Bước đầu khảo cứu chữ Nôm Tày


Nghiên cứu chữ cổ của người Tày nằm trong chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tại Quyết định 53 – CP ngày 22 – 2 – 1980 của Hội đồng Chính phủ về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số, có câu:


“c. Phối hợp các ngành có liên quan để tiến hành việc nghiên cứu các chữ dân tộc cổ, khai thác các kho tàng tư liệu cổ của các dân tộc thiểu số”.


Tại chương trình VTV3 Đài truyền hình Việt Nam, đêm thứ sáu 27.8.1999 đã đưa lên màn hình dòng chữ:


Chữ cổ nhất nước ta? Văn giáp cốt. Mỗi chữ gồm 3 yếu tố: Hình, Âm, Nghĩa.


Dòng chữ ấy hàm ý kể cả chữ cổ với người Tày cũng vậy.

Nhưng vấn đề Chữ cổ người Tày ở đây, tôi muốn nói thứ văn tự đã dùng để ghi âm tiếng Tày, ghi chép văn chương người Tày; cũng ví như người Thái cùng nằm trong nhóm ngôn ngữ Tày – Thái từ cổ xưa đã có chữ viết gốc Sanskrit của họ.


Qua nhiều tư liệu cổ của người Tày đã được sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu, ta biết Chữ cổ người Tày là chữ hình vuông, chữ cái là chữ gốc Hán Việt sáng tạo ghi chép để đọc ra tiếng Tày, đó là chữ Nôm Tày.


Vấn đề đặt ra là: Chữ Nôm Tày có từ bao giờ? Các phương thức cấu tạo chữ Nôm Tày?


I. CHỮ NÔM TÀY CÓ TỪ BAO GIỜ?


Đây là một vấn đề các nhà trí thức người Tày và các nhà học giả ngoài Tày đã từng quan tâm.


1. Phải chăng chữ Nôm Tày ra đời khoảng thế kỷ XVI – XVII?


Mươi năm gần đây một vài nhà nghiên cứu văn học đã có giả thiết cho rằng hai ông Bế Văn Phụng và Nông Văn Quỳnh Vân (Cai quản hai tổ chức âm nhạc phục vụ cung đình nhà Mạc ở Cao Bằng những năm 1594 – 1677) đã đặt ra chữ Nôm Tày. Căn cứ chủ yếu của họ là đến nay trong dân gian còn lưu giữ được hai áng thơ Nôm: một là Lượn Tam Nguyên của Bế Văn Phụng, tương truyền ông đỗ Tiến sĩ thời Mạc, quê ở Thạch Lâm (tức huyện Hoà An ngày nay) tỉnh Cao Bằng; hai là Lượn Hồng nhan tứ quý của Nông Quỳnh Vân, làm quan trong vương phủ Mạc, quê ở châu Thượng Lang (huyện Trùng Khánh ngày nay) tỉnh Cao Bằng.


Nhà Mạc lập phiên triều ở Cao Bằng từ thời Quang Hưng (1594) đến đời Vĩnh Trị (1677) với ba đời vua, đặt Kinh đô ở Vu Thuỷ, Thạch Lâm – Cao Bằng (nay là Háng Séng – Chợ Thành – huyện Hoà An).


Nhà Mạc có tổ chức nhiều kỳ thi cử (nữ Tiến sĩ duy nhất Nguyễn Thị Duệ, quê gốc Hải Dương, thi ở đây). Nhiều Hiển Nho và quan lại phục vụ vương triều, nhưng nhà Mạc, dưới con mắt của triều đình chính thống nhà Lê, sử sách không ghi chép những sự kiện, thành tích của phiên triều Mạc. Ngay các vị Đại thần của ba đời vua với 83 năm (1594 – 1677) ấy sử sách cũng không ghi chép. Ở triều đình đã có hai tổ chức bộ Đồng văn và bộ Nhã nhạc phục vụ cung đình…

Sau những cuộc đánh phá của nhà Lê Trịnh, nhà Mạc mất ngôi năm 1677; nhưng tàn dư quân Mạc vẫn còn đến quãng 1744 mới mất hẳn1.


Rõ ràng nhà Mạc lên đóng đô ở Cao Bằng đã tạo ra những sự giao thoa Tày – Việt rất quý và rất cần thiết về văn hoá, văn minh, ngôn ngữ, văn tự… Vì Cao Bằng là nơi đặt đế đô nên việc học chữ Hán và Hán học của gần một thế kỷ ấy chắc chắn là phát triển rất mạnh.


Cho nên một số nhà nghiên cứu văn học đã cho rằng vương triều nhà Mạc ở Cao Bằng đã tạo cho địa phương một nền học vấn tốt, có nhiều người Tày nổi danh về thơ phú văn chương ghi chép bằng chữ Nôm Tày, họ đã đặt ra chữ Nôm Tày.


Ý kiến ấy căn cứ trên cơ sở muốn chế tác chữ Nôm Tày phải thật giỏi chữ Hán, bởi chữ Hán là “Chữ mẹ” để tạo ra chữ Nôm. Và hai áng thơ của Bế Văn Phụng, Nông Quỳnh Vân là bằng chứng.


Về hình thức, suy luận như trên có vẻ đúng.

Lần lại những trang sử cũ, ta biết từ khi nước ta chịu sự đô hộ của phương Bắc (sử quen gọi là thời Bắc thuộc) từ năm 111 TCN, chữ Nho cùng Hán học dần dần được truyền bá vào nước ta.


Hán tự và Hán học du nhập vào nước ta bằng nhiều nguồn. Nhưng nguồn quan trọng hơn cả là các quan lại Tàu mở mang việc học ở xứ ta, nhằm dạy những điều lễ nghĩa, lễ giá thú, truyền bá Hán học… Các quan lại đó, sử cũ thường kể đến các quan Thái thú người Tàu như Tích Quang (1-5) Nhâm Diên (29-33), Sĩ Nhiếp (187-226)… Trong số đó Thái thú Sĩ Nhiếp là người có văn học, lại chăm mở mang việc học, nên được suy tôn là “Nam bang học tổ” (Ông tổ việc học ở nước Nam).


Do đó Hán học và Hán tự đã được phát triển ở nước ta lúc bấy giờ, trong đó tất nhiên phải kể cả vùng cư dân người Tày cũng được học hành. Vì vậy người Việt (Kinh) cũng như người Tày (Việt) mới có được chữ cơ sở là “Chữ cái” để chế tác ra chữ Nôm Việt, chữ Nôm Tày.


Theo Hải Chu Tử (tức Nguyễn Văn San) đời Tự Đức, thì chữ Nôm được phôi thai từ thế kỷ thứ hai, cụ thể là đời Sĩ Nhiếp (187-266) hồi Bắc Thuộc lần thứ hai. Trong Cuốn Đại Nam quốc ngữ khảo cứu về chữ Nôm, có đoạn chép như sau:


Sĩ Vương bắt đầu lấy tiếng Tàu dịch ra tiếng ta, đến chữ Thư cưu, thì không biết tiếng ta gọi là con chim gì; Chữ Dương đào thì không biết tiếng ta gọi là quả gì”.


Trên tạp chí Nam Phong, Lê Dư nhắc lại ý kiến Nguyễn Văn San và có bổ khuyết thêm:


Sĩ Vương là người đất Quảng Tín, quận Thương Ngô, thuộc về đất Quảng Tây nước Tàu bây giờ, mà bên ấy từ xưa đã có thứ tục tự hệt như thứ chữ Nôm của ta, bắt đầu lấy những Thi Thư của Tàu dạy cho dân ta, mới suy theo lối chữ tục ấy, bày ra chữ Nôm ta2.


Công cuộc khảo cứu của các nhà ngôn ngữ học Trung Quốc gần đây có thể làm cho ta tin ức thuyết của Lê Dư là đúng. Xem tài liệu của ông Vi Khánh Ổn về “Văn tự khối vuông của dân tộc Choang ở Quảng Tây”3 thì thấy, thứ tục tự đó có từ đời Hán, nguyên tắc kết cấu của nó cũng giống như nguyên tắc kết cấu chữ Nôm của ta4.


Ý kiến của giáo sư Bế Viết Đẳng, Viện trưởng Viện Dân tộc học, căn cứ trên tác phẩm của Vi Khánh Ổn, trong đó có bài viết “Vấn đề chữ Choang” từ trang 82, khẳng định chữ Choang đã có từ rất lâu. Giáo sư nhấn mạnh:


Sự tồn tại chữ Choang – Hán, Như Vi Khánh Ổn nói (…) thì trước giải phóng người Choang đã dùng chữ tục để ghi thổ ngữ của mình – tiếng Choang5.


Tóm lại, qua những ý kiến trên, ta biết Hán tự và Hán học phát triển mạnh ở nước ta từ thời Nam bang học tổ Sĩ Nhiếp làm Thái thú (187-226); Hán tự được học đầy đủ và chữ Nôm Việt (kinh) cũng được đặt ra.


Hơn nữa, cũng ở thế kỷ thứ II SCN văn tự Hán được nghiên cứu tương đối có hệ thống về cả ba mặt: Hình, Âm, Nghĩa, dưới hình thức một bộ từ điển; đó là bộ “Thuyết văn giải tự” của Hứa Thận, là một tác phẩm ngôn ngữ học và văn tự học có giá trị rất lớn về mặt lý luận cũng như về mặt thực tiễn. Đáng lưu ý là Hứa Thận đã làm sáng tỏ một hệ thống lý luận về Lục thư (Tượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thanh, giả tá, chuyển chú) là cơ sở cho việc nghiên cứu Hán tự đồng thời là cơ sở để cấu tạo mới chữ Nôm Việt (Kinh)6.


Việc mở mang, phát triển học Hán học và Hán tự nói trên đây là ở toàn cõi nước ta, nghĩa là vùng xuôi, vùng ngược đều được học hành, “Sĩ Vương (…) bắt đầu lấy những Thi thư của Tàu dạy cho dân ta, mới suy theo lối chữ tục ấy, bày ra chữ Nôm ta7 là nói Nôm Việt (Kinh) kể cả chữ Nôm Tày (Việt).


Về ý nghĩa, việc Sĩ Nhiếp mở mang, phát triển sự học Hán học, Hán tự ở nước ta phải kể hai mặt: Một là nâng cao dân trí nước ta; Hai là đào tạo một số người có học để giúp việc cai trị, hành chính…


Để lập bộ máy cai trị và nắm được dân, nắm được ruộng nương cũng như nghề nghề nghiệp của họ, chính quyền Trung ương cần vẽ được địa đồ, giao cho các cấp chính quyền dưới Trung ương lập sổ đinh, sổ địa điền, sổ thuế…


Các địa chính Nà Giường, Thua Khau, Nà Hoài, Roỏng Viẩu, Roỏng Loỏng, Đông Đăm, Bản Nưa, các chức dịch địa phương… của vùng quê người Tày đối với chữ Hán, chữ Hán Việt rất khó ghi chép, song phải ghi chép thế nào đó cho bằng được.


Với sổ đinh không thể không lập. Nếu như kê khai: Lường Tắc Nhình, bản Pác Cáy, xóm Bản Giuồng; hay Nà Miừ, Khuổi Lếch, Bó Bủn… thì gặp biết bao tiếng mà chữ Hán, chữ Hán Việt không thể hiện được.


Vì vậy về mặt hành chính, chữ Nôm Tày xuất hiện là một nhu cầu khách quan, là tất yếu. Dựa trên cơ sở chữ Hán Việt, lí dịch Tày phải ghi chép và thêm kí hiệu để đọc ra tiếng Tày, đó sẽ là chữ Nôm Tày.


Vậy là chữ Nôm Tày đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ II SCN (thời Thái thú Sĩ Nhiếp).


Với người Kinh (Việt) chữ Nôm Việt (Kinh) cũng được hình thành vào thế kỷ thứ II SCN, là chắc chắn; vì dù sao Hán tự cũng như Hán Việt không thể đáp ứng việc ghi chép hệ thống tự vị Việt (Kinh) vốn phong phú nếu không có chữ Nôm. Khi viết báo cáo sự việc xảy ra ở Cô Sầu (Thị trấn Trùng Khánh, Cao Bằng) văn bản cổ đã phải viết Cổ Châu, là một dạng chữ Nôm vậy. Trong cuốn sách cổ viết các địa danh Khâu Uy, Cổ Thoát, Điêu Lang… người địa phương không ai biết nơi nào, nhưng nói đó là chữ Nôm thì họ biết ngay, núi Khau Oai (dây mây), làng Co Thuốt, tổng Đèo Lương


Có nghĩa là những công việc hành chính thế kỷ thứ II không thể đến thế kỷ XVI-XVII sau khi nhà Mạc lên cát cứ ở Cao Bằng một thời gian dài, người Tày hay nói rộng là địa phương mới có nhà trí thức, mới có văn tự Nôm Tày để ghi chép bản đồ, địa bạ, sổ đinh.


Khi việc học nước ta phát triển từ Bắc thuộc lần II, vùng cư dân Tày cũng được học Hán học và Hán tự, có cả con nhà quyền quý về học tận kinh sư (thủ đô) là chuyện thường tình.


Cho nên không thể nói, chữ Nôm Tày chỉ mới ra đời khoảng thế kỷ XVI-XVII dưới triều Mạc ở Cao Bằng.


Chỉ tiếc rằng đất nước ta, trải qua nhiều biến thiên lịch sử, chiến tranh, loạn lạc xẩy ra… sử sách của tiền nhân không còn lưu lại được bao nhiêu. Hai quyển sử đến nay ta cho là sớm nhất cũng vào thế kỷ XIII (Đại Việt sử ký 1272 của Lê Văn Hưu, An Nam chí lược, Hậu bán thế kỷ XIII của Lê Trắc).


2. Hai áng thơ Nôm Tày có tác giả (Bế Văn Phụng, Nông Quỳnh Vân) thời Nhà Mạc đã chứng minh điều gì?


Đã có dịp tôi cùng chuyên gia chữ Nôm Tày Lục Văn Pảo (Viện Dân tộc học) kiểm kê những tác phẩm (là áng thơ dài trên 700 câu, hoặc truyện thơ – tiểu thuyết bằng thơ) ghi chép bằng chữ Nôm Tày, có đến 50 pho:


Bióoc Lả (Chợ Đồn, Vị Xuyên, Hoà An), Nổc Kéo (Bảo Lạc, Hoà An), Kim Quế (Hoà An, Chợ Đồn, Chợ Rã, Bạch Thông, Định Hoá), Thị Đan (Vị Xuyên, Bình Gia, Bảo Lạc, Hoà An, Ngân Sơn), Hán Xuân Lưu Đài (Chợ Đồn, Chợ Rã, Vị Xuyên, Hòa An), Quyển Nương Trần Chu (Chợ Đồn, Chợ, Rã, Bạch Thông, Trùng Khánh, Vị Xuyên), Quảng Tân Ngọc Lương (Bạch Thông, Hoà An, Chợ Rã, Cao Lộc), Chiêu Đức Kinh Nữ (Hoà An, Nguyên Bình, Bảo Lạc), Phò mã Nho Hương (Bạch Thông, Hoà An, Nguyên Bình), Nàng Ngọc Long (Hoà An, Nguyên Bình, Bạch Thông), Nàng Ngọc Dong (Hoà An, Nguyên Bình, Bạch Thông), Nhân Lăng Thị Trinh (Chợ Rã, Hoà An), Hán Bình Thị Xuân (Bảo Lạc, Hoà An, Trùng Khánh), Sam Péc Eng Tài (Bình Gia, Định Hoá, Hoà An), Lưu San (Chợ Rã Bảo Lạc), Lưu Tương (Chợ Đồn, Định Hoá, Chợ Rã), Đổng Vĩnh (Nguyên Bình, Bảo Lạc, Hà Quảng), Đính Quân (Hoà An, Chợ Rã, Chợ Đồn, Bắc Quang), Đính Chi (Chợ Rã, Chợ Đồn, Hoà An, Trùng Khánh), Trương Hán (Chợ Rã, Bảo Lạc), Quang Vụ (Chợ Rã, Chợ Đồn, Bạch Thông), Long Tôn (Bạch Thông, Nguyên Bình, Hoà An), Pú Lương Quân (Hòa An, Hà Quảng, Thạch An), Tam Mậu Ngọ (Chợ Rã, Chợ Đồn), Xôi Văn Thụy (Bảo Lạc, Chợ Rã), Phạm Tử Ngọc Hoa (Chợ Đồn, Chợ Rã, Bạch Thông, Bảo Lạc, Hòa An), Tống Trân Cúc Hoa (Chợ Rã, Bảo Lạc, Hòa An, Hà Quảng, Bạch Thông, Chợ Đồn), Thạch Seng (Chợ Đồn, Hòa An), Lượn Tam Nguyên (Hòa An, Hà Quảng), Lượn Tứ Quý (Trùng Khánh, Hòa An, Quảng Uyên, Phục Hòa), Trọng Nương (Chiêm Hóa, Hàm Yên, Vị Xuyên, Bảo Lạc, Hòa An), Dao Tiên (Bắc Mê), Hoàng Trừu (Bảo Lạc, Hòa An), Kim Sinh (Chợ Rã), Hương Nhu (Vị Xuyên, Chợ Rã), Kình Lương (Vị Xuyên), Lưu Bình Dương Lễ (Vị Xuyên), Lưu Tú (Bảo Lạc, Bình Gia, chợ Rã), Lưu Bang (Chợ Rã), Lưu Nhân Hiệu (Bảo Lạc), Lương Nhân (Bạch Thông), Mây Ngần (Ngân Sơn, Hòa An), Lương Quân Ngọc Nữ (Vị Xuyên, chợ Rã), Lý Lan (Chợ Rã, Bảo Lạc), Tòng Lâm (Chợ Rã), Tạng Ba (Chợ Rã), Tổng Ca (Chợ Rã, Bắc Quang, Hòa An), Tống Lan (Chợ Rã), Tổng Đôn (Chợ Rã), Trọng Tương (Bạch Thông, Chiêm Hóa, Chợ Rã), Trương Anh (Chợ Rã), Tứ Thư Văn Thụy (Bảo Lạc, Hòa An)8.


Gần 60 pho sách trên đây đều là tác phẩm khuyết danh, trừ Lượn Tam Nguyên của Bế Văn Phụng, Lượn Tứ Quý của Nông Quỳnh Vân.


Theo lý luận chung, văn học dân gian khuyết danh có trước văn học thành văn (trừ trường hợp văn học truyền miệng hiện nay đang phát triển).


Các pho sách trên đây khuyết danh tác giả bởi chúng là văn học dân gian, lưu truyền trong các buổi tối dưới ánh trăng, nhân dân già trẻ quây quần trên một sàn nhà nọ nghe nghệ nhân dân gian kể truyện bằng thơ. Truyện cứ lưu truyền, thêm bớt, gọt giũa… khi gần hoàn chỉnh, một nho sĩ nào đó ghi chép lại bằng văn tự Nôm Tày, không có tên tác giả. Người đời tiếp tục sao chép, vẫn có quyền gọt giũa cho hay hơn, bởi nó là văn học dân gian.


Như vậy đại đa số truyện viết bằng chữ Nôm đã có từ rất lâu, ít nhất là trước khi nhà Mạc lên Cao Bằng lập phiên triều thế kỷ XVI-XVI. Một vài truyện có thể xuất hiện sau như Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ, Hoàng Trừu… bởi nhiều lí do.


Và cũng qua các nơi (địa danh) mà học giả Lục Văn Pảo đến sưu tầm được thống kê trên đây ngoài Cao Bằng ra, ta thấy hầu hết là ở Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Giang (có cả Bình Gia, Lạng Sơn). Những nơi đó chắc không phải chờ khi nhà Mạc đến mở mang học hành mới có trí thức am hiểu sâu sắc để ghi chép truyện thơ Nôm lưu truyền trong dân gian bấy lâu.


Cho nên ta có thể nói rằng, khi thấy hai áng thơ Nôm Tày xuất hiện ở Cao Bằng vào thời nhà Mạc lập triều đình trên đó (của tác giả Bế Văn Phụng, Nông Quỳnh Vân) ta không thể coi như chữ Nôm Tày được đặt ra từ thế kỷ XVI-XVII.


Trong Lời giới thiệu tác phẩm Pụt Tày, giáo sư Bế Viết Đẳng, Viện trưởng Viện Dân tộc học, có nhắc đến hai áng thơ Lượn Tam NguyênLượn Hồng Nhan Tứ Quý. Giáo sư đánh giá về chữ Nôm viết nên hai tác phẩm đó:


Hai tác phẩm đều sáng tác hoàn toàn bằng chữ Nôm Tày, gần như là chữ Nôm hoàn chỉnh như sau này, chứng tỏ vào thời hai ông, chữ đó đã tương đối phổ biến, nó đã được hình thành trước đó một thời gian lâu (…) Sự hình thành và phát triển chữ Nôm Tày là kết quả phấn đấu của nhiều thế hệ trí thức dân tộc, không một cá nhân nào có thể hoàn thành công việc đó9.


Ở đây giáo sư đánh giá chữ Nôm Tày viết trên hai tác phẩm của Bế Văn Phụng và Nông Quỳnh Vân (thời nhà Mạc ở Cao Bằng) là chữ Nôm lúc đã hoàn chỉnh (hoàn hảo) chứ không phải chữ Nôm sơ khai, mới bắt đầu.


Hai học giả Lục Văn Pảo và Hoàng Bé, trong một công trình nghiên cứu khác năm 1992, có đoạn viết:


Cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, khi Mạc Kính Cung chuyển Vương triều thất thế của mình lên Cao Bằng đã để lại dấu ấn về chữ Nôm Tày. Tương truyền Bế Văn Phụng, một trí thức Tày ở Hòa An đã để lại bài “Tam Nguyên Luận” và Nông Quỳnh Vân đã để lại bài “Tứ Quý síp soong bươn” bằng chữ Nôm Tày10.


Hai năm sau (1994) khi khảo cứu về thời điểm xuất hiện chữ Nôm Tày, Lục Văn Pảo đã căn cứ trên hai áng thơ của Bế Văn Phụng và Nông Quỳnh Vân để công nhận từ thời nhà Mạc xây dựng Vương triều ở Cao Bằng (1594-1677) chữ Nôm Tày đã được hoàn chỉnh để ghi chép thơ tiếng Tày. Và học giả họ Lục kết luận:


Như vậy chữ Nôm Tày có từ cuối Lê là chắc chắn, có điều là đẩy lên nữa tới thế kỷ nào là còn phải tìm thêm căn cứ11.


Hai nhà nghiên cứu người dân tộc đều phát hiện rằng chữ Nôm Tày đã được hình thành từ trước thế kỷ XVII rất lâu; nó đã trải qua sửa chữa, tu chỉnh của nhiều người; đến thời nhà Mạc ở Cao Bằng, chữ Nôm Tày đã được hoàn hảo ổn định.


Vậy hai áng thơ Nôm Tày, Lượn Tam Nguyên của Bế Văn Phụng, Lượn Hồng Nhan tứ quý của Nông Quỳnh Vân, chỉ có ý nghĩa chứng minh đến thế kỷ XVI-XVII chữ Nôm Tày đã hoàn chỉnh.

Nói đến đây tôi lại nhớ đến ý kiến tương tự của học giả Dương Quảng Hàm khi nói về thời điểm xuật hiện chữ Nôm Việt.


Sử có chép, mua thu tháng 8 năm 1282 (đời vua Trần Nhân Tông, Thiệu Bảo thứ 4), Hàn Thuyên (vốn họ Nguyễn, người huyện Thanh Lâm, nay là Nam Sách, Hải Dương) đang làm quan Hình bộ thượng thư, có con ngạc ngư (cá sấu) đến sông Phú Lương (tức sông Nhị Hà). Vua sai ông làm bài Văn tế vứt xuông sông. Ngạc ngư bỗng nhiên biến mất. Vua cho việc làm ấy giống như việc Hàn Dũ bên Trung Quốc đã làm nên cho ông đổi họ Nguyễn ra làm họ Hàn12.


Bài “Văn tế cá sấu” ấy làm bằng tiếng ta, ghi chép bằng chữ Nôm Việt. Trong tác phẩm “Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam”, Kiều Thanh Quế có sưu tầm được và giới thiệu trong cuốn sách13.


Văn nghiệp Hàn Thuyên có làm thơ phú bằng tiếng Việt, ghi chép bằng chữ Nôm Việt. Ông có tập thơ “Phi sa tập” có nhiều bài bằng quốc âm.


Vì hiện tượng “Văn tế cá sấu”, các nhà học giả đã kết luận: Hàn Thuyên đặt ra chữ Nôm Việt. Trong một tác phẩm của mình, học giả Dương Quảng Hàm có nêu lên ý kiến rất thỏa đáng:


Nhiều người thấy sử chép Hàn Thuyên là người bắt đầu làm thơ phú bằng Quốc âm, cũng cho rằng chữ Nôm cũng đặt ra tự đời ông, nghĩa là vào thế kỉ XIII về đời nhà Trần. Đó là một sự sai lầm, vì sử chỉ ghi việc ông làm thơ phú bằng tiếng Nôm, chứ không hề nói ông đặt ra chữ Nôm, hoặc chữ Nôm đã đặt ra về đời ông. Đành rằng muốn viết văn Nôm, tất cả phải dùng đến chữ Nôm, nhưng biết đâu chữ ấy lại chả có từ trước đời Hàn Thuyên rồi ư?14.


Ý kiến ấy cũng gần như nói với chúng ta: Chỉ thấy Bế Văn Phụng có áng thơ Lượn Tam Nguyên, Nông Quỳnh Vân có Lượn Hồng Nhan tứ quý, ghi chép bằng chữ Nôm Tày, không có dấu hiệu hoặc ở đâu nói chữ Nôm Tày do hai ông đặt ra, hoặc mới bắt đầu có từ thời hai ông, thế kỷ XVII. Mà qua sơ bộ phân tích trên kia, ta thấy lóe ra tín hiệu: Chữ Nôm Tày có từ thời Bắc thuộc, từ khoảng trước sau năm 187, thời Sĩ Nhiếp làm Thái thú.


3. Cần xác định sự hình thành và phát triển chữ Nôm Tày? Ai là người chế tác ra chữ Nôm Tày?


Tôi được đọc tác phẩm của tác giả Bế Huỳnh (1920), Nguyễn Văn Huyên (1941), Đào Duy Anh (1975), Lã Văn Lô (1979), Hoàng Văn Hựu (1979), Bế Việt Đẳng (1992), Cung Khắc Lược (1993), Lục Văn Pảo (1994).15


Các tác phẩm ấy phần nhiều là nhân viết về việc này việc kia có đề cập đến chữ Nôm Tày.


Trong số các tác phẩm ấy, đáng quan tâm nhất là cuốn “Cao Bằng tạp chí” (1920) của huấn đạo Bế Huỳnh, người Cao Bằng. Tác phẩm ấy hiện còn lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam.


Tập sách “Cao Bằng tạp chí” bằng chữ Hán, viết năm 1920, có nhiều dòng nói đến việc chế tác ra chữ Nôm Tày.


Đây là cuốn sách quý, khá dày dặn, nội dung phong phú; có nhiều chương mục như: Chủng loại nguyên nhân (nguồn gốc các sắc tộc), Thần từ cổ tích (Tích xưa về các đền miếu), Dị đoan lục (kể về chuyện mê tín kỳ lạ), Nhân vật lục (kể về các người nổi tiếng trong vùng).. v..v…


Chương Nhân vật lục có giới thiệu một người trí thức người Tày tên là Lê Thế Khanh. Tác giả viết:


Xưa có chàng Lê Thế Khanh, con nhà quyền quý ở Tổng Nhượng Bạn, Châu Thạch Lâm, Cao Bằng (…) Chàng vốn thông minh đặc biệt. Năm 15 tuổi, vâng lời cha mẹ, chàng xuống Long Biên tìm học, lúc bấy giờ nước ta nội thuộc Trung Quốc vào thời nhà Tấn. Thế Khanh học trong 15-16 năm trời, mấy lần thi mà không đậu. Gặp lúc nhà Tấn suy vi, Nam triều và Bắc triều đánh nhau dữ, chàng bèn trở về mở trường học dạy học ở quê nhà trong 20 năm, chàng thấy chữ viết và thổ âm ở quê mình có nhiều chỗ không phù hợp, chàng nghĩ cách theo Phép Lục Thư của Trung Quốc, gia giảm theo cách phát âm, biên soạn thành chữ Nôm ở quê mình, sáng tác ra các bài hát mỗi câu 7 chữ có vần của bản địa, đem các truyện truyền kỳ từ xưa dịch ra tiếng Tày và sáng tác ra nhiều bài hát huê tình, hoài xuân, thơ vấn đáp hát khi cưới; những bài hát ấy được lưu truyền. Chàng lại rất sành về âm nhạc, dùng quả bầu chế ra đàn dây đuôi trâu, dùng tơ làm dây đàn, phổ vào bài hát tiếng Tày…16.


Phải nói, trong lúc chúng ta thiếu nhiều tư liệu sử để nghiên cứu, được đọc tác phẩm” Cao Bằng tạp chí” là rất quý.


Trước khi bàn luận về chữ Nôm Tày là trọng tâm, ta cần xem xét một vài chi tiết về tên đất, tên làng, các chi tiết lịch sử, về dòng họ… ghi chép trong sách có thực tế, có đúng lịch sử không?


Tổng Nhượng Bạn, Châu Thạch Lâm, Cao Bằng xưa kia bao gồm các xã (cũ): Bà Đông, Hòa Ninh, Yên Ninh, Phúc Tăng, Cối Khê, Nhượng Bạn, Thạch Động, Thọ Cương, Bắc Kiều, Thạch Môn; tức là phạm vi đất các xã ngày nay: Bình


Long, Hồng Việt, Bế Triều, Đại Tiến thuộc huyện Hòa An, Cao Bằng. Tổng (xưa kia) là cấp hành chính trên xã, dưới huyện.


Long Biên thuộc Bắc Ninh. Về thời Bắc thuộc khi lập Giao Châu thì Châu trị (hay gọi cho dễ hiểu: Thủ phủ của quận) đặt ở Long Biên. Giao Châu gồm Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (tức là Quảng Đông Trung Quốc, Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh Việt Nam).


Về bối cảnh lịch sử khi ấy, ở phương Bắc, năm 265 Tư Mã Viêm đánh bại Ngụy, Thục, Ngô (Tam Quốc) lập ra nhà Tấn. Tư Mã Viêm lên ngôi xưng là Tấn Vũ Đế (265-290).


Nhà Tấn (265-240) phong cho họ hàng ra làm quan trấn trị các nơi. Nhưng các thân vương cứ dấy binh đánh giết lẫn nhau, làm cho anh em cốt nhục tương tàn, nước Tấn nhanh chóng suy yếu.


Ông vua thứ 14 của nhà Tấn là Tư Mã Đức Tôn (Tấn An Đế 397-418); Ông vua thứ 15 là Tư Mã Đức Văn (Tấn Cung Đế) ở ngôi mới gần được 2 năm (419-420).


Năm 420 Lưu Dư cướp ngôi nhà Tấn, lập ra nhà Tống (420-589) thuộc Nam Triều xưng là Tống Vũ Đế. Trung Quốc phân ra Bắc Triều, Nam Triều tranh giành đất đai và ngôi đế vương17, nên xảy ra loạn lạc ở Việt Nam.


Từ năm 386 Trung Quốc đã phân ra Nam Bắc Triều; Bắc Triều gồm có Bắc Ngụy (386-581); Tây Ngụy (535-556); Bắc Chu (557-581); Đông Ngụy (534-550); Bắc Tề (550-577); Nam Triều gồm Tống (420-479); Tề (479-502); Lương (502- 557); Trần (557-589).


Đến năm 581 Dương Kiên thâu tóm các nơi, lập ra nhà Tùy, lên ngôi xưng là Tùy Văn Đế (851-604). Từ đó tình hình xã hội tạm ổn, bớt loạn binh đao.


Theo “Cao Bằng tạp chí” Bế Huỳnh viết: Lê Thế Khanh nhân loạn lạc xảy ra ở nơi kinh kì đã bỏ học trở về quê hương, ấy là vào khoảng năm 420. (Tính ra Lê Thế Khanh sinh năm 389; về kinh đô để học năm 404 lúc 15 tuổi; khi thôi học năm 420 vào tuổi 31, sau 16 năm học hành).


Về dòng họ Lê Thế ở tổng Nhượng Bạn; ta có thể tìm thấy họ Lê Hồng ở xã Yên Ninh, Lê Khắc, Lê Vĩnh ở xã Phúc Tăng, Lê Văn, Lê Hoàng ở xã Nhượng Bạn; dòng họ Lê Thế sinh sống ở xã Hòa Ninh được chuyển cư đến lâu đời nhất. Hiện nay ta tìm thấy Hậu duệ của dòng họ Lê Thế ở Hòa Ninh (Bình Long) vẫn giữ được truyền thống tổ tiên, nhiều người đỗ bằng Đại học (Bác sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân) có cả cán bộ giảng dạy trường Đại học Mỏ Địa chất…

Trở lại đọc những dòng viết trên kia trích trong “Cao Bằng tạp chí” của Bế Huỳnh (1920) ta có thể tóm tắt:


Từ thế kỷ V, ở Cao Bằng có một học sinh người Tày về học tận kinh sư, có trình độ túc nho; đến 31 tuổi, gặp thời loạn lạc, người học sinh ấy bỏ học, trở về quê dạy học. Người ấy là thầy đồ Lê Thế Khanh.


Trong “Cao Bằng tạp chí” viết:


Chàng thấy chữ viết và thổ âm quê mình có nhiều chỗ không phù hợp, chàng nghĩ cách bắt chước theo phép Lục Thư của Trung Quốc, gia giảm theo cách phát âm, biên soạn thành thứ chữ Nôm ở quê mình.


Có nghĩa là khi ấy ở quê hương ông vốn đã có chữ Nôm Tày.


Nhận định ấy phù hợp với những điều chúng ta đã phân tích ở các mục trên: Chữ Nôm nói riêng và văn tự nói chung xuất hiện là do nhu cầu khách quan mà có. Từ thế kỷ thứ II do yêu cầu củng cố chính quyền và chính sách cai trị, người Tày đã phải lập sổ địa bạ, sổ đinh, lập bản đồ, rõ ràng là với tên Tày thì chữ Hán, chữ Hán Việt kể cả chữ Nôm Việt hầu như không thể hiện được, người ta đã đặt ra chữ Nôm Tày.


Lê Thế Khanh khi học ở kinh sư đã được đọc “Thuyết văn giải tự” của Hứa Thận và học phép Lục thư trong đó18. Ông đã vận dụng Lục thư để bắt chước, vận dụng gia giảm cái đã có để “biên soạn” chế tác thành chữ Nôm Tày, ghi âm tiếng Tày được sát hơn.


Lê Thế Khanh làm được việc ấy, đương nhiên ông trở thành tổ sư chữ Nôm Tày, dù ông chỉ là người đầu tiên làm việc cải tiến cái trước đây đã xuất hiện (Ví như vai trò Alexandre de Rhodes với chữ Quốc ngữ vậy). Và sự xuất hiện chữ Nôm Tày chính thức kể từ thế kỷ thứ V này.


Từ đó về sau, các nhà học giả dân tộc Tày vận dụng, trải qua thời gian rất dài chỉnh lý, sửa chữa, bổ sung thêm để mười hai thế kỉ sau, thế kỉ XVII, chữ Nôm Tày về căn bản đã ổn định, hoàn chỉnh.


Hai áng thơ Nôm Tày, Lượn Tam Nguyên của Bế Văn Phụng, Lượn hồng Nhan Tứ Quý của Nông Văn Quỳnh xuất hiện thế kỷ XVII là bằng chứng chữ Nôm khi ấy đã hoàn hảo.

Nhân đây cũng cần để tâm đến chữ Nôm Tày quan hệ láng giềng với các văn tự khác như thế nào?


Sau Bế Huỳnh hơn hai trục năm, Nguyễn Văn Huyên nhân giới thiệu Hát đám cưới người Tày ở Lạng Sơn, Cao Bằng19 đã phân chia chữ Nôm Tày làm ba loại cấu thành.


Loại 1: Gồm những chữ mượn chữ Hán để ghi âm; những chữ mượn chữ Hán đổi dạng ít nhiều để ghi âm; và những chữ đặc biệt lấy yếu tố chữ Hán tạo nên, mỗi chữ gồm hai phần là yếu tố âm và yếu tố nghĩa.


Loại 2: Gồm những chữ nguyên gốc Việt Nam; là từ Việt Nam du nhập vào tiếng Tày không thay đổi gì; và những chữ ghi những từ Việt Nam du nhập vào tiếng Tày mới chệch đi ít nhiều.


Loại 3: Là những chữ nguồn gốc Hán; những chữ Hán đọc theo âm Hán Việt; những chữ Hán đọc khác âm Hán Việt.


Năm 1975, Đào Duy Anh có mấy nhận định viết trong phần Phụ lục tác phẩm của mình “Tìm hiểu chữ Nôm Tày20 cho rằng: - Chữ Nôm Tày do ảnh hưởng chữ Nôm Việt mà có; - không chấp nhận cách phân loại của ông Nguyễn Văn Huyên, ông phân loại chữ Nôm Tày về cấu Tạo căn bản giống như cách phân loại dùng cho chữ Nôm Kinh.


Chúng ta đều dễ dàng nhận ra: Tiếng nói và chữ viết của một tộc người (hay dân tộc) không bao giờ có tình trạng “bảo thủ” tuyệt đối để đứng lại với số từ vị nghèo nàn, mà nó phải phát triển, bởi nó còn có giao lưu giữa các tộc người, giữa các vùng. Tiếng nói phát triển thì văn tự cũng phát triển, có sáng tạo thêm, có cả du nhập thêm nếu phù hợp.


Văn tự người Tày nói chung, chữ Nôm Tày nói riêng, trước hết phải là sự sáng tạo của bản thân tộc Tày (trong nhóm ngữ hệ Tày Thái) sau nữa còn có ảnh hưởng của văn tự cổ Nôm Choang bên Trung Quốc (thưởng gọi là tục tự


Choang cổ) và văn tự Nôm Việt. Còn nói ảnh hưởng tới đâu thì cần làm thống kê cụ thể.


Giáo sư Trần Quốc Vượng đã có lần “cố gắng minh chứng cho sự kiện này, với Cao Bằng là mảnh đất điển hình – cố nhiên ở Cao Bằng không chỉ có sự giao thoa văn hóa Tày – Việt mà còn có những sự giao thoa văn hóa khác: Tày – Nùng – Hoa, Tày – Dao, Tày – Mông… nếu ta chưa kể Tày – Pháp nữa21.


Ta có thể nói thêm: Còn có sự giao thoa văn hóa Tày – Choang (Đồng) Trung Quốc nữa. Khi Long Biên (Bắc Ninh) là thủ phủ của quận Giao Châu, nơi đó đã là trung tâm văn hóa, kinh tế… Đất kinh sư ấy tụ hội người của mọi miền từ Hợp Phố đến Nhật Nam… Lê Thế Khanh học ở Long Biên tiếp thu phép Lục Thư của nhà Hậu Hán (25-220) đã “thấy chữ viết và thổ âm ở quê mình có nhiều chỗ không phù hợp, chàng nghĩ cách bắt chước (…) biên soạn thành thứ chữ Nôm ở quê mình” như phần “Nhân vật lục” của “Cao Bằng tạp chí” đã viết.


Giáo sư Bế Viết Đẳng viết:


Người Tày và người Choang, Nam Trung quốc, trước đây vẫn có những quan hệ qua lại với nhau, một bộ phận người Tày có thể đã tiếp thu qua người Choang, chữ Choang Hán. Sự tồn tại chữ Choang Hán, như Vi Khánh Ổn nói (…) thì trước giải phóng người Choang đã dùng chữ tục để ghi thổ ngữ của mình – tiếng Choang”22.


Cho nên với học giả khả kính Đào Duy Anh, trong bài viết của mình, Giáo sư Bế Văn Đẳng phát biểu:


Ông Đào Duy Anh coi chữ Nôm Tày do ảnh hưởng của chữ Nôm Kinh mà có là sự suy luận hình thức tương đối hợp lý (…) Nhưng cũng chưa thể coi kết luận của ông Đào Duy Anh là đã có đầy đủ cơ sở khoa học (…) Kết luận của ông Đào Duy Anh cần được đi sâu nghiên cứu thêm nữa về các mối quan hệ, sự xuất hiện chữ Nôm Tày23.


Chúng ta phải nhận rằng sự giao thoa văn hóa càng rộng, sự ảnh hưởng tiếp thu sáng tạo càng lớn và từ nhiều phía, không thể chỉ từ một phía; với văn tự cũng vậy. Nhưng cái vững bền là chủ thể có sáng tạo, không bị mất đi hoặc bị đồng hóa.


II. CÁC PHƯƠNG THỨC CẤU TẠO CHỮ NÔM TÀY:


Phương pháp tốt nhất để xét các phương thức cấu tạo chữ Nôm Tày vẫn là phân tích trên các văn bản, câu thơ cụ thể. Từ đó nhận xét để rút ra các phương thức.


Ta có thể nhặt ra 3 câu thơ bất kỳ, trong Lượn sương, trong Lời hát then


1. 㗂 𠮶 務 春 𫇥 否 眉

Tiểng gạ mủa xuân bióoc bấu mì (Lượn sương)

(Tiếng rằng mùa xuân mà hoa không có)


2. 枯 𫇥 棦 模 𰇼

Co bióoc cheng mác sổm (Quẻn lẩu)

(Cây hoa chanh thơm nhưng quả chua)


3. 迕 泣 𫡱 𫰇 弍 害 花

Ngộ rộp soong noọng nhỉ hải hoa (Háng Tam quang)

(Gặp gỡ hai cô gái xinh đẹp hái hoa)


Nhận xét từ ba câu văn cụ thể với 19 chữ trên đây, ta có thể thấy các phương thức cấu tạo chữ Nôm Tày.


a/ Với Hán tự là chữ mẹ đã có, đọc theo âm Hán Việt, ghép hai thành tố để lập nên một chữ Nôm Tày, so với Hán tự nó khác hẳn về hình, âm, nghĩa.


Tiểng (Nghĩa: Tiếng) gồm có chữ Tỉnh (chỉ âm) và chữ Khẩu (chỉ ý: là cái mồm, do cái mồm mà có).
𠮶Gạ: (Nghĩa: bảo, nói) gồm chữ Cá (chỉ âm) và chữ Khẩu (chỉ ý là cái mồm, từ cái mồm mà ra).
Rổp (Đồng nghĩa: Chập; nghĩa: gặp) gồm chữ Lập (chỉ âm, cận âm) và chữ Thủy (vô nghĩa: Nhằm làm vô nghĩa chữ Lập). Trường hợp này chỉ cốt lấy phần âm đọc (cận âm). Nếu ta đọc là Khấp (theo Hán Việt nghĩa là khóc) thì âm đó lại quá xa âm Rổp (của Tày ngữ).
Co (Nghĩa: Cây) gồm chữ Cổ (chỉ âm) và chữ Mộc (chỉ ý: Báo hiệu ở đây ý thuộc về thực vật, cây cối).
Cheng (Nghĩa: chanh) gồm chữ: Tranh (chỉ âm) chữ Mộc (chỉ ý nói về cây), ở đây tại góc phải trên còn ghi thêm một dấu (gọi là dấu nháy) để lưu ý khi đọc đừng đọc là: Tranh mà phải tìm cho ra tiếng cần đọc là Cheng
Mác (Nghĩa: Quả, trái cây) gồm chữ Mạc (chỉ âm) và chữ Mộc (chỉ ý thuộc về cây).
𰇼Sổm (Nghĩa: Chua, vị chua) gồm chữ Sâm (đã bỏ chấm thủy, chỉ âm đọc) và chữ Khẩu (chỉ ý: là cái mồm, do cái mồm mà biết rõ vị của sự vật).
𫇥Bióoc (Nghĩa: Hoa, đồng nghĩa: Hoa) gồm bộ Thảo đầu (chỉ ý rằng ở đây thuộc về cây cỏ, thực vật) và chữ Bốc (Nghĩa: Bói Toán - ở đây chỉ mượn để gợi ý âm đọc).
𫡱Soong (Nghĩa: Số hai, số lượng hai) gồm chữ Nhị (Nghĩa: Hai; từ chỉ ý) và chữ Song (chỉ âm đọc; ở đây Song cũng có nghĩa là; Hai, nhưng người ta cứ viết lắp ghép hai thành tố như vậy chứ không viết chữ SongSoong Tày ngữ).

b/ Dùng Hán tự (Hán Việt) giữ nguyên hình, âm đọc khác, nghĩa gần gũi.

Mủa (Nghĩa: Mùa, bốn mùa, vụ mùa). Đây nguyên là chữ Vụ đã viết theo giản thể, với cận nghĩa của nó, để đọc ra Mủa. Tôn trọng ý nghĩa là chính, không cần có dấu hiệu gì thêm để chỉ âm (gợi ý đọc).
Bấu (Nghĩa: Không, chẳng, chả) nguyên nó là chữ Phủ (cũng nghĩa là: Không, Phủ nhận, Phủ quyết). Người ta cứ đọc chữ ấy là Bấu. Trường hợp này cũng hay dùng hơn cả, trong khi đó còn nhiều chữ Bấu viết khác như 保 𫇰 裒


c. Dùng Hán tự, đọc theo âm Hán Việt, với nguyên hình, nguyên âm, nguyên nghĩa.

Xuân (Nghĩa: Mùa xuân)
Hoa (Nghĩa: Bông hoa, Mùa hoa)


d/ Dùng Hán tự, âm đọc theo Hán Việt na ná (Cận âm) khác nghĩa hoàn toàn nghĩa gốc của chữ Hán đó.

Hải (Nghĩa: Bẻ, Ngắt, Hái). Nghĩa gốc của chữ Nho (Hán Việt) này là Hại, làm hại, tai hại, đọc là Hại. Chữ Nôm Tày không lấy nghĩa, chỉ cốt mượn chữ cận âm để đọc ra tiếng Tày: Hải.
Nhỉ (Nghĩa: Xinh đẹp). Nó là chữ Nhị kép (Nghĩa: Hai, Số hai) đã viết giản lược. Chữ Nôm Tày dùng để đọc ra một âm na ná là Nhỉ chứ không quan tâm đến nghĩa gốc của từ Hán Việt đó.

e/ Vẫn dùng tự dạng chữ Hán nhưng lắp ghép sáng tạo hơn để có chữ Nôm Tày biểu hiện được khái niệm định diễn đạt.

𫰇Noọng (Nghĩa: Em, cô gái) đã lắp ghép hai chữ Nữ (nghĩa là: Gái) với chữ Mỗ (Nghĩa: Một ai đó, một cái gì đó – mà ngày nay ta quen dùng chấm lửng (…) hay chữ x trong câu văn). Với sách Nôm Tày, ai cũng đọc là Noọng; Nếu theo phương thức cấu tạo chữ Nôm Tày là ghép hai từ chỉ âm chỉ ý, để tìm cách đọc chữ Noọng này thì khó “đánh vần” nổi. Đây là một sáng tạo khi cần thiết.
Ngộ (Nghĩa: Gặp, gặp gỡ) đã lắp ghép một Quai xước với chữ Ngọ (Nghĩa: Buổi trưa, giữa trưa; Ngọ thụy là giấc ngủ trưa; Ngọ dạ là nửa đêm). Như vậy về hai thành tố cấu tạo nên từ này đã rất xa với nghĩa của chữ Nôm Tày ở đây là gặp gỡ. Một điều đáng chú ý là chữ Nôm Tày đã dùng ngay một Hán tự, đọc theo âm Hán Việt, đọc là Ngộ đúng nghĩa của nó là gặp gỡ, đối xử… nhưng ít dùng hơn, chắc vì ta có khuynh hướng giản lược hóa văn tự, nên cứ dùng chữ .


g/ Dùng Hán Tự, giữ nguyên hình, nguyên âm đọc theo Hán Việt, nhưng về nghĩa khác hoàn toàn.

Nghĩa là chữ Nôm Tày trường hợp này là chỉ mượn vỏ ngôn ngữ Hán Việt sẵn có để diễn đạt khái niệm của tiếng Tày.

(Có lúc nói là: Mi, Nghĩa: Có). Nguyên Hán Việt đọc là Mi mang nội dung khái niệm lông mày, hoàn toàn không có quan hệ ngữ nghĩa như tiếng Tày nói trên, ở đây chữ Nôm Tày chỉ dùng Hán tự, đọc theo âm Hán Việt, với ý nghĩa chỉ mượn vỏ ngôn ngữ của Hán Việt.

Đánh giá trường hợp cấu tạo văn tự Nôm Tày này nên coi là một sự tiến bộ, bởi về bản chất vỏ ngôn ngữ không có nghĩa, chẳng qua người ta đưa vào trong vỏ ngôn ngữ ấy khái niệm mà thôi. Nếu như ta liên hệ đến nhiều hình thức văn tự khác, gần gũi với ta như chữ quốc ngữ viết bằng bộ chữ cái La tinh, nó không mang tượng hình, tượng dáng gì cả, ta sẽ thấy rõ chữ viết chỉ là cái vỏ.


Trên đời đã có những cái vỏ đó, ta biết dùng thì tiện lợi biết bao, đơn giản biết bao.


Với 19 từ trong ba câu văn nêu trên, ta nhận xét và rút ra được sáu phương thức cấu tạo chữ Nôm Tày, đó là những sáng tạo quý báu của tổ tiên về cấu tạo chữ Nôm, do nhu cầu khách quan của đời sống mà sáng tạo, vô cùng quý giá.


Ngoài ra còn cần phân tích tìm ra những phương thức khác.


Nhưng ta có thê tiếp tục xem tiếp phương thức thứ sáu (mượn vỏ ngôn ngữ) này, xem tình hình ra sao. Ta còn thấy nhiều câu, nhiều từ.



Đông (Với nghĩa: Đông đúc, Nhiều người) với Hán Việt chữ này có nghĩa là phương Đông.
 𪦸 󱵯 東 素 𬙚
 Lủc lan đong tó sí (Độ lộc)
 (Con cháu đông đúc với thời gian)
Bốc (Với nghĩa là: Cạn, khô); trong khi đó nghĩa của từ Hán Việt này là Bói toán.
 忒 㳍 𪜀 㳍 卜
 Rắc bó là bó bốc (Phóng lễ)
 (Giặt ở mỏ nước thì mỏ nước cạn)
Sa (Với nghĩa: The, lụa) với Hán Việt lại mang nghĩa là Cát, sa than là bãi cát, sa mạc là vùng cát mênh mông khó giới hạn…
 󰝚 𫰇 󰝙 紅 沙 䏾 橤
 Đang nọng sửa hồng sa bóng nhụy (Khảm hải)
 (Người em mặc áo the hồng tha thướt hấp dẫn)
Tốc (Nghĩa: Rơi, đánh mất một vật gì); với Hán Việt nghĩa là mau chóng, nhanh…
 󱵵 娘 盆 佐厥 速 𭙕
 Lùa nàng vuồn tả goảt tốc mừng (Khỏa quan)
 (Nàng dâu buồn bã để rơi quạt trên tay)

h. Dùng dấu nháy thêm vào bên chữ Nho (âm Hán Việt) giữ nguyên Hán tự, nghĩa khác từ gốc, đọc thành tiếng Tày.

󲂜Ghèng (Nghĩa: Nghiêng ngả, xiêu vẹo). Nguyên âm Hán Việt đọc là Canh (Nghĩa là: Biến đổi, trải qua), dấu nháy thường viết ở góc trên phải hay góc trên trái đều được, nhắc nhở người đọc không thể đọc là Canh, mà phải tìm tiếng cận âm nó, sau khi xem xét chữ đó trong văn cảnh (thí dụ: Cành, Ghèng chẳng hạn).
 𠲔 幼 𫰤 常 更 生 𪦸
 Riểc au mẻ nòn ghèng sinh lủc (Hiến lễ)
 (Hãy gọi về đây bà mẹ nằm nghiêng đẻ con)


i. Loại du nhập văn tự từ văn bản của dân tộc Choang (dân tộc thiểu số Trung Quốc ở sát biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn); hoặc có cải dạng từ Hán tự.


TS Cung Khắc Lược có viết bản tham luận dự hội thảo văn hóa dân gian Cao Bằng tháng 2/1993, trong đó có nói đến việc chữ Nôm Tày du nhập văn tự Choang. Tôi xin dẫn ý kiến trong bản tham luận đó.


Loại không thể phân tích được ra thành tố nhỏ hơn nữa (…) còn có những chữ nguyên khối do người Tày tạo ra, ví dụ: Mừa (Nghĩa là về), 󱶫 Hết (Nghĩa là làm), Khỏi (Nghĩa là tôi)… Những chữ này có số lượng không nhiều, nhưng rất hay dùng trong văn bản Nôm Tày. Có thể đây là những chữ Hán do người Tày mượn thẳng từ chữ Hán rồi viết tắt họ đã làm cải biến hình dạng khiến cho không tìm thấy hình ảnh của chúng trong từ điển Hán.


Cũng có một vài chữ như vậy có thể bắt gặp ở văn bản của người Choang. Chẳng hạn Mừa, Hác… Song xét cho cùng thì không ra ngoài hiện tượng chung là mượn chữ Hán viết tắt hoặc cải biến mà thành.


Ta thấy những chữ ấy có trong văn bản chữ Nôm Tày.

󲂝Ghê (Nghĩa: Cảm thấy muốn rùng mình); Nguyên chữ Hán Việt đọc là Kế (Nghĩa là: Kể lể). Đọc trong văn cảnh sẽ ra chữ Ghê.
 力 矇 欣 淰 乃 㐌 計
 Léc mủng hăn nặm nẩy đạ ghê (Phá trì)
 (Thoáng trông thấy nước này đã rùng mình)
Hác (Nghĩa: Tự khắc, một mình mình biết). Đồng nghĩa: Táng.
 󱵬 退 娘 隺 盆 每 佯
 Sắng thôi nàng hác vuồn mọi giưởng (Nàng Quyển)
 (Dặn xong nàng khắc buồn bã nhiều bề)
󱶫Hất (Nghĩa là: làm). Đồng nghĩa: Hết.
 近 興 󱶫 伴 対 𫣞 庄
 Gặn hâng hất bận đuổi hâư dằng (Hoàng Đức Hậu)
 (Bấy chầy làm bạn với ai chưa?)
Mừa (Nghĩa: Về)
 律 ⼹ 粑 曾 筩
 Loảt mừa bưa tằng thủng (Quyển lẩu)
 (Thu hết bột về cả thúng). Mừa thường viết 𪫆 hiếm khi viết .
Khỏi (Nghĩa: Tôi, Tôi tớ)
 圤 𫨰 役 世 󱶳 道 廊
 Khỏi pây viểc thế gian đạo lảng (Háng Tam Quang)
 (Tôi đi lo việc ch người đời trần thế


k. Du nhập chữ Nôm Việt đã có để làm chữ Nôm Tày, giữ nguyên hình, nguyên nghĩa, âm đọc khác (theo tiếng Tày) hoặc không khác.

𠁀Tởi (Nghĩa: Đời người, ở đời, cái đời). Mượn chữ Nôm Việt, đọc khác Việt, cùng nghĩa.
 生 沃 𠁀 淰 󰝡 沐 浴
 Sinh oóc tởi nặm đăm mộc dục (Cống sứ)
 (Sinh ra phải cái đời lấy nước đen tắm rửa)
 Đời (Tiếng Việt, đời người)
 𠁀 󰅻 禹 茄 夏坦 渃 太 平
 Đời vua Vũ nhà Hạ đất nước thái bình
Nàng (Từ trang trọng gọi các cô gái). Tày và Việt, cùng chữ, cùng nghĩa và cùng âm.
 經 史 娘 諸 買 保 林
 Kinh sử nàng chứ mại bấu lùm (Vọng cảnh)
 (Kinh sử nàng nhớ mãi không quên)
 Nàng (Nghĩa: Nàng)
 娘 謝 道 輼 吟 詠 古 詩
 Nàng Tạ Đạo Uẩn ngâm vịnh cổ thi


Trên đây là chín phương thức cấu tạo chữ Nôm Tày; trong đó có hai phương thức ít dùng hơn là sự du nhập của văn tự Choang và chữ Nôm Việt, vì dầu sao hệ thống từ vựng của các dân tộc vẫn có sự khác biệt.


Ta có thể tóm tắt chín phương thức cấu tạo chữ Nôm Tày như sau:


1. Ghép hai thành tố chữ Hán Việt, thành một thành tố chỉ âm, một thành tố chỉ ý, cũng là nghĩa từ đó. Ví dụ 𪥤 Nưa (Trên).


2. Dùng chữ Hán Việt, nguyên hình, âm đọc khác, cận nghĩa. Ví dụ Bấu (không).


3. Dùng Hán tự, nguyên hình, nguyên âm, nguyên nghĩa (khi tiếng Tày đó dùng âm, cùng nghĩa với tiếng Việt) Ví dụ Xuân (Mùa xuân).


4. Dùng chữ Hán Việt, khác âm (na ná), khác nghĩa tiếng Việt. Ví dụ Hải (Nghĩa là hái, ngắt) với tiếng Việt là Hại (thiệt hại).


5. Sáng tạo riêng biệt. Ví dụ 丿Phít (Thoắt một cái) Piấu (trống rỗng không có gì).


6. Dùng chữ Hán Việt, thêm dấu nháy, để đọc đúng tiếng Tày. Ví dụ 󰨯 Tấu (là con rùa chứ không phải Tấu, diễn Tấu); Ví dụ 󰁴 Gẳp (là bắt lấy chứ không phải Cập tiếng Hán Việt là tới, kịp thời).


7. Mượn vỏ ngôn ngữ của chữ Hán Việt ấy, nguyên hình nguyên âm nhưng nghĩa khác hoàn toàn. Ví dụ Lăng (Đằng sau, đằng sau lưng) khác với tiếng Việt Lăng là gò, đồi, lăng tẩm.


8. Du nhập của văn tự Choang (Trung Quốc).


9. Du nhập của văn tự Nôm Việt cùng chữ, cùng nghĩa, đọc giống hoặc không giống về âm.


III. KẾT LUẬN:


Ở Việt Nam, các dân tộc thuộc ngữ hệ Tày – Thái gồm 8 ethnies:


(1) Tày 1.190.342 người, (2) Thái 1.040.549 người, (3) Nùng 705.700 người, (4) Cao Lan – Sán Cháy 114.012 người, (5) Giáy (Nhắng, Giẳng) 37.964 người, (6) Lào 9.614 người, (7) Lự 3.684 người, (8) Bố Y 1.420 người24.


Các dân tộc này cứ trú từ vùng Việt Bắc – Tây Bắc (Miền Bắc Việt Nam) đến các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và một bộ phận nhỏ ở Lâm Đồng (Miền Nam Việt Nam).


Trong số 8 ethnies đó thì 5 ethnies đã có chữ viết từ lâu đời. Chữ viết cổ có gốc Sanskrit là chữ Thái, Lào, Lự; chữ viết cổ có gốc chữ Hán là Tày, Nùng. Văn tự phát triển đã đánh dấu một bước tiến mới của ethnies đó đi lên thêm một bậc thềm của văn minh, văn hiến. Hay nói như nhà dân tộc học Nguyễn Văn Hòa, Thư ký thường trực của Chương trình Thái học Việt Nam (Thuộc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) thì “trên trái đất này, một dân tộc nào đã sớm có chữ thì dân tộc đó không phải là một dân tộc hèn kém25.


Với người Tày, văn tự đầu tiên của họ có tự dạng hình vuông, chữ cái làm cơ sở là Hán tự và chữ Hán Việt, gọi là chữ Nôm Tày.


Chữ Nôm Tày bắt đầu được hình thành từ thế kỷ II SCN. Đến thế kỷ thứ V chữ Nôm Tày được biên soạn lại thành hệ thống. Người chế tác chữ Nôm Tày đó là Lê Thế Khanh, một vị túc nho ở tỉnh Cao Bằng; ta coi ông là tổ sư chữ Nôm Tày.


Các nhà trí thức dân tộc tiếp tục sử dụng, cải tiến chữ Nôm Tày để ghi chép các tác phẩm văn học dân gian khuyết danh và những tư liệu cổ khác. Đến thế kỷ XVI-XVII chữ Nôm Tày đã hoàn chỉnh. Các phương thức cấu tạo chữ Nôm


Tày đã nói rằng. Thế kỷ ấy đã để lại những tác phẩm văn học khuyết danh và có tác giả, có giá trị.


Và cũng nhờ có chữ Nôm Tày, ngày nay ta còn lưu giữ được nhiều tư liệu cổ khá phong phú về văn học, về ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, về lịch và liên quan đến lịch, về y tế, phong tục… 


Chữ Nôm Tày và các tư liệu cổ ghi chép bằng chữ Nôm, là những di sản của tiền nhân để lại vô cùng quý báu, mang trong mình nó bản sắc dân tộc đậm đà.


Cao Bằng mùa xuân 2001 H.T.A

Chú thích


1. Theo Trần Quốc Vượng, Văn hoá dân gian Cao Bằng, Hội văn nghệ Cao Bằng 1993, Tr.58

2. Nam phong tạp chí số 172-173 (tháng 5.6-1932), chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.

3. Vi Khánh Ổn, Quốc nội thiểu số dân tộc ngôn ngữ văn tự đích khải huống, Trung Hoa Thư Cục, Thượng Hải, 1951.

4. Theo Trương Chính, Lược thảo Lịch sử văn học. Việt Nam, Tập I. NXB Xây dựng.1957. Tr.118

5. Viện dân tộc học, Pụt Tày, NXB Khoa học xã hội. 1992. Tr.12

6. Hứa Thận tự là Thúc Trọng, người đất Thiếu Lăng (Nay thuộc tỉnh Hà Nam) làm chức Thái uý tế tửu đới Hậu Hán 25-220, học rộng biết nhiều, thuộc làu kinh sử, nổi tiếng đương thời. Ông soạn bộ Từ điển “Thuyết văn giải tự” trong 22 năm trời ròng rã, gồm 30 cuốn, số chữ đưa ra trình bày giải thích là 9.353 chữ.

7. Xem chú thích (2).

8. Xem thêm Kiều Thu Hoạch, Truyện Nôm – Nguồn gốc bản chất thể loại, NXb Khoa học xã hội Hà Nội, 1992. Tr.263-264.

9. Viện dân tộc học, Pụt Tày, NXB Khoa học xã hội, 1992, Tr11-12.

10. Viện Dân tộc học, Các dân tộc Tày Nùng ở Việt Nam, Hà Nội 1992. Tr.263

11. Lục Văn Pảo, Lượn Cọi, NXb Văn hóa dân tộc 1994, Tr.13

12. Khâm định việt sử thông giám cương mục, Q7.T2.26a.

13. Kiều Thanh Quế, Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam, NXb Đời Mới, 1943.

14. Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn học sử yếu, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, 1950, Tr.106.

15.    a. Bế Huỳnh, Cao Bằng tạp chí (1920), Lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam.

b. Nguyễn Văn Huyên, Recueil des chants de mariage Thổ de Lạng Sơn et Cao Bằng.

c. Đào Duy Anh, Chữ Nôm: Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, NXB Khoa học xã hội, 1975.

d. Lã Văn Lô, Vấn đề Thư tịch Hán Nôm trong các dân tộc ít người, 1979.

e. Hoàng Văn Hựu. Hiện trạng sách Nôm Tày, 1979.

g. Bế Viết Đẳng, Viện Dân tộc học, Pụt Tày, NXB Khoa học xã hội, 1992.

h. Cung Khắc Lược, Văn hóa và văn tự Nôm Tày Nùng Cao Bằng… (trong cuốn Văn hóa dân gian Cao Bằng, Hội Văn nghệ Cao Bằng, 1993).

i. Lục Văn Pảo, Lượn Cọi, NXB Văn hóa dân tộc, 1994.

16. Xem thêm bài viết của Hoàng Hồng Cẩm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) in trong Văn hóa dân gian Cao Bằng, Hội VNCB, 1993, Tr.28, giới thiệu khá kỹ cuốn Cao Bằng tạp chí của Bế Huỳnh.

17. Quỳnh Cư – Đỗ Như Hùng, Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh niên, 1993, Tr.35.

18. Xem chú thích (6).

19. Nguyễn Văn Huyên, Sách đã dẫn, BEFEO.1941.

20. Đào Duy Anh, Chữ Nôm: Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1975. Phụ lục: Tìm hiểu chữ Nôm Tày. Tr.210-220.

21. Văn hóa dân gian Cao Bằng, Sách đã dẫn, Tr.53-54.

22. Viện Dân tộc học, Pụt Tày, NXB Khoa học xã hội, 1992, Tr 12.

23. Viện dân tộc học, Pụt Tày, NXB Khoa học xã, 1992, Tr 12.

24. Theo số liệu Tổng điều tra dân số của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1989.

25. Chương trình Thái học Việt Nam, Văn hóa và lịch sử của người Thái ở Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, 1998, Tr.45.