú âm chữ Hán (nếu có). Cụ thể chú 8 từ loại dựa theo hệ thống phân loại trong cuốn Ngữ pháp tiếng Việt [Ủy ban Khoa học Xã hội. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1983] như sau:

dt. Danh từ hay tổ hợp danh từ;

đgt. Động từ hay tổ hợp động từ;

tt. Tính từ hay tổ hợp tính từ;

đt.  Đại từ hay tổ hợp đại từ;

pt. Phụ từ hau tổ hợp phụ từ;

kt. Kết từ hay tổ hợp kết từ;

trt. Trợ từ hay tổ hợp trợ từ;

c. Cảm từ hay tổ hợp cảm từ.

p. Phó từ.

3. Các thông tin về phong cách, phạm vi sử dụng, sắc thái tu từ, .v.v… được dùng để chú thích trong từ điển :

<Phật> Phật giáo

<Nho> Nho giáo

<Đạo> Đạo giáo

<Pháp> Pháp gia

<Mặc> Mặc gia

Khiêm khiêm cung

khng khẩu ngữ

Kính kính ngữ

4. Lời tường giải

    • - Cuốn từ điển này dùng nhiều kiểu định nghĩa khác nhau, trong đó chủ yếu sử dụng cách định nghĩa phân tích, cố gắng gói gọi trong một câu đối với những mục từ đơn giản.
    • - Từ cổ được định nghĩa bằng từ đồng nghĩa, trái nghĩa trong tiếng phổ thông hiện nay, hoặc được định nghĩa bằng chính từ còn mang lưu tích của nó.
    • - Các mục từ ngữ có nội hàm phong phú được miêu tả kĩ hơn. Nhất là với những mục từ về điển cố, nhân vật lịch sử và văn hóa cổ truyền.
    • - Lời giải thích hoặc bình luận nào được tiếp thu từ những những tác giả khác thì tên tác giả (chủ biên) ấy được đặt ngay sau đó ở trong ngoặc vuông, ví dụ [Schuessler 2007: 234], nếu một năm đó tác giả công bố nhiều bài thì sẽ đánh theo abc, ví dụ [TT Dương 2012c: 12]. Nếu nguồn dẫn trích lại từ tác giả khác thì ghi [Theo Ferlus, chuyển dẫn Schneider 1987: 23].

5. Thí dụ minh họa

Thí dụ được trích dẫn chủ yếu từ Quốc âm thi tập và một số tác phẩm, dịch phẩm Nôm, cũng như ca dao, tục ngữ, thành ngữ.v.v… Thí dụ được in nghiêng, nguồn trích dẫn được đặt trong ngoặc đơn, theo thứ tự cú pháp sau: (tên tác giả - tên tác phẩm - trang nguyên bản trích dẫn hoặc số thứ tự câu xuất xứ).

6. Chuyển chú:

6.1. A xem B, khi:

- A là biến thể chính tả, biến thể ngữ âm của B. Cách dùng của B có tính phổ biến hơn A, hoặc đáng dùng hơn A; chẳng hạn giòng dt. X dòng.

- A là cách hiểu sai, đọc sai do sự lầm lẫn nhưng hiện nay vẫn quen dùng. Từ điển sẽ không giải thích nghĩa mà khuyến cáo nên dùng cách hiểu đúng. A đồng nghĩa với B, hoặc là âm địa phương của B, hoặc những từ có liên quan đến B.

6.2. A cũng như, cũng đọc như B (viết tắt là cn, cđ).

6.3. Khi A đồng nghĩa với B, được ký hiệu A = B.