Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ or Hán-Nôm:

Entry Nguyễn Tịch
Nguyễn Tịch 阮籍
dt. (210-263) tên chữ là Tự Tông 嗣宗, người đất Trần Lưu 陳留, con của Nguyễn Vũ 阮瑀, từng giữ chức bộ binh hiệu úy 步兵校尉, một trong Kiến An Thất tử, thi nhân nổi tiếng đời Tam Quốc. Nguyễn Tịch có dung mạo khác thường, chí khí khoáng hoạt, phóng túng tự do, mừng giận không hiện ra nét mặt, thường đóng cửa ở trong nhà đọc sách, có khi hàng tháng không bước chân ra ngoài, có khi trèo lên núi ngao du sơn thuỷ mấy ngày quên trở về. Nguyễn Tịch đọc rất nhiều sách mà nhất là sách Đạo Đức Kinh của Lão Tử và Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Ông thích uống rượu, thổi sáo, giỏi đàn cầm, đương khi đắc ý chợt quên hình hài mà siêu thần nhập hoá. Người đời cho ông có si tính hay máu điên. Vì có cái cuồng danh đó mà Tư Mã Chiêu (con của Tư Mã Ý) đem lòng ngưỡng mộ, muốn kết thân với Nguyễn Tịch, nhưng ông không chịu nên cố ý say sưa luôn 60 ngày đêm để khỏi gặp Tư Mã Chiêu. Bề ngoài của Nguyễn Tịch trông rất phóng đãng, nhưng bên trong rất thuần chính. Hành động phóng đãng là giả vờ để tránh tai hoạ, bảo trọng lấy thân mà thôi. Ông nhìn thấy triều đình càng lúc càng suy yếu, quan lại chuyên quyền, dua nịnh, ông rất đau lòng, nên đã kết tinh vào tác phẩm vịnh hoài thi 詠懷詩, gồm 82 bài, một kiệt tác của thời bấy giờ. Tấm lòng của ông bao la, tầm mắt rộng lớn mà không gặp được người đồng khí tương cầu nên đã phát tiết bi thương trong thơ văn. Nguyễn Tịch có viết sách Đạt Trang Luận 達莊論, thông lão luận 通老論 trong đó, ông xác định triết lý tự nhiên, luôn luôn ý thức cái lý đồng nhất. Năm thứ tư đời Cảnh Nguyên (năm 263), Nguyễn Tịch mất, hưởng dương 54 tuổi. Kê Khang thường ca tụng Nguyễn Tịch rằng: Nguyễn Tự Tông, miệng không bàn lỗi của người. Ta mỗi khi bắt chước điều ấy mà không kịp được, cùng cực bẩm tính hơn người, với sự vật không thương tổn, chỉ có cái uống rượu quá mức thôi. Lều tiện Nhan Uyên tìm tới đỗ, đường cùng Nguyễn Tịch khóc làm chi. (Thuật hứng 57.6). x. đen bạc, thanh bạch nhãn, đường cùng.