Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ or Hán-Nôm:

Entry Hoàng Câm
Hoàng Câm 黃金
dt. tức Hoàng kim đài 黃金臺, cũng gọi Chiêu Hiền Đài 招賢台, nằm ở hương Cao Lý, huyện Định Hưng 定興. Đài do Yên Chiêu Vương 燕昭王 (311- 279 tcn) đời Chiến Quốc dựng lên để Chiêu Hiền Đài sĩ trong thiên hạ. Đương thời gọi là Trúc Đài 筑台. Tên Hoàng kim đài là do người đời sau đặt. Chiến Quốc Sách phần Yên sách nhất ghi: Yên Chiêu Vương muốn tìm người tài để trị quốc an bang, nhưng tìm mãi không được nên rất buồn lo. Sau, Quách Ngỗi 郭隗 kể cho vua một câu chuyện. Chuyện rằng: có vị vua muốn xuất hai ngàn lạng vàng để mua một con thiên lý mã, nhưng ba tháng sau mới tìm được, nhưng khi mang tiền đến nơi thì ngựa cũng đã chết mất, người được phái đi mua vẫn mua ngựa chết ấy đem về. Nhà vua tức giận nói: ta muốn ngựa sống, sao lại tốn tiền mua ngựa chết về làm gì? người kia mới trả lời: ‘ngài bỏ ra năm trăm lạng vàng để mua một con ngựa chết, huống hồ là ngựa sống’. Quả nhiên, mấy ngày sau, người ta nghe tin đồn, liền đem đến ba con thiên lý mã. Quách Ngỗi kể xong mới nói: ‘nhà vua muốn chiêu hiền, thì trước tiên phải chiêu nạp Quách Ngỗi này trước, tài hèn sức mọn như thần mà còn được dùng, thì người tài trong thiên hạ sẽ ùn ùn kéo đến.’ Yên Chiêu Vương theo lời, bái Quách Ngỗi làm thày, lại dựng riêng cung điện cho ngỗi. Từ đó mới có cảnh 士爭凑燕 sĩ tranh thấu yên (kẻ sĩ tranh nhau tụ về yên), nước yên vời được nhiều hiền sĩ trong thiên hạ như: Nhạc Nghị 樂毅, Trâu Diễn 鄒衍,… dần dần trở thành một cường quốc. Lều tiện qua ngày yên thửa phận, đài cao chẳng lọ đắp Hoàng Câm. (Tự thuật 119.8).