Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ or Hán-Nôm:

Entry sắc không
sắc không 色空
dt. sắc và không là hai trạng thái của các vật nơi cõi trần: sắc là có hình tướng hiện ra thấy được; không là không hình tướng, không thấy được. Sắc và không ấy là nói tương đối với con mắt phàm của chúng ta: có hình tướng mà mắt thấy được gọi là sắc, còn mắt phàm không thấy gì cả thì gọi là không. Kinh bát nhã của Phật giáo có câu: sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc. (sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc). Theo quan niệm về nhân sinh của Phật giáo, muôn vật do sự biến đổi mà sinh ra, vốn không có thiệt. Thân thể của chúng ta hay của vạn vật là sắc, chỉ có tạm trong một thời gian sống, sau đó chết đi, xác thân rã tan biến trở lại thành không. Rồi từ chỗ không lại biến hoá thành hình tướng tức là sắc. Ai nhận biết được chân lý sắc không này thì không còn chấp cái sắc tướng, tức là chấp cái xác thân nơi cõi trần, thì người đó dứt được phiền não. Chiều mai nở chiều hôm rụng, sự lạ cho hay tuyệt sắc không. (Mộc cận 237.4). “sự lạ cho hay tuyệt sắc không, là một lời phát biểu điều tác giả tâm đắc về một chân lý của Phật mới được đốn ngộ. sự lạ là tiếng than khi nhận biết, đắc ngộ được một điều gì. Chiều mai nở chiều hôm rụng của bông hoa được tác giả nhận biết làm cho tác giả lĩnh hội được thuyết sắc không. Hoa sớm nở tối tàn, thì có bao giờ, có giây phút nào cái hoa thực sự được tồn tại ? như trên đã nói mọi vật đều là biểu hiện của tâm, cho nên là hư ảo và vô thường. Như vậy cũng có nghĩa là mọi vật luôn luôn trong sự biến hoá, luôn luôn đang sinh và luôn luôn đang diệt. Và, từ đó mà cũng là hư ảo, là không. Cho hay tuyệt sắc không, có nghĩa: mới biết tất thảy mọi vật trên thế gian xem như có dáng sắc thật đó mà kỳ thực chỉ là hư không. Kết quả vô minh không còn, vì lòng khát khao, tham luyến cũng dứt. Việc làm bây giờ không tạo được quản, thì quả của nghiệp trước được chồng chất phải hết, như vậy là thoát khỏi luân hồi, sinh tử đạt tới niết bàn.” [NN Luân 1992: 40].