Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ or Hán-Nôm:

Entry Nghiêm Quang
Nghiêm Quang 嚴光
dt. (? - ?), vốn mang họ Trang, người đời sau vì kỵ huý vua Hán Minh Đế Lưu Trang mà cải họ, lại có tên là Tôn, tự là Tử Lăng , người Dư Diêu. Ông là người cùng học với Lưu Tú. Đời Đông Hán niên hiệu Kiến Vũ thứ nhất (25), Lưu Tú lên ngôi, tức Quang Vũ Đế, Nghiêm Quang bèn đổi họ đi ở ẩn ở bờ sông Phú Xuân (Đồng Lô, Hàng Châu, Chiết Giang), ngày ngày buông câu trên bờ, sau chỗ này gọi là nghiêm Tử Lăng điếu đài (đài câu Tử Lăng). Lưu Tú nhớ bạn hiền thuở xưa, sai người vẽ hình Tử Lăng cho tìm khắp thiên hạ, khi được tin liền sai sứ gióng xe ba lần vời về kinh đô Lạc Dương. Khi ấy có người quen cũ là hầu bá đang lĩnh chức tư đồ, sai người đến hỏi thăm, quang nói rằng: “Lòng nhân bỏ nghĩa thiên hạ vui, a dua theo chỉ thì sớm chết.” (懷仁輔義天下悦,阿諛順旨要領絕 hoài nhân phụ nghĩa thiên hạ duyệt, a du thuận chỉ yếu lĩnh tuyệt). Đến khi Lưu Tú đích thân tới thăm, Nghiêm Quang nằm không thèm dậy, vua bèn vỗ vào bụng nói, chà Tử Lăng, vì sao chẳng ra giúp ta? Tử Lăng hồi lâu mới giương mắt nhìn rồi đáp, kẻ sĩ vốn có chí, việc gì mà đến bức nhau thế? Lưu Tú đành lên xe về. Sau Quang Vũ Đế lại vời quang vào cung nói chuyện cũ, nằm chơi nói chuyện với nhau cả đêm. Tương truyền quang còn gác cả chân lên bụng vua. Vua định trao chức gián nghị Đại phu, nhưng Nghiêm Quang không chịu, lại về núi Phú Xuân cày cấy câu cá. Sau lại chuyển về quê, thọ tám mươi tuổi. Kham hạ Nghiêm Quang từ chẳng đến, Đồng Giang được nấn một đài câu. (Bảo kính 153.7). x. Tử Lăng.