Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ or Hán-Nôm:

Entry diều
diều 鷂
◎ Nôm: 鷂 AHV: diêu.
dt. <Nho> diều hâu, diều gốc Hán, hâu gốc Việt, loài chim ăn thịt, hình giống chim ưng nhưng nhỏ hơn (nên gọi là diều ưng 鷂鷹), thường bắt gà con và các loài chim non để ăn, dùng để ví với cái ác hay bọn tiểu nhân. văn điếu Khuất Nguyên của Giả Nghị đời Hán có câu: “Loan phượng náu mình chừ, diều cú cao bay: rều rác vinh hiển chừ, gièm dua đắc chí; hiền thánh long đong chừ, thẳng ngay sấp ngửa.” (鸞鳳伏竄兮,鴟梟翺翔:闒茸尊顯兮,讒諛得志;賢聖逆曳兮,方正倒植 loan phượng phục thoán hề, si hiêu cao tường: tháp nhung tôn hiển hề, sàm du đắc chí; hiền thánh nghịch duệ hề, phương chính đảo thực). Cả câu ý nói: người quân tử như chim loan chim phượng phải náu mình vì bị cuộc đời ô trọc ngăn trở, còn nhiều lũ diều cú (tiểu nhân) thừa cơ lại được bay lượn hoành hành. Phượng những tiếc cao diều hãy liệng, hoa thì hay héo cỏ thường tươi. (Tự thuật 120.5).
đc. <Nho> dịch cụm 鳶飛魚躍 diên phi ngư dược (con diều bay, con cá nhảy). Sách Trung Dung có đoạn: “đạo của người quân tử thật rộng lớn nhưng cũng rất vi diệu. Dù có thế thì đến cả người ngu dốt trong đám đàn ông đàn bà cũng có thể biết được phần nào. Còn như đến đỉnh điểm của nó, thì dẫu thánh nhân cũng còn có điều không thể biết được. Dẫu là những người kém cỏi trong đám đàn ông đàn bà bình thường, cũng có thể thi hành được phần nào. Còn như đến đỉnh điểm của nó, thì dẫu thánh nhân cũng còn có điều không làm được. Rộng lớn như trời đất, mà người ta còn cảm thấy có chỗ không vừa ý. Cho nên đạo của người quân tử, nếu nói chỗ lớn, thì trong thiên hạ chẳng có gì có thể bao chứa được nó; nếu nói chỗ nhỏ, thì trong thiên hạ chẳng có gì có thể tách chia được nó. Kinh Thi nói: “chim diều bay lên trời cao, con cá lặn xuống vực sâu”. Tức là nói xét cả trên trời dưới đất vậy.” (君子之道費而隱。夫婦之愚,可以與知焉,及其至也,雖聖人亦有所不知焉;夫婦之不肖,可以能行焉,及其至也,雖聖人亦有所不能焉。天地之大也,人猶有所憾,故君子語大,天下莫能載焉;語小,天下莫能破焉。《詩》云:‘鳶飛戾天,魚躍于淵’言其上下察也). Bành được thương thua: con tạo hoá, diều bay cá dảy đạo tự nhiên. (Tự thán 103.4). Câu này ý nói cái đạo bao trùm mọi sự vật trong thế giới.