Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ or Hán-Nôm:

Entry Katu
bèo 苞 / 䕯
dt. loại cây thuỷ sinh trên mặt nước. Ao cạn vớt bèo cấy muống, đìa thanh phát cỏ ương sen. (Thuật hứng 69.3).
dt. (bóng) ví thân phận bé nhỏ không tự quyết định được đời mình, phải nổi nênh theo dòng đời, hoặc trỏ thân tha hương dịch chữ bình 萍, trong chữ lục bình. Tưởng thân hư ảo nổi bằng bèo, chí cũ công danh vuỗn rã keo. (Mạn thuật 32.1)‖ Vi Trang 韋庄 trong bài Dữ đông ngô sinh tương ngộ có câu: “mười năm thân dạt như bèo, khóc nhau tóc trắng dải lèo lệ tuôn” (十年身事各如萍, 白首相逢泪满纓 thập niên thân sự các như bình, bạch thủ tương phùng lệ mãn anh). Vương Bột trong bài Đằng vương các tự có câu: “Ải non khó vượt, ai buồn cho kẻ lênh đênh? bèo nước gặp nhau, thảy đều tha hương đất khách.” (關山難越, 誰悲失路之人?萍水相逢, 盡是他鄉之客 quan san nan việt, thuỳ bi thất lộ chi nhân? bình thuỷ tương phùng, tận thị tha hương chi khách.). Phiên khác tại 32.1: bào: bọt, bóng nước, dẫn câu “nhân sinh tại thế nhược phù âu” trong khoá hư lục. (TVG, Schneider). Xét, chữ “bào” là từ gốc Hán “泡”, trong “bào ảnh”, “nghĩ thân phù thế mà đau. Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.” (Nguyễn Gia Thiều - cung oán ngâm khúc). Xét, phiên “bèo” để bắt vần với “keo”, “chèo”, “nghèo”, “eo” [PL 2012: 341]. cn bèo bọt, bèo mây, bèo nước.
bích đào 碧桃
dt. loại đào thắm, cánh dày. Cửa động chẳng hay lìa nẻo ấy, bích đào đã mấy phút đâm hoa. (Tự thuật 118.8) câu này dịch ý từ câu thơ: “chẳng biết lưu lang khi đi khỏi, hoa đào đã mấy độ đâm cành mới” (不識劉郎歸去後桃花已發幾新枝 bất thức lưu lang quy khứ hậu, đào hoa dĩ phát kỷ tân chi?).
bần tiện 貧賤
tt. nghèo hèn. Họ hoàng chú sách Luận Ngữ rằng: “không có vị trí gì thì gọi là tiện” (無位曰賤 vô vị viết tiện). Vinh hoa nhiều thấy khách đăm chiêu, bần tiện ai là kẻ chuộng yêu? (Bảo kính 135.2).
bằng hữu 朋友
dt. bạn bè. Có thân mựa lệ bượp bằng hữu, đọc sách thì xem thấy thánh hiền. (Tự thán 103.5).
bến 𣷷
◎ Ss đối ứng: bến (Tày) [HTA 2003: 38].
dt. nơi đỗ thuyền. Đai lân bùa hổ lòng chăng ước, bến trúc đường thông cảnh cực thanh. (Tức sự 123.6)‖ (Bảo kính 157.3).
bể triều quan 𣷭朝官
dt. dịch chữ hoạn hải 宦海 (bể hoạn), trỏ chốn quan trường nhiều chông gai bất trắc không lường trước được cũng giống như sóng gió trên biển, nên còn gọi là hoạn hải ba đào. Lục Du trong bài Tạ tiền tham chính khải có câu: “trường danh lặn lội, bao người tóc trắng ấy công toi; bể hoạn phiêu lưu, ngắm kẻ áo xanh mà cười mỉm” (名塲蹭蹬,幾白首以無成;宦海漂流,顧青衫而自笑 danh tràng tăng đắng, kỷ bạch đầu dĩ vô thành; hoạn hải phiêu lưu, cố thanh sam nhi tự tiếu). Thấy bể triều quan đà ngại vượt, trong dòng phẳng có phong ba. (Bảo kính 168.7).
quỷ thần 鬼神
dt. quỷ và thần. Đói khó thì làm việc ngửa tay, chớ làm sự lỗi, quỷ thần hay. (Bảo kính 171.2).
rỉ 𠯇
đgt. nói nhỏ cho biết. x. dỉ.
sáu mươi 󰮏𱑕
◎ Sáu: thanh phù là “lão”. So sánh với các đối ứng prau, phau, khau (Mường), phlau (Hung, Sách), prao (Pọng), traou (Brou), tơ trou (Bahnar), prau (Stieng), trau (Mon), Gaston tái lập là *práu [1967: 53; TT Dương 2013b].
dt. sáu chục. Bề sáu mươi dư tám chín thu, lưng gày da sảy, tướng lù cù. (Ngôn chí 15.1).
sắc không 色空
dt. sắc và không là hai trạng thái của các vật nơi cõi trần: sắc là có hình tướng hiện ra thấy được; không là không hình tướng, không thấy được. Sắc và không ấy là nói tương đối với con mắt phàm của chúng ta: có hình tướng mà mắt thấy được gọi là sắc, còn mắt phàm không thấy gì cả thì gọi là không. Kinh bát nhã của Phật giáo có câu: sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc. (sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc). Theo quan niệm về nhân sinh của Phật giáo, muôn vật do sự biến đổi mà sinh ra, vốn không có thiệt. Thân thể của chúng ta hay của vạn vật là sắc, chỉ có tạm trong một thời gian sống, sau đó chết đi, xác thân rã tan biến trở lại thành không. Rồi từ chỗ không lại biến hoá thành hình tướng tức là sắc. Ai nhận biết được chân lý sắc không này thì không còn chấp cái sắc tướng, tức là chấp cái xác thân nơi cõi trần, thì người đó dứt được phiền não. Chiều mai nở chiều hôm rụng, sự lạ cho hay tuyệt sắc không. (Mộc cận 237.4). “sự lạ cho hay tuyệt sắc không, là một lời phát biểu điều tác giả tâm đắc về một chân lý của Phật mới được đốn ngộ. sự lạ là tiếng than khi nhận biết, đắc ngộ được một điều gì. Chiều mai nở chiều hôm rụng của bông hoa được tác giả nhận biết làm cho tác giả lĩnh hội được thuyết sắc không. Hoa sớm nở tối tàn, thì có bao giờ, có giây phút nào cái hoa thực sự được tồn tại ? như trên đã nói mọi vật đều là biểu hiện của tâm, cho nên là hư ảo và vô thường. Như vậy cũng có nghĩa là mọi vật luôn luôn trong sự biến hoá, luôn luôn đang sinh và luôn luôn đang diệt. Và, từ đó mà cũng là hư ảo, là không. Cho hay tuyệt sắc không, có nghĩa: mới biết tất thảy mọi vật trên thế gian xem như có dáng sắc thật đó mà kỳ thực chỉ là hư không. Kết quả vô minh không còn, vì lòng khát khao, tham luyến cũng dứt. Việc làm bây giờ không tạo được quản, thì quả của nghiệp trước được chồng chất phải hết, như vậy là thoát khỏi luân hồi, sinh tử đạt tới niết bàn.” [NN Luân 1992: 40].
nhẫn 忍
tt. nỡ, làm việc bất thiện mà không mảy may lo sợ, không chút từ tâm. Dắng dỏi bên tai tiếng quản huyền, Lòng xuân nhẫn động ắt khôn thìn. (Tích cảnh thi 201.2).