Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ or Hán-Nôm:

Entry Stieng
làm lành 𫜵冷 / 𬈋冷
đgt. <Nho> dịch chữ vi thiện 為善 (hành thiện, làm việc thiện). Sách Mạnh Tử thiên Công tôn sửu thượng có đoạn: “Mạnh Tử nói: Tử Lộ kia, người ta đem chuyện lỗi lầm nói với nó thì nó lại vui. Trong khi, vua vũ nghe điều thiện thì vái lạy. Vua Thuấn cao hơn cả, cùng người làm việc thiện. Bỏ ý của riêng mình mà thuận theo ý của dân, dân vui thì cho đó là làm điều thiện.tự cày, tự gieo hạt, tự đào giếng, tự câu cá cho đến làm vua, không có việc nào là không theo dân. Theo dân là làm điều thiện, ấy là cùng dân làm điều thiện vậy. Cho nên, quân tử không có việc gì quan trọng bằng việc làm điều thiện cùng với dân.” (孟子曰:“子路,人告之以有過則喜。禹聞善言則拜。大舜有大焉,善與人同。舍己從人,樂取於人以為善。自耕、稼、陶、漁以至為帝,無非取於人者。取諸人以為善,是與人為善者也。故君子莫大乎與人為善). hậu Hán Thư phần Liệt truyện ghi: “Có hôm hỏi Đông Bình Vương rằng ở nhà thì việc gì là vui nhất. Vương trả lời rằng làm thiện là vui nhất, lời ấy thực cao rộng, thực đáng là lời nằm lòng.” (日者問東平王處家何等最樂,王言為善最樂,其言甚大,副是要腹矣). Nguyễn Trãi từng viết: “sửa mình mới biết thiện là vui” (修己但知善為樂 tu kỷ đãn tri thiện vi lạc). Làm lành mới cậy chớ làm dữ, có đức thì hơn nữa có tài. (Tự thán 92.5, 99.8)‖ (Bảo kính 147.5).
lỗi 纇
◎ Nôm: 磊 lỗi nghĩa gốc là mấu tơ, đốt tơ chỗ sợi tơ bị thắt nút, khiến sợi tơ ấy không dùng được nữa, lưu tích hiện còn trong từ rối của tiếng Việt. Sách Thuyết Văn ghi: “Lỗi: là cái đốt của sợi tơ.” (纇, 絲節也). Sách Thông Tục Văn ghi: “Tơ mà nhiều đốt thì gọi là lỗi.” (多節曰纇 đa tiết viết lỗi). Lại có câu “Như ngọc có vết, như tơ có lỗi.” (如玉之有瑕,絲之有纇 như ngọc chi hữu hà, ti chi hữu lỗi). Sau lỗi trỏ tì vết khuyết điểm của các sự vật nói chung, ví dụ: la ẩn  trong Sàm thư  phần Tạp thuyết có câu rằng: “Ngọc khuê ngọc bích, dù tì vết nhỏ li ti, người ta tất cũng nhìn ra.” (然珪璧者,雖絲粟玷纇, 人必見之 nhiên khuê bích giả, tuy ti túc điếm lỗi, nhân tất kiến chi). Sau cùng, lỗi 纇 trỏ nghĩa: sai, thực hiện không đúng.
tt. <từ cổ> không đúng, không theo chính đạo. Đạo quân thân nhẫn dầu ai lỗi, hổ xanh xanh ở trốc đầu. (Bảo kính 159.7). Lỗi còn có âm THVrối.
tt. <từ cổ> nhầm, lầm, lưu tích còn trong lỗi lầm. Lỗi hoà đàn, tinh Bắc Đẩu, lang một điểm, thuỵ Liêu Đông. (Trư 252.3).
mùi 味
◎ Đọc âm THV. AHV: vị.
dt. mùi vị (khứu giác). Lành người đến, dữ người dang. Yêu xạ vì nhân mùi có hương (Bảo kính 147.2, 170.4, 172.1)‖ (Cúc 216.8)‖ (Đào hoa thi 227.4).
dt. mùi vị (vị giác: đắng, ngọt, chua chát). Miệng người tựa mật, mùi qua ngọt, đạo thánh bằng tơ, mối hãy dài. (Tự thán 91.5)‖ (Huấn Nam Tử 192.6)‖ (Giá 238.4).
dt. mùi vị (cảm giác). Say mùi đạo, chè ba chén, rửa lòng phiền thơ bốn câu. (Thuật hứng 58.5)‖ Chông gai nhẻ đường danh lợi, mặn lạt no mùi thế tình. (Tự thán 80.4)‖ Mùi đạo. (Tự thán 87.1)‖ Mùi đạo. (Tự thuật 114.5). x. múa.
sày 師
◎ Nôm: 柴 Đọc âm HHV. AHV: sư. OCM *sri [Schuessler 2007: 461]. Bụt là thầy cả trong tam giới. 如來是三界大師 (Phật Thuyết 7a). Chữ Nôm 舍賴哿, đối dịch chữ đại sư; cả < đại; 舍賴 (xá lại) < 師, được tái lập là một âm có tổ hợp phụ âm đầu là sr-. [NT Cẩn 2008; NQ Hồng 2008: 135], và salaj⁶ [Shimizu Masaaki 2002: 769]. Nay theo thuyết của NT Cẩn. *sri là âm của chữ 師 vào quãng thế kỷ VI trở về trước, đến đời Đường mới đọc thành *si (sư). Nhưng dấu vết cổ của nó vẫn được bảo lưu trong tiếng Việt vào quãng thế kỷ XII qua sách Phật Thuyết. Chữ Nôm QATT và các văn bản nôm thường dùng sài 柴 để ghi thày. Rhodes đã ghi nhận thày chứng tỏ đến thế kỷ XVII quá trình sày > thầy đã hoàn tất. Thế kỷ XV- xvi có lẽ vẫn đọc là sày. An Nam dịch ngữ ghi: “僧人: 隨委”, được Vương Lộc tái lập là [suei uei], và giải nghĩa là người sư (sãi) [1997: 152], theo chúng tôi đây là ghi âm người sày (thày). Tày: sày, sấy [HTA 2003: 437 - 463].
dt. <Nho> tiên sư, người dạy học. (Mạn thuật 25.4)‖ (Tự thán 94.8)‖ (Bảo kính 167.5, 173.3).
dt. <Phật> thầy chùa. Cảnh tựa chùa chiền, lòng tựa sày, có thân chớ phải lợi danh vây. (Ngôn chí 11.1)‖ (Miêu 251.2).
dt. thầy thuốc, người chữa bệnh. Ai rặng túi sày chăng đủ thuốc, hay vườn đã có vị trường sinh. (Hoàng tinh 234.3).