Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ or Hán-Nôm:

Entry trêu tức
trêu tức 嘹𠺒
◎ Thanh phù: liệu 嘹, tức 息. Phiên khác: giéo giắt (TVG), déo dắt (ĐDA, VVK), leo lét (MQL), réo tức (Schneider, PL), cách phiên này đúng mặt chữ Nôm, nhưng như vậy coi “réo tức” là tiếng kêu của chim đỗ quyên. Xét Từ Nguyên, “trêu” vốn là chữ 撩 (AHV: liêu), ví dụ: trêu râu hùm (撩虎鬚), trêu ong phải nọc (撩蜂吃螫). Kiểu tái lập: kleu¹.
đgt. chọc giận. Thục Đế để thành, trêu tức, phong vương đắp luỹ, khóc rân. (Điệp trận 250.5). “khóc rân” là trỏ tâm trạng của bướm khi bị đàn ong thợ chặn không cho vào tổ ăn mật, cho nên “trêu tức” cũng vẫn có chủ thể là bướm (chứ không phải là của Thục Đế như trước nay vẫn hiểu). Lý Thương Ẩn trong bài Cẩm sắt có câu: “Trang sinh tỉnh mộng mê là bướm, Vọng đế lòng xuân mượn cuốc kêu.” (莊生曉夢迷蝴蝶,望帝春心託杜鵑 trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp, Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên). Trang Chu tỉnh giấc mộng rồi vẫn còn băn khoăn rằng mình là Trang Chu hoá bướm hay giờ đang là ở một giấc mộng khác: bướm hoá Trang Chu. Thục Đế mất nước, tiếc nhớ đế vị, cũng như chim đỗ quyên kêu xót vì nhớ tiếc cả mùa xuân đã qua. Sự đan cài các điển nghĩa ở đây cho thấy sự chồng ghép các ý tưởng thơ: mất nước - tiếc xuân - và tất cả chỉ là giấc mộng. Nguyễn Trãi đã dịch gộp cả hai câu thơ của Lý Thương Ẩn: Thục Đế đã bỏ thành quốc ra đi, chỉ còn lại đây đàn bướm xuân mộng mị và nhởn nhơ như đang trêu tức con người.