Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ or Hán-Nôm:

Entry Pọng
làm lành 𫜵冷 / 𬈋冷
đgt. <Nho> dịch chữ vi thiện 為善 (hành thiện, làm việc thiện). Sách Mạnh Tử thiên Công tôn sửu thượng có đoạn: “Mạnh Tử nói: Tử Lộ kia, người ta đem chuyện lỗi lầm nói với nó thì nó lại vui. Trong khi, vua vũ nghe điều thiện thì vái lạy. Vua Thuấn cao hơn cả, cùng người làm việc thiện. Bỏ ý của riêng mình mà thuận theo ý của dân, dân vui thì cho đó là làm điều thiện.tự cày, tự gieo hạt, tự đào giếng, tự câu cá cho đến làm vua, không có việc nào là không theo dân. Theo dân là làm điều thiện, ấy là cùng dân làm điều thiện vậy. Cho nên, quân tử không có việc gì quan trọng bằng việc làm điều thiện cùng với dân.” (孟子曰:“子路,人告之以有過則喜。禹聞善言則拜。大舜有大焉,善與人同。舍己從人,樂取於人以為善。自耕、稼、陶、漁以至為帝,無非取於人者。取諸人以為善,是與人為善者也。故君子莫大乎與人為善). hậu Hán Thư phần Liệt truyện ghi: “Có hôm hỏi Đông Bình Vương rằng ở nhà thì việc gì là vui nhất. Vương trả lời rằng làm thiện là vui nhất, lời ấy thực cao rộng, thực đáng là lời nằm lòng.” (日者問東平王處家何等最樂,王言為善最樂,其言甚大,副是要腹矣). Nguyễn Trãi từng viết: “sửa mình mới biết thiện là vui” (修己但知善為樂 tu kỷ đãn tri thiện vi lạc). Làm lành mới cậy chớ làm dữ, có đức thì hơn nữa có tài. (Tự thán 92.5, 99.8)‖ (Bảo kính 147.5).
măng tằng 瞢䁬
◎ Nôm : 恾曾. Phiên khác: màng tang: vùng thái dương chỗ tai giáp trán (TVG), mang từng (VVK), mằng tằng (ĐDA, Schneider), mằng tăng (MQL). Nay theo gợi ý của nhóm MQL, sửa là “măng tằng”. Xét, chữ 瞢 có AHV là “măng”, thường quen đọc là “manh” trong “thong manh” (mù dở). Chữ “tằng 㬝”: sách Quảng Vận ghi “tạc lăng thiết” (昨棱切), Tập Vận ghi: “Âm tằng” (音層), sách Loại Thiên ghi: “Măng tằng: mắt mờ không được sáng” (瞢㬝目不明貌) [Khang Hy Tự Điển 2006: 905].
đgt. HVVD <từ cổ> lờ mờ, nhá nhem, chạng vạng tối, mơ hồ. Sách Tự Đức Thánh Chế Tự Học có câu: măng tằng con mắt lem hem [chuyển dẫn MQL: 863]. Non tây bóng ác đã măng tằng, dìn đỉnh tùng thu vãng chừng. (Tự thán 98.1). Ai xui nên nỗi măng tằng, lòng dùng phảng phất dưới trăng vật vờ. (Thiên Nam Ngữ Lục c. 7179).
ra tay thước 囉揌𡱩
đgt. khng.. Trù mưu lập kế. Vệ nam mãi mãi ra tay thước, điện bắc đà đà yên phận tiên. (Bảo kính 183.5). Ss chữ đao thước (刀尺) với nghĩa “quy củ, định chế, pháp luật”. Quán Hưu đời Tiền Thục có câu: “nuôi dân dao thước chăng hình tích, nổi tiếng văn chương có bậc thầy” (活民刀尺雖無象,出世文章豈有師 hoạt dân đao thước tuy vô tượng, xuất thế văn chương khởi hữu sư).
sa 沙
dt. bãi cát. Diếp còn theo tiên gác phượng, rày đà kết bạn sa âu. (Bảo kính 162.4). đng doi. x. đồi.
sào 篙
◎ Nôm: 高 Văn bia Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi ký khắc năm 1157 ghi “nhị bán cao” nghĩa là “hai sào rưỡi” [văn bia thời lý 2010]. Phiên khác: cao (TVG, ĐDA, Schneider, VVK, BVN, MQL, NTN, PL). TV Giáp còn đề xuất cách hiểu “cao” viết nhầm từ “膏” nghĩa là “mỡ tức là mực, ý nói con trâu ở trong cái nghiên mực, được bồi dưỡng nhiều về chất béo của văn chương” (1956: 180). Xét, “sào văn” chuẩn đối với “ruộng thánh”. Nay đề xuất. Ss đối ứng k’aw (20 thổ ngữ Mường), ʂaw (5), t’aw (1), p’aw (1) [NV Tài 2005: 266].
dt. đơn vị đo lường ruộng đất thời xưa, mười sào bằng một mẫu. Nguyên nghĩa là “đồ đo ruộng có 15 thước mộc” sau dùng “sào mẫu, sào đất, sào ruộng” [Paulus của 1895: 903]. Về văn tự, “sào” có chính tự là 篙 (cây sào). Như vậy, có thể xác định, “sào” (cây gậy để đo) là một từ gốc Hán, cho nên “sào” (đơn vị đo lường) là một từ gốc Hán Việt dụng. Về ngữ âm, AHV có thuỷ âm k-, âm nôm có thuỷ âm s-, có thể tái lập ngữ âm là *krao². Quá trình biến âm từ Hán sang Việt sẽ là cao > *krao² > sào. Âm s- bắt đầu từ thế kỷ XVI về sau. Khoẻ cày ruộng thánh đà nhiều khóm, được dưỡng sào văn vô số phần. (Nghiễn trung ngưu 254.6).
sày 師
◎ Nôm: 柴 Đọc âm HHV. AHV: sư. OCM *sri [Schuessler 2007: 461]. Bụt là thầy cả trong tam giới. 如來是三界大師 (Phật Thuyết 7a). Chữ Nôm 舍賴哿, đối dịch chữ đại sư; cả < đại; 舍賴 (xá lại) < 師, được tái lập là một âm có tổ hợp phụ âm đầu là sr-. [NT Cẩn 2008; NQ Hồng 2008: 135], và salaj⁶ [Shimizu Masaaki 2002: 769]. Nay theo thuyết của NT Cẩn. *sri là âm của chữ 師 vào quãng thế kỷ VI trở về trước, đến đời Đường mới đọc thành *si (sư). Nhưng dấu vết cổ của nó vẫn được bảo lưu trong tiếng Việt vào quãng thế kỷ XII qua sách Phật Thuyết. Chữ Nôm QATT và các văn bản nôm thường dùng sài 柴 để ghi thày. Rhodes đã ghi nhận thày chứng tỏ đến thế kỷ XVII quá trình sày > thầy đã hoàn tất. Thế kỷ XV- xvi có lẽ vẫn đọc là sày. An Nam dịch ngữ ghi: “僧人: 隨委”, được Vương Lộc tái lập là [suei uei], và giải nghĩa là người sư (sãi) [1997: 152], theo chúng tôi đây là ghi âm người sày (thày). Tày: sày, sấy [HTA 2003: 437 - 463].
dt. <Nho> tiên sư, người dạy học. (Mạn thuật 25.4)‖ (Tự thán 94.8)‖ (Bảo kính 167.5, 173.3).
dt. <Phật> thầy chùa. Cảnh tựa chùa chiền, lòng tựa sày, có thân chớ phải lợi danh vây. (Ngôn chí 11.1)‖ (Miêu 251.2).
dt. thầy thuốc, người chữa bệnh. Ai rặng túi sày chăng đủ thuốc, hay vườn đã có vị trường sinh. (Hoàng tinh 234.3).
sá 舍
xá.
p. <từ cổ> đâu, đâu có. “sá: kể, lấy làm trọng. Bao sá: chẳng kể chi. Sá bao. Sá chi. Chi sá. Chẳng sá chi. Sá gì.” [Paulus của 1895: 890]. Ấy còn lãng đãng làm chi nữa, tiếc mình chơi áng thuỷ vân. (Mạn thuật 29.8)‖ Lợi danh sá quản tầm thường. Sơ Kính Tân Trang c. 1089.
p. <từ cổ> hãy, nên. “xá: tua, phải. Xá kíp: tua kíp, phải cho kíp. xá tua. id.” [Paulus của 1895: 1183]. Thường dịch kèm theo các động từ năng nguyện như nguyện 愿, thỉnh 請. táp thỉnh hết đại chúng sá kính hết thửa để tin<大眾恭竭志誠.(Phật Thuyết 3a1). nguyện Bụt sá mở thửa nhiệm nhặt < 佛開微密 (Phật Thuyết 6a9). (Ngôn chí 2.2)‖ (Mạn thuật 24.4)‖ (Mạn thuật 32.4, 33.4, 34.7)‖ Non nước cùng ta đã có duyên, được nhàn dưỡng tính tự nhiên. (Tự thán 74.2, 86.4, 91.4, 108.6)‖ (Tự thuật 114.8, 116.2)‖ (Tức sự 125.6)‖ (Bảo kính 130.7, 152.5)‖ (Tảo xuân 193.8). xá, tua xá, hãy xá. Phb. hợp.
sất sơ 𱑎踈
◎ (suất sơ). Phiên khác: xác xơ (TVG), suất xơ: tiêu sơ, tiêu điều (ĐDA), thoắt xơ: đột nhiên xơ xác (Schneider, PL). Nghĩa khá tập trung, chỉ khác về phương án phiên. Cách phiên “xác” không hợp với thanh phù “suất” của chữ Nôm. Cách phiên “thoắt” của Schneider khắc phục được điều này, nhưng tỏ ra ép nghĩa. Xét cách ghi âm, đây là một từ láy thuỷ âm. Nên phiên là “sất sơ”, từ thế kỷ XVII về sau đọc là “thất thơ”.
tt. <từ cổ> xơ xác. Chữ “thất thơ” sau cho một biến thể láy khác: “thất thơ thất thưởng: bộ đi lưởng thưởng, yếu đuối như cò ma, chó đói” [Paulus của 1895 t2: 377]. Phồn hoa một đoạn tỉnh mơ, mẽ chuông tàn cảnh sất sơ. (Tự thán 108.2).
tiểu lợi 小利
dt. cái lợi nhỏ. Sách Luận Ngữ ghi: “Chớ có dục tốc, chớ có ham tiểu lợi. Dục tốc thì sẽ chẳng thành; mê tiểu lợi thì sẽ chẳng nên” (無欲速,無見小利。欲速,則不達;見小利,則大事不成). Sách đại đái Lễ Ký ghi: “Thích kiếm tiểu lợi thì làm hại đến chính trị” (好見小利,妨於政). Sách Đại Huyền Kinh ghi: “Chuyện tiểu lợi mà không cắt đứt được thì chính đạo sẽ mờ tối” (小利不絕、正道乃昏也). Ăn lộc nhà quan chịu việc quan, chớ tham tiểu lợi phải gian nan. (Bảo kính 144.2).
trọng 重
◎ Thiết âm: trụng.
đgt. trái với khinh. Người tham phú quý người hằng trọng, ta được thanh nhàn ta sá yêu (Mạn thuật 24.3)‖ (Tự thán 99.7)‖ (Bảo kính 145.3)‖ (Giới sắc 190.2)‖ (Mai thi 225.2).